Bom hạt nhân và kinh tế : Hai ưu tiên của Kim Jong Un

    0
    884
    Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un và vợ, bà Ri Sol Ju, tại buổi khai trương khu giải trí Rungna, Bình Nhưỡng, 25/7/2012.REUTERS/KCNA/Files
    RFI

    Khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên tiếp tục thu hút chú ý . Tựa trang nhất Le Monde : « Cộng đồng quốc tế bất lực trước thách thức hạt nhân Kim Jong Un ». Les Echos : « Đối diện với Bắc Triều Tiên, các đại cường mỗi người một phách ». Le Figaro phân tích phản ứng nước đôi của Trung Quốc.

    Libération ghi nhận đòi hỏi phát triển vũ khí hạt nhân tại Hàn Quốc để tự vệ. La Croix có bài về Bắc Triều Tiên như « một thế lực hạt nhân mới » và cách đối phó. Trước hết xin giới thiệu bài « Bom và kinh tế, hai ưu tiên của Kim Jong Un » của Le Monde.

    Nhà báo Philippe Pons mở đầu bài viết với nhận định : Không thiếu những bình phẩm, như « kẻ bệnh hoạn » hay « cậu nhỏ mũm mĩm ấm đầu », đã được dành cho lãnh đạo Bắc Triều Tiên, lâu nay. Có thể thấy người ta đã « đánh giá thấp » nhân vật 33 tuổi này, nếu so sánh với thực tế hiện nay là Bắc Triều Tiên đang trở thành một cường quốc nguyên tử mới, thách thức không chỉ Hoa Kỳ, mà cả Trung Quốc.

    Bài viết điểm lại con đường chính trị của Kim Jong Un, vốn chỉ được coi là một kẻ « thiếu kinh nghiệm », khi được chỉ định kế tục người cha quá cố tiếp nối quyền lãnh đạo, hồi 2011, cho đến chỗ thâu tóm toàn bộ quyền lực.

    Kim Jong Un tỏ ra « quyết đoán hơn » những gì người ta từng dự đoán, với việc thanh trừng hàng loạt những ai không trung thành (trong đó phải kể đến người chú dượng Jang Song Taek, vốn được coi là quân sư số một). Lãnh đạo trẻ Bắc Triều Tiên giao phó công việc cho một nhóm cận thần trạc tuổi 40 và một số người thuộc thế hệ cũ, nhưng tự bản thân nắm quyền quyết định.

    Trong lĩnh vực hạt nhân, chủ trương của lãnh đạo Bình Nhưỡng là tiếp nối quan điểm của các thế hệ trước : Đó là nỗ lực làm chủ vũ khí hạt nhân, « để một ngày nào đó, có thể thương lượng với Hoa Kỳ trên thế mạnh, nhằm giải quyết toàn diện vấn đề Triều Tiên », vốn vẫn trong tình trạng đình chiến, nhờ một thỏa thuận ngưng bắn cách nay 64 năm.

    Khăng khăng về hạt nhân, nhưng mềm dẻo về kinh tế

    Nhà báo Pháp nhấn mạnh là : « Từ chối mọi nhân nhượng trong vấn đề hạt nhân, Kim Jong Un lại tỏ ra mềm dẻo trong lĩnh vực ý thức hệ ». Kim Jong Un đã lấy bớt của quân đội một phần quyền lực kinh tế, vốn được giao phó rộng rãi dưới thời Kim Jong Il, tập trung quyền nhiều hơn cho đảng, và dành cho một nhóm những người điều hành trực tiếp, mà « đa số là các nhà kỹ trị », có nhiều thẩm quyền quyết định độc lập trong lĩnh vực kinh tế.

    Thành phố Bình Nhưỡng, với nhiều đại lộ mới, nhà chọc trời, công viên giải trí, cửa hàng, thậm chí cả tình trạng giao thông tắc nghẽn, cho thấy « sự chuyển đổi kinh tế và xã hội, dưới sự chỉ huy của chế độ, là không thể đảo ngược ». Cải cách đã cho phép ra đời một khu vực kinh tế hỗn hợp công – tư, với một số nhóm xã hội mới, như các nhà doanh nghiệp, nhà buôn, người môi giới, có liên hệ với « giới cầm quyền truyền thống », thông qua các thành phần được hưởng « bổng lộc ».

    Theo tác giả, tình thế của Bắc Triều Tiên hiện tại là rất mong manh như đi bên bờ vực thẳm (nguyên văn : « sur la corde raide »). Chế độ Bình Nhưỡng đang đối mặt với một nguy cơ khủng hoảng lương thực, do nạn hạn hán mùa hè vừa qua, và việc quốc tế gia tăng trừng phạt, khiến khả năng cất cánh kinh tế có thể bị triệt tiêu. Philippon Pons đặt câu hỏi : « Liệu chủ nghĩa dân tộc cuồng nhiệt… được duy trì từ nửa thế kỷ nay trong não trạng bị bao vây thường trực, và sự bảo đảm của chế độ – nhờ vũ khí hạt nhân răn đe – là dân chúng sẽ không bao giờ phải nếm trải những đau khổ do chiến tranh…, (các sức mạnh tinh thần đó – người viết) có đủ để một lần nữa huy động người Bắc Triều Tiên » đối mặt với các thách thức mới ?

    Mỹ và Trung Quốc : Hai thế lực nắm chìa khóa

    Trở lại với tình hình hiện tại của cuộc khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên, bài xã luận của Le Monde « Bình Nhưỡng khiêu khích Bắc Kinh và Washington » nhận xét : « Chỉ có một mặt trận thống nhất Trung-Mỹ mới có thể, nếu không cản trở được Bình Nhưỡng trang bị vũ khí hạt nhân, thì ít nhất cũng ngăn chặn được các hệ quả mang tính đảo lộn. Hai ông Trump và Tập là những người có trách nhiệm chính » trong vấn đề này.

    Trong khi đó, bài « Mỹ đòi ‘‘các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhất’’ tại Liên Hiệp Quốc » của Le Figaro ghi nhận khoảng cách lớn giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Trong lúc « Washington đòi hỏi Bình Nhưỡng phải lùi bước lập tức, Bắc Kinh vẫn duy trì quan điểm, vốn gần với lập trường của Bắc Triều Tiên », đó là cả hai miền Nam Bắc Triều Tiên, đều cần nhân nhượng, Hoa Kỳ phải ngưng các cuộc tập trận với Hàn Quốc, điều mà Washington không chấp nhận. Quan điểm của Mỹ được các đồng minh Anh, Pháp, Nhật và Hàn Quốc ủng hộ.

    Tuy nhiên, Le Figaro nhận xét : việc Bình Nhưỡng gia tăng nỗ lực sở hữu vũ khí hạt nhân, và các tuyên bố đe dọa mang lại ấn tượng Bắc Triều Tiên đang muốn « chiến tranh bằng mọi giá», theo đại diện của Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc. Đối diện với các lên án đồng loạt của quốc tế, tình trạng của Trung Quốc hiện nay có thể nói như « đi trên dây ».

    Đồng minh duy nhất mà Bắc Kinh có thể nương tựa là Nga, vốn bác bỏ việc sử dụng sức mạnh. Tuy nhiên, theo Le Figaro, tuy « Matxcơva khẩn thiết kêu gọi mở thương lượng với chế độ Staline duy nhất còn lại của hành tinh, nhưng lại không thực sự đứng ra đảm nhiệm vai trò trung gian… giữa một bên là Bắc Triều Tiên và bên kia là phương Tây, hiện đã gần hết kiên nhẫn ».

    Trung Quốc « đi dây » được đến khi nào ?

    Thế đi dây của Trung Quốc thể hiện rõ qua tình trạng buôn bán bê trễ ở khu vực biên giới với Bắc Triều Tiên, được Le Figaro mô tả qua bài phóng sự tả về « các chợ ma » đường biên. Sau các quyết định cấm vận nhập khẩu quặng than, sắt và chì, đặc biệt là cấm nhập hải sản từ Bắc Triều Tiên, mà Bắc Kinh chấp nhận thi hành theo nghị quyết của Hội Đồng Bảo An, đời sống của hàng trăm nghìn dân cư biên giới Trung Quốc lao đao.

    Tại thị trấn Hunchun, hàng chục nghìn doanh nhân đã xuống đường biểu tình, một « phản ứng vô cùng hiếm hoi » trong giới chủ Trung Quốc. Theo các nhân chứng tại chỗ, đây là « lần đầu tiên » Trung Quốc áp dụng một trừng phạt nghiêm ngặt đến như vậy, đối với buôn bán qua biên giới. Hiện tại, chính quyền Trung Quốc nhắm mắt làm ngơ trước các phản ứng của cư dân địa phương.

    Câu hỏi mà Le Figaro đặt ra là : Liệu Bắc Kinh có thể tuân thủ các lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc đến khi nào ? Theo nhà nghiên cứu Philippe Le Corre, trường Harvard Kennedy School, vùng biên giới đông bắc Trung Quốc là nơi sinh sống của khoảng 3 triệu người Hoa gốc Triều Tiên, một cuộc khủng hoảng bùng lên tại đây là rất bất lợi cho ông Tập Cận Bình, hiện đang chuẩn bị cho cuộc Đại hội mang tính chiến lược vào tháng 10.

    Trong khi đó, theo nhiều chuyên gia, vấn đề cốt lõi là Trung Quốc cần « cấm vận dầu lửa » đối với Bắc Triều Tiên, mới có cơ may thực sự buộc Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng. Lập trường nước đôi của Trung Quốc rõ ràng ngày càng trở nên mỏng manh hơn, trước áp lực quốc tế đòi hỏi trừng phạt mạnh tay hơn.

    Hàn Quốc : Bình Nhưỡng đã « vượt lằn ranh đỏ »

    Về phía bán đảo Triều Tiên, tại Hàn Quốc, theo Libération, không khí căng thẳng dâng cao khiến phe chủ chiến ngày càng có cớ để lên tiếng buộc tổng thống Moon Jae In từ bỏ « chính sách hòa bình ».

    Theo Libération, hôm qua, bộ trưởng Quốc Phòng Hàn Quốc tuyên bố Bình Nhưỡng đã làm chủ được công nghệ thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để trang bị cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Đối với Hàn Quốc, đây chính là « lằn ranh đỏ » mà Bắc Triều Tiên không được phép vượt qua, như tuyên bố của tổng thống Hàn Quốc hồi tháng 5/2017.

    Miền Bắc thử bom, chứng khoán miền Nam không giảm

    Về chính trị, tình hình trên bán đảo Triều Tiên hết sức căng thẳng. Tuy nhiên, trong lĩnh vực kinh tế, hoạt động làm ăn tại Hàn Quốc dường như vẫn diễn ra bình thường. Theo Les Echos, bất chấp các vụ thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên, chứng khoán Hàn Quốc, kể từ đầu năm đến nay vẫn tăng 15%.

    Bài « Chứng khoán Seoul kháng cự lại các vụ thử hạt nhân Bắc Hàn » nhấn mạnh đến nguyên do sâu xa của xu thế bình ổn này là do kinh tế châu Á nói chung hoạt động tốt, và tình hình Hàn Quốc được cải thiện nhiều sau khi tổng thống Moon Jae In đắc cử tháng 5/2017, với chính sách tích cực như giảm thuế cho tầng lớp trung lưu, tăng lương tối thiểu, hay hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

    Tình trạng tuyệt vọng của người Rohingyas ở Miến Điện

    Trong bối cảnh khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên bao trùm thời sự quốc tế, Libération chú ý đến làn sóng tị nạn của người Rohingya ở bang Rakhine, miền tây Miến Điện, tràn sang Banladesh, do sợ bị tàn sát. Theo Liên Hiệp Quốc, trong vòng 10 ngày gần đây, đã có gần 90.000 người tị nạn.

    Theo các nhân viên Liên Hiệp Quốc tại Rakhine, tình trạng nhân đạo ở đây là thê thảm, toàn bộ các trợ giúp thực phẩm đã bị đình chỉ kể từ khi xung đột bùng nổ, ảnh hưởng đến đời sống của khoảng 250.000 cư dân. Một số tổ chức phi chính phủ cho biết đã phải rời bỏ các trạm y tế địa phương, khiến các bệnh nhân Sida và ung bướu bị bỏ mặc.

    Tình hình tại vùng biên giới Miến Điện, Bangladesh rất căng thẳng. Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền lên án « chính sách reo rắc hoảng sợ một cách có hệ thống » của chính quyền Miến Điện đối với cộng đồng Rohingya. Trong khi đó, chính quyền Miến Điện, của « thủ tướng nắm quyền thực sự » Aung San Suu Kyi (giải Nobel Hòa bình và nguyên lãnh đạo dân chủ đối lập), thậm chí còn cáo buộc các nhân viên nhân đạo Liên Hiệp Quốc hỗ trợ khủng bố tại một địa phương.

    Libération nhấn mạnh đến một nghịch lý tại quốc gia Đông Nam Á này. Đó là kể từ cuộc chuyển đổi sang dân chủ, khởi đầu từ năm 2011. Việc mở cửa tại đất nước này gắn liền với tiến trình tự do hóa xã hội, nhưng đồng thời các xu thế dân tộc chủ nghĩa, kỳ thị chủng tộc có điều kiện trỗi dậy mạnh mẽ. Trong đất nước Miến Điện mới này, người Rohingya « không được khoan dung ».

    Trang nhất các báo

    Về trang nhất của các nhật báo Pháp, trong lúc Le Monde tập trung vào cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên, Le Figaro chú ý đến vấn đề nhập cư bất hợp pháp với tựa lớn : « Nước Pháp muốn tạo điều kiện cho việc trục xuất dễ dàng hơn người nhập cư lậu », và cho biết bộ trưởng Nội Vụ đã hứa hẹn sẽ có phương tiện và một cải cách về pháp lý. Tờ báo thiên hữu hoan nghênh chủ trương này, đồng thời nêu con số năm 2016, chỉ có 13.000 trong số 91.000 người nhập cư lậu bị giữ, là đã rời khỏi lãnh thổ.

    Libération thì chú ý đến chủ đề « Làm thế nào Maroc có thể có gián điệp tại Pháp ». Phóng sự của Libération nói về một sĩ quan cảnh sát biên giới đường không tại sân bay Orly, ngoại ô Paris, bị nghi ngờ chuyển giao bất hợp pháp cho một nhân viên Maroc, các tài liệu mật của cảnh sát Pháp, đặc biệt là về những người nằm trong danh sách « S », tức bị coi là nguy hiểm cho an ninh quốc gia.

    Tờ báo kinh tế Les Echos, về phần mình, phấn khởi với việc hãng hàng không Air-France KLM bước sang giai đoạn « phục sinh », với việc tuyệt đại đa số cổ đông chấp nhận cho hai công ty tham gia cổ phần, là Delta và Chinaeastern (mỗi công ty với số vốn không vượt quá 10%). Vấn đề mà Air-France-KLM phải khắc phục là khoảng cách cạnh tranh về giá cả. Việc hãng cho ra đời công ty bay giá rẻ JOON mới đây là với mục tiêu này. Tuy nhiên, vấn đề chính của hãng hiện nay là gánh nặng thuế.

    Báo La Croix chú ý đến tình trạng người dân bang Texas, Hoa Kỳ, vất vả khắc phục thảm họa do siêu bão Harvey, trước hết là nạn ô nhiễm. « Trả giá đắt nhất » là các cư dân ở những khu khố nghèo của thành phố Houston, các khu nhà giá rẻ của họ được xây tại những vùng dễ bị ngập lụt. Le Monde dẫn lại thông tin từ thống đốc Texas, thiệt hại ước tính từ 150 đến 180 tỉ đô la, gấp khoảng 20 lần so với số tiền mà tổng thống Trump vừa đề nghị Quốc Hội thông qua, để tái thiết.