Báo cáo nhân quyền của Mỹ mới được công bố cho biết người dân Việt Nam không có tự do để bầu chọn ra chính phủ mà họ mong muốn cũng như bị hạn chế tham gia chính trị, trong số nhiều vấn đề nhân quyền nghiêm trọng khác – từ việc “sát hại phi pháp bởi chính phủ” cho đến thiếu tự do ngôn luận và hội họp
Phúc trình của Bộ Ngoại giao Mỹ được Ngoại trưởng Antony Blinken công bố hôm 30/3 về tình hình nhân quyền của gần 200 nước trên thế giới, là những quốc gia đang nhận viện trợ của Mỹ và là thành viên của Liên Hợp Quốc. Bộ Ngoại giao Mỹ hàng năm báo cáo về tình hình nhân quyền ở các nước này lên Quốc hội Hoa Kỳ theo quy định của Đạo luật Hỗ trợ Nước ngoài 1961 và Đạo luật Thương mại 1974.
Sau 4 năm cầm quyền của Tổng thống Donald Trump, người được cho là không chú trọng tới nhân quyền trong quan hệ với các nước trên thế giới, vấn đề này giờ đây được đặt lên hàng đầu và là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Phúc trình thường niên thứ 45 vừa được BNG Mỹ đưa ra cho rằng nhân quyền trên toàn cầu đang sa sút.Người dân Việt Nam “không có khả năng thay đổi chính phủ một cách ôn hoà thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng” trong đó đảm bảo quyền tự do ngôn luận và ý chí của người dân.Báo cáo nhân quyền 2020 của Bộ Ngoại giao Mỹ
Trong báo cáo chi tiết dài 50 trang về Việt Nam, quốc gia đã nhận hàng trăm triệu đô la viện trợ từ Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định rằng Việt Nam là nước độc tài dưới sự cai trị duy nhất của Đảng Cộng sản và có nhiều vấn đề nhân quyền “đáng lưu ý.”
Báo cáo giành riêng một phần nói về mức độ tự do tham gia quá trình chính trị ở Việt Nam. Theo nhận định của BNG Mỹ, người dân Việt Nam “không có khả năng thay đổi chính phủ một cách ôn hoà thông qua các cuộc bầu cử tự do và công bằng” trong đó đảm bảo quyền tự do ngôn luận và ý chí của người dân.
Mặc dù luật pháp cho người dân khả năng bầu trực tiếp đại diện của họ tại Quốc hội, hội đồng nhân dân và các cơ quan nhà nước khác, nhưng các quy định của hiến pháp và pháp luật đã “thiết lập sự độc quyền về quyền lực chính trị cho Đảng Cộng sản (ĐCS) Việt Nam và Đảng giám sát tất cả các cuộc bầu cử,” theo báo cáo của BNG Mỹ.
Tuy nhiên, Đại hội Đảng lần thứ 13 mới kết thúc hôm 1/2 vừa qua, trong đó ông Nguyễn Phú Trọng được bầu chọn làm tổng bí thư nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp dù quá giới hạn tuổi và quá 2 nhiệm kỳ cho phép, được truyền thông chính thống ca ngợi là đã “thể hiện ý Đảng lòng dân.”
‘Đảng cử, dân bầu’
Tiến sỹ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động dân chủ và từng tham gia ứng cử Đại biểu Quốc hội, cho rằng nhận định trong báo cáo của BNG Mỹ là “chính xác.”
“Nhận định này đã có từ nhiều chục năm nay (qua) cách nói là ‘Đảng cử dân bầu’ – tức là về hình thức có cuộc bầu cử nhưng mà chỉ bầu những người do Đảng đã chọn ra mà thôi,” TS Quang A nói. “Thực sự là không có bầu cử tự do, công bằng và minh bạch.”
Đưa ra ví dụ về kỳ bầu cử Quốc hội Việt Nam vào năm 2016, báo cáo cho biết dù có một số lượng nhất định các ứng cử viên do ĐCS chọn ra để tham gia tranh cử nhưng cuộc bầu cử này “không tự do và cũng không công bằng” bởi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) của ĐCS đã chọn ra tất cả các ứng cử viên thông qua một quy trình “không rõ ràng và nhiều giai đoạn.”
Các ứng viên của ĐCS đã giành được 475 trong số 496 ghế của Quốc hội tại kỳ bầu cử cách đây 5 năm và 21 người còn lại là các ứng cửa viên không phải là Đảng viên nhưng không có liên kết với bất kỳ đảng phái nào khác. Không có ứng viên từ một đảng phái nào khác ngoài ĐCS.
Báo cáo của BNG Mỹ cũng đề cập về những hạn chế đối với sự tham gia vào chính trường của người dân Việt Nam.’Đảng cử dân bầu’ – tức là về hình thức có cuộc bầu cử nhưng mà chỉ bầu những người do Đảng đã chọn ra mà thôi. Thực sự là không có bầu cử tự do, công bằng và minh bạch.TS Nguyễn Quang A, nhà hoạt động dân chủ từng tham gia ứng cử ĐBQH khoá 14
Theo luật của Việt Nam, công dân được quyền tự ứng cử Đại biểu Quốc hội và nộp đơn cho MTTQVN để được xem xét tham gia. Trong những tháng trước khi diễn ra kỳ bầu cử Quốc hội 2016, một liên minh không chính thức của các nhà cải cách pháp luật, học giả, nhà hoạt động và những người bảo vệ nhân quyền đã tìm cách đăng ký tự ứng cử với tư cách là những ứng viên “độc lập” không phải là Đảng viên. Khác với những ứng viên ‘cơ cấu’ của ĐCS, những ứng viên này tích cực quảng cáo cho các nghị trình chính sách của họ trên Facebook và mạng xã hội. Tuy nhiên, MTTQVN đã từ chối duyệt đơn ứng cử của những ứng viên độc lập này và, theo nhận định của báo cáo của BNG Mỹ, giới chức chính quyền đã “chỉ thị cho truyền thông chính thống chỉ trích” những ứng viên độc lập.
Theo truyền thông Việt Nam, chỉ có 2 ứng viên tự ứng cử được MTTQVN duyệt hồ sơ để tham gia bầu cử. Nhưng theo TS Quang A, đây là những “ứng cử viên tự do giả mạo.”
“Bởi vì cả hai người đó đều là đảng viên ĐCSVN mà ĐCS quy định rành rành bằng văn bản rằng đảng viên không được tự ứng cử cũng như không được nhận người khác đề cử mình nếu không có sự đồng ý của Đảng,” TS Quang A nói. “Nói cách khách (hai người này) đều đã được ĐCS đồng ý từ trước để cho họ làm ra vẻ ứng cử tự do. Năm năm trước chúng tôi đã chỉ ra đây là trò bịp bợp.”
Có hơn 160 người tự ứng cử ĐBQH năm 2016 và con số này giảm xuống còn 76 người tham gia ứng cử tự do trong năm nay.
Tuy nhiên, trong những tuần gần đây đã có hai người bị chính quyền bắt giam sau khi tuyên bố tự ứng cử đại biểu để tham gia Quốc hội khoá 15. Nhà báo công dân Lê Trọng Hùng, một thành viên của nhóm truyền thông mạng xã hội Chấn Hùng TV, bị chính quyền Hà Nội bắt giam hôm 27/3 sau khi nộp đơn xin làm ứng cử viên độc lập. Trước đó vào ngày 10/3, chính quyền tỉnh Ninh Bình bắt giam ông Trần Quốc Khánh không lâu sau khi ông bày tỏ ý định ra tranh cử với tư cách ứng cử viên độc lập. Cả hai người này bị cáo buộc tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm” nhằm chống phá nhà nước theo điều 117 Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Theo TS Quang A, đây là một điều luật “mù mờ” mà chính quyền dùng để bắt giam những người mà họ thấy là một mối nguy cho ĐCS.
“Tôi nghĩ đây là một dấu hiện hết sức đáng lo ngại và nghiêm trọng trong sự vi phạm hiến pháp của bản thân lực lượng an ninh ở Việt Nam,” TS Quang A nói, và cho rằng một người muốn truyền bá kiến thức cho người dân về hiến pháp và quyền hiến định của họ như ông Hùng thì đáng phải được nêu gương chứ không đáng bị bắt giam.
Tổ chức Ân xá quốc tế hôm 1/4 lên án việc Việt Nam đàn áp các ứng cử viên độc lập này và kêu gọi Hà Nội cho phép tiếng nói phản biện trong kỳ bầu cử Quốc hội sắp diễn ra vào ngày 23/5.
Ông Hùng, trước khi bị bắt, nói với VOA rằng những cam kết hay tuyên truyền của Việt Nam về cơ hội cho những “người tự ứng cử” hay “ứng cử viên tự do” thực ra là “mị dân” vì, theo ông, phần lớn những người mà họ gọi là “ứng cử tự do” cũng là những người trong tổ chức hội đoàn và được ĐCS lựa chọn. Ông cho rằng những ứng cử viên độc lập như ông thật sự “rất khó có cơ hội.”
Báo cáo của BNG Mỹ còn cho rằng các phong trào đối lập chính trị và những đảng phái chính trị khác được coi là phi pháp ở Việt Nam. Mặc dù hiến pháp quy định rằng “tất cả các tổ chức và thành viên của ĐCS hoạt động trong khuôn khổ của hiến pháp và luật pháp”, nhưng Bộ Chính trị của ĐCS trên thực tế là cơ quan đưa ra quyết định tối cáo trên toàn quốc, mặc dù về mặt nguyên tắc tổ chức này phải báo cáo với Uỷ ban Trung ương Đảng.Những cam kết hay tuyên truyền của Việt Nam về cơ hội cho những ‘người tự ứng cử’ hay ‘ứng cử viên tự do’ thực ra là ‘mị dân’… Những ứng cử viên độc lập rất khó có cơ hội.Lê Trọng Hùng, Nhà báo tự do ứng cử ĐBQH
Bộ Chính trị là nơi đề cử các chức danh lãnh đạo cao nhất cho các kỳ bầu cử Quốc hội, với lần bầu cử cho khoá 15 sắp diễn ra vào tháng sau, và theo quy định của Việt Nam, nhân sự của những lãnh đạo chủ chốt này, gồm “tứ trụ”, được coi là tuyệt mật và không được công khai cho công chúng biết.
Việc chính quyền “siết chặt đàn áp” có thể là nguyên nhân dẫn tới số lượng những người tham gia tự ứng cử ĐBQH trong năm nay giảm gần 100 so với cách đây 5 năm, theo TS Quang A. Tuy nhiên nhà hoạt động này cho rằng về lâu về dài nó vẫn sẽ không làm nhụt trí những người muốn thực hiện quyền hiến định của mình một cách ôn hoà.
‘Phi pháp, tuỳ tiện’
Trong số các vấn đề nhân quyền “đáng lưu ý” khác của Việt Nam được đề cập trong báo cáo của BNG Mỹ, vụ án Đồng Tâm, vụ tranh chấp đất đai giữa chính quyền và người dân với đỉnh điểm là cuộc đột kích đẫm máu của công an Hà Nội đầu năm ngoái khiến 4 người tử vong và dẫn đến 2 án tù chung thân trong số 29 người dân làng bị đưa ra xét xử trước vành móng ngựa, được nhắc đến nhiều khi liên quan đến những quan ngại, từ xét xử cho đến tự do ngôn luận. Đây là một ví dụ mà báo cáo của BNG Mỹ đưa ra để chứng minh cho nhận định về “sự sát hại phi pháp và tuỳ tiện bởi chính phủ” Việt Nam, trong vụ án mà thủ lĩnh tinh thần của làng Đồng Tâm, ông Lê Đình Kình bị công an bắn chết và vụ việc bị Mỹ và các chính phủ phương Tây cùng các tổ chức nhân quyền quốc tế chỉ trích.
Cũng trong bản báo cáo này, BNG Mỹ xác nhận lại nhận định của Uỷ ban Chống Tra tấn và Uỷ ban Nhân quyền LHQ về tình trạng bao che ở mức độ nghiêm trọng trong nội bộ lực lượng công an, an ninh Việt Nam.Cam kết đối với những quyền không thể bị tước bỏ là nền tảng cho chính sách đối ngoại của chúng tôi.Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội
Bản báo cáo còn cho thấy mối quan ngại của Mỹ về tình trạng cơ quan tư pháp Việt Nam hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của ĐCS thông qua Bộ Công an và cho rằng những phiên toà ở đây mang tính chính trị, với ví dụ là phiên xét xử người dân làng Đồng Tâm khi các luật sư bị ngăn cản tiếp xúc và trao đổi với thân chủ của mình bất chấp nhiều lần yêu cầu toà cho phép. Vấn nạn cướp đất bằng bạo lực mà không có bồi thường thoả đáng đã khơi dậy lên nhiều cuộc phản kháng bởi người dân ở Việt Nam, có trường hợp dẫn tới thương vong cho người của chính quyền lẫn người dân, theo báo cáo.
Điều kiện tồi tệ trong nhà tù, bao gồm khẩu phần ăn hạn chế và kém chất lượng cũng như thiếu chăm sóc y tế và thậm chí ngăn cấm thân nhân gửi thuốc trị bệnh cho các tù nhân cũng được nhấn mạnh trong báo cáo. Một vấn nạn khác, theo báo cáo, là sự thiếu vắng hoàn toàn hệ thống thanh tra nhà tù có thẩm quyền độc lập để tù nhân có thể nộp đơn khiếu nại. Báo cáo này cũng nhắc đến tình trạng bắt giam tuỳ tiện hay việc chính quyền ngăn cản quyền tự do đi lại hoặc tuỳ tiện câu lưu nhiều nhà hoạt động tôn giáo và chính trị.
Theo nhận định của Báo cáo Nhân quyền 2020 của Mỹ, các điều luật “mơ hồ” thường xuyên được nhà nước Việt Nam sử dụng để bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.
Việt Nam thời gian qua dù đã có những cải cách kinh tế sâu rộng và ngày càng cởi mở hơn với những thay đổi xã hội, nhưng theo nhận định của các tổ chức nhân quyền quốc tế, Đảng Cộng sản cầm quyền vẫn kiểm duyệt chặt chẽ các phương tiện truyền thông và gần như không chấp nhận bị chỉ trích. Với tình trạng tăng cường đàn áp người bất đồng chính kiến, số lượng tù nhân chính trị tại Việt Nam đã gia tăng kỷ lục trong những năm gần đây, với những án tù nặng nề hơn và các nhà hoạt động bị quấy rối nhiều hơn.
Người phát ngôn BNG Việt Nam luôn bác bỏ các cáo buộc về thiếu tự do cũng như đàn áp giới bất đồng chính kiến của các tổ chức nhân quyền quốc tế và nhiều lần khẳng định rằng quyền con người luôn được tôn trọng ở Việt Nam.
Hà Nội chưa đưa ra bất kỳ phản ứng nào trước Báo cáo Nhân quyền 2020 mới được công bố của BNG Mỹ.
Trong thông báo về việc công bố báo cáo này, Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội khẳng định rằng “cam kết đối với những quyền không thể bị tước bỏ là nền tảng cho chính sách đối ngoại của chúng tôi.”