Bài phát biểu mờ ám của Pompeo về chính sách đối ngoại trống rỗng của Trump

0
81

Người Thông Dịch

Robin Wright, ngày 26 tháng 8 năm 2020

Translated from A Dubious Pompeo Speech for an Empty Trump Policy

Chính sách đối ngoại của Trump đã bị chỉ trích gay gắt bởi những đảng viên Đảng Cộng hòa khác. Điển hình là bản tuyên cáo nghiêm khắc gần đây của 75 quan chức cao cấp của Đảng Cộng Hòa trong bốn nhiệm kỳ tổng thống vừa qua.

Vào đêm thứ hai của Đại hội quốc gia Đảng Cộng hòa, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo, người mà ai ở bang Washington cũng biết vì tham vọng của ông với ghế Tổng thống, đã phá vỡ tiền lệ ngoại giao lâu đời để phát biểu ca ngợi những “sáng kiến táo bạo” của Tổng thống Donald Trump ở “hầu như mọi nơi trên thế giới”. Trong một chuyến đi xuyên Trung Đông tài trợ bởi tiền thuế của dân, đứng trên sân thượng của một khách sạn tại Jerusalem, Ngoại trưởng Pompeo đã ca ngợi Tổng thống đã lật tẩy “những đe dọa và hung hăng” của Trung Quốc, đưa Triều Tiên vào đàm phán, rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, và gần đây nhất – thoả thuận bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Israel và UAE. Song điều đáng chú ý nhất về bài phát biểu cứng nhắc và thiếu thông tin này, lại là về những gì Tổng thống Trump chưa làm trong 4 năm qua – và những hậu quả của chúng. 

Trump đã hủy hoại danh tiếng của Mỹ trên toàn cầu. Ông ấy không muốn có xung đột với những nhà độc tài hoặc các cường quốc cạnh tranh với Mỹ. Thêm vào đó, Trump không có những chính sách cụ thể cho các vấn đề hiện tại. Nước Mỹ năm 2020 không còn là một cường quốc như xưa nữa. 

Chính sách đối ngoại của Trump đã bị chỉ trích gay gắt bởi những đảng viên Đảng Cộng hòa khác. Điển hình là bản tuyên cáo nghiêm khắc gần đây của 75 quan chức cao cấp của Đảng Cộng Hòa trong bốn nhiệm kỳ tổng thống vừa qua. Richard Armitage, một trong những người ký tên vào tuyên cáo, nguyên Phó ngoại trưởng dưới thời George W. Bush và trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Reagan, đã nói với tôi rằng: “Không có nghi ngờ gì về việc Tổng thống Trump đã hạ thấp địa vị của chúng ta trong mắt bạn và thù – họ đều khinh thường chúng ta. Vị trí toàn cầu của chúng ta chưa bao giờ thấp như hiện nay kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và có thể từ trước Đệ Nhị Thế Chiến… Thực tế là không ai quan tâm đến chúng ta. Họ quá mệt mỏi với chúng ta bởi vì ông Trump.”

Những cương lĩnh và chính sách lâu đời của Mỹ mà hai đảng Cộng hòa và Dân chủ cùng tán thành bao gồm thúc đẩy nền dân chủ, bảo vệ quyền công dân, kiểm soát xung đột, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, nhập cư và y tế công cộng – đã bị lờ đi hoặc bãi bỏ. Trong khi Pompeo phát biểu tại Jerusalem để thu hút nhóm tín đồ Phúc âm của Trump và đồng thời thúc đẩy tham vọng tổng thống của chính mình thì Alexey Navalny, lãnh đạo phe đối lập Nga, đang hôn mê do bị đầu độc. Tổng thống Trump vẫn yên lặng khi các bác sĩ người Đức kết luận rằng đó là một vụ đánh thuốc độc để ám sát Navalny. Trump cũng tránh trả lời những câu hỏi về các cuộc biểu tình liên tiếp tại Belarus phản đối Alexander Lukashenko, kẻ độc tài cuối cùng của châu Âu.

Trump cũng không có nhiều nỗ lực trong việc đối đầu với Tổng thống Nga Vladimir Putin về những vi phạm nghiêm trọng của ông ấy, bao gồm những lần Nga thưởng tiền cho nhóm quá khích Taliban để giết hại quân đội Mỹ tại Afghanistan. Trump gọi câu chuyện của New York Times là “một tin mạng lừa bịp và giả tạo” nhằm hủy hoại danh tiếng của ông. Tổng thống Putin ngày càng hung hăng và bành trướng sâu vào châu Âu, Trung Đông và châu Phi, nhưng Trump vẫn nuôi hy vọng hão huyền để kết bạn và cải tạo cựu sĩ quan tình báo K.G.B. Richard Burt, trưởng đoàn đàm phán Mỹ trong cuộc Đàm phán Cắt giảm Vũ khí Chiến lược với Liên Xô dưới thời George H. W. Bush, đã chia sẻ với tôi rằng: “Chính sách đối ngoại với Nga của Trump là một thất bại hoàn toàn. Putin đã đạt được tất cả những gì ông ta muốn.”

Trump cũng đã không giải quyết tốt với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nỗ lực của ông trong việc thiết lập mối quan hệ với đối thủ cạnh tranh kinh tế lớn nhất của Mỹ đã thất bại kể từ khi hai quốc gia này ký Giai đoạn I của thỏa thuận thương mại nhằm cắt giảm thuế quan vào đầu năm nay. Trump chia sẻ với Đài Fox Sports: “Tôi có quan hệ khá tốt đẹp với Chủ tịch Tập. Tôi quý ông ấy, nhưng giờ thì tôi không còn nữa.” Những lời này không hề hấn gì với ông Tập, và Chủ tịch Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng áp lực quân sự và kinh tế khắp châu Á. Vào mùa hè này, quân đội Trung Quốc đã chạm trán quân đội Ấn Độ, dẫn đến những căng thẳng nghiêm trọng nhất tại biên giới giữa hai nước trong nhiều thập kỷ. Thêm vào đó, Trung Quốc cũng đe dọa Đài Loan bằng các cuộc tập trận gần đó, đồng thời liên tục tranh chấp với Malaysia và Việt Nam ở Biển Đông. 

Không có sáng kiến ngoại giao nào trơ tráo hơn, và không có mối quan hệ nào kỳ lạ hơn quan hệ giữa Trump và Kim Jong Un. Mối quan hệ này đã có nhiều dao động thất thường, và cũng như nhiều quyết định ngoại giao khác của Trump, có lẽ phát xuất từ tính bốc đồng. Sau buổi họp đầu tiên của họ tại Singapore vào năm 2018, Trump chia sẻ trong một cuộc vận động tranh cử: “Chúng tôi thực sự rất thích nhau. Thực sự đấy, ông ấy viết cho tôi những lá thư tuyệt vời.” Tuy vậy, thỏa thuận với 4 điểm cơ bản mà họ đã ký lúc đó vẫn chưa đi đến đâu. Sau 2 năm và 2 hội nghị thượng đỉnh, hai quốc gia này thậm chí vẫn chưa định nghĩa được cụm từ “phi hạt nhân hóa”. Armitage cho biết: “Người Triều Tiên vẫn chưa làm gì ngoài gia tăng số kho hạt nhân của họ”. Triều Tiên hiện nay còn nguy hiểm hơn nhiều so với khi Trump mới nhậm chức. Trái với lời hứa, Bình Nhưỡng mới chỉ trả lại 55 hài cốt trong số hơn năm nghìn chiến binh Mỹ bị mất tích trong cuộc chiến tranh kết thúc vào năm 1953.

Trump thường có xu hướng thích làm bạn với các kẻ độc tài, ngoài Putin, Tập, và Kim, hơn là các nhà lãnh đạo đồng minh của mình. Trump đã từng coi Abdel Fattah el-Sisi, Tổng thống Ai Cập; Mohammed bin Salman, thái tử Arab Saudi, người liên quan đến vụ ám sát nhà báo bất đồng chính kiến Jamal Khashoggi, như những người bạn tốt. Trong khi đó, ông đã đăng một tweet rằng Justin Trudeau, Thủ tướng Canada, là “một người không thật thà và yếu ớt”, và đồng thời công khai bêu xấu Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về vụ việc thăm dò dư luận thấp của ông này. John Bolton, cựu cố vấn an ninh quốc gia cho biết rằng Tổng thống Trump đã miêu tả Liên minh châu Âu là “tồi tệ hơn cả Trung Quốc, chỉ có điều nhỏ hơn.” CNN cho biết vào tháng 6 rằng Trump đã tỏ ra đê tiện đến độ có thể coi là tàn nhẫn, trong những cuộc gọi với những nhà lãnh đạo nữ. Trong một cuộc gọi với Thủ tướng Đức Angela Merkel, ông ấy bị cáo buộc là đã gọi bà thủ tướng “ngu ngốc” và có ngụ ý rằng bà ấy đang “bị Nga giật dây”.

Sự bế tắc trong chính sách của Trump với Iran đã đem lại cái giá rất lớn đối với các liên minh của Mỹ và những nỗ lực trong tương lai nhằm ngăn chặn phát triển vũ khí hạt nhân. Vào năm 2018, quyết định từ bỏ thỏa thuận hạt nhân của Trump, được sáu cường quốc lớn trên thế giới làm trung gian và được Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc nhất trí, đã không đưa chế độ thần quyền trở lại bàn đàm phán. Tehran đã đáp trả bằng cách vi phạm các cam kết trong hiệp định đến năm lần để minh họa cho cái giá phải trả của việc gây sức ép lên Iran. Thất bại về đàm phán ngoại giao đang dẫn đến nguy cơ chiến tranh hạt nhân.

Chính sách đơn phương của Trump đối với Iran không những mang tầm ảnh hưởng sâu sắc nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II mà còn làm rạn nứt các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, đồng thời cô lập nước Mỹ trên bàn cờ quân sự. Ngày 14 tháng 8, đề xuất của Trump về việc gia hạn vô thời hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với các nước Cộng hòa Hồi giáo này đã bị Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bác bỏ hoàn toàn. Trong số 15 thành viên luân phiên, chỉ có một quốc gia bỏ phiếu cho Washington. 11 quốc gia, bao gồm cả các đồng minh thân cận của châu Âu, đã bỏ phiếu trắng. Chính phủ Trump đã phản đối bằng cách viện dẫn cái gọi là các biện pháp trừng phạt phản hồi đối với Iran – một trong những điều khoản của thỏa thuận hạt nhân mà họ đã từ bỏ và tuyên bố ngừng tham gia. 

Trong một buổi phỏng vấn với một số nhà báo vào tuần trước, một quan chức cao cấp của châu Âu bày tỏ sự lo ngại về những tác động tiêu cực của chính sách này đối với địa vị của nước Mỹ trên toàn cầu: “Nó hoàn toàn không giải quyết được vấn đề đương thời. Nó cũng không tồn tại trong thế giới thực, ngoài một thế giới pháp lý song song mà Hoa Kỳ đã tạo ra. Mặt khác, nó nhấn mạnh sự cô lập của Hoa Kỳ, và chúng tôi nghĩ đó là một điều không tốt. 

Quyết định xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran của Trump là một trong ít nhất tám hiệp ước hoặc thể chế toàn cầu ông đã từ bỏ. Chính quyền của ông đã rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới, Hiệp định Khí hậu Paris, UNESCO và Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Đối tác xuyên Thái Bình Dương, Hiệp ước Bầu trời Mở cho phép trinh sát xác minh các hiệp ước vũ khí và Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung về vũ khí hạt nhân.

Một trong những mối lo ngại lớn nhất dưới thời Trump là các hiệp ước ngăn chặn chiến tranh hạt nhân. Burt, người cũng đã ký lá thư của Đảng Cộng hòa, nói với tôi: “Ông Trump tự xưng là Bậc thầy Thương lượng, và hãy xem những gì ông ấy đã làm trong việc kiểm soát vũ khí. Trong cuộc trò chuyện đầu tiên với Putin sau khi nhậm chức, Putin đã đề nghị gia hạn thỏa thuận Khởi đầu Mới (New START) thêm 5 năm. Trump đã phải che điện thoại và hỏi Michael Flynn,cố vấn an ninh quốc gia của ông ấy hồi đó, Khởi đầu Mới là gì.” Thỏa thuận — viết tắt của Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới — là một phiên bản cập nhật của quy trình do Chính quyền Reagan bắt đầu nhằm giảm quy mô của các kho vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Hoa Kỳ và Nga và sao cho có thể kiểm chứng được độ giảm này. Burt nói rằng gia hạn hiệp định sẽ có lợi cho Mỹ; nhưng Trump đã bác bỏ sự lấn lướt của Putin. “Quyền kiểm soát vũ khí mà Mỹ và Nga đã xác định trong hơn nửa thế kỷ đang có nguy cơ sụp đổ. Kể từ năm 1972, dưới thời Richard Nixon, chúng tôi đã có được sự minh bạch và khả năng dự đoán về hai kho vũ khí hạt nhân lớn nhất hành tinh. Bây giờ điều đó đang cận kề thất bại dưới thời Trump ”.

Trong bài phát biểu trước hội nghị hôm thứ Ba, Pompeo nhấn mạnh Hiệp định Abraham mới đã công bố mối quan hệ ngoại giao giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, một trong số ít kết quả rõ ràng từ kế hoạch hòa bình Trung Đông của Trump. Trong số 22 thành viên của Liên đoàn Ả Rập, giờ chỉ còn 19 thành viên.

Chính phủ của Trump có thể tuyên bố một cách chính đáng rằng họ đã làm cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo lũng đoạn và tiêu diệt thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi vào năm ngoái, mặc dù hai việc này đều do Chính phủ của Obama phát động. Tuy nhiên, một báo cáo của Lầu Năm Góc năm nay đã kết luận rằng cái chết của thủ lĩnh ISIS không hề làm suy giảm khả năng hay sự kết hợp của phong trào thánh chiến.

Có lẽ hơn bất kỳ vấn đề nào, sự nông cạn trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ dưới thời Trump đã được phóng đại bởi phong cách lãnh đạo của ông trong đại dịch Covid-19. Theo khảo sát của tạp chí Foreign Policy, so với việc xử lý chống dịch của 36 quốc gia lớn thì cách của Trump là tệ nhất. Hoa Kỳ được liệt vào sáu quốc gia có “thành tích” tồi tệ nhất – cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Mexico và Indonesia. Hoa Kỳ đứng chót bảng trong hạng mục “truyền thông dựa trên thực tế”. Cuộc khảo sát đặc biệt trích dẫn lời Tổng thống tuyên bố vào ngày 4 tháng 7, rằng 99% tất cả các trường hợp nhiễm COVID-19 virus là “vô hại”. Cho đến nay, gần 180,000 người Mỹ đã chết vì nó. Foreign Policy đã trích dẫn Trump vì đã “khuếch trương thông tin sai lệch và các thuyết âm mưu về virus”.

Bài phát biểu sáo rỗng của Pompeo đã gây tranh cãi trước cả khi nó được phát biểu; bởi lẽ theo Đạo luật Hatch, viên chức chính phủ bị cấm tham gia vào các hoạt động chính trị khi đang thi hành công vụ. Vào hôm thứ Ba, Đại diện Joaquin Castro, đảng viên Dân chủ Texas kiêm người đứng đầu Ủy ban Giám sát Hạ viện, đã thông báo rằng ông đang mở một cuộc điều tra về bài phát biểu của Pompeo vì việc này có thể vi phạm Đạo luật Hatch và các quy tắc của Bộ Ngoại giao. Mới tháng trước, Pompeo đã đưa ra một bản thông báo khuyến cáo tất cả nhân viên Bộ Ngoại giao không nên tham gia vào chính trị đảng phái. Bài phát biểu này có thể để lại dư âm lâu dài và trong tương lai gần, các cử tri có thể phải quyết định liệu Pompeo có làm tốt hơn Trump trong việc khẳng định vị trí của Mỹ trên thế giới hay không.

Dịch bởi: Nhi Nguyen và Duy Minh

Biên tập: Paul Nguyễn

Nguồn : https://www.the-interpreter.org/post/bai-phat-bieu-mo-am-cua-pompeo

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here