BÀ CON XA (Part II)

2
36
Orhan Pamuk
   
Nguyên tác: Orhan Pamuk
Bản dịch: Nguyễn Mạnh Hung
(LND: Orhan Pamuk là nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ đoạt giải thường Nobel văn chương năm 2006. Ông viết một cách trìu mến về thành phô Istanbul thân yêu của ông, về sự thay đổi xã hội vá sự căng thâng giữa văn hóa đông-tây trong tiến trình canh tân của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong số các tác phẩm nổi tiêng của ông có cuốn Tên Tôi là Đỏ (My Name is Red), Cuốn Sổ Đen (The Black Book) và Tuyết (Snow).
Truyện ngắn “Bà Con Xa,” nói về tình yêu, thân phận, bản sắc, quy ước xã hội, và sự phức tạp văn hóa trong một thành phố Istanbul đang chuyển mình Âu hóa, được chọn đăng trên tạp chí The New Yorker số ngày 7 tháng 9 năm 2009. Bản dịch từ tiếng Thổ sang tiếng Anh do Maureen Freely thực hiện).
. . . Trưa hôm sau, tôi trở lại tiệm Sanzelize mang theo cái ví để trong túi nhựa. Khi tôi bước vào trong tiệm thì chuông reo lên, nhưng vì trong tiệm tối quá nên tôi tưởng không có ai cả. Trong sự im lặng kỳ lạ của cái tiệm thiếu ánh đèn, con chim hoàng yến hót lên mấy tiếng chik-chik-chik. Tôi thấy bóng của Fusun qua cái bình phong, giữa chùm lá của môt chậu hoa anh thảo. Nàng đang phục vụ một bà khách to béo đang thử quần áo trong phòng thử. Lần này, nàng mặc một cái áo choàng dễ thương có in hình lan dạ hương quấn vào lá và hoa dại. Nàng cười nhẹ nhàng khi nhìn thấy tôi qua cái bình phong.
“Em có vẻ bận rộn,” tôi nói, đưa mắt nhìn váo phòng thử áo.
“Chúng em sắp xong rồi,” nàng nói như ngụ ý rằng nàng và bà khách hàng lúc đó chỉ nói chuyện vãn mà thôi.
Măt tôi thấy con chim hoàng yến bay lên bay xuống trong lồng, một chồng báo thời trang ở một góc phòng, và mấy đồ trang sức phụ nữ nhập cảng từ Âu châu, nhưng tôi không thể chú tâm vào một cái gì cả. Dù tôi muốn coi đó chỉ là môt cảm giác bình thường tôi không thể phủ nhận một sự thật rõ rệt là khi tôi nhìn Fusun tôi thấy môt người quen, môt ngươi mà tôi biết rất thân thiết. Nàng giống tôi. Cũng mái tóc đen và quăn thời thơ ấu rồi mọc thẳng ra khi lớn hơn. Mái tóc nàng bây giờ đã có màu vàng nhạt cùng vơi da mặt sáng của nàng rất hợp với cái áo hoa của nàng. Tôi câm thấy có thể đặt mình vào địa vì nàng môt cách dễ dàng, và hiểu nàng một cách sâu sắc. Môt ký ức đau đớn đến với tôi: các bạn tôi thường nói nàng giống như “môt người trong tạp chí Playboy.” Liệu nàng đã ngủ với họ chưa? Tôi tự nhủ, “Trả cái ví, lấy lại tiền, rồi chạy ngay. Mình sắp đính hôn với một ngươi con gái tuyệt vời.” Tôi quay người nhìn ra phía ngoài về hướng công viên Nisantasi, nhưng tôi chỉ thấy hình dáng Fusun phản chiếu môt cách ma quái qua hàng kính mờ.
Sau khi bà khách cởi bỏ cái áo một cách vất vả rồi ra đi mà không mua một món đồ gì, Fusun gấp cái áo bỏ lại rồi để nó vào chỗ cũ. “Chiều hôm qua, em thấy anh đi trên phố,” nàng nói với tôi để lộ đôi môi xinh đẹp. Tôi thấy nàng sơn môi màu hồng nhạt, được bán dưới thương hiệu Misslyn, và dù nó chỉ là hàng nội hóa, nhưng trên môi nàng, nó trông đẹp một cách kỳ lạ và hấp dẫn.
“Em thấy anh lúc nào?” Tôi hỏi.
“Buổi chiều, anh đi với Sibel Hanim. Em đi trên hè đướng phía bên kia phố. Có phải anh chị đi ăn không?”
“Đúng vậy.”
“Anh chị thật là đẹp đôi.” Nàng nói như người già thường nói khi thấy những cặp trẻ có hạnh phúc.
Tôi không hỏi làm sao nàng biết Sibel, nhưng nói “Anh muôn nhờ em một việc nhỏ. Anh muốn trả lại cái ví này.” Khi lấy ví trong bao nhựa ra tôi cảm thấy bối rối và hoảng hốt.
“Được. Em sẵn sàng đổi cho anh. Anh có thích đôi găng tay đẹp này hay cái mũ mới nhập cảng từ Paris về. Sibel không thích cái ví à?”
Tôi nói một cách ngượng ngùng. “Anh không muốn đổi. Anh muốn lấy lại tiền.”
“Tại sao?” nàng hỏi. Tôi thấy nàng ngạc nhiên, có thể là sợ hãi nữa.
Tôi nói nhỏ “Cái ví này không phải là ví Jenny Colon chính hiêu.
Hình như nó là đồ giả.”
“Anh nói sao?”
“Thật sự anh cũng không hiểu biết nhiều về những điều này,” Tôi nói một cách yếu đuối.
“Điều ấy không bao giờ xảy ra ở đây!’ nàng nói với một giọng cứng rắn. “Anh có muốn đòi tiền lại ngay bây giờ không?”
Tôi buột miệng: “Có!”
Nàng trông thật đau khổ. Trời ơi, tôi tự nghĩ, tại sao mình không vứt bỏ cái ví ấy rồi nói với Sibel rằng mình đã đòi lại được tiền? “Em này, việc này không liên hệ gì đến em hay Senay Hanim. Người Thổ chúng ta, lạy Chúa, có khả năng làm giả được bât cứ món hàng nào của Âu châu,” tôi gượng cười nói. “Đối với anh – đối với chúng ta –chỉ cần cái ví làm đúng công dụng của nó và trông đẹp trên tay phụ nữ là đủ. Nó có thương hiệu gì, ai làm ra nó, hoặc nó là đồ thật hay giả cũng chẳng có gì là quan trọng.” Nhưng Fusun, cũng như tôi, không tin lời tôi nói.
“Không, em sẽ trả lại tiền cho anh,” nàng vẫn nói với giọng gay gắt ấy. Tôi im lặng nhìn xuống đất, sẵn sàng đón nhận số phận mình, và xấu hổ vì cách cư xử lỗ mãng của mình.
Dù nàng nói có vẻ quyết liệt, tôi cảm thấy Fusun không thể làm được điều nàng nói; có một cái gì kỳ lạ trong giây phút hết sức lúng túng ấy. Nàng nhín vào ngăn kéo để tiền như nó bị bỏ bùa mê, như thế nó bị quỷ ám nên nàng không thể đụng vào nó. Khi tôi thấy mặt nàng đỏ và nhăn lên, mắt ứa lệ, tôi hoảng hốt và tiến lại gần nàng.
Nàng khóc ấm ức. Tôi không biêt chuyện gì đã xẩy ra, nhưng tôi đã ôm nàng vào tay và nàng tựa đầu vào ngực tôi mà khóc. Tôi nói nhỏ, “Fusun, anh xin lỗi.” Tôi vuốt ve mái tóc mịn màng và trán nàng. “Xin em hay quên đi chuyện vừa qua. Nó chỉ là cái ví giả, có gì đâu?”
Như một đứa trẻ, nàng hit một hơi mạnh, nấc lên một hai lần, rồi òa ra khóc. Đụng vào người nàng và cánh tay đẹp của nàng, cảm thấy vú nàng dưa vào ngưc tôi, ôm nàng như vậy, dù rất ngắn, cũng làm cho đầu óc tôi quay cuồng. Có lẽ vì tôi cố nén ham muốn của mình, nó càng mạnh thêm mỗi khi tôi đụng vào nàng, đên nỗi tôi có ảo tưởng chúng tôi biết nhau từ nhiều năm, rằng chúng tôi rất thân với nhau. Nàng là ngươi em dịu dàng, khó khuyên giải, đang đau khổ của tôi! Trong giây lát –và có lẽ vì tôi biết chúng tôi có họ với nhau, dù họ xa –thân hình nàng với cánh tay dài, xương nhỏ, và bờ vai mong manh khiến tôi nghĩ đến chính tôi. Nếu tôi là con gái, nếu tôi trẻ hơn mười hai tuổi, thân hình tôi cũng như vậy. “Chẳng có gì mà em phải bực mình,” tôi vừa nói vừa vuốt mái tóc vàng của nàng.
“Em không thể mở ngăn kéo để lây tiền trả cho anh,” nàng giải thích. “Vì khi về nhà ăn cơm trưa, Senay Hanim đã khóa tủ lại và mang chìa khóa theo, em thật ngượng phải nói như vậy.” Gục đầu vào ngực tôi, nàng lại bắt đầu khóc trong khi tôi tiêp tục vuốt tóc nàng môt cách âu yếm. Nàng nức nở “Em chỉ làm việc ơ đây để gặp người ta và tiêu thời giờ. Em không làm với mục đích kiếm tiền.”
“Làm việc kiếm tiền chẳng có gì phải xấu hổ,” tôi nói một cách ngu xuẩn và vô tâm.
“Đúng vậy,” nàng nói như một đứa trẻ bị hắt hủi. “Bố em là một nhà giáo về hưu . . . Em mới lên mười tám tuổi hai tuần trước, và em không muốn là một gánh nặng.”
Sợ cái thú tính trong tôi bắt đầu nổi dậy, tôi buông tay khỏi mái tóc nàng. Nàng hiểu ngay và binh tĩnh trở lại. Chúng tôi đều lùi bước.
“Xin anh đừng nói với ai rằng em khóc,” nàng vừa nói vửa dụi mắt.
“Anh hứa, Fusun ạ, đây là một lơi hứa long trọng giữa bạn bè. Chúng ta có thể giữ được bí mật cho nhau.”
Thấy nàng cười, tôi nói “Anh để lại cái ví lại, rồi sẽ trở lại lấy tiền sau.”
“Nếu anh muốn thì anh cứ để ví lại, nhưng không nên trở lại lấy tiền. Senay Hanim sẽ nhất quyết nói rằng nó không phải là ví giả và anh sẽ hối hận rằng anh đã nói khác.”
“Nêu vậy thì hãy đổi nó lấy món đồ khác.”
“Em không làm như thế được nữa,” nàng nói như một người con gái kiêu căng và cáu kỉnh.
“Thế thì thôi, không có gì là quan trọng.”
“Nhưng điều đó quan trọng đối vơi em. Khi Senay Hanim trở về tiệm em sẽ đòi tiền để trả cho anh.”
“Anh không muốn bà ấy làm phiền em thêm nữa,” tôi nói.
“Anh đừng lo, em có cách,” nàng cười nhẹ. “Em sẽ nói rằng Sibel đã có một cái ví giống như thế, do đó cố ấy trả lại ví. Em nói như thế có được không?”
“Hay lắm, nhưng sao không để chính anh nói như thế với Senay Hanim?”
“Không, anh đừng nói gì với bà ây,” Fusun nói một cách quả quyết. “Bởi vì bà ây sẽ chỉ muốn lừa anh, muốn biết thêm chi tiết về cá nhân của anh. Đừng đên tiệm này nữa. Em có thể đưa tiền cho Cô Vecihe.”
“Không, em đừng cho mẹ anh dính dáng đến vụ này. Bà ấy còn tò mò hơn nữa.”
“Thế thỉ em đưa tiền cho ai?” Fusun nhướng mày hỏi.
“Cứ đưa đến chung cư Merhamet, số 131 đại lộ Tesvikiye, nơi mẹ anh có một căn hộ,” tôi nói “Trươc khi anh sang Mỹ, anh dùng chỗ ấy làm nơi ẩn náu – anh đến đó đễ học và nghe nhạc. Đó là một căn hô rất đẹp nhìn xuống một cái vườn phía sau . . . Anh vẫn đến đó vào giờ ăn trưa, khoảng từ hai đến bốn giờ để làm nốt sổ sách.”
“Dĩ nhiên em sẽ đem tiền đến chỗ ấy. Căn hộ ây số bao nhiêu?”
“Bốn,” tôi thì thầm và khó khăn lắm mới nói tiếp đươc mấy chữ dường như bị nghẹn trong cái cổ khô của tôi. “Lầu hai. Chào em.”
Tim tôi đã tinh toán xong và đang đập loạn lên. Trươc khi chạy vội ra ngoài, tôi láy lại bình tĩnh và, giả bộ như không có gì xảy ra, nhìn nàng một lần cuối. Ra ngoài đường, sự xấu hổ và mặc cảm tội lỗi trộn lẫn với bao nhiêu hình ảnh của hạnh phúc tột đỉnh trong cái âm áp bất thường của buôi chiêu tháng Tư ấy làm cho vỉa hè trên phố Nisantasi dường như cũng ngời sáng một màu vàng kỳ bí. Tôi đi dưới bóng mát của mái hiên những chung cư và các vải bạt che nắng kẻ vạch xanh trắng của các cửa tiệm, đến khi tôi trông thấy một cái bình mầu vàng trong một tiệm, tôi phải vào ngay bên trong để mua. Khác hẳn với những món đồ mua một cách tình cờ, không ai nói gì về cái binh mầu vàng ấy trong suốt hai mươi năm nó được đặt trên cái bàn nơi bố mẹ tôi, rồi sau này mẹ tôi và tôi ngồi ăn. Mỗi lần sờ vào tay cầm của cái bình ấy, tôi lại nhớ đến những ngày tôi biết đau khổ lần đầu khiến tôi sống khép kín, làm cho mẹ tôi chỉ biết nhìn tôi im lặng trong bữa ăn, với ánh mắt nửa buồn rầu, nửa trách móc.
Về đến nhà, tôi ôm hôn mẹ; dù vui mừng thấy tôi về nhà sớm, mẹ tỏ vẻ ngạc nhiên. Tôi cho mẹ biêt tôi mua cái bình ấy một cách tùy hứng, rồi nói thêm, “Mẹ có cho con mượn chìa khóa căn hộ ở chung cư Marhamet được không? Đôi khi ở sở ồn ào quá làm con không tập chung tư tưởng được. Con không biết đến căn hộ làm việc thì có tốt hơn không, nhưng lúc con còn nhỏ thì luôn luôn là như vậy.”
Mẹ tôi nói “Căn phòng ấy chắc chắn là đầy bụi,” nhưng bà vẫn đi thẳng vào phòng của bà đê tìm cái chìa khóa chung cư, nó đươc treo cùng với cái chìa khóa căn phòng bằng một sợi giây màu đỏ. Khi trao chìa khóa cho tôi, mẹ tôi hỏi, “Con có nhớ cái bình Kutahya với những bông hoa mầu đỏ không? Mẹ không tìm thấy nó ơ đâu trong nhà này, con thử để ý xem mẹ có mang nó đến đấy hay không? Và này, đừng làm việc nhiều quá . . . Bố con làm lụng vất vả suốt đời để các con được vui hưởng cuộc sống. Các con có quyền sung sướng. Hãy đưa Sibel đi chơi và tận hưởng không khí mùa Xuân.” Đặt cái chìa khóa vào tay tôi, mẹ tôi nhìn tôi vói cái nhìn kỳ lạ và dặn, “Con phải cẩn thận.” Đó là cái nhìn mà mẹ tôi nhìn chúng tôi khi chúng tôi còn trẻ dại, để cảnh cáo chúng tôi rằng cuộc đời đầy rẫy những nguy hiểm bất ngờ có thể dẫn đến những hậu quả sâu xa và khó lường hơn là việc, thí dụ như, không giữ gìn cẩn thận được môt cái chìa khóa.
Advertisement
   

2 COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here