Giữa đêm khuya, một hồi chuông réo lên inh ỏi, phang thẳng vào hộp sọ. Như một cú đấm bất ngờ. Tôi bật dậy, đầu óc mụ mị, tôi không biết mình đang ở đâu, không biết có chuyện gì xảy ra. Đến lúc lờ mờ hiểu rằng đó là cái điện thoại cổ lỗ đang rống, tôi quờ tay sờ soạng tìm ống nói.
– Ai đó?
– Hề hề. Tớ đây, tớ đây! – từ đầu dây đàng kia vẳng tới một tràng cười khoái trá và một giọng nói ồ ề – Đang ngủ hả?
– Ngủ.
– Tỉnh dậy đi. Hề hề, rốt cuộc rồi tớ vẫn tóm được cậu. Hề hề, đéo nhận ra tớ hả?
– Nhưng “tớ” là ai mới được chứ? – tôi tuyệt vọng gắt lên.
Trên tường, một dẻo sáng hình bình hành. Đó là ánh đèn của căn phòng đối diện, ở tầng thấp hơn, chỗ ở của hai sinh viên người Ả Rập. Văng vẳng một điệu nhạc vùng sa mạc. Họ bao giờ cũng thức khuya.
– Cậu không nhận ra giọng tớ thật? Hay cậu giả vờ?
Tôi tỉnh hẳn. Tôi nổi quạu.
Có những người như vậy đấy. Họ tưởng tượng, họ còn đinh ninh nữa kia, rằng họ là người rất quan trọng, rất quý hoá, và thiên hạ phải nhận ra họ từ xa, trong đám đông, phải nhận ra tiếng họ trong điện thoại, và tất nhiên, phải cảm thấy sung sướng và tự hào được họ hân hạnh cho bắt tay.
– Này này, bắt cái đầu lười biếng của cậu làm việc tí đi – giọng ồ ề nọ lại cất lên, không ngớt vui vẻ, nó vang lên trong đêm như ở một ngã ba hoang vắng – Chẳng lẽ cậu hoàn toàn không nhận ra thằng bạn năm xửa năm xưa là tớ?
Tôi muốn giập mạnh ống nói cho cái anh chàng bất lịch sự bên kia nghe thấy. Mà hắn có nghe thấy không nhỉ? Có lẽ không. Tôi phải làm gì cho hắn hiểu tôi cáu đến mức nào. Hắn đang đợi câu trả lời cho câu đố. Tôi thì cóc cần bất cứ câu đố nào được ra cho tôi giữa đêm hôm khuya khoắt này.
– Thì nói ngay đi: “tớ” là thằng chó nào? – tôi gắt.
Một tràng cười rộ lên bên kia đầu dây.
– Cậu đoán đúng rồi đấy – tớ là thằng có tên hiệu của loài chó, nhưng lại từng là bạn của cậu. Bây giờ cậu chỉ còn có việc gọi tên nó ra thôi.
– Này ông bạn vớ vẩn – tôi rên lên trong tuyệt vọng – Kết thúc ngay lập tức cái chuyện ba lăng nhăng chi khươn của ông đi! Tôi đang ngủ. Tôi muốn ngủ. Tôi cần được ngủ. Tôi nhắc lại: tôi không biết ông là ai, tôi cũng cóc cần nhận ra ông là ai. Chấm hết.
Cuối cùng thì anh chàng đùa dai cũng thôi cười. Giọng trịnh trọng, trầm hẳn xuống, hắn tuyên bố:
– Tôtô đây!
– Tôtô?!
Tôi tỉnh ngủ hẳn. Ai kia thì có thể, chứ Tôtô? Lẽ nào lại là Tôtô? Tôi thấy hiển hiện trước mặt mình, trong bóng đêm, anh chàng đồng sự gày gò, mặt quắt (như hai ngón tay chéo, theo cách người ta thường nói), da đen xạm, đôi gò má cao, xương xẩu và hàm răng cải mả, một thời sống cùng tôi trong nhà tập thể với những dây phơi quần áo trên mỗi ban công.
Lại một tràng cười nữa, rất giòn giã. Như từ một thế giới khác.
– Nhận ra nhau rồi, hả? Tốt.
Tiếp theo là một câu nói chắc nịch, như một mệnh lệnh:
– Nghe đây, tớ đang ở Paris. Phải, ở giữa Paris của cậu. Tớ bận, tớ không có nhiều thời giờ, nhưng tớ lại rất muốn gặp cậu, ông bạn thân mến ạ. Hỏi thăm mãi mới có được số điện thoại của cậu đấy. Ngày mai ta gặp nhau, hả?
– Tất nhiên rồi – tôi vui vẻ – Cậu sang đây từ bao giờ? Và đang ở đâu, Tôtô?
Tôtô nói tên một khách sạn rất sang. Tên của nó ai ở Paris cũng từng nghe. Tôi không có lý do gì để lui tới một khách sạn mà tiền phòng một đêm ở đó đủ cho tôi ăn một tháng, tôi chưa điên. Tôi cũng chưa từng tới đó để gặp ai. Tôi không có, và chắc chẳng bao giờ có bạn giàu như thế.
– Tớ sẽ rảnh vào buổi chiều, từ 5 hoặc 6 giờ – Tôtô nói – Cậu biết khách sạn ấychứ? Tớ sẽ chờ cậu trên phòng.
Tôi OK, nhẹ nhàng đặt ống nói xuống, nhưng không ngủ lại được.
Cái sảnh của khách sạn to bằng nửa sân bóng đá, sàn hoa cương bóng loáng, không khí sực mùi các thứ nước hoa, từ Chanel số 5 thơm phức cho tới Poison ngọt lợ, tỏa ra từ những vị khách lịch sự mang cặp da và giày da bóng loáng, những cặp chân thon dài của các tiểu thư và các phu nhân đẹp như người mẫu. Đón tôi là cái nhìn đầy cảnh giác của người gác cửa có màu da Sadam Hussein và bộ ria Iosif Stalin.
May, khi nghe tôi hỏi tên Tôtô thì cô tiếp tân tóc vàng, da trắng như bột mì Hà Lan, rất xinh xẻo, đẹp như người mẫu, dịu dàng mỉm cười với tôi:
– Ồ, ông là bạn ông ấy? Ông ấy là khách quen của chúng tôi. Xin ông vui lòng ngồi đợi chút xíu.
Và cúi xuống bấm số gọi lên phòng.
Cách mạng thực vĩ đại. Nó chứa rặt những điều bất ngờ.
Nó, và chỉ có nó, mới tạo ra sự đổi đời thật sự, làm lộn tùng phèo tất tần tật mọi thứ. Thằng thành ông. Ông thành thằng. Một ông tiến sĩ luật tốt nghiệp ở Pháp khúm núm trước một anh cựu lơ xe chưa học xong bậc tiểu học. Tên ăn cắp vặt chợ Đồng Xuân ký quyết định bỏ tù một nhà văn hoá lớn. Tôi đã trông thấy những cảnh như thế, bằng mắt mình. Và không phải một lần.
Quên chưa nói: Tôtô là biệt hiệu của bạn tôi. Tên thật của hắn là Tô, Nguyễn Văn Tô. Hồi trẻ, chúng tôi có thói quen đặt biệt hiệu cho nhau và rất khoái làm chuyện đó. Phần lớn biệt hiệu được đặt căn cứ vào đặc điểm hoặc tính cách của người. Nhưng cũng có những trường hợp chỉ là do vui miệng. Trước khi mang biệt hiệu Tôtô, hắn có một biệt hiệu Titô, tên của tổng thống Nam Tư, do liên tưởng đơn thuần về âm vị, không hàm ý nghĩa xấu tốt. Biệt hiệu này bị Tô phản đối kịch liệt. Titô lúc bấy giờ là “tên trùm xét lại, tên tay sai đế quốc, tên phản bội đê hèn”, theo cách gọi trong các tài liệu tuyên văn giáo huấn. Thì ra trong con người hắn vẫn sống mãnh liệt một công dân được dạy dỗ chu đáo về chính trị.
Khốn nỗi, khi có ai trịnh trọng gọi hắn bằng “anh Tô” thì lại xảy ra sự phạm huý nghiêm trọng. “Anh Tô” là bí danh của đương kim thủ tướng, mà đương kim thủ tướng lại là bạn của thủ trưởng chúng tôi. Ông này luôn miệng nhắc tới “Anh Tô” trong mọi trò chuyện bằng giọng thân mật pha chút suồng sã. Không thể có một “Anh Tô” nào khác bên cạnh một “Anh Tô” đáng kính là bạn ông.
Thế là cái tên Titô nhục nhã được bỏ đi, được đổi thành Tôtô.
Ai là người nghĩ ra cái biệt hiệu ấy tôi không nhớ. Nhưng chắc chắn nó là một biệt hiệu xấu. Tôtô và Kiki là hai cái tên phổ biến được đặt cho những con chó. Những tưởng Tô sẽ gân cổ phản đối, ít nhất thì cũng như khi hắn bị gọi bằng Titô. Nhưng thật lạ, hắn cười hề hề, không giận chút nào, chấp nhận ngay lập tức.
“Một thằng mang tên loài chó, nhưng từng là bạn cậu”, hắn vừa nói thế.
Tôi uống rất chậm một ly cà phê, thay đổi cách vắt chân năm bẩy lần, mới thấy Tôtô đĩnh đạc bước ra khỏi thang máy.
Không thể nào nhận ra người đàn ông phương phi với gương mặt bóng nhẫy, quần áo đúng mốt, đang bệ vệ đi về phía tôi là hắn, là Tôtô.
Nhưng đúng là Tôtô, không thể trật.
Chính hắn, với cặp mắt lồi, lưỡng quyền cao, miệng cá ngão, yết hầu nhô ra thụt vào liên tục cùng với mỗi tiếng nói. Cho dù mặt hắn giờ đây có bạnh ra gấp đôi trong sự no đủ. Cho dù thân hình hắn giờ đây có dùng chữ đẫy đà cũng không đủ. Hồi chúng tôi làm việc cùng, trong thời đại các loại tem phiếu và các thứ tiêu chuẩn mang tên các con số trong các thứ bìa ở các thứ cửa hàng, chưa bao giờ hắn béo tốt bằng một phần ba bây giờ.
Tôi đứng lên. Tôtô bước tới. Nhìn nhau trân trân. Hắn cười tươi. Tôi cũng cười, nhưng không được tươi như hắn. Chúng tôi ôm lấy nhau vừa đủ chặt như hai quan chức thuộc hai quốc gia không thù hằn mà cũng chẳng thân thiện, trong một nghi thức ngoại giao cứng đờ.
Tôi nghĩ mình không nên ôm ông bạn năm xưa quá chặt khi chưa biết được sau bao nhiêu nước chảy qua cầu hắn sẽ đối xử với mình thế nào. Quả vậy, tôi thấy cái ôm đáp lại của hắn cũng vừa phải, nếu không nói là lỏng lẻo.
– Chú được tự do từ giờ đến đêm – ấy là Tô nói với một chàng trai cắp cặp đi theo sau hắn như một cái bóng – Nếu cần, tôi sẽ gọi.
Chàng trai gày còm, nước da mai mái, lí nhí vâng dạ, liếc tôi một cái nhanh như chớp giật, rồi lập tức quay gót, đầu cúi thấp. Tôi hiểu hắn đánh giá đúng tôi, cho nên đã không chào. Tôtô ôm tôi không chặt cũng là phải lẽ. Đàng sau Tôtô là thuộc cấp của hắn, mà có thể cũng còn những kẻ khác nữa, đang chăm chú theo dõi và xét nét đánh giá những mối quan hệ của hắn.
Dáng đường bệ của Tôtô cho tôi ấn tượng về một quan cách mạng, to tới mức nào tôi không biết, nhưng chắc chắn to. Trong khi tôi nghĩ về Tôtô như thế thì hắn cũng bận bịu với sự phỏng đoán về đẳng cấp xã hội của tôi.
– Cậu đói bụng chưa? – giọng ân cần, Tôtô hỏi – Tối nay ta đi ăn với nhau nhé.
– Chưa đến bữa tối mà. Cậu muốn ăn bây giờ à?
– Ta dạo quanh, rồi kiếm cái chén.
Khách sạn của Tô nhìn ra Champs Élysée, đại lộ lớn nhất của Paris chạy từ cổng chào Kháng chiến cho tới Khải hoàn môn. Ra khỏi cánh cửa quay bằng kính dày để xuống hè, Tôtô đi những bước thoải mái giữa đám khách thập phương, tươi cười như thể Paris nằm dưới quyền uỷ trị của hắn theo một nghị quyết của Liên hiệp quốc.
– Cậu chỉ già đi chứ đéo thay đổi mấy – Tôtô nhận xét bằng giọng dửng dưng – Tớ có biết tin cậu đi dạy ở Algérie rồi khi về qua Pháp thì tụt lại…
– Ờ… – tôi xác nhận.
– Tại sao cậu lại làm như thế? Ở trong nước người ta có đối xử tệ cho lắm với cậu đâu. Tớ nghe nhiều tin đồn về cậu. Có cả tin cậu được CIA bảo trợ để … hề hề… để làm công việc cho nó, hề hề, bằng… chuyên môn của cậu. Hoá đéo phải.
– Hừm – tôi nhếch mép.
– Mà hình như ở đây cậu đéo … làm ăn được gì – Tôtô nói – Có khi còn gặp khó khăn nữa, phải không?
Tôtô đánh giá không sai. Chỉ cần nhìn bộ quần áo tầu tầu không được giặt ủi thường xuyên hắn cũng thấy tôi thuộc tầng lớp nào. Trong cái nhìn của hắn tôi thấy có ánh thương hại.
Tôi thấy cần phải ra ngay lập tức một bản tuyên bố. Cho nó rõ. Cho hết mọi ngộ nhận.
– Tớ sống bình thường – tôi lạnh lùng – Dễ chịu là đàng khác. Cậu đã biết tính tớ. Vẫn như trước, tớ là thằng không đòi hỏi nhiều, vì thế không vất vả trong lựa chọn. Tớ có con đường của tớ. Nó khác con đường của cậu. Cảm ơn cậu đã không gọi tớ là tên phản bội. Có phải ở trong nước người ta gọi những thằng bỏ đi như tớ bằng cái mỹ từ ấy không? Vậy thì cậu hãy nghe đây, cho nó rõ: tớ chẳng mang ơn thằng nào thì tớ không thể phản bội thằng nào. Tớ xin đủ tất cả những bản khai lý lịch, những cuộc cật vấn ở phòng tổ chức về tam đại nhà mình, về tư tưởng xét lại, về quan hệ với bọn “Nhân văn – Giai phẩm” …
Tôtô lơ đãng nhìn phố phường, bình thản nghe tôi nói.
– Chuyện xưa rồi. Xưa lắm rồi. Tớ không tìm cậu để nói những chuyện đó – hắn đặt tay lên vai tôi – Cậu hoàn toàn lạc hậu với tình hình trong nước. Rất rất lạc hậu. Lạc hậu lắm lắm. Tất cả đã khác rồi. Bây giờ là một thời đại mới. Mới hoàn toàn. Cậu không tin hả?
Tôi ân hận vì đã nói với hắn bằng giọng hơi nhiều gay gắt.
– Bây giờ người ta đéo có thời giờ để hỏi cậu những câu lẩm cẩm đã hết đát từ lâu về giáo điều hay xét lại nữa đâu – hắn nói tiếp, bằng giọng giảng giải – Cậu muốn giáo điều mấy cũng được, muốn xét lại bao nhiêu cũng xong. Người ta chỉ quan tâm tới cậu nếu như cậu có ý định làm lung lay cái địa vị của họ mà thôi. Ngoài ra họ mặc. Nếu như có ai đó hỏi cậu câu nào thì tớ dám chắc nó chỉ hỏi cậu có bao nhiêu đô la, chả là cậu từ nước ngoài về mà. Nó hỏi thế không phải để chôm của cậu đâu, đừng có nhầm. Tiền của cậu liệu được mấy nả? Việt kiều nói chung rách bỏ mẹ, so thế đéo nào được với các đại gia trong nước. Nếu người ta có chút quan tâm thì phải hiểu là người ta muốn xét xem cậu có xứng đáng được giao thiệp với họ không? Thế thôi. Thật đấy, đéo có xã hội nào thoáng bằng Việt Nam bây giờ, ngay cả mấy anh đế quốc già nua như Pháp, như Đức. Cậu cứ nhìn vào tớ đây này, tớ vẫn sống được, còn sống phây phây nữa, sống đẹp nữa là đằng khác, hề hề…
Hắn nói không sai. Tất cả đã khác xưa. Bằng chứng là hắn đang nện gót giày cồm cộp bên cạnh tôi, giữa “kinh thành ánh sáng”, như chúng tôi thường gọi Paris trong những mộng mơ thời trai trẻ.
Hắn đưa mắt nhìn ra cái cột đá Ai Cập thẳng đuột ở quảng trường Concorde.
– Cậu nói tiếng Tây nhờ ai đó bấm cho mấy pô cậu với tớ làm kỷ niệm. Đừng để ý thái độ của tớ khi có mặt mấy thằng dưới quyền. Đi với chúng nó tớ vẫn cứ phải giữ ý. Đéo tin được chúng nó đâu… Mình mà sa cơ ngã xuống là chúng nó dẫm lên xác ngay. Cậu là bạn tớ, với bạn, tớ có thể sống thật…
Tôtô nói bằng giọng tâm sự.
Tôi như ở trong một giấc mơ quái quỷ, chẳng có gì đang diễn ra giống thật.
– Cậu cũng đã khác xưa – tôi nói – Khác lắm.
Tôtô ngửa mặt lên trời mà cười:
– Hề hề… Tớ vẫn là tớ thôi. Khác là khác cái bề ngoài. Cậu cũng không khác. Cậu vẫn i xì là cậu ngày trước. Cậu là một thằng lãng mạn thâm căn cố đế. Cậu chẳng bao giờ sống với thực tế. Cậu sống với nó, nhưng lại không thừa nhận nó. Cho nên cậu luôn luôn thất vọng. Và chung thân thất bại. Cậu luôn cho rằng cuộc đời phải thế này thế nọ như cậu hình dung, không phải theo sách này thì sách khác. Cậu đã thích chủ nghĩa cộng sản, đúng không nào? Vì cậu thèm khát một xã hội công bằng, đầy ắp tự do. Thế rồi cậu chán nó vì thấy nó trong thực tế đếch phải như cậu hình dung.
Hắn quở quang tôi một chặp. Với những câu chữ của một người cảm thấy mình có toàn quyền làm chuyện đó.
– Tớ muốn sống thật, như mình tin tưởng sẽ được sống như thế – tôi nói, ngậm ngùi nhớ lại một thời đã qua. Không biết hắn kiếm đâu ra ngần ấy khôn ngoan trong thời gian chúng tôi xa nhau? – Đúng là tớ lý tưởng hoá cuộc sống. Tớ lộn mửa khi nghe chúng nó xưng chúng nó chiến đấu vì hạnh phúc của nhân dân, trong khi chúng tự đặt mình lên trên đồng loại để vớt hết váng sữa mà đồng loại chỉ được phép đứng nhìn…
– Ha ha! – Tôtô cười vang – Lãng mạn chửa? Cậu hãy chỉ cho tớ một thằng sống vì người khác coi. Tớ dám chắc cậu chẳng chỉ ra được lấy một thằng. Một nửa thằng cũng không. Ở đời này, cậu ơi, thằng đéo nào cũng chỉ sống vì nó hết. Cậu tưởng mấy ông lãnh tụ tuyên bố họ chiến đấu vì chủ nghĩa này chủ nghĩa nọ là họ nói thật sao? Đừng hòng. Đéo có cái ấy đâu, nói thật cho cậu biết, đéo có là đéo có.
Tôi nhớ ngày đầu tiên gặp Tôtô. Hắn từ Nghệ An ra, đen đủi, gày còm, gương mặt chất phác, giọng nói nhỏ nhẹ. Bây giờ hắn là một người Hà Nội, nhưng là người Hà Nội hiện đại, bằng chứng là hắn đéo liên tục, trong mỗi câu nói. Điều tôi còn thắc mắc là trong cái sự đổi đời đang diễn ra ở quê hương, cơ hội vàng nào đã làm cho hắn trở thành một ông lớn như bây giờ?
Tôi bảo:
– Tớ hiểu cậu chứ. Từ ngày ấy kìa. Cậu là thằng giỏi. Cậu giỏi ở chỗ biết thích nghi hơn bất cứ đứa nào trong tụi mình. Ngay từ hồi ấy cậu đã chứng tỏ khả năng thích nghi với mọi thể chế, mọi thời đại. Cậu có thể sống ung dung bên Stalin, Mao Trạch Đông, Ceaucescu, thậm chí cả Hitler…
– Hề hề… Lại đá xéo rồi.
– Tớ còn nhớ chuyện cậu đã hăng hái thế nào trong vụ bắn ông chú ruột trong cải cách ruộng đất, chính cậu kể mà. Lại cũng cậu xung phong đi sửa sai cũng hăng hái như thế nào… ở một vùng khác. Cái ảnh Fidel Castro vẫn còn treo trong phòng đấy chứ?
– Hề hề… Cậu có một trí nhớ kinh hoàng. Bây giờ tớ có một ngôi nhà lớn nhiều phòng, và trong phòng ngủ của tớ toàn treo tranh gái đẹp – “Gu” của tớ bây giờ khác.
Tôi muốn bỏ về. Nhưng tôi không bỏ về. “Tha hương ngộ cố tri”, nỗi nhớ quê hương, hay là những kỷ niệm quá khứ giữ tôi lại với hắn, tôi không biết.
Tôi nhớ đến những năm chúng tôi cùng công tác tại một viện nghiên cứu vật lý hạt nhân. Hai thằng tôi làm việc chung một phòng. Cả hai đều là những đứa làm việc chăm chỉ. Hắn còn là một đứa hay giúp đỡ mọi người. Ai gặp khó cũng có thể tìm được ở hắn người đỡ đần. Cấp trên quý hắn, vì ngoài công tác khoa học với trình độ không xoàng, hắn có thể chữa đồ điện cho gia đình họ, hắn biết cả nghề mộc để chữa bàn ghế, biết thông cống cho nhà họ, biết đi xếp hàng từ sáng sớm để mua giúp họ một món hàng hiếm. Cũng chính hắn được thủ trưởng giao việc viết dự án chế tạo bom hạt nhân cho Việt Nam, theo một chỉ thị riêng của tổng bí thư đảng.
Tôi không được như hắn. Tôi là thằng không có ích cho các thứ cấp trên. Đã thế, tôi lại có cái tật mê văn chương, thích đọc sách, thích giao du với văn nghệ sĩ. Lĩnh vực hạt nhân là bí mật quốc gia cho nên cơ quan chúng tôi được nhà nước đặc biệt quan tâm. Ngoài nhân viên bảo vệ chính thức còn có nhan nhản công an mật dưới mọi vỏ bọc không cần thiết. Chúng tôi đều biết thừa cô văn thư, hay anh tổ chức kia là mật thám hoặc chỉ điểm, nếu chúng tôi quá ngu thì họ cũng úp mở cho chúng tôi biết họ là ai.
Điều tôi hoàn toàn không ngờ là những quan hệ cá nhân của những cán bộ quèn như tôi mà cũng bị đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của đảng. Anh bạn tôi yêu cô con gái một nhà tư sản, lập tức được phòng tổ chức gọi lên góp ý. Góp ý rồi, anh ta cứ yêu, thế là bị thuyên chuyển công tác, tất nhiên là một công tác không ra gì, ở một nơi không ra gì. Nhà thơ Xuân Diệu hay nhà văn Nguyễn Khải đến chơi với tôi thì chẳng ai nói. Nhưng chỉ cần một lần tôi mời hai nhà văn “có vấn đề” tới ăn cơm, rồi vì rượu say hai ông lăn ra ngủ lại, thế là mọi sự lộn tùng phèo. Phòng tổ chức gọi tôi lên kiểm điểm vì tội quan hệ với những phần tử xấu. May mà tôi có ông anh con bác làm trên bộ bảo lãnh nên mới lọt lưới trong đợt nhà nước tuyển cán bộ đi Algérie dạy học.
– Đừng cãi nhau với tớ. Đúng là tớ thích nghi được với tất tần tật mọi thứ. Mà tại sao lại không thích nghi? Thích nghi là tốt chứ. Chúng ta là người, mà con người là động vật đặc biệt, nó duy nhất thích nghi được với mọi hoàn cảnh. Có con đéo nào được như thế? – Tôtô trích dẫn Dostoevsky – Mà thích nghi có gì khó?
Tôi nhún vai. Tôi bận tìm một tính từ chính xác cho loại người như Tôtô. Hình như người ta thường dùng cụm từ “khuyển nho”. Cứ nhập đại từ cinic của thế giới mà hay. Viết cinic hay xi ních cũng được. Thói quen sẽ khẳng định chỗ đứng cho nó.
Trời tối dần. Đã lâu rồi tôi không có dịp ngắm cảnh Paris khi chiều xuống. Nó thật đẹp trong sự hoà trộn giữa ráng chiều và ánh đèn. Thành phố như được mạ vàng mười. Hoặc bằng giấy trang kim, nếu nhìn bằng con mắt yếm thế.
Tôtô dẫn tôi vào một nhà hàng sang trọng. Chúng tôi kiếm một bàn trong góc khuất. Người bồi già hình như đã quen với Tôtô, lập tức xuất hiện, nụ cười thật tươi:
– Thưa, ông dùng gì ạ?
– Như mọi khi. Một chai vang tốt, anh chọn cho tôi. Nếu không có gì hay hơn thì Margaux Cru Bourgeois lâu năm. Và đừng quên patê gan ngỗng. Anh biết loại nào mà.
– Có ngay, thưa ông.
Trong bữa ăn, Tôtô hỏi tôi:
– Cái nhà của ông cụ cậu ở phố Huế, cậu tính sao?
Ngôi nhà lớn của gia đình tôi bị trưng dụng hồi cuộc chiến tranh kết thúc, tôi đã quên phứt. Không quên cũng chẳng được. Ông cụ bà cụ mất, tôi là người thừa kế duy nhất. Chính quyền cách mạng trưng thu ngôi nhà, cho tôi một căn phòng ở khu tập thể cơ quan làm chỗ ở. Căn phòng đầu hồi khá rộng, có hai cửa sổ, sáng sủa, mát mẻ, nhiều bạn đồng sự phát ghen. Ông thủ trưởng sáng suốt bèn ghép thêm một người vào ở cùng để tránh mâu thuẫn nội bộ. Người ở cùng tôi là Tôtô.
– Tớ quên cái nhà ấy rồi.
– Ơ hay, sao lại quên? Nhà nước bây giờ có chủ trương trả lại các nhà đã trưng thu hoặc trưng dụng đấy. Giấy tờ còn cả chứ?
– Còn.
– Cậu vẫn giữ?
– Không. Để ở Hà Nội.
– Phải đòi lại.
– Đòi sao được?
– Cậu chỉ cần làm giấy uỷ quyền. Tớ sẽ đòi cho cậu.
Tôi ngừng nhai, nhìn Tôtô. Hắn xắn miếng gan ngỗng ngọt như xắn một lát bơ tươi.
– Nhưng lấy lại làm gì? Tớ đâu có định về.
– Cậu dại bỏ mẹ. Cậu có biết bây giờ giá trị nó là bao nhiêu không?
Hắn nói một con số khủng khiếp, quy ra vàng và đô la.
– Đã có bao nhiêu hộ đang ở đó. Đòi lại bây giờ để lấy tiền cho thuê à? Cậu có nhớ nhiều người đã phải xin hiến nhà vì tiền cho thuê không đủ để sửa chữa vặt không?
– Lại cũng xưa rồi. Cậu sẽ lấy lại được nhà bằng một bài toán. Bao nhiêu sẽ cho các hộ phải ra đi? Bao nhiêu để bôi trơn bộ máy, từ dưới lên trên? Bao nhiêu cho khâu trung gian? Còn lại là của cậu. Tối thiểu cũng còn vài trăm ngàn đô. Coi như của trên trời rơi xuống.
Tôi nhìn Tôtô. Hình như hai chữ trưởng thành không đủ để nói về hắn.
– Cậu ở khâu nào?
Hắn nhìn lại tôi bằng cặp mắt ráo hoảnh:
– Tất nhiên, ở khâu trung gian. Mặc dầu cậu là bạn, nhưng thời đại mới, đéo có thằng nào làm không cho thằng nào.
– Tớ sẽ nghĩ về chuyện này.
Tôtô có vẻ không bằng lòng.
– Còn phải nghĩ gì nữa? Cậu may mắn có tớ là bạn.
Tôi không dám chắc mình may mắn. Nhưng không nói ra.
Lúc ăn tráng miệng, Tôtô lờ đờ nhìn tôi:
– Giấy uỷ quyền cậu nhớ phải lấy dấu công chứng. Công chứng ta, ở lãnh sự quán, không phải công chứng Tây để phải công chứng bản dịch, lằng nhằng. Tớ sẽ giúp cậu giải quyết cái nhà. Giúp là chính, chứ chuyện đòi nhà lủng củng vô cùng, mất thời giờ vô cùng. Được cái tớ đông quân, tớ sai chúng nó chạy. Tớ sẽ lấy giấy uỷ quyền vào lần sau, hả?
– Cậu hay qua Paris lắm à?
– Như cơm bữa. Tớ đi khắp. Thuỵ Sĩ, Đức, Tiệp, Ba Lan, Nga…
– Để làm gì?
Hắn nháy mắt với tôi:
– Biết nhiều thì chóng già. Hồi trước tớ phải nằm chết dí ở Lausanne và Genève. Buồn như chấu cắn. Bây giờ thì phải đi cả Nga. Moskva, Petersburg, Kiev, Minsk, Riga… Ở Nga bây giờ hỗn loạn. Nhiều bố già, không biết nên tin thằng nào, không biết thằng nào là quan trọng. Không như ở ta. Thế mà trước kia là nước xã hội chủ nghĩa anh cả đấy. Nhưng việc cần đi thì phải đi.
– Đi làm gì?
Tôtô cúi xuống mặt bàn, thì thào:
– Làm việc với các ngân hàng. Gửi mỗi nơi một ít.
Tôi trợn mắt nhìn Tôtô. Một lần nữa hắn làm tôi ngạc nhiên. Không lẽ bây giờ, mới có một ít năm, mà hắn đã kịp giàu đến thế?
Tôtô đọc được ý nghĩ trong mắt tôi. Hắn lấy khăn chùi mép và nói:
– Cậu ngây thơ lắm. Tớ không giàu đến thế đâu. Nhưng có những người giàu cần đến tớ. Tớ đã dây máu thì tớ phải ăn phần.
– Gửi cả ở những ngân hàng không chắc chắn?
Hắn nheo mắt cười tôi:
– Bố khỉ. Tây nó đã dậy: trứng không nên để trong một giỏ.
Chúng tôi đứng lên. Tôtô cho anh bồi bàn tiền bo giá trị bằng một bữa ăn sang của tôi. Người bồi rạp mình chào hắn.
Lúc chia tay, Tôtô khuyên tôi:
– Hãy chấp nhận thực tế như nó có. Đừng nghĩ tới những khái niệm trừu tượng. Dân chủ, tự do là cái khỉ khô gì. Vô ích. Chiến tranh qua rồi. Cậu lại muốn một cuộc chiến tranh mới hay sao? Cho dù là để lập một trật tự mới theo ý cậu, và những thằng dở hơi nào đó. Tớ thì tớ đéo muốn. Tớ chỉ muốn làm tiền. Cậu dằn vặt mình mãi làm gì? Tại sao cậu không thể coi đảng cộng sản như một triều đình phong kiến? Và Bộ Chính trị như một ông vua, hoặc một hoàng đế, với một tổng bí thư là cái đầu, số còn lại là tứ chi, còn các uỷ viên trung ương là hoàng tộc. Cậu cứ nghĩ như thế đi, mọi sự sẽ trở thành đơn giản. Đất nước ta có bao nhiêu năm do vua chúa cai trị? Có chết ai đâu. Các cụ nhà ta vẫn sống, vẫn sinh con đẻ cái, hề hề, mới có chúng ta ngày nay chứ. Nếu cậu ở lại với triều đình, cậu cũng vẫn có một chức quan, không to lắm thì cũng to vừa vừa đấy. Nếu có phải hô to “Thánh thượng vạn tuế!” thì ta hô, mất gì của bọ?
Tôi nín lặng. Tôi còn biết nói gì?
Tôtô ôm chặt tôi, hắn còn hôn lên hai má tôi nữa.
Có lẽ hắn yêu tôi thật. Tại sao lại nghĩ rằng hắn tìm tôi chỉ để làm áp-phe ngôi nhà ở phố Huế?
“À demain”, hắn nói.
“À demain” tôi đáp. Ờ thì hẹn gặp lại, ngày mai.
Nhưng ngày mai nào? Chẳng lẽ ngày mai sẽ lại vẫn như hôm nay?
2009