1. Bãi cạn Scarborough
Tình hình bãi cạn Scarborough có thể sẽ trở nên căng thẳng trong thời gian tới sau khi phía Philippines thể hiện rõ ý định tái thiết lập sự kiểm soát đối với bãi cạn này.
Trong một hành động quyết liệt ngày 25.9, Tuần duyên Philippines đã triển khai đặc công giả dạng ngư dân cắt dây phao được Hải cảnh Trung Quốc thả ở khu vực cửa vào khu đầm phá của bãi cạn.
Hành động này được Cố vấn An ninh quốc gia Eduardo Año ra lệnh tiến hành theo chỉ thị của Tổng thống Marcos.
Trước đó, phía Philippines cáo buộc Hải cảnh Trung Quốc thả dây phao dài 300 mét để ngăn chặn ngư dân Philippines vào bên trong khu đầm phá để đánh bắt.
Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân nói rằng Trung Quóc thả dây phao để ngăn một tàu của Cục Ngư nghiệp Philippines tiến vào bên trong.
Phát ngôn viên Tuần duyên Philippines Jay Tarriela cũng cho biết mục tiêu kế tiếp của phía Philippines là đưa ngư dân quay trở lại khu vực đầm phá bên trong Bãi cạn Scarborough.
Bãi cạn Scaborough và ngư trường ở đây là một trong những điểm nóng tranh chấp lâu năm giữa Trung Quốc và Philippines.
Vào năm 2012, Trung Quốc thiết lập sự kiểm soát trên thực tế đối với bãi cạn này sau một cuộc đối đầu giữa hải cảnh, dân quân biển và tàu chiến Philippines. Từ đó châm ngòi cho vụ kiện Biển Đông do Philippines đệ đơn. Phán quyết của tòa án cho rằng bãi cạn này không thuộc chủ quyền của quốc gia nào mà là ngư trường truyền thống của ngư dân Philippines, Việt Nam và Trung Quốc.
Vụ việc này cũng được cho là dẫn đến những nghi kỵ của Philippines đối với đồng minh Mỹ khi những nỗ lực tháo gỡ căng thẳng do chính quyền Obama làm trung gian dẫn đến kết quả là Trung Quốc kiểm soát bãi cạn này trên thực tế từ đó đến nay.
Dù có kết quả thuận lợi sau phán quyết của Tòa Trọng tài vào năm 2016, chính quyền Duterte không có động thái đáng kể nào để thay đổi tình trạng bãi cạn trên thực địa. Mọi chuyện chỉ dần thay đổi khi Tổng thống Marcos lên nắm quyền ở Philippines và chủ trương hành động cương quyết hơn đối với vấn đề Biển Đông, bao gồm quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough, cũng như xích lại gần hơn với đồng minh Mỹ và các đối tác chung chí hướng khác.
Nhận xét:
Phía Philippines đã tỏ rõ thái độ cương quyết nhằm mở đường cho ngư dân quay trở lại đánh bắt ở khu vực đầm phá bên trong bãi cạn Scarborough.
Hành động nhanh chóng của các lực lượng nước này, kết hợp với các động thái trước đó đối với Bãi Cỏ Mây, cho thấy bóng dáng của một chiến lược được hoạch định kỹ lưỡng nhằm thiết lập lại hiện trạng trước năm 2012, đồng thời thực thi phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016. Mục tiêu này nhiều khả năng được hậu thuẫn bởi Mỹ và các quốc gia chung chí hướng khác.
Chỉ thị của Tổng thống Marcos và sự phối hợp hành động của các lực lượng hữu quan cho thấy một sự đoàn kết và nhất quán trong thực thi chiến lược của chính phủ Philippines, khác với thời của Tổng thống Duterte.
Vấn đề đáng chú ý nhất hiện nay là phản ứng của Trung Quốc khi phía Philippines không hề có ý định che giấu các bước đi của họ. Nếu Trung Quốc quyết liệt ngăn cản Philippines thông qua việc triển khai thêm các loại tàu khác nhau, khu vực bãi cạn này có thể trở thành một điểm nóng đối đầu.
Khác với Bãi Cỏ Mây, nơi các cuộc đối đầu diễn ra thưa thớt một tháng một hoặc hai lần, theo tần suất tiếp tế của Philippines, cuộc đối đầu giữa ngư dân và tàu công vụ yểm trợ có thể diễn ra hằng ngày ở Bãi cạn Scarborough. Theo đó, nguy cơ xảy ra va chạm cũng tăng cao hơn.
2. Đài Loan
Trung Quốc dường như vẫn đang tiếp tục tiến hành cuộc tập trận đổ bộ ở khu vực gần đảo Đông Sơn thuộc tỉnh Phúc Kiến sau khi Bộ Quốc phòng Đài Loan đưa ra cảnh báo hiếm thấy về hoạt động này của Trung Quốc cách đây ít ngày.
Hình ảnh vệ tinh ngày 25.9 cho thấy Trung Quốc tập trung số lượng lớn tàu ở khu vực này, bao gồm một tàu đổ bộ Type 075, 2 tàu Type 071 và 2 tàu Type 072.
Trước đó, Bộ Quốc phòng Đài Loan thông báo về việc theo dõi lực lượng tên lửa và lực lượng bộ binh của Trung Quốc ở gần vịnh Đại Trình cách đó không xa. Phía Đài Loan đánh giá các hoạt động gần đây của Trung Quốc là bất thường.
Vào tuần trước, Trung Quốc cũng triển khai số lượng kỷ lục máy bay quân sự vào các khu vực xung quanh Đài Loan, lên đến 103 chiếc.
Trong khi đó, hình ảnh vệ tinh cho thấy tàu sân bay Sơn Đông đã di chuyển ra biển trở lại vào ngày 24.9, sau khi quay trở về Tam Á sau cuộc tập trận ở Biển Philippines vào thượng tuần tháng 9.
Duân,