BBC
Hôm 18/10, tòa án phúc thẩm Nghệ An vẫn quyết định y án 20 năm tù 5 năm quản chế cho nhà hoạt động nông dân Lê Đình Lượng.
Y án 20 năm và cấm ứng cử?
Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết phiên tòa phúc thẩm diễn ra một cách nhanh chóng.
Ông Lượng, cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, “luôn rất ôn hòa, hết sức bình thản, nhẹ nhàng, lúc nào cũng gần như đang cười, mặc dù cương quyết không nhận tội.”
Có một điều đặc biệt là hội đồng xét xử lại bổ sung hình phạt đó là cấm đảm nhiệm các chức vụ trong cơ quan nhà nước và lực lượng vũ trang trong 5 năm.
“Bản thân nội dung hình phạt bổ sung đã nói lên ý định của chế độ đối với ông ấy. Dù 20 năm nữa thì ông ấy cũng hơn 70 tuổi rồi, không thích hợp để đảm đương chức vụ nhà nước, dân cử, nhưng có lẽ họ vẫn không muốn xảy ra khả năng đó,” ông Mạnh nói.
“Ở thành phố Vinh, thật ra ông Lượng không được nhiều người biết đến, nhưng tại huyện Yên Thành, thật ra ông ấy giống như là một lãnh tụ tinh thần,”
“Ông đã làm rất nhiều điều có ích cho người dân, tranh đấu với chính quyền về những bất công tại địa phương. Và rất có thể điều đó đã khiến ông trở thành cái gai trong mắt chính quyền.”
Ông Mạnh cho biết, cũng tại phiên tòa phúc thẩm sáng nay, hàng trăm người dân tại giáo xứ của ông Lượng cũng đã kéo đến cả một góc đường, vì “họ nghĩ là phiên tòa công khai thì họ sẽ được vào dự”.
Tuy nhiên chỉ có vợ, con trai và con dâu của ông Lượng được vào sau khi có sự can thiệp vất vả của phía luật sư.
Được người dân yêu mến, kính trọng
Ông Lượng là nhà hoạt động nông dân và cũng là cựu chiến binh trong Chiến tranh biên giới Việt – Trung.
Tháng 7/2017, ông bị bắt sau khi đi thăm gia đình gia đình tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Oai. Trước khi bị bắt, gia đình cho biết ông Lượng đã nhiều lần bị đánh đập uy hiếp bởi an ninh địa phương.
Luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân, người cũng gọi ông Lượng là chú họ, cho biết, ông Lượng đã tham gia đòi chống lạm thu thuế nông nghiệp, lạm thu học đường cho người dân, buộc chính quyền đã thừa nhận và trả lại tiền.
Ông Lượng còn hay giúp các cựu chiến binh như ông làm đơn để khiếu nại, hay cũng như đòi quyền lợi.
Trước đó, hôm 16/8, tòa án sơ thẩm Nghệ An đã tuyên án ông Lượng 20 năm tù, mức án cao nhất từ trước đến giờ cho giới bất đồng chính kiến tại Việt Nam vì tội “Lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79, Bộ luật hình sự.
Ông Lượng là người ít được biết đến trong phong trào đấu tranh dân chủ trên cả nước, theo luật sư Nguyễn Văn Đài.
“Nhưng ở các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thì ông rất có uy tín với người dân và cộng đồng Công giáo. Những người đấu tranh xuất thân từ hai tỉnh nói trên đều rất kính trọng ông và ông có ảnh hưởng với họ. Trong con mắt của an ninh Bộ Công an và tỉnh Nghệ An thì ông Lê Đình Lượng là cái gai cần phải nhổ đi từ lâu,” ông Đài nói.
Trước đó, hôm 16/8, tòa án sơ thẩm Nghệ An đã tuyên án ông Lượng 20 năm tù, mức án cao nhất từ trước đến giờ cho giới bất đồng chính kiến tại Việt Nam vì tội “Lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79, Bộ luật hình sự.
Luật sư Đài cho rằng có nhiều tình tiết bí ẩn khiến cho bản án của ông Lượng cao hơn bản án 17 năm do Viện Kiểm sát đề nghị.
‘Đối tượng phản động đặc biệt nguy hiểm’
Theo báo Nghệ An, Lê Đình Lượng là “đối tượng phản động đặc biệt nguy hiểm thuộc tổ chức khủng bố ‘Việt Tân'”
Tờ báo địa phương cho rằng ông Lượng đã tuyên truyền, lôi kéo những người dân “có tư tưởng chống đối ở Nghệ An, Hà Tĩnh tham gia vào tổ chức Việt Tân”.
“Lê Đình Lượng đã rủ rê Nguyễn Văn Hóa vượt biên sang Lào, Campuchia tham gia tập huấn các lớp đào tạo của Việt Tân về ‘vai trò người lãnh đạo’ và ‘truyền thông báo chí’, do các đối tượng cầm đầu tổ chức Việt Tân dạy, huấn luyện kỹ năng đấu tranh bất bạo động tại Việt Nam,”
Bản cáo trạng cũng cho rằng ông Lê Đình Lượng đã lôi kéo “Nguyễn Văn Oai, Đinh Hữu Toàn, Ngô Văn Mai, Nguyễn Viết Dũng… tham gia vào tổ chức Việt Tân, nhằm mục đích chống lại chính quyền nhân dân, xóa bỏ chính thể Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”
Tuy nhiên bài báo ngày 18/10 của Báo Nghệ An, không đề cập đến hình phạt bổ sung dành cho ông Lượng.
Trong khi đó Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) lên tiếng yêu cầu chính quyền Việt Nam đảo ngược bản án và trả tự do cho ông Lượng ngay lập tức.
Theo Phil Robertson, Phó giám đốc HRW khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, ông Lê Đình Lượng đã tham gia nhiều hoạt động mà nhà cầm quyền Việt Nam cho là không thể chấp nhận được, bao gồm việc phản đối liên quan đến tôn giáo và môi trường.
“Ông Lượng đã tham gia nhiều cuộc biểu tình bảo vệ môi trường, kể cả việc phản đối công ty thép Formosa Hà Tĩnh, một công ty Đài Loan, xả thải ra biển làm ô nhiễm bãi biển miền Trung Việt Nam, gây ra cái chết hàng loạt của hải sản và tàn phá môi trường.”