Sau 8 tháng bị khởi tố, bắt giữ và tạm giam hình sự từ ngày 7 Tháng Sáu 2024 cho đến nay, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã vừa hoàn tất cáo trạng truy tố ông Trương Huy San, tức ký giả Huy Đức và là chủ blog Osin về tội danh theo điều 331 Bộ Luật Hình sự về “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ…”.
Theo thông tin đã được truyền thông chính thức từ trong nước loan tải cho biết, ký giả Huy Đức phải chịu trách nhiệm về 13 bài viết đăng tải trên trang mạng xã hội Facebook có nội dung bị cho rằng xâm phạm đến “lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Điều này đã loại bỏ hoàn toàn nghi vấn của công chúng đối với bộ sách “Bên Thắng Cuộc” gồm 2 quyển do chính ký giả Huy Đức là tác giả, xuất bản từ năm 2012. Vì lẽ, với số lượng thông tin đồ sộ trong bộ sách, tác giả đã trình bày về một khoản thời gian lịch sử kéo dài từ suốt cuộc nội chiến Quốc – Cộng từ giữa thập kỷ 50 của thế kỷ trước, đến tận vài thập kỷ sau năm 1975. Trong đó, ký giả Huy Đức đã phơi bày mặt trái của rất nhiều sự kiện chính trị liên quan đến hàng loạt nhân vật lãnh đạo cao cấp trong hàng ngũ thuộc về “Bên Thắng Cuộc”. Trong đó, có nhiều sự kiện khiến cho người trong cuộc bị nhắc đến danh tính phải xấu hổ không ít về phương diện đạo đức hoặc tài năng.
Thậm chí, khi xét xử trong nhiều vụ án chính trị đối với những người thuộc giới tranh đấu cho dân chủ, thì bộ sách “Bên Thắng Cuộc” này cũng đã từng bị gán cho là tang vật, chứng cứ phạm tội của họ. Cho nên, khi xét xử tuyên hình phạt, thì bộ sách “Bên Thắng Cuộc” cũng bị tòa án tuyên tịch thu để tiêu hủy.
Thế nên, vào thời điểm ký giả Huy Đức bị bắt giữ, nhiều người đã cho rằng việc xuất bản bộ sách “Bên Thắng Cuộc” đã là một trong các nguyên nhân khiến cho tác giả phải vướng vào lao lý.
Tuy vậy, với nội dung cáo trạng đã công bố, thì ký giả Huy Đức chỉ phải chịu trách nhiệm về 13 bài viết trên trang mạng xã hội Facebook mà thôi.
Có lẽ nhờ vậy mà ký giả Huy Đức chỉ bị truy tố theo tội danh của điều 331 về “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ”, vốn có hình phạt nhẹ nhàng hơn tội danh theo điều 117 về “Tuyên truyền chống Nhà nước (tên cũ)”. Theo đó, hình phạt cao nhất theo điều 331 là 7 năm tù giam và hình phạt cao nhất theo điều 117 lên đến 20 năm tù giam.
Đọc 2 văn thức của điều luật 331 và 117, chúng ta cứ tưởng chúng khác nhau. Thực chất, chúng chỉ là một mà thôi, đều bị sử dụng để chế tài đối với những phát ngôn mà chế độ cho rằng chúng “nghịch nhĩ”.
Thời điểm này, cho dù tòa án chưa xét xử và đưa ra phán quyết. Thế nhưng, chúng ta vẫn có khả năng biết trước vài điều chắc chắn về vụ án.
THỦ TỤC TỐ TỤNG VỀ THẨM QUYỀN CÔNG TỐ VÀ XÉT XỬ
Về phương diện thủ tục. Sau khi Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ban hành cáo trạng, hồ sơ vụ án ký giả Huy Đức sẽ sớm chuyển qua Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội để xếp lịch xét xử theo thủ tục hình sự sơ thẩm.
Đồng thời, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cũng sẽ ủy quyền cho Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hà Nội đại diện, giữ quyền công tố trước phiên tòa.
KÝ GIẢ HUY ĐỨC SẼ BỊ TUYÊN ÁN CÓ TỘI
Ký giả Huy Đức sẽ bị cái gọi là “tòa án nhân dân” tuyên án có tội và phải chịu hình phạt tù giam. Vì lẽ, tòa án hình sự của chế độ chưa từng xét xử để tuyên trắng án cho bất kỳ ai cả.
Cho dù hiến pháp và luật về tố tụng đều có quy định về nguyên tắc “tòa án độc lập xét xử”. Thế nhưng, trong lịch sử hoạt động ngành tư pháp Việt Nam dưới chế độ Cộng Sản, điều này chưa bao giờ được áp dụng trong xét xử hình sự cả. Cái gọi là “Ban Nội chính” tập hợp các cơ quan tiến hành tố tụng gồm: Cơ quan cảnh sát điều tra thuộc công an, viện kiểm sát và tòa án họp để “thống nhất tội danh” trong các vụ án hình sự đã hoàn toàn phủ nhận nguyên tắc “tòa án độc lập xét xử”.
Cho nên, đến giai đoạn xét xử vụ án, tòa án chỉ làm mỗi việc là hợp thức hóa kết quả đã được thỏa thuận và thống nhất trước đó với cơ quan điều tra, công tố trong các cuộc họp của ban nội chính mà thôi.
Không có một thẩm phán của tòa án nào dám cả gan đưa ra phán quyết vượt ra khỏi kết quả đã thống nhất trong ban nội chính để thực hiện nguyên tắc “tòa án độc lập xét xử” cả.
Do đó, một khi đã khởi tố, tạm giam một công dân, đến khi tòa án xét xử, chúng ta có thể thấy trước về khả năng công dân đó sẽ bị tuyên xử có tội và phải chịu hình phạt, bất kể công dân ấy có đúng tội hay oan ức hay không.
Cho nên, công chúng đã rất tinh khi đặt tên cho những bản án tuyên trong các vụ án hình sự với hỗn danh “Án bỏ túi”.
Khách quan, vẫn có những vụ án mà công dân bị khởi tố và tạm giam đầy oan ức. Thay vì công dân ấy phải được tuyên xử trắng án vì vô tội, nhưng để che đậy tội lỗi của nhau, tòa án vẫn phải tuyên công dân ấy có tội và tuyên hình phạt bằng với thời gian đã tạm giam.
Trong trường hợp đó, dù được trả tự do ngay sau khi tuyên án, thế nhưng, những ngày tù oan ức đã không hề được tính đến. Chưa kể rằng, trong lý lịch tư pháp, công dân ấy vẫn bị xem như là người có tiền sự. Mặc nhiên, điều này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực nhiều mặt cho công dân trong đời sống xã hội.
KÝ GIẢ HUY ĐỨC SẼ BỊ TUYÊN BẢN ÁN OAN
Ký giả Huy Đức bị truy tố tội danh theo điều 331 Bộ Luật Hình sự “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ…”, cũng tương tự đối với tội danh theo điều 117 đều là những tội danh bất hợp pháp, bất công và phi lý.
Bất hợp pháp, vì trong Hiến pháp Việt Nam đã quy định các quyền tự do như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do biểu tình, tự do tôn giáo, tín ngưỡng… Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã ký kết tham gia Công ước Liên Hiệp quốc về các quyền dân sự, chính trị 1966 (ICCPR) vốn cũng có các quy định tương tự.
Trong khi đó, điều luật 331 và 117 Bộ Luật Hình sự lại quy định trừng phạt khi công dân thực hiện những quyền tự do này. Do trái hiến pháp và công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, cho nên, các điều luật 331 và 117 Bộ Luật Hình sự trở thành các điều luật bất hợp pháp.
Bất công và phi lý, vì luật hình sự của các quốc gia văn minh đều không xem những hành vi “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” hay “tuyên truyền chống Nhà nước” là vi phạm pháp luật. Với họ, khi công dân thực hiện những hành vi này, là họ đang thực hiện các quyền tự do theo hiến pháp mà thôi… Do đó, họ được chính quyền bảo hộ thay vì trừng trị.
Đó cũng là lý do mà nhiều quốc gia dân chủ và các tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế thường xuyên kêu gọi chế độ Cộng Sản trong nước hủy bỏ 2 điều luật 331 và 117.
Do bị cáo buộc và tuyên xử bằng điều luật bất hợp pháp, bất công và phi lý, cho nên, vụ án xét xử ký giả Huy Đức là một vụ án oan.
Cũng như thế, không chỉ với ký giả Huy Đức, mà tất cả những ai đã và đang phải chịu hình phạt về các tội danh theo điều 331 và 117 Bộ Luật Hình sự đều là những nạn nhân của các bản án oan do chế độ Cộng Sản xét xử họ.
Hoa Thịnh Đốn, ngày 12 Tháng Hai 2025
Đặng Đình Mạnh
——-///——-