“WE WORSHIP THE SAME GOD”

0
116
Bản đồ khu vực Israel – Palestine hiện nay. Ảnh: sbs.com.au.

Le Nguyen Duy Hau

Cùng theo học chương trình tiến sĩ với mình có ba người bạn. J là người Palestine sống ở Israel. Cũng giống mình, J là một học giả Fulbright, sau đó ở lại làm tiến sĩ. Đề tài của J đó là nhìn nhận lại lịch sử chính sách quy hoạch của thực dân Anh đã làm nên hiện trạng đất đai đầy rắc rối của khu vực Israel – Palestine này như thế nào. J tin rằng đất đai chính là vấn đề của xung đột. Đất này của ai, và từ khi nào? J có căn tính Palestine rất mạnh mẽ, nhưng bạn không chối bỏ mình là công dân Israel, nên bất kỳ khi nào được hỏi, bạn đều giới thiệu bản thân là người Palestine-Israel. Thỉnh thoảng, J cũng post lên mạng xã hội của mình những lời kêu gọi chống lại sự hà khắc của quân đội Israel lên người dân Palestine. Điều này khiến E đôi khi cũng khó chịu, nhưng bạn cũng không nói ra.

E là một luật sư đến từ Israel. E rất vui vẻ, hòa đồng. Thời còn ở Israel, E cũng từng là một trong những lãnh đạo quan trọng của cộng đồng LGBT tại Israel và từng giúp thông qua một chính sách về người LGBT trong quân đội nước này. Tuy rất cởi mở, nhưng cũng như mọi thanh niên Israel khác, E cũng từng là sĩ quan của quân đội Israel. E không khi nào kể về chuyện bạn ở quân đội như thế nào, và cũng không ai muốn kể. E từng nói, cầm súng rồi thì khó mà không làm gì.

Người bạn cuối cùng là M, một luật sư giàu kinh nghiệm ở Iran. Khác với E và J, M có quan điểm rất chỉ trích chính quyền Hồi giáo ở Iran hiện tại. Cô từng tham gia đủ các phong trào xuống đường đòi dân chủ cho Iran. Tất nhiên, M cảm thấy xấu hổ khi Iran đứng về phía Nga và ca ngợi lực lượng Hamas đánh vào người dân.

Mình biết J và E có những mất mát, không trực tiếp thì cũng gián tiếp. M cũng vậy. Không ai bảo ai, chúng tôi quyết định không nói về cuộc chiến đang diễn ra tại Dải Gaza. 

Có lần, J từng tuyên bố rằng cô không nghĩ sự đa dạng lúc nào cũng tốt. Cô nghĩ nơi gia đình cô đang sống đã có quá nhiều sự đa dạng, và chính sự đa dạng đó đã gây nên chiến tranh. Tất nhiên E không đồng ý. E thì nghĩ rằng sự đa dạng mà không trên cơ sở khoan dung, tôn trọng thì mới gây ra thù địch. J phản biện khi nói rằng có những lúc sự khoan dung làm con người ta mệt mỏi. Tranh luận đó là không bao giờ có hồi kết. 

Mình từng hỏi đùa là J, M, và E có thấy bản thân có điểm gì giống nhau không. Ba bạn nghĩ một lúc nhanh rồi bảo: chúng tôi cùng thờ chung một vị Thượng Đế (We worship the same God). Câu trả lời này làm mình suy nghĩ khá nhiều. Sự đa dạng làm nên tính cá nhân, nhưng tôn trọng sự đa dạng lại xuất phát từ việc con người tìm thấy điểm chung nào đó. Nếu không có điểm chung, con người không thể chấp nhận sự đa dạng được. Nếu không có điểm chung, không có lý do gì để chấp nhận sự khác biệt đó tồn tại. Một điểm chung cố hữu nhất đó là tất cả cùng là con người, nhưng thường bị coi nhẹ. Có đến 6 tỷ người ngoài kia. Không có gì là cá nhân cả. Điểm chung thứ hai có lẽ là ai trong chúng ta cũng tin vào một điều thiện nào đó. Trong trường hợp của E, J, và M, đó là vị Thượng Đế của ba tôn giáo mà vùng đất Israel đó đã sản sinh ra. 

Elon Musk nói đúng: cuộc chiến chúng ta đang có không phải là giữa cánh tả và cánh hữu, mà là giữa những người nhân bản và những kẻ chỉ muốn diệt vong (Humanist v. Extinctionist). Người nhân bản tìm điểm chung, kẻ diệt vong tin vào sự khác biệt. Công cụ của người nhân bản là hòa bình, vũ khí của kẻ diệt vong là bạo lực. 

Nhân danh gì, màu da nào, điều thiện nào, thì nói như E, khi bạn đã phải cầm súng thì khó có thể không làm một cái gì đó. Cuối cùng thì ai cũng phải tìm một chỗ dựa tâm linh để chuộc tội cho bản thân. Điều trớ trêu lại là nếu thật sự có Thượng Đế, và Thượng Đế ở bên ta khi bóp cò, thì Thượng Đế nào tha tội cho kẻ nhận viên đạn của ta?

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here