VOA
Ba ngày sau khi Luật An Ninh Mạng có hiệu lực, chính quyền Quận Tân Bình tung quân tiến chiếm Vườn rau Lộc Hưng và kết quả như mong muốn của những vị chỉ huy cao cấp nhất của thành phố: quân ta hoàn toàn chiến thắng và những kẻ sống nhờ vào mảnh đất này đã thành dân oan, biến mất khỏi nơi mà họ “tạm chiếm” từ năm 1954, khi đoàn quân di cư ồ ạt tiến vào Sài gòn cùng với những linh mục chủ chăn của họ.
Vườn rau Lộc Hưng không phải bây giờ mới bị chính quyền dòm ngó mà từ nhiều năm về trước nó đã thành cái gai phải nhổ trong mọi cuộc bàn thảo về đất đai tại UBND thành phố. Năm 2010, tôi nhận được tin nhắn của người dân Lộc Hưng nói về sự lo sợ bị cướp đất của họ, cảm nhận được vấn đề này tôi đã phỏng vấn nhiều người tại Vườn rau lúc ấy chưa ai để ý tới, mọi sự sau đó im ắng và người dân lại tiếp tục sinh sống trên phần đất được chính phủ VNCH cấp phát cho họ khi di cư vào Nam.
Thế nhưng nếu hỏi giấy tờ được chính phủ cấp phát ấy bây giờ ở đâu thì không ai có, kể cả những người sinh sống lâu đời nhất tại đây. Hỏi ra mới biết họ theo dòng người di cư và riêng Vườn rau Lộc Hưng thì giống như nhiều họ đạo khắp miền Nam khác, họ theo vị linh mục chủ chăn sống nương tựa vào nhau kể từ ngày di cư vào Nam tới giờ.
Chính quyền UBND Tân Bình đòi hỏi người dân trưng ra giấy tờ hợp pháp nhà đất và vịn vào cớ này để đuổi họ ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Từ sau năm 75 tới nay con số người về đây tăng lên nhưng nhìn chung họ là những con chiên ghẻ của xã hội. Đó là những thương phế binh VNCH, tàn tật và nghèo nàn đến mức họ chỉ có một nghề duy nhất là bán vé số để kiếm sống qua ngày. Đó là những người từ quê lên thành bán dạo, lấy Vườn rau làm nơi tá túc về đêm sau một ngày vất vả mưu sinh. Đó là những em sinh viên nghèo từ quê lên thành phố ăn học, thuê phòng trọ ở Vườn rau để được giá rẻ mặc dù đường tới trường có thể xa hơn nhiều lần.
Cư dân Vườn rau Lộc Hưng nhìn chung là đùm túm, nương tựa nhau mà sống cho tới ngày 4 tháng 1 năm 2019 thì họ bị tấn công một cách tàn nhẫn. Bằng xe xúc, bằng các loại máy đục bê tông, bằng cảnh sát cơ động, dân phòng cùng nhiều hội nhóm khác của chính quyền UBND quận Tân Bình. Sau hai lần càn quét, mọi căn nhà đều bị phá hủy, mọi vật dụng của đồng bào thi nhau …biến mất, và mọi hy vọng nhen nhúm trước ngày Tết Nguyên đán sụp đổ theo bước chân rầm rập của đoàn quân chiến thắng.
122 gia đình bây giờ trở thành tứ cố vô thân, tiếp sau hai đợt tấn công ngày 4/1 và 8/1 theo dòng người dài ngoằng của Tiên Lãng, Dương Nội, Cồn Dầu, Đồng Tâm, Long An, và bây giờ là Thủ Thiêm, Vườn rau Lộc Hưng. Bên cạnh tang tóc của họ là những mâm tiệc chúc mừng sự thành công của lực lượng cưỡng chế. Có một viên chức cho rằng cưỡng chế Vườn rau Lộc Hưng là việc làm đúng đắn vì lấy đất nơi này không phải cho doanh nghiệp hay bất cứ một mục đích kinh doanh nào khác mà vì tương lai của học sinh trong quận. Đây là dự án xây dựng cụm 3 trường học công lập đạt chuẩn quốc gia”, gồm Trường Trung học cơ sở, Tiểu Học, Mầm Non và khu công viên cây xanh. Vì dùng cho tiện ích của người dân nên không cần bồi thường giải tỏa hay cung cấp nơi định cư mới.
Vườn rau Lộc Hưng rõ ràng là bị… kỳ thị vì nó là khu đất của người dân Công giáo. Mà dân Công giáo thì thường dựa vào nhà thờ và nhà thờ là nơi chính quyền các cấp đều cho là … nhạy cảm. Những thông tin về Vườn Rau sẽ bị dẹp bỏ đã được người dân biết trước nhưng họ không có cách nào chống lại bởi sức mạnh của người cầm quyền hôm nay không coi người dân là thành phần mà từ đó họ sống và làm việc. Với cái nhìn hằn học và đầy định kiến, người cầm quyền khó mà nghĩ cho suôn sẻ về sự lộng hành của họ sẽ dẫn đất nước về đâu khi mà lòng dân không còn ta thán nữa mà đổi thành căm thù trước các hành vi bạo ngược của cái được gọi là chính quyền. Căn nhà họ bị đập xuống đẩy mọi thành viên của gia đình không nơi nương tựa có phải là hình ảnh của bọn cướp đất ngày xưa hay không? Có thể là không, vì lịch sử Việt Nam trong cả hai thời kỳ Pháp và Mỹ chưa thấy ghi nhận việc cả làng bị đập nhà tan nát và buộc người dân phải mình trần thân trụi ra khỏi căn nhà yêu thương gắn bó của họ với lý do xây trường học.
Có lẽ chính quyền vững tin vào Luật An Ninh Mạng sẽ ngăn cản thông tin trên mạng xã hội nên ba ngày sau khi luật chính thức áp dụng họ mới lao vào trận địa, nhưng họ không ngờ rằng những người hiền nhất trên mạng trước đây cũng lên tiếng một cách mạnh mẽ nhất huống hồ những người từng nổi tiếng phản biện và chống đối. Một tính toán ngu muội vì tin tưởng tuyệt đối vào chiếc dùi cui họ đang đeo bên hông cùng đám lâu la theo đóm ăn tàn của một chính quyền nay đã vĩnh viễn không còn người dân công chính nào tin tưởng nữa.
Bất kể sự câm lặng của báo chí, mạng xã hội tung lên tin tức hàng giờ. Những bức ảnh làm ngấn lệ con người không thể ngăn đừng chảy, những đống gạch vụn tan nát trong lòng người Việt Nam, những đôi chân giả nằm lăn lốc cùng với gạch vụn mà không biết giờ đây chủ nhân của chúng đang về đâu?
122 gia đình bị vùi dập không thương tiếc vì tương lai con em chúng ta ư?
Trường học nào dạy học sinh giỏi căn cứ trên nước mắt dưới cái nền nhà mà học sinh ê a hàng ngày? Trường học nào nổi tiếng cho bằng sự nổi tiếng đập nhà dân, khiến hàng trăm em bơ vơ không còn nơi để nương tựa? Trường học nào tồn tại nổi trong cái khung văn hóa căm thù và chống đối? Trường học nào dạy con em chúng ta bài học một thời của Chị Dậu tốt bằng nơi mà nó được dựng lên bằng tiếng kêu khóc của những Chị Dậu ngày nay?
Đảng Cộng sản Việt Nam hình thành từ bất công xã hội của một thời nay đã chính thức bước chân vào sự tàn nhẫn, hà khắc mà lịch sử chưa bao giờ trải qua trước đó cho thấy một thời kỳ mới đang thay da đổi thịt, và sự thay da đổi thịt nào mà không đau đớn và nhiều lúc cả sỉ nhục nữa?
Nhà báo Mặc Lâm, nguyên Editor ban Việt Ngữ đài Á Châu Tự Do. Ông được nhiều người biết qua các phóng sự như Trại giam Cổng trời, Vụ án xét lại chống Đảng… Bên cạnh những bài phóng sự chính trị, xã hội, văn hóa nhà báo Mặc Lâm còn thực hiện nhiều chương trình phỏng vấn các nhân vật lãnh đạo cao cấp, các khuôn mặt bất đồng chính kiến trong và ngoài nước được người nghe, đọc tán thưởng. Ông cũng phụ trách chuyên mục Văn Hóa Nghệ Thuật cho RFA trong hơn 10 năm. Về hưu năm 2017 sau khi tác phẩm Bàng Bạc Gấm Hoa của ông ra đời tại Hoa Kỳ. Hiện cộng tác cho VOA, RFA, Người Việt, và BBC trong nhiều mục khác nhau.
https://www.facebook.com/dieucayclbnbtdvn/videos/1832856026788131/