Vụ Trương Mỹ Lan: đại án kinh tế hay động đất chính trị?

0
56
Bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát RFA edit

VOA Tiếng Việt

Vụ nữ đại gia Trương Mỹ Lan, chủ nhân tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị bắt trong một vụ án kinh tế sẽ là bước đầu tiên để khui ra và ‘đốt lò’ các vị tai to mặt lớn từ đương chức đến đã nghỉ hưu, theo nhận định của nhiều nhà quan sát ở Việt Nam.

Bà Lan, trùm bất động sản, một trong những người giàu nhất Việt Nam, đã bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Bộ Công an, khởi tố, bắt tạm giam hôm 8/10 về tội ‘lừa đảo chiếm đoạt tài sản’ mà cụ thể là ‘gian lận trong phát hành trái phiếu để chiếm đoạt hàng ngàn tỉ đồng của người dân’, theo thông tin phát đi từ cơ quan này.

Vụ bắt giữ bà Lan đã gây xôn xao dư luận vì trước giờ bà Lan được biết đến như là ‘nhân vật không thể đụng đến’. Bất chấp tai tiếng về hối lộ cả triệu đô la cho cố Thứ trưởng Công an Phạm Quý Ngọ, những ồn ào về việc có tên trong hồ sơ Panama hay lùm xùm quanh việc xin thôi quốc tịch Việt Nam, suốt nhiều năm qua bà Lan vẫn bình an vô sự.

Do đó, dù vụ án được tuyên bố là án kinh tế, nhưng nhiều người cho rằng mục tiêu thực sự đằng sau việc bắt giữ bà Trương Mỹ Lan là ‘thanh trừng chính trị’.

Bà Lan sở hữu nhiều khu đất vàng với vị trí vô cùng đắc địa ở thành phố Hồ Chí Minh mà nhiều nhà người thèm muốn nhưng không rõ làm sao bà thâu tóm được. Thời kỳ Vạn Thịnh Phát của bà phất lên như diều gặp gió cũng là giai đoạn ông Lê Thanh Hải là người có quyền lực bao trùm thành phố lớn nhất nước.

‘Liên hệ lớn’

Một nguồn tin thạo chuyện nội bộ của Đảng Cộng sản Việt Nam nói với VOA với điều kiện giấu tên rằng vụ án ‘có liên hệ lớn đến nhiều quan chức chóp bu đã nghỉ hưu lẫn đương chức’ và ‘đích thân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giao Bộ trưởng Công an Tô Lâm phải xử lý quyết liệt vụ này’.

Nguồn tin này lưu ý vụ bắt giữ xảy ra sau khi ông Trọng cùng với nhiều ủy viên Bộ Chính trị, trong đó có ông Tô Lâm và Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang, bay vào làm việc với Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và sau đó là họp Hội nghị Trung ương 6.

Trên mạng xã hội, một tài khoản có tên là ‘Sức mạnh Việt Nam’ chuyên đăng những bài viết ca ngợi Đảng, tung hô chế độ đã đăng bài có tiêu đề ‘Trương Mỹ Lan sa lưới pháp luật’ trong đó đề nghị ‘cơ quan chức năng mở rộng điều tra để xem những khu đất vàng đã thuộc về bà ấy có hợp pháp hay không? Liệu có đại quan nhân nào đứng sau để chống lưng cho Vạn Thịnh Phát hay không?’.

“Khi lò cụ Tổng đã đượm than thì củi tươi hay củi khô đều phải cháy… Đã qua rồi cái thời các đại quan nhân một tay che cả bầu trời,” bài đăng này viết và cho rằng ‘nhân dân Việt Nam vui mừng lắm, hả hê lắm’ khi những ‘phát súng chống tham nhũng’ liên tục bắn.

Cũng trên Facebook, nhà báo Lưu Trọng Văn ở Tp.HCM nhận định rằng ‘Cái gì đến sẽ phải đến’.

“Tai tiếng về các cuộc ngang nhiên cướp đoạt, xí phần, hớt tay trên các tập đoàn khác để chiếm các miếng mồi đất đai, dự án ngon ăn nhất, béo bở nhất của bà trùm cũng không bất cứ ai dám ho he”, nhà báo này lên án bà Trương Mỹ Lan.

“Liệu lần này khi bà trùm bị xét xử thì những kẻ trùm cuối – rắn chúa có bị lên đoạn đầu đài không?” ông Văn đặt vấn đề và bày tỏ nghi ngờ rằng ‘nếu cái cơ chế sinh ra rắn chúa không bị hành quyết thì… vẫn chỉ là chuyện nước vẩy đầu vịt… vì rắn chúa khác lại ra đời’.

‘Cánh hẩu của quan chức’

Ông Nguyễn Quang A, một nhà quan sát chính trị và bất đồng chính kiến ở Hà Nội, cũng cho rằng vụ bà Trương Mỹ Lan ‘là một vụ án chính trị rất là to’.

Ông bày tỏ nghi ngờ về con đường làm giàu cực kỳ nhanh chóng của bà Lan trong điều kiện Việt Nam: “Những người phất nhanh thường đều là cánh hẩu của các quan chức”. (13:15)

Theo lập luận của ông, các đại gia ở Việt Nam phất nhanh chắc chắn ‘sau lưng đều có quan chức chống lưng’ và các vụ án thoạt đầu là án kinh tế nhằm vào các đại gia cuối cùng cũng là ‘đụng tới vị quan chức nào đó’.

Trong trường hợp bà Lan, ông A cho biết ông đã nghe dư luận lâu nay là bà Lan ‘có quan hệ rất thân thiết với các lãnh đạo trước kia của Tp.HCM’.

“Những lời đồn của dân có từ lâu thì khá là chính xác”, ông cho biết.

Giải thích tại sao bà Lan có thể tung hoành ở thành phố lớn nhất nước một thời gian dài như vậy, ông A cho rằng ‘do hệ thống bị lỗi’.

“Trên cùng là một ông vua, đến các quan bên dưới có quyền lực đối với người dân ở địa phương mà không có thiết chế gì để giám sát các ông ấy cả”, ông A nói. “Lãnh đạo Tp.HCM là một nơi rất to thì quyền hành của ông ấy kinh lắm”.

“Chính hệ thống như thế sinh ra chuyện là không cần minh bạch (trong việc thâu tóm đất đai) vì nếu tôi là người quen, tôi là cánh hẩu của ông đó thì có chiếm được đất vàng bằng thủ đoạn đi nữa thì cũng không có báo chí nào dám phanh phui”, ông lý giải.

Riêng việc gian lận trong phát hành trái phiếu, ông A chỉ ra không chỉ bà Lan mà các cơ quan như Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán cũng phải có trách nhiệm vì đã phê duyệt cho bà Lan được phát hành trái phiếu để huy động vốn trong dân.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here