Vừa qua, việc cô ca sĩ Han Sara người Hàn Quốc trình diễn ca khúc có tên Cô gái Z, với lời hát được trích từ một ca khúc Nhạc cách mạng (nhạc đỏ) đã dấy lên tranh luận trên mạng xã hội và truyền thông nhà nước ở Việt Nam. Một nhạc sĩ cho rằng việc kiểm duyệt gây cản trở trong sáng tạo nghệ thuật.
Màn biểu diễn trên là một phần của một chương trình giải trí truyền hình mang tên The Heroes, được phát sóng hôm 6 tháng 11 trên VTV3. Trong đó cô ca sĩ người Hàn Quốc đang sinh sống ở Việt Nam làm mới ca khúc Cô gái mở đường, đưa thêm vào những lời lẽ đề cao nữ quyền và trình diễn theo xu hướng hiện đại.
Sau khi chương trình này được phát sóng thì nhiều người sử dụng mạng xã hội Việt Nam đã chỉ trích cô ca sĩ vì cho rằng cô đã làm biến tướng bài hát, thậm chí, nhiều người còn cáo buộc phần trình diễn trên là “trái với thuần phong mỹ tục”, hay “phản cảm”.
Báo chí Nhà nước cũng đồng loạt đưa tin về phản ứng tiêu cực của khán giả đối với phần biểu diễn của cô ca sĩ người Hàn.
Trả lời phỏng vấn của RFA, nhạc sĩ Tuấn Khanh, một nhạc sĩ kỳ cựu ở Việt Nam từng xuất hiện ở nhiều chương trình âm nhạc trước đây, cho rằng phản ứng tiêu cực của nhiều người trước sự đổi mới trong âm nhạc là hệ quả của chính sách kiểm duyệt.
Cụ thể, Nhạc sĩ Tuấn Khanh nói:
“Đó là câu chuyện của hệ quả của kiểm duyệt đối với một thế hệ hoặc nhiều thế hệ. Bởi vì kiểm duyệt nó như là một cái thứ vòng kim cô trong suy nghĩ vậy. Nó dẫn đến tình trạng là con người ta sẽ ở trong tình trạng là chỉ còn phân định được đâu là cái thứ nội dung được thể hiện, không thích hợp với nhà nước, hoặc trở thành thù địch với họ. Bởi có những giá trị được tôn vinh riết trong chuyện kiểm duyệt dẫn đến chuyện họ xem nó giống như là một thứ tôn kính hoặc là một thứ không thể chạm vào.”
Nhạc sĩ Tuấn Khanh cũng cho rằng thế hệ trẻ trong nước bây giờ bị gò bó trong tư duy về cái gì được phép và cái gì không được phép. Do đó tạo ra lực cản rất lớn đối với sáng tạo trong nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng.
Sau khi bị báo giới chỉ trích, cô ca sĩ Han Sara đã phải lên tiếng xin lỗi, đồng thời các đoạn video liên quan đến vụ việc đều bị nhà đài gỡ bỏ trên các nền tảng mạng xã hội Tik Tok và YouTube.
Ở trong nước những năm gần đây, người dân đã chứng kiến sự lên ngôi của nhạc rap với chương trình Rap Việt, nhưng theo nhạc sĩ Tuấn Khanh thì chính quyền chỉ cho phép sự phổ biến của thể loại nhạc này sau khi đã đảm bảo rằng những nghệ sĩ nhạc Rap đã được kiểm duyệt, và hệ quả của chính sách này, theo nhạc sĩ Tuấn Khanh là sự mất chất của nhạc Rap ở Việt Nam. Ông nói:
“Nhạc rap bây giờ nó là bị làm mất đi cái nội dung thật, nhạc rap bây giờ nó trở thành một cái bài đọc có vần, đùa giỡn và nó không còn giá trị xã hội nào hết. Trong khi nhạc rap bản chất của nó là những ngôn từ để định đoạt tất cả số phận, nói về con người, nó rất là hiện thực. Thì hôm nay nhạc rap chỉ còn là một rò vui, nó trở thành một thứ không còn giá trị.”
Kiểm duyệt trong nghệ thuật gần đây đã trở thành đề tài tranh luận nóng ở Việt Nam sau khi có chuyện các bộ phim được sản xuất bởi đạo diễn người Việt, tuy thắng giải liên hoan phim ở nước ngoài nhưng lại bị cấm chiếu ở Việt Nam do vi phạm các chính sách kiểm duyệt.
Dư luận và giới chuyên môn vừa qua đã mạnh dạn hơn trong việc yêu cầu nới lỏng chính sách kiểm duyệt đối với các ấn phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, hiệu quả chưa thấy đâu thì thành viên được cho là tiến bộ nhất của Hội đồng duyệt phim là đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã bị loại bỏ, với lý do “có nhiều phát ngôn không phù hợp”, điều này cho thấy những nỗ lực chống lại kiểm duyệt ở Việt Nam sẽ còn gặp lực cản rất lớn.