Nhã Duy
31-8-2023
Có thể chỉ là trùng hợp hay theo biến động thị trường, tuy nhiên chỉ vài giờ sau khi Jim Chanos gọi cổ phiếu VinFast là “meme stock” thì giá cổ phiếu VinFast đã rớt gần phân nửa trong ngày thứ Ba tuần này. Jim Chanos là một chủ tịch hãng cố vấn tài chính tại New York và là một nhà bán khống cổ phiếu (short-seller) lừng danh trong thế giới tài chính, từng dự đoán và bán khống thành công một số cổ phiếu các hãng lớn trước khi chúng bị sụp đổ.
Một đôi năm qua, khái niệm và hiện tượng “meme stock”, tạm gọi là “cổ phiếu ảo” hay “cổ phiếu rác” ra đời sau khi một vài cổ phiếu của những hãng làm ăn thua lỗ, nợ nần và doanh thu thấp bỗng dưng tăng rất cao và phi lý, không theo quy luật thị trường, lẫn giá trị thực của các hãng này.
Các cổ phiếu này thu hút được sự chú ý qua mạng xã hội và được giới trẻ và những người chơi chứng khoán tay ngang đổ mua, đẩy giá lên hàng trăm lần trước khi bị rớt xuống lại. Như cổ phiếu hệ thống rạp chiếu phim AMC từng lên đến giá ngất ngưởng $600 trước khi chỉ còn hơn $10 hiện nay, hay giá cổ phiếu của hãng bán game thua lỗ GameStop cũng từng tăng vài chục lần hồi năm 2021, là vài ví dụ trong thế giới “meme stock” mà cổ phiếu VinFast bị ví.
Vinfast là một hãng mới gia nhập kỹ nghệ xe hơi, đến từ một quốc gia chưa từng được thế giới biết đến như quốc gia có kỹ nghệ đáng chú ý gì. VinFast đang hoạt động với dòng tiền âm, làm ăn thua lỗ và nợ nần nhiều. Khi một hãng còn trong tình trạng thua lỗ, người đầu tư nhìn vào tiềm năng sản phẩm và doanh số bán ra của nó thì VinFast chưa bán được xe, lại bị đánh giá rất thấp khi vào thị trường Hoa Kỳ, một thị trường nhiều cơ hội cho việc tiêu thụ xe điện nhưng yêu cầu rất cao và cạnh tranh quyết liệt.
Trong vài ngàn chiếc xe được đưa sang Mỹ từ cuối năm qua, bản tin của Reuters dẫn theo số liệu từ S&P Global Mobility cho thấy, hiện chỉ có 137 xe VinFast được đăng bạ và lưu hành tại Mỹ cho đến cuối tháng Sáu vừa qua, trong đó không xác định được là bao nhiêu xe thực sự đã được người tiêu thụ mua. Còn lại hàng chục ngàn xe hơi VinFast bán được là tại thị trường nội địa. Tuy vậy, những người theo dõi tin tức thường xuyên đã nhận xét rằng, đó là những cuộc sang nhượng, cho thuê xe và thành lập hãng xe taxi được dàn xếp gấp rút trong mục đích tạo số liệu doanh thu cùng lượng xe bán được trước khi nộp hồ sơ ra cổ phiếu tại Mỹ.
Thế nhưng VinFast lại tự định giá trị của mình đến 23 tỉ đô la khi sát nhập cùng hãng Black Spade, vốn đã giảm từ mức 60 tỉ theo dự định ban đầu. Giá trị VinFast tăng vọt lên 85 tỉ trong ngày giao dịch đầu tiên trên sàn chứng khoán Nasdaq đã gây sự sửng sốt và chú ý cho giới tài chính. Không dừng lại ở đó, trong hai tuần lễ giao dịch đầu tiên, đã có thời điểm giá cổ phiếu VinFast lên trên $90, tức giá trị hãng này đạt trên dưới 200 tỉ đô la trước khi hạ xuống còn dưới phân nửa hiện nay. Cổ phiếu VinFast bị Jim Chanos gọi là “cổ phiếu rác” hay “ảo” là vậy.
Chính vì vậy, các bản tin tài chính và bàn luận của cộng đồng mạng thường nhắc đến VinFast đã qua mặt hãng này hay hãng kia và Phạm Nhật Vượng, chủ nhân VinFast trở thành người giàu thứ x hay y thế giới theo giá trị thị trường trong ngày của cổ phiếu thì chúng chỉ có giá trị trên giấy hay màn ảnh, hoặc là một phép tính đơn giản qua giá “cổ phiếu rác” hơn là giá trị thực tế. Nhiều thập niên nữa, nếu không nói sẽ khó tưởng tượng đến bao giờ Việt Nam mới có thể có những hãng đạt đến tầm vóc của những hãng như IBM, Intel hay Boeing để bảo rằng VinFast có giá trị cao hơn những hãng này hay các tập đoàn kia của thế giới.
Sôi nổi hơn cả giới tài chính New York là sự bàn luận của người Việt trước việc VinFast trình làng xe và cổ phiếu tại Mỹ.
Những người ủng hộ thông thường có lý do của họ khi lần đầu tiên một sản phẩm thuộc kỹ nghệ cao của Việt Nam được quảng bá rầm rộ ra thế giới. Tinh thần dân tộc cùng tâm lý “người Việt ủng hộ hàng Việt” đã mang lại cho nhiều người sự phấn khích hơn là biết đến việc xe VinFast được sản xuất thế nào và hoạt động của hãng này ra sao. Ngược lại, những người nghi ngờ Vinfast cũng có nhiều hơn một lý do trước cách quảng bá và tiếp cận thị trường Mỹ, cũng như đường đi bất thường của việc ra cổ phiếu VinFast.
Gạt bỏ qua những thành kiến hay yếu tố chính trị để nhìn đến một yếu tố không kém phần quan trọng khác là niềm tin với người tiêu thụ và thị trường. Khi một sản phẩm được quảng bá như sự hãnh diện của một quốc gia mà chưa hoàn chỉnh hay kém cỏi đã vội vã đưa ra thị trường và một quá trình niêm yết cổ phiếu có nhiều nghi vấn để cuối cùng, nếu dẫn đến thất bại, sẽ là tiền lệ cho sự nghi ngờ vào sản phẩm cùng các doanh nghiệp đến từ quốc gia đó.
Nếu VinFast thất bại hay bị phát hiện có những hoạt động sai trái sẽ dẫn đến sự bất lợi cho giới trẻ tài năng hay các hãng xưởng Việt có những sản phẩm xứng đáng khác muốn bước vào thị trường Mỹ hay ra thế giới sau này. Bởi ấn tượng ban đầu là điều rất quan trọng và sẽ còn đọng lại rất lâu. Đó mới chính là điều cần quan tâm hơn.
Về phần VinFast, thử đọc qua cáo bạch của VinFast trong hồ sơ 20-F nộp cho Ủy Ban Chứng Khoán Hoa Kỳ (SEC) để hiểu thêm VinFast sẽ nhắm hoạt động thế nào trên sàn chứng khoán Mỹ. VinFast viết rằng, “Vì VinFast là “nhà phát hành cổ phiếu tư nhân nước ngoài” (foreign private issuer) nên được miễn các quy tắc và điều lệ theo Đạo Luật Giao Dịch Chứng Khoán (Exchange Act), hội đồng quản trị và các cổ đông chính của VinFast được miễn các điều khoản phải báo cáo về sinh lợi “ngắn hạn” theo quy định mục 16 của Đạo Luật Giao Dịch trong việc mua và bán cổ phiếu phổ thông của VinFast. Ngoài ra, VinFast không bắt buộc phải nộp báo cáo, hồ sơ tài chính cho SEC thường xuyên và đúng thời hạn như các công ty cổ phần của Hoa Kỳ…” (Trang 5, đơn 20-F).
Ở đây có thể mở ngoặc để giải thích thêm về quy định “sinh lợi ngắn hạn” (short-swing profit)
mà VinFast nói đến. Theo quy định của SEC thì những cấp quản trị hay cổ đông lớn trong nội bộ hãng cần báo cáo minh bạch và cho SEC việc mua hay bán cổ phiếu của hãng. Nhằm tránh việc thao túng giá cổ phiếu hay mua bán dựa vào thông tin nội bộ, nếu việc mua và bán cổ phiếu diễn ra trong vòng sáu tháng có sinh lợi thì khoản lợi nhuận đó phải trả lại cho hãng. Nếu Vinfast không bị ràng buộc điều lệ này cũng như các quy định, luật lệ khác của SEC, sự thiếu minh bạch so với các công ty cổ phần thông thường khác là điều dễ dẫn đến việc thao túng thị trường.
Ngay bên dưới, VinFast cũng cảnh báo người đầu tư trong cùng mẫu đơn 20-F nói trên rằng, “Không thể bảo đảm là cổ phiếu phổ thông và/hoặc chứng quyền của VinFast sẽ tiếp tục được niêm yết trên sàn Nasdaq. Nếu VinFast không tuân thủ theo các yêu cầu niêm yết của Nasdaq, cổ phiếu phổ thông và chứng quyền VinFast có thể bị rút khỏi Nasdaq và sẽ ảnh hưởng đến khả năng hoán đổi tiền mặt của chúng và việc gây vốn của hãng” (trang 8).
Đây là cách nói khác của việc cổ phiếu trở thành vô giá trị.
Cổ phiếu VinFast có phải là “cổ phiếu rác” hay không sẽ là câu chuyện bàn luận cho những người ủng hộ hoặc nghi ngờ, dù chỉ có thị trường và thời gian mới trả lời chính xác. Còn hiện nay, cổ phiếu VinFast cũng có thể tăng gấp đôi hay ba lần trong đôi ngày hay vài tuần tới, nhưng cũng có thể trở lại giá khởi điểm, thậm chí chỉ còn một đôi đô la hoặc bị xóa khỏi sàn Nasdaq trong vài tháng hay năm tới.
Tuy nhiên nhìn vào sự biến động bất lường và phi lý của cổ phiếu VinFast trong đôi tuần qua, nó đang phô bày những đặc tính tương tự một cổ phiếu rác như lời của Jim Chanos.