Việt Nam: Sau ‘‘đột quỵ’’, Nguyễn Phú Trọng càng ”độc đoán” hơn ?

0
322
Ông Nguyễn Phủ Trọng chủ trị hội nghị Trung ương 10 của đảng Cộng Sản Việt Nam, Hà Nội, ngày 16/05/2019.Ảnh chụp màn hình : VTV 1

Nguyễn Phú Trọng đột ngột trở lại chính trường ngày 14/05/2019, sau một tháng chữa bệnh. Sự trở lại của ông Trọng, ngay trước thềm hội nghị trung ương 10, đi kèm với một loạt vụ tấn công « quan chức » tham nhũng cấp cao khiến nhiều người đặt câu hỏi phải chăng chính quyền ông Trọng đang chuyển sang « đốt lò » dữ dội hơn.

Theo nhà báo Phạm Chí Dũng, nếu như chủ trương chống tham nhũng quyết liệt của tổng bí thư – chủ tịch nước nhận được sự tán thưởng của một bộ phận dân chúng và giới chức chính quyền, thì với tình trạng « độc tôn thái quá », không khuyến khích dân chủ, không bảo vệ người dân chống tham nhũng của Nguyễn Phú Trọng, các chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng sẽ chỉ là « nửa vời », « mỵ dân ». « Lò » của người bệnh hậu đột quỵ làm sao đủ sức thiêu được « đầm lầy tham nhũng ». Và vì một lý do nào đó mà quyền lực của ông Trọng và phe cánh suy giảm, chẳng hạn như do lãnh đạo tối cao lâm vào một cơn bạo bệnh lần thứ hai, Việt Nam rất có thể rơi vào tình trạng « loạn đảng ».

Sau đây là một số ghi nhận, phân tích và dự báo của nhà báo Phạm Chí Dũng (1) với RFI, ngày 14/05/2019, ngay sau khi có thông tin về buổi họp đặc biệt của ông Nguyễn Phú Trọng với một số lãnh đạo chủ chốt.

***

Nguyễn Phú Trọng xuất hiện đột ngột vào ngày 14/05. Phải nói là đột ngột, vì trước đó ít ngày đã có thông báo trên báo Đảng là Nguyễn Phú Trọng sẽ xuất hiện vào ngày 29/05, trong kỳ họp Quốc Hội, để trình trước Quốc Hội về Công ước 98 – tức một trong ba công ước về lao động mà Việt Nam chưa ký, liên quan đến Hiệp định Tự do Thương mại Châu Âu – Việt Nam. Nhưng có lẽ trước áp lực của dư luận đòi hỏi phải minh bạch hóa sức khỏe của Nguyễn Phú Trọng, thành thử ban Bảo vệ Sức khỏe Trung ương cùng Bộ Chính Trị, và ông Trọng có vẻ sốt ruột. Họ đã tính đến chuyện phải cho ông Nguyễn Phú Trọng xuất hiện sớm hơn.

Đặc biệt là trước thời điểm hội nghị Trung ương 10, đang sinh ra rất nhiều đồn đoán là Nguyễn Phú Trọng không thể chủ trì được, và do đó sẽ mất vai trò, cũng như uy quyền chính trị tại hội nghị này. Sự xuất hiện của Nguyễn Phú Trọng vào ngày 14/05 mang lại một số điểm hoài nghi.

Ông Trọng đột ngột trở lại : Điểm gì đáng chú ý ?

Qua nghe giọng nói ông Nguyễn Phú Trọng được đài Truyền hình Việt Nam tường thuật, ghi hình, cũng như ghi âm, tới hơn 6 phút, có thể thấy giọng nói của ông ta, khẩu khí của ông ta gần như không có gì thay đổi so với trước khi ông ta bị bệnh. Điều đó mang lại sự hoài nghi về tin đồn về việc ông ta phải nhập viện, không thể nói được, cũng như đang phải tập nói. Tôi nghĩ rằng, đối với một người bị tai biến mạch máu não, đột quy, dù là nhẹ, mà bị méo miệng, cũng không thể hồi phục giọng nói trong một thời gian ngắn thế này. Mới chỉ trong vòng một tháng mà giọng nói của ông ta rành mạch, dứt khoát, nói chung không có gì thay đổi so với trước đây.

Bên cạnh đó, lại lộ ra những chi tiết là trong suốt hơn 6 phút tường thuật của đài Truyền hình, đã không một lần cho thấy Nguyễn Phú Trọng rời khỏi chiếc ghế… Điều đó có vẻ lô-gic với suy đoán là Nguyễn Phú Trọng đang phải tập đi, và căn bệnh tai biến mạch máu não đã làm ảnh hưởng một phần nào đó đến cơ thể ông ta.

Cần chú ý một điểm nữa là đài Truyền hình Việt Nam được tham gia ghi hình và thu tiếng đối với Nguyễn Phú Trọng, trong một buổi họp được coi là rất nội bộ. Nguyễn Phú Trọng họp với các lãnh đạo chủ chốt, để phổ biến về tình hình nội bộ. Điều này cho thấy đây không hẳn là một cuộc họp nội bộ.

« Riết róng, gia trưởng, độc đoán hơn »

Còn một điểm nữa là qua cách nói năng, diễn đạt của ông Trọng, tôi thấy có một sự khác biệt về khẩu khí. Đó là vào lần này, ông Trọng ít cười hơn. Hầu như trong hơn 6 phút tường thuật trên đài Truyền hình Việt Nam, ông ta không cười. Trước đây, thỉnh thoảng trong các buổi tường thuật trên đài Truyền hình, ông ta có cười. Lần này, không những không cười mà giọng nói ông ta còn nghiêm khắc hơn. Thậm chí có thể mô tả là giọng nói đó có một cái gì đó riết róng, gia trưởng, độc đoán hơn. Trong khi đó cả Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng chính phủ, Nguyễn Kim Ngân, chủ tịch Quốc Hội, Trần Quốc Vượng, thường trực Ban Bí Thư, Nguyễn Văn Nên, chánh văn phòng Trung ương Đảng, đều cắm cúi ghi chép những lời chỉ bảo của Nguyễn Phú Trọng.

Việc Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo với cung cách và giọng nói như vậy làm cho tôi có cảm giác, cảm giác cá nhân thôi, là dường như tôi đang chứng kiến một ông Trọng khác. Tôi không nghĩ là có người đóng thế cho ông Trọng, mà đây là ông Trọng thật. Nhưng mà sau một cơn bạo bệnh, dường như tôi đang lờ mờ nhìn thấy sự biểu cảm của một Nguyễn Phú Trọng khác hẳn đi. Tôi thấy ông ta như trở nên gia trưởng hơn, độc đoán hơn, khó khăn hơn và có thể là bẳn tính hơn.

« Đốt lò » dữ dội hơn ?

Cần chú ý là trùng với ngày ông ta xuất hiện, ngày 14/05, cơ quan điều tra bộ Công An ra quyết định bắt giữ hai quan chức kinh doanh. Một là Bùi Quang Huy, tổng giám đốc công ty Nhật Cường, được coi là sân sau của một quan chức ở Hà Nội. Và hai là Tề Trí Dũng, tổng giám đốc công ty Tân Thuận, một đơn vị làm kinh tế Đảng của thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt liên quan đến cựu phó bí thư thành ủy Tất Thành Cang.

Đặc biệt trong cuộc họp với cán bộ lãnh đạo chủ chốt, mà nội dung được công khai hóa một phần, Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đi nhắc lại là việc chống tham nhũng không thể trùng xuống. Ông ta không phải đề cao nữa, mà yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương phải liên tiếp làm việc, và thậm chí phải « đốt lò » mạnh hơn nữa.

Khoảng một tuần trước khi Nguyễn Phú Trọng tái xuất, Ủy ban Kiểm tra Trung ương có cuộc họp tôi cho là bất thường, công bố kỷ luật hàng loạt tướng lĩnh, đặc biệt cả một cựu phó thủ tướng, Vũ Văn Ninh, bị coi là liên quan đến một dự án thời Đinh La Thăng… Ngay sau đó, thì đã có tin là việc kỷ luật hàng loạt tướng, và Vũ Văn Ninh sẽ được đem ra hội nghị Trung ương 10 này, để chính thức hóa việc cách toàn bộ chức vụ, để mở đường cho việc hình sự hóa (tức truy tố) sau đó.

Điểm nhấn mạnh của buổi xuất hiện trở lại đầu tiên của Nguyễn Phú Trọng ngày 14/05 là tập trung vào việc « đốt lò ». Điều đó có nghĩa là, có nhiều khả năng trước đó ông ta đã dần hồi phục về trí não. Và từ trên giường bệnh, ông ta đã có sự chỉ đạo… tiếp tục đốt lò nóng hơn. Và bây giờ xuất hiện chính thức, ông ta đưa ra thông điệp. Tôi hình dung rằng chiến dịch đốt lò của Nguyễn Phú Trọng đang chuyển sang một giai đoạn mới, nóng hơn, dữ dội hơn, rộng hơn.

Việc Nguyễn Phú Trọng xuất hiện như thế này còn có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với những giới quan tham, đối thủ chính trị của ông Trọng. Đó là một cái tin rất buồn, rất đáng đau khổ với họ. Bởi vì họ tưởng như có thể reo mừng, vì tưởng như Nguyễn Phú Trọng nằm liệt giường, liệt chiếu. Giờ ông Trọng thình lình xuất hiện, và nguy cơ đang ập đến với họ.

Tôi xin nhắc lại một liên tưởng là, vào mỗi lần Nguyễn Phú Trọng xuất hiện trở lại, là lại có bắt người. Vào cuối năm 2017, Nguyễn Phú Trọng tự nhiên bị coi là mất tích khoảng nửa tháng, trong lúc nổi lên dư luận là cái lò của ông ta ướt sũng, và chìm nghỉm. Ngày 08/12/2017, ông Trọng bất chợt xuất hiện, và họp Ban phòng chống Tham nhũng Trung ương vào buổi sáng. Và ngay buổi chiều Quốc Hội họp. Và ngay trong chiều tối hôm đó, bộ Công An bắt cựu ủy viên Bộ Chính Trị Đinh La Thăng. Lần này, Nguyễn Phú Trọng xuất hiện trở lại, thì ngay trong ngày hôm đó bắt bớ một loạt, và sang hôm sau bắt tiếp.

Làm chủ hội nghị 10…

Hiện tại chưa có nhiều thông tin. Chỉ có thông tin đồn đoán ngoài lề. Hội nghị lần này có nhiệm vụ rất quan trọng, là phải chốt một danh sách nhân sự Bộ Chính Trị cho Đại hội XIII. Danh sách này có thể là chính thức. Với sự xuất hiện trở lại của Nguyễn Phú Trọng hôm nay, nhiều khả năng Nguyễn Phú Trọng sẽ chủ trì hội nghị Trung ương 10, thậm chí ông ta có thể phát biểu khai mạc, hoặc kết thúc.

Chỉ có điều chưa biết ông ta sẽ xuất hiện theo cách nào mà thôi. Có thể là người ta sẽ thấy ông ta tự nhiên ngồi một chỗ, trong một khoảng thời gian đủ ngắn, và đọc diễn văn, và sau đó bằng cách nào đó, ông ta sẽ biến mất. Hay có khả năng là ông ta sẽ bình tĩnh, tự tin, bước từng bước một, hoặc thậm chí có người dìu đi vào hội nghị Trung ương 10, trước các cặp mắt có thể là cực kỳ tò mò của bao nhiều ủy viên Trung ương ở đó.

Dù gì thì tôi nghĩ rằng ông Nguyễn Phú Trọng cũng đang phần nào làm chủ lại tình hình, chấm dứt tình trạng vắng chủ nhà, gà mọc đuôi tôm, đã manh nha xuất hiện trong khoảng thời gian ông Nguyễn Phú Trọng bị coi là mất tích.

…. nhưng làm sao với cả một « đầm lầy tham nhũng » ?

Chắc chắn là đã có một bộ phận trong giới cách mạng lão thành, phần nào tin vào chủ nghĩa xã hội, tin vào cá nhân ông Trọng, kể cả giới cận thần vẫn thường ca ngợi ông Trọng lên mây xanh, là bậc nhân kiệt, thế thiên hành đạo, hay minh quân…, đã cảm thấy rất được an ủi khi thấy ông ta xuất hiện trở lại. Và điều này không phải chỉ là do việc đốt lò đâu, mà vì quyền lợi của họ nữa.

Bên cạnh đó, cần phải nhìn thấy là bất kỳ sự độc tôn thái quá nào cũng không thể kéo dài quá lâu. Thực ra, ông Trọng đã có sự tập trung quyền lực vào cá nhân khá là nhiều. Có thể nói là gần như là đỉnh điểm so với các thời tổng bí thư, chủ tịch nước ở Việt Nam. Ông ta đang phải đối phó với một núi việc khổng lồ. Trong đó, điều kiện sống chết – để ông ta có thể tiếp tục tồn tại trên ghế tổng bí thư, chủ tịch Nước, và được lưu truyền sử xanh – là chiến dịch đốt lò.

Nhưng phía trước ông ta, có thể nói là cả một « đầm lầy tham nhũng » khổng lồ, mênh mang. Mà thành tích của ông ta, dù đã qua hơn nửa nhiệm kỳ, vẫn còn rất khiêm tốn, rất ít ỏi so với thành tích chống tham nhũng của Tập Cận Bình ở Trung Quốc. Nếu mà Nguyễn Phú Trọng không rút ra phương cách làm việc – đặc biệt là việc dân chủ hóa, khơi dậy sức lan tỏa của người dân, sức phản biện của người dân (ví dụ như không để cho người dân tố cáo tham nhũng bị công an bắt, như một vụ mới xảy ra ở Bắc Ninh) – thì ông ta sẽ không thể nào đi vào sử xanh, không thể nào chống tham nhũng được. Chỉ là chống tham nhũng nửa vời, chỉ là mỵ dân mà thôi.

Ngay trước mắt, sự độc tôn thái quá, và thiếu phương pháp của Nguyễn Phú Trọng, tôi cho là có thể dẫn đến tình trạng loạn đảng. Đó là, một khi ông ta bị suy giảm quyền lực, vì một lý do nào đó, chẳng hạn một lý do dễ dàng như một cơn bạo bệnh lần thứ hai. Lúc đó, sẽ sinh ra tình trạng loạn thần, ly tâm quyền lực, cát cứ.

Ghi chú

(1) Nhà báo Phạm Chí Dũng là chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam (IJAVN), một tổ chức truyền thông thuộc xã hội dân sự, thành lập năm 2014.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here