Ngày mai 29/05/2019, theo kế hoạch, lãnh đạo Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ phải đọc tờ trình trước Quốc Hội, về việc Việt Nam gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Nhiều người đặt câu hỏi liệu ông Trọng có « tái xuất » ? Và nếu có thì sẽ như thế nào.
Sau đây là một số nhận định của nhà báo Võ Văn Tạo (Nha Trang) về vấn đề sức khỏe của lãnh đạo Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Thưa nhà báo Võ Văn Tạo, theo những nguồn tin ông có, tình trạng sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng hiện nay thực chất ra sao ?
Sức khỏe của ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có phần hồi phục, rất là khá so với cách đây hơn một tháng. Nhưng mà chưa thật khỏe. Khả năng làm việc bình thường tôi nghĩ là có thể được. Căn cứ vào cuộc họp Tứ trụ (ngày 15/05) đúng một tháng sau tính từ 14/04, ông bị tai biến nhẹ. Sau đó là cuộc khai mạc, rồi bế mạc của Hội nghị trung ương 10 (từ ngày 14 đến 16/05/2019). Ông ấy đều xuất hiện và đều phát biểu. Tôi thấy rằng cái cách ông ấy phát biểu, cái phong thái và giọng nói của ông ấy thì tương đối được. Dĩ nhiên không khỏe như trước.
Về việc giải thích chuyện tại sao ông ấy chưa thật khỏe, tôi cũng có một số nguồn tin riêng, có thể để tham khảo. Không biết có đúng hay không. Người ta nói rằng ông Trọng bị tai biến không nặng. Trưa 14/04 bị tai biến ở Kiên Giang, trong lúc làm việc với tỉnh ủy Kiên Giang. Rồi ngay chiều hôm đó phải vào cấp cứu bệnh viện Kiên Giang để cấp cứu. Sau đó, đến chiều chỉ vài tiếng thì cấp tốc ra máy bay, để đưa về Sài Gòn để chạy chữa ở bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện hàng đầu về phẫu thuật ngoại thần kinh, tức là mổ não. Thế nhưng, sau hơn một ngày lại đi máy bay về Hà Nội được ngay.
Ai mà có kiến thức sơ bộ về y khoa, thì cũng biết rằng, nếu tai biến mạch máu não và xuất huyết não, mà cho đi máy bay ngay như thế, thì có nghĩa là anh giết bệnh nhân, nếu như việc xuất huyết não là nặng nề. Thế mà ông ấy vẫn về được Hà Nội một cách an toàn. Về bệnh viện 108 ngày 16/05. Điều này chứng tỏ việc xuất huyết não cũng rất nhẹ.
Thế thì nếu nhẹ như thế, thì chỉ một tuần, cùng lắm là hai tuần là xuất viện tốt. Thế nhưng ông ấy phải nằm một tháng mới xuất hiện trên tivi. Bữa ấy (ngày 14/05), tôi thấy cái phông của phòng họp với mấy người chóp bu của Đảng, thì tôi thấy đó không phải là cái văn phòng của Trung ương Đảng. Có khả năng đấy là một hội trường của Quân y Viện 108, rất là đơn sơ. Rõ ràng là tình trạng sức khỏe của ông ấy chưa thật tốt.
Giải thích về điều này, theo nguồn tin rò rỉ – để tham khảo thôi, chứ còn để tin thì phải có bằng chứng – ông ấy bị uống một loại thuốc có chất độc lạ.
Xin ông cho biết cụ thể ?
Theo nguồn tin này, ông ấy bị đầu độc. Thậm chí còn nói là mẫu bệnh phẩm đã được chuyển sang Nhật, người ta nói là cùng một nhóm virus lạ, hay hóa chất lạ, giống như trường hợp của ông Trần Đại Quang. Tình thế lúc đó là nguy ngập. Tin đó tôi nhớ là đã có vào cuối tháng 4, hoặc đầu tháng 5, trước khi ông xuất hiện trở lại trên truyền thông. Nhờ Quân y Viện 108, có quan hệ với Quân đội Nga, nên nhập về được thuốc giải được cái đó.
Dường như trong nước, trong dư luận rất nhiều người đặc biệt lo ngại cho sức khỏe của ông chủ tịch nước, kiêm tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ?
Sức khỏe của ông Trọng là mối quan tâm của một tỉ lệ không nhỏ người dân Việt Nam, trong đó có cả dân thường, lẫn cán bộ, đảng viên, đặc biệt sau khi ông ấy phát động chiến dịch thanh trừng những vụ đảng viên cao cấp tiêu cực, tham nhũng. Điển hình là ông Đinh La Thăng, ủy viên Bộ Chính Trị, bị đưa ra tòa, và đang ngồi tù.
Có một sự náo nức nhất định, vì cái thực trạng tham nhũng, thối nát đã quá phổ biến, thành Quốc nạn. Người ta đã kêu gào công khai ở các diễn đàn, từ 15, 20 năm trở lại. Rõ ràng tình hình là quá tệ. Ông ấy cũng làm được một số việc, gọi là gỡ gạc. Mang lại phần nào sự hào hứng nhất định cho cán bộ, đảng viên, người dân ở Việt Nam. Trường hợp xấu nhất là ông ấy qua đời chẳng hạn, thì họ lo ngại « tắt lò » mất.
Cũng có một kịch bản khác, được nhiều người nêu ra. Đó là sức khỏe ông Trọng yếu đến mức phải ngồi xe lăn chẳng hạn. Một lãnh đạo quốc gia ngồi xe lăn điều hành đất nước : Ông nhận định ra sao về viễn cảnh này ?
Theo tôi, việc ngồi xe lăn cũng không ảnh hưởng lắm đối với việc điều hành đất nước. Mình thấy rằng ngay trong Chiến tranh thế giới thứ Hai, tổng thống Mỹ Roosevelt cũng ngồi xe lăn, nhưng điều hành được Quân đội của ông, điều khiển chiến cục, chiến thắng phát xít Đức, cùng với Hồng quân Liên Xô. Đối với lãnh đạo tối cao thì họ không phải làm việc bằng cơ bắp, mà thần kinh họ tỉnh táo là được rồi. Chuyện họ đảm đương công việc, thì tôi nghĩ có thể được.
Về trường hợp ông Trọng, tôi nghĩ thế này : ở các Nhà nước cộng sản nói chung, Nhà nước Việt Nam nói riêng, từ lâu đã hình thành một cơ chế làm việc cơ bản là dựa vào tập thể. Những việc quan trọng họ ra nghị quyết, người đứng đầu hoặc người kế cận cứ theo nghị quyết đó mà phân công nhiệm vụ, kiểm tra đôn đốc. Không giống như tổng thống Mỹ chẳng hạn, có quyền lực và trách nhiệm nhiều hơn rất nhiều so với lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam. Vai trò của người đứng đầu ở Việt Nam mờ hơn. Thế nên, tôi nghĩ rằng nếu ông Trọng yếu sức khỏe chăng nữa, thì còn có các trợ lý của ông.
(Hết phần một)