Việt Nam phải thay đổi nếu muốn đạt được kỳ vọng của bản thân và kỳ vọng quốc tế!

0
44
TSKH Nguyễn Quang A Tác giả cung cấp cho RFA.

Quốc Phương, cộng tác viên RFA Tiếng Việt từ London
09-19-2023

Triển vọng của tiến bộ và phát triển của Việt Nam sau khi nước này nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện là ‘xán lạn’; tuy nhiên mọi việc không tự nhiên mà đến mà đòi hỏi phải có sự nỗ lực từ chính bản thân nội bộ Việt Nam. Trong đó có nỗ lực của xã hội dân sự, vai trò của giới trí thức và đặc biệt là sự tích cực của mọi người dân hiểu và thực thi các quyền Hiến định của mình.

Đó là ý kiến từ trong giới quan sát xã hội dân sự và dân chủ, nhân quyền Việt Nam chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do khoảng mười ngày sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cùng với Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng nâng cấp quan hệ đối tác hai nước lên tầm mức cao nhất hôm 10/9/2023.

“Tôi nghĩ rằng một khi chúng ta nhận được sự hỗ trợ, sự đồng tình của rất nhiều nước trên thế giới và thực sự người ta mong muốn Việt Nam phát triển, không ai muốn Việt Nam là một nước mãi mãi lạc hậu cả. Người ta muốn Việt Nam phát triển và có một chỗ đứng xứng đáng trong chính trường quốc tế cũng như trong cộng đồng quốc tế, nhưng phải hiểu nghĩa ‘xứng đáng’ một cách toàn diện và tất nhiên tôi không nghĩ mọi sự thay đổi sẽ diễn ra trong chốc lát, nhưng nếu chúng ta muốn đạt được những kỳ vọng của chúng ta, cũng như kỳ vọng của cộng đồng quốc tế, thì chúng ta phải thay đổi,” hôm 19/9, ông Trần Tiến Đức, cựu Vụ trưởng một Ủy ban quốc gia trực thuộc Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và cựu thành viên ban tư vấn một số vấn đề chính sách cho Ủy ban các vấn đề Xã hội của Quốc hội Việt Nam thời kỳ trước đây, nói với RFA Tiếng Việt trên quan điểm riêng.

“Nói như một số vị lãnh đạo thời 1986 lúc bấy giờ phải là ‘đổi mới hay là chết’, tôi nghĩ bây giờ phải thay đổi, không thì chúng ta sẽ chết. Chết là vì chúng ta sẽ lạc hậu, sẽ tụt dần và chúng ta sẽ bị bật ra khỏi vòng của nhân loại tiến bộ. Mọi sự biến đổi của thế giới quan hệ hữu cơ với nhau, kể cả tình hình trong một nước. Những thay đổi kinh tế, khi kinh tế ngày càng đi theo hướng thị trường và dù chúng ta có muốn gắn thêm cái đuôi ‘xã hội chủ nghĩa’ vào đi nữa, nhưng vừa rồi trong trao đổi giữa ông Nguyễn Phú Trọng và ông Joe Biden cũng vẫn kêu gọi phía Mỹ công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường, mà nền kinh tế thị trường có những thước đo của nó.”

Theo ông Trần Tiến Đức, những thước đo này dù ở các lĩnh vực khác nhau, nhưng đều liên quan đến quyền của con người, quyền của công dân v.v…, ông nói tiếp với RFA:

“Kể cả những thước đo liên quan đến quyền của người lao động chẳng hạn cũng là một vấn đề, mà nó gắn với những quy chuẩn của nền kinh tế thị trường, hay những quyền tự do ngôn luận v.v… Tất cả những quyền đó đều gắn kết với nhau, chứ không chỉ đơn thuần là một nền kinh tế thị trường theo cách hiểu rất đơn giản của một số người. Và tôi nghĩ rằng những vị nào cứ nghĩ rằng ‘cứ như thế này mà chúng ta sẽ mãi mãi vững mạnh’, thì tôi nghĩ rằng các vị cũng nên xem lại để xem những suy nghĩ của mình có phù hợp với logic phát triển của nhân loại, của xã hội loài người hay không.”

Trần Hoàng Phúc

Cho rằng Mỹ và phương Tây sẽ ‘bỏ rơi dân chủ, nhân quyền’ là ‘nông cạn’

Cho rằng cũng là một lối suy nghĩ ‘đơn giản’ khi gần đây trên mạng xã hội có một bộ phận đưa ra ý kiến cho rằng Hoa Kỳ đã thiết lập quan hệ đối tác toàn diện với Việt Nam, tức là hoàn toàn ‘tôn trọng và công nhận thể chế, chế độ chính trị của Việt Nam’, và do đó những ai ‘thách thức’ hay ‘tạo áp lực’ với đảng và nhà nước, đòi thay đổi và cải tổ dân chủ, nhân quyền và tự do hóa ‘nên chấm dứt’ vì phương Tây mà đứng đầu là Hoa Kỳ sẽ ‘không bảo hộ, hẫu thuẫn’ cho các nỗ lực đó nữa, ông Trần Tiến Đức nói tiếp với Đài Á Châu Tự Do:

“Đúng là trong những tuyên bố chính thức (nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện) của Hoa Kỳ, kể cả trước đó nữa, họ cũng nói là họ tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam. Nói như vậy có nghĩa là người ta vẫn coi một chính quyền do đảng Cộng sản lãnh đạo mà chuyên chế và độc đảng là một sự việc khách quan tồn tại mà người ta phải chung sống với nó, tôi hiểu như thế. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là người ta sẽ ngồi yên hay sẽ bỏ qua những việc mà chúng ta (chính quyền Việt Nam) vi phạm những quyền cơ bản của con người đã được nêu trong Hiến chương về quyền con người năm 1948, cũng như trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc, và kể cả cũng như trong Hiến pháp 2013 của nước CHXHCN Việt Nam.

Còn cách người ta sẽ tác động như thế nào, tôi nghĩ có nhiều cách. Họ có thể tác động bằng con đường chính thức là qua những tham khảo chính trị, qua những ý kiến như trong thỏa thuận chung đã nêu là có những cuộc hội đàm cấp cao, rồi những cuộc gặp gỡ thường kỳ giữa Bộ trưởng Ngoại giao của hai bên và những kênh liên lạc của những cơ quan tương xứng khác nữa. Nhưng mặt khác, tôi cũng nghĩ rằng người ta sẽ tiếp tục ủng hộ cho các tổ chức phi chính phủ quốc tế tiếp tục có tiếng nói để ủng hộ những người đấu tranh vì quyền tự do, dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Tôi nghĩ rằng hai điều đó hoàn toàn không có gì trái ngược nhau, chứ còn nói rằng họ (Mỹ và/hay các quốc gia dân chủ phương Tây) sẽ làm ngơ trước việc đàn áp, bắt bớ v.v…, thì tôi nghĩ sẽ không phải là như vậy. Tôi nghĩ không phải đơn giản như thế và những người suy nghĩ như thế, theo tôi là nông cạn, không hiểu sâu, không hiểu rõ vấn đề, không phân tích đến nơi đến chốn bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam với thế giới, không chỉ riêng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.”

Theo ông Trần Tiến Đức, về một khía cạnh nào đó, liên quan các địa hạt trên, Việt Nam đã từng bước có những cải thiện, tuy nhiên theo vị cựu Vụ trưởng này thì “sự cải thiện ấy, so với mong muốn của những người trong cuộc, kể cả trong nước và ngoài nước, cũng còn xa mới đạt được yêu cầu.”

trí thức trẻ 3.jpeg
Các trí thức trẻ-tù nhân lương tâm (từ trái sang) Nguyễn Văn Hóa, Phan Kim Khánh và Hà Văn Nam. Facebook, RFA edited

‘Trí thức thì không cam chịu làm nô lệ, xã hội dân sự phải linh hoạt hơn’

Cũng trong dịp này, hôm 19/9, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và phản biện chính sách độc lập IDS (đã tự giải thể) nêu quan điểm của mình về việc trí thức, giới hoạt động xã hội dân sự và bản thân người dân Việt Nam cần phát huy vai trò như thế nào để đất nước được tiến bộ và dân chủ, nhân quyền, tự do hóa được cải thiện và có triển vọng tương lai, ông nói với Đài Á Châu Tự Do:

“Tôi nghĩ rằng các trí thức có vai trò rất quan trọng để thúc đẩy, để khuyên người dân thực hiện các quyền của mình, và họ phải là những người đi đầu trong công cuộc đó. Họ mà bảo rằng ‘chúng tôi làm mãi rồi, chẳng được việc gì cả, tất cả nước đổ lá khoai hết!’, thì những người ấy không thể gọi là ‘trí thức’ được nữa, bởi vì họ đã cam chịu thân phận làm nô lệ. Mà trí thức không cam chịu làm nô lệ! Và đối với các nhà lãnh đạo của các tổ chức xã hội dân sự trong 6-7 năm qua bị đàn áp rất khốc liệt, tôi chỉ khuyên họ rằng hãy cố gắng hoạt động bằng rất nhiều cách, và phải uyển chuyển theo tình hình, với tinh thần hoạt động làm sao xây dựng nhất, để làm sao hoạt động của mình có tác động rất cụ thể, cải thiện được tình hình từ kinh tế cho đến xã hội của cộng đồng nhỏ xung quanh mình, cho đến dần dần lan ra khắp đất nước.

Và thực sự dư địa để cho họ hoạt động vô cùng phong phú và không ngại gì, gọi là ‘vỏ quýt dày có móng tay nhọn’, cho nên việc nên uyển chuyển, linh hoạt trong hoạt động của mình để làm sao lấy tính hiệu quả của hoạt động làm chính, chứ không phải là lấy sự nổi trội, tiếng tăm làm chính. Nếu làm được như tôi nói, tức là làm sao để vận động được hàng chục triệu người dân Việt Nam hiểu được quyền của mình là gì và 24/7, 360 ngày trong một năm thực hiện những quyền Hiến định của mình một cách rất xây dựng, thì tương lai rất xán lạn. Nếu hỏi về tiến độ, thời gian thế nào, thực sự không trả lời được, bởi vì việc ấy phụ thuộc vào từng người Việt Nam.”

Và ông Nguyễn Quang A giải thích tiếp lập luận của mình về triển vọng của sự thay đổi đi tới sự tiến bộ xã hội và tự do hóa tốt hơn cho Việt Nam, ông nói:

“Nếu mà 65% những người lớn của Việt Nam, tức là từ 18 tuổi trở lên đều nghĩ như tôi nói chẳng hạn, thì lúc đó nhanh lắm, rất là nhanh, có thể trong vòng 5-7 năm thôi. Nhưng mà đấy là điều phi thực tiễn, bởi vì bây giờ tỷ lệ những người hiểu được quyền của mình, rồi thực hiện quyền của mình chưa phải là lớn. Cho nên phải quay lại những phương châm của cụ Phan Châu Trinh hơn 100 năm trước là phải nâng cao dân trí, phải chấn dân khí, và phải đẩy mạnh những điều kiện sinh sống của mọi người lên (hậu dân sinh), thực sự ba phương châm ấy là ba phương châm cốt lõi. Nếu mà mọi người dân, có thể chưa dám lên tiếng, thì hãy cố gắng hoạt động tốt về mặt kinh tế làm sao cho hiệu quả, cho công ty của mình, cho gia đình của mình, cho con em của mình, để có các điều kiện kinh tế khá lên, đấy là cải thiện dân sinh.

Khi có điều kiện khá rồi, thì tất nhiên giữa chừng phải học, phải liên kết với những nơi khác, phải làm cho hiểu biết của mình tăng lên, đấy là nâng cao dân trí, và phải mở miệng ra, phải đòi và quan trọng nhất là phải thực hiện, thì đấy chính là dân khí. Quanh quẩn lại, chỉ thực hiện ba phương châm ấy của cụ Phan một cách linh hoạt, từng ngày, từng giờ suốt một năm, và càng nhiều người làm càng tốt, thì nó càng nhanh, càng ít người thì càng lâu, và nếu không chủ động làm, thì chẳng bao giờ cả,” TSKH Nguyễn Quang A nói với Đài Á Châu Tự Do trên quan điểm cá nhân hôm 19/9 từ Hà Nội.

Nguồn : https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-must-change-to-meet-expectations-09192023102955.html

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here