RFA
Phái đoàn Thường Trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc vào ngày 10 tháng tư vừa qua gửi thêm 2 công hàm đến Ủy Ban Ranh Giới Thềm Lục Địa Liên Hiệp Quốc.
Công hàm số 24/HC- 2020 liên quan đến công hàm số HA 59/12 của Malaysia ngày 12/12/2019. Phía Việt Nam bày tỏ lập trường nhắc lại điều 76 (10) và Phụ lục II của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982. Việt Nam và Malaysia đều là thành viên công ước, theo đó hoạt động của Ủy ban không làm phương hại đến việc phân định ranh giới thềm lục địa giữa hai quốc gia đối diện hay liền kề.
Trong công hàm 24/HC-2020, Việt Nam nhắc lại Báo cáo chung ngày 6 tháng 5 năm 2009 với Malaysia về ranh giới thềm lục địa ngoài 200 hải lý kể từ đường cơ sở để tính chiều rộng phần lãnh hải ở phía nam Biển Đông.
Song song đó là báo cáo ngày 7 tháng 5 năm 2009 của Việt Nam về ranh giới thềm lục địa ngoài 200 hải lý kể từ đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải ở phần phía bắc Biển Đông.
Việt Nam cũng bảo lưu quyền đệ trình các thông tin liên quan về ranh giới thềm lục địa ngoài 200 hải lý kể từ đường cơ sở để tính chiều rộng lãnh hải ở các khu vực khác ở Biển Đông.
Công hàm số 25/HC-2020 liên quan đến công hàm ngày 6 tháng 3 năm nay của Philippines tuyên bố chủ quyền của nước này đối với quần đảo Trường Sa mà Manila gọi là Kalayaan.
Trong công hàm số 25, Việt Nam lặp lại có đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Vào ngày 30 tháng 3 vừa qua, Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc cũng gửi công hàm đến Ủy Ban Ranh Giới Thềm Lục địa của Liên Hiệp Quốc phản đối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.
Cũng liên quan Biển Đông, Bộ Ngoại giao Hà Nội vào ngày 15 tháng tư được dẫn lời rằng Việt Nam đang theo dõi hoạt động của nhóm tàu Trung Quốc đang đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.