Việc Nga tài trợ tiền thưởng để giết lính Mỹ ở Afghanistan và thất bại tình báo dưới thời Trump

0
148
Các trợ lý thường có truyền thống điều chỉnh cách làm việc dựa theo sở thích của một nhà lãnh đạo, cụ thể trong trường hợp của Tổng thống Donald Trump, ông thích nhận các cuộc họp giao ban bằng miệng. | Hình ảnh Doug Mills-Pool/Getty
The Interpreter

Cuộc tranh luận về tin các khoản tiền thưởng để khích lệ việc giết người Mỹ đang có ánh sáng tiêu cực nhắm vào hình thức lắng nghe thông tin tình báo của tổng thống.

Natasha BertrandKyle Cheney, ngày 1 tháng 7, 2020

Translated from POLITICO article Russia bounty flap highlights intel breakdown under Trump.

Các trợ lý thường có truyền thống điều chỉnh cách làm việc dựa theo sở thích của một nhà lãnh đạo, cụ thể trong trường hợp của Tổng thống Donald Trump, ông thích nhận các cuộc họp giao ban bằng miệng. | Hình ảnh Doug Mills-Pool/Getty

Cơn thịnh nộ về tin tình báo đánh giá rằng Nga đã cung cấp tiền thưởng cho các chiến binh Taliban để sát hại quân đội Hoa Kỳ đang vén bức màn về một quy trình bí mật đã phải thích nghi với tính cách bất thường của Donald Trump — việc cung cấp Tóm Tắt Tình Báo Hằng Ngày cho Tổng Thống (President’s Daily Brief hoặc PDB).

Vấn đề ở đây là Trump nổi tiếng trong việc phản đối tự mình đọc PDB, một tài liệu tổng hợp mỗi buổi sáng cho Tổng Thống và cho các cố vấn cấp cao của ông, cung cấp bởi Văn Phòng Giám Đốc Tình Báo Quốc Gia (ODNI). Trong đó nêu ra các mối đe dọa an ninh quốc gia quan trọng và các điểm nóng toàn cầu.

Tuyên bố từ tổng thống rằng ông chưa bao giờ nhận tin tình báo về tiền thưởng từ Nga, đã dẫn đến một loạt các rò rỉ tình báo với bằng chứng ngược lại, gây ra các cuộc chiến ngôn từ về ý nghĩa của từ “tóm tắt” và lời khẳng định bất thường của thư ký báo chí Nhà Trắng rằng trong thực tế, Trump đã đọc.

Nhưng các quan chức hàng đầu của Nhà Trắng đã xác nhận với các nhà lập pháp trong tuần này rằng tin tình báo tiền thưởng của Nga đã được đưa vào bản Tóm Tắt Hàng Ngày của Trump vào cuối tháng 2, các nguồn từ bên trong Capitol Hill (Đồi Quốc Hội) nói – mặc dù nó chưa được đọc ra cho tổng thống nghe.

Người tóm tắt tin cho tổng thống thường tìm cách cung cấp thông tin theo phong cách mỗi tổng thống. Theo các cựu quan chức tình báo có kiến ​​thức về phong cách của Trump, ông ta thích nghe tóm tắt bằng tai. Lịch trình công khai của ông cũng cho thấy một sự sắp đặt hỗn loạn những cuộc giao ban trực tiếp, không giống như cách các tổng thống trước đây đã nhận tin tình báo hàng ngày. Nhận tin tình báo là điều họ làm trước tiên vào mỗi buổi sáng.

Nhưng hệ thống đó về cơ bản đã tạo ra một quy trình tóm tắt có hai cấp độ: văn bản của PDB, mà Trump thường không đọc, và những gì mà người tóm tắt, và quan trọng hơn là các trợ lý an ninh quốc gia cấp cao của tổng thống, chọn lọc để đọc.

Tranh chấp về tin tình báo cũng buộc người phụ trách tình báo cao cấp hiện tại của ông Trump, bà Beth Sanner, bị đẩy vào một vị trí phải công khai một cách miễn cưỡng. Hôm thứ Tư, cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien đã nhắc khéo đến bà Sanner khi ông tuyên bố rằng bà là người đã đưa quyết định không đề cập đến tin tình báo tiền thưởng Nga cho Trump.

“Tổng thống đã không nhận được tin tình báo vì tại thời điểm của những cáo buộc này, chúng chưa được chứng minh,” ông O’Brien nói. “Cộng đồng tình báo không có sự đồng thuận lúc đó. Do đó, người tóm tắt của tổng thống quyết định không thông báo lại cho ông vì đó là thông tin tình báo chưa được xác minh. Và, nhân tiện, cô ấy là một sĩ quan xuất sắc và biết tất cả những chi tiết mà tôi biết, và tôi chắc chắn ủng hộ những quyết định của cô.”

ODNI đã từ chối bình luận, nhưng các quan chức tình báo trước đây nói rằng đây không phải cách hệ thống giao ban thường hoạt động– tình báo không thể cùng lúc được đưa vào Tóm Tắt Hàng Ngày của Tổng Thống (PDB), vừa bị cho là không đủ đáng tin cậy để cung cấp cho tổng thống bằng miệng, bởi vì có giả định rằng tổng thống sẽ đọc hết mọi phần của PDB. Hơn nữa, thông tin không được chứng minh mà cộng đồng tình báo vẫn chưa đạt được sự đồng thuận “vẫn được bao gồm” trong PDB nếu nó được coi là đủ mức độ quan trọng để có mặt trên tầm radar của tổng thống, David Priess, cựu sĩ quan CIA từng làm sĩ quan tóm tắt tình báo hàng ngày trong chính quyền của Bill Clinton và George W. Bush, nói.

Và trong khi các nhân viên tóm tắt này có một số quyền quyết định trong việc lấy thông tin nào nổi bật, những phán đoán đó thường phụ thuộc vào sự khủng hoảng của từng thời điểm, điều gì sẽ làm tổng thống quan tâm nhất vào ngày hôm đó, và điều mà cố vấn an ninh quốc gia, giám đốc tình báo quốc gia và giám đốc CIA coi là quan trọng nhất .

Hôm thứ Tư, O’Brien đã thừa nhận rằng tổng thống đã “được thông báo về các vấn đề tình báo nhạy cảm ngay lần đầu tiên” bởi một nhóm người bao gồm chính ông, Giám Đốc Tình Báo Quốc Gia John Ratcliffe và Giám Đốc CIA bà Gina Haspel, người “thường xuyên gặp gỡ tổng thống trong tuần.”

Cuối cùng, Priess cho biết, “người đưa ra tóm tắt phải quyết định những mục nào cần làm nổi bật, và mục nào họ tin rằng cố vấn an ninh quốc gia đã thông báo tổng thống trước.”

“Về cốt lõi, cố vấn an ninh quốc gia chỉ có hai vai trò chính: Phối hợp quy trình đảm bảo tổng thống có thông tin an ninh quốc gia mà ông cần – điều này bao gồm cả thông tin tình báo,” ông nói. “Sử dụng cái cớ rằng người tóm tắt đã không báo với tổng thống chỉ là thế: một cái cớ.”

Một nhà phân tích về hưu khác của CIA, Cindy Otis, đã chỉ ra rằng không phải tất cả các cuộc họp giao ban nào cũng đều giống nhau: Một số bị cắt ngắn hoặc bị loại bỏ, những lần khác có thể bị gián đoạn và những lần khác nữa, công việc này được giao lại cho nhân viên cấp cao. Đó là lý do tại sao người tóm tắt cũng cung cấp các tài liệu bằng văn bản, cô nói.

Đây không phải lần đầu tiên một số người trong chính quyền đã tìm cách làm đổ lỗi cho Sanner, một cựu chiến binh CIA với 30 năm phục vụ, cho sự thiếu quan tâm của Trump về một vấn đề. Các quan chức an ninh quốc gia giấu tên nói với tờ New York Times hồi tháng Năm rằng bà Sanner đã giảm thiểu mối đe dọa của coronavirus khi bà nói với Trump về vấn đề này lần đầu tiên vào cuối tháng 1, một lời cáo buộc mà Trump đã lặp lại trong một tweet hồi tháng Năm, tuyên bố rằng người tóm tắt của ông “chỉ nói ngắn gọn về Virus mà không nhấn mạnh mối đe dọa của nó.”

O’Brien cho biết lần đầu tiên ông nói vắn tắt với tổng thống về những mối nguy hiểm mà coronavirus có thể gây ra cho Hoa Kỳ là ngày 23 tháng 1. Cũng vào khoảng thời gian đó, các báo cáo công khai đã mô tả các xét nghiệm bi thảm của Trung Quốc phát hiện loại virus mới bí ẩn – bao gồm cả việc đóng cửa Vũ Hán hoàn toàn, một thành phố với hơn 11 triệu người, cùng ngày hôm đó. Một tuần sau, vào ngày 30 tháng 1, Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã tuyên bố “tình trạng sức khỏe cộng đồng khẩn cấp với quan ngại quốc tế.”

Doug London, một cựu sĩ quan CIA cao cấp đã nghỉ hưu năm 2019, nhấn mạnh rằng công việc của Sanner không phải là định hướng chú ý của tổng thống đến một chủ đề mà ông không thể hiện sự quan tâm – đặc biệt là xu hướng phản ứng tiêu cực của Trump với thông tin nào có phản ánh không tốt đẹp về Nga.

Các cựu nhân viên trong chính quyền Trump đã mô tả một tổng thống có thể bùng nổ cơn giận dữ khi chủ đề của Nga được nhắc đến; ngay cả cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, được biết là chẳng ngại ngùng gì trong việc này, thú nhận trong cuốn hồi ký mới của mình rằng ông chẳng bao giờ yêu cầu Trump đưa đánh giá cá nhân về nhà lãnh đạo điện Kremlin Vladimir Putin, “có lẽ vì tôi sợ những điều mình có thể nghe.”

Một cựu quan chức Nhà Trắng nói với Politico tuần này rằng “không có điều nào liên quan đến Nga mà mọi người cảm thấy thoải mái thảo luận với tổng thống.” Ngay cả ở những cấp cao nhất, ở cấp Nội Các, mọi người có thái độ theo kiểu sẽ bốc thăm để xem ai sẽ phải nêu vấn đề Nga với Trump.

London cho biết rằng cuối cùng, Ratcliffe, O’Brien và Giám Đốc CIA Gina Haspel, là những người phải chịu trách nhiệm với chọn lọc vấn đề cần sự chú ý của tổng thống. “Họ là những người đang gây thất bại cho chúng tôi,” ông nói thêm rằng, “thật vô lý” khi họ đổ lỗi cho Sanner.

“Trách nhiệm dừng lại ở đâu?” Ông nói. “Không phải với một người tóm tắt, mà với tổng thống và bàn tròn người thân cận của ông ta.”

Trong lời đáp lại, Thư Ký Báo Chí CIA Tim Barrett cho biết, “Các quan chức có quyền xem thấy bức tranh tổng quát tình báo hiện tại phải là những người đưa ra các quyết định này – chứ không phải các nhà quan sát bên ngoài.”

PDB cũng được chia sẻ với một loạt các quan chức an ninh quốc gia, bao gồm cả các bộ trưởng của Bộ Ngoại Giao và Quốc Phòng, Priess nói. “Ở mức độ thấp nhất, nó có thể được cầm bởi 6 đến 10 người,” ông ta lưu ý. “Tuy nhiên, có nhiều khả năng rằng nó được phát tán rộng hơn rất nhiều. Ở mức tối đa, dưới chính quyền Obama, PDB được gửi đến hơn 40 người.”

Dân biểu Abigail Spanberger (D-Va.), Một cựu nhân viên vụ án của CIA, một trong số gần chục đảng viên đảng Dân chủ đã tham dự cuộc họp giao ban hôm thứ Ba tại Nhà Trắng, cho biết tranh cãi về việc Trump được nghe tóm tắt hay nhìn vào văn bản là “chối quanh co. ” Ngay cả việc nói vắn tắt, cô nói, không nhất thiết là chứng cứ cho việc tổng thống tiếp thu thông tin mà các nhân viên của ông cung cấp. Điều quan trọng hơn, cô nói, là những gì Trump dự định sẽ làm, sau khi rõ ràng đã được thông báo.

“Đó là những gì tôi đã nói với Chánh văn phòng [Nhà Trắng] [Mark] Meadows. Chúng tôi có thể tranh luận về một số mốc thời gian. Ông ấy đã đọc nó chưa? Không à? Những điều này không phải vấn đề thật sự”, Spanberger nói. “Điểm mấu chốt là bây giờ ông ta đã biết.”

Ngoại trưởng Mike Pompeo tranh luận với các phóng viên hôm thứ Tư về các báo cáo tiền thưởng của Nga, biện giải cho chính quyền và kể lại một danh sách những động thái mà ông cho rằng chính quyền Trump đã thực hiện để chống lại Kremlin.

“Chúng tôi rất coi trọng điều này; chúng tôi đang xử lý nó một cách thích hợp. Người Nga đã bán vũ khí khiến người Mỹ nằm trong nguy hiểm ở [Afghanistan] trong 10 năm. Chúng tôi đã phản đối điều này,” ông nói. “Mỗi lần tôi gặp các đồng nghiệp người Nga, tôi đã nhắc với họ về điều này: ‘Dừng ngay việc này lại.’”

Nhà Trắng đã biết về tin tình báo tiền thưởng kể từ tháng 3 năm 2019, những người quen thuộc với vấn đề này cho biết. Thời điểm này trùng lặp với nhiệm kỳ của Bolton, cựu Giám Đốc Tình Báo Quốc Gia (DNI) Dan Coats và bà Giám Đốc CIA Haspel. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, nó vẫn được coi là sơ sài, và không rõ liệu nó có trên đường tới tổng thống hay chưa..

Nhưng tại thời điểm tình báo được đưa vào PDB tháng 2 năm 2020, Ric Grenell là DNI tạm thời, ông London lưu ý. Trả lời một tweet của Dân Biểu Ted Liêu (D-Calif.) về các khoản tiền thưởng, Grenell đã tweet, “tôi chưa bao giờ nghe về chuyện này,” dù không rõ liệu ông ta đang đề cập đến tin tình báo hay cách ông Lieu miêu tả nó.

Nhà Trắng cũng biết rằng CIA đã bao gồm tin tình báo về tiền thưởng của Nga trong phiên bản tháng Năm của The Wire, theo những người được nói vắn tắt về vấn đề này. The Wire là một tập hợp các báo cáo tình báo được phân loại được phổ biến trong cộng đồng tình báo và an ninh quốc gia rộng lớn.

Việc Trump từ chối tiếp nhận PDB bằng văn bản là đặc biệt đáng chú ý khi so sánh nó với lịch sử của ông trong cách sử dụng tài liệu này, một cách không chính xác, như một vũ khí chống lại người tiền nhiệm của mình.

“Thực tế- Obama không đọc các tin tình báo và cũng không gặp gỡ trực tiếp CIA hoặc DOD (Bộ Quốc Phòng). Chắc ông ta quá bận!” Trump đã tweet vào ngày 30 tháng 9 năm 2014. Ngày hôm sau, ông nghi ngờ khả năng của Obama với tư cách là tổng tư lệnh, về vấn đề tương tự.

Nhà Trắng đã phản ứng với những cáo buộc như vậy vào thời điểm đó bằng cách nói rằng Obama, trên thực tế, đã đọc PDB của mình mỗi ngày nhưng không phải lúc nào cũng yêu cầu một cuộc gặp mặt trực tiếp.

Translation by Cookie Duong

Copy edits by Tuan Nguyen

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here