Vì sao tàu sân bay Mỹ đến Việt Nam năm sau?

0
44
Thanh Trúc, phóng viên RFA
2017-08-11

Một tàu sân bay Mỹ sẽ lần đầu tiên đến Việt Nam năm 2018 thể theo quyết định của hành pháp Hoa Kỳ ở Washington DC. Chuyên gia trong và ngoài nước nói gì về động thái này của Hoa Kỳ trong bối cảnh căng thẳng vì hành động quân sự hóa Biển Đông, nơi mà Bắc Kinh dành gần như hầu hết chủ quyền.

Lời hứa từ Tổng thống Mỹ

Gởi một tàu sân bay Mỹ đến Việt Nam là lời hứa từ tổng thống Donald Trump với thủ tướng Việt Nam khi ông Nguyễn Xuân Phúc ghé Nhà Trắng  ngày 31 tháng Năm 2017.

Nếu mọi chuyện diễn biến như dự định thì năm 2018 Việt Nam sẽ lần đầu tiên đón tiếp một tàu sân bay chứ không phải những chiến hạm thông thường từng cập cảng Việt Nam trước giờ.

Tin được loan báo vào lúc dư luận trong nước tập trung mọi chú ý vào chuyến thăm Hoa Kỳ của đại tướng Ngô Xuân Lịch lần này trong cương vị bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam.

Trên báo mạng National Business Times hôm 9 tháng Tám vừa qua, với câu hỏi “Tại Sao Hoa Kỳ Gởi Tàu Sân Bay Đến Việt Nam”, ký giả Pritha Paul  dẫn lời bộ trưởng Jim Mattis của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ nói với đối tác Việt Nam  Ngô Xuân Lịch hôm thứ Ba rằng Wahington và Hà Nội có cùng lợi ích chung, đó là tuyến lưu thông tự do trên vùng biển Nam Trung Hoa không thể gặp trở ngại vì những hành động có tính cách liên tục và thách đố từ phía Trung Quốc.

Cùng ngày văn bản gởi ra từ Lầu Năm Góc cho thấy bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ nói với  bộ trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam rằng Mỹ ca ngợi sự dấn thân cũng như phát triển vai trò lãnh đạo của Việt Nam trước những vấn đề thuộc khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Quyết định của Mỹ gởi tàu sân bay đến Việt Nam được tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hà Lan, hiện là viện phó Viện Nghiên Cứu Các Vấn Đề Phát Triển Của Việt Nam VIDS, cho là một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược giữa 2 quốc gia:

Bước ngoặt ở đây thể hiện qua 3 điểm, thứ nhất là tổng thống Trump nói ít làm nhiều. Thứ hai, Việt Nam cũng đến lúc không thể lần khân mãi được như qua vụ Giàn khoan 360 cuối tháng Bảy vừa qua. Thứ ba, quyết định này từ cả 2 phía nó càng nói lên “điểm tới hạn” của chính sách an ninh quốc phòng “ba không” của Việt Nam với Mỹ và thế giới.

Tôi không muốn dùng chữ “hai cựu thù” vì từ này đã lỗi thời từ lâu, cả Mỹ lẫn Việt Nam nên cảm ơn Trung Quốc đã thúc đẩy tiến trình này nhanh hơn so với các chuyển động nội tại bên trong nền chính trị vốn rất khó phân biệt và khó nhận dạng của Việt Nam.

Được hỏi tại sao một quyết định quan trọng như vậy, tức gởi tàu sân bay đến Việt Nam, không được tiến hành ngay mà phải chờ đến sang năm, ông Đinh Hoàng Thắng phân tích:

Đó chỉ là biểu tượng hay giản dị đó là dấu hiệu cho thấy hai bên đang xích lại gần nhau hơn về mặt quân sự.
– Giáo sư Amitav Acharya

Nhà báo hẳn còn nhớ câu của người Châu Âu, là “thuốc súng luôn phải giữ khô”, kéo dài việc thực thi một quyết định hệ trọng như vậy phải cần thời gian để tất cả các bên liên quan quen với trạng thái “thuốc súng đang được sấy”.

Có thể sẽ có thay đổi từ giờ đến sang năm, thế nhưng quyết định này khó dẫn đến xung đột quân sự. Mỹ và Trung Quốc khó có thể đụng độ quân sự vì các bãi đảo đá ngầm mà nhiều nước cũng đang tranh giành chủ quyền. Mỹ và Trung Quốc  đều có những lợi ích toàn cầu lớn hơn nhiều, nhưng  vấn đề FONOPS và “đi qua vô hại” là  lý do tồn tại qui chế siêu cường của Hoa Kỳ, nếu không thì đấy không còn là nước Mỹ nữa.

Trung Quốc khiến Việt Nam gần Mỹ hơn

Giáo sư Amitav Acharya, chuyên gia quan hệ quốc tế, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Á Châu thuộc American University ở Washington DC, nói rằng tình hình căng thẳng trên biển Nam Trung Hoa, mà Việt Nam gọi là Biển Đông, khiến Việt Nam phải lo củng cố mối quan hệ quân sự song phương với Hoa Kỳ bằng cách này cách khác, thế nhưng:

Tôi không nghĩ tàu sân bay Mỹ tới Việt Nam có nghĩa là Mỹ sẵn sàng cho  chiến tranh, đó chỉ là biểu tượng hay giản dị đó là dấu hiệu cho thấy hai bên đang xích lại gần nhau hơn về mặt quân sự.

Có rất nhiều việc khác trong mối quan hệ quân sự đó, thí dụ những cuộc tập trận chung trong tương lai, những loại vũ khí nào Mỹ sẽ bán cho Việt Nam, những cái đó quan trọng hơn là điều động một tàu sân bay tới một nước.

000_RH077-400.jpg
Bãi Đá Vành Khăn, nơi Trung Quốc bồi đắp thành đảo nhân tạo. AFP

Không thể chối cãi là Hoa kỳ đang nỗ lực để chứng tỏ sự hiện diện của mình trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, giáo sư Acharya khẳng định tiếp, nhưng cũng đừng quên là chiến lược tái cân bằng lực lượng mà tổng thống tiền nhiệm Obama đề ra cho vùng Châu Á Thái Bình Dương đã chấm dứt từ lúc tổng thống Trump bước vào Nhà Trắng:

Ngoại trừ lập trường tự do lưu thông và tự do hàng hải ra thì không ai biết thực sự chính sách quân sự của hành pháp Trump đối với biển Nam Trung Hoa như thế nào. Theo tôi tốt nhất là nên chờ đợi và theo dõi, nhất là khi hành pháp Mỹ có vẻ như đang quá bận bịu với vấn đề Bắc Hàn. Ngay cả phản ứng của Trung Quốc sẽ như thế nào một khi khi tàu sân bay Mỹ tiến vào  hải phận Việt Nam cũng là điều tôi không muốn phán đoán trước. Tôi nghĩ chúng ta nên chờ một thời gian để xem mối quan hệ quân sự Việt Nam Hoa Kỳ trong đó có yếu tố Trung Quốc nó sẽ chuyển biến như thế nào.

Tôi cũng không thấy có dấu hiệu nào là Hoa Kỳ với hành pháp Trump sẽ hết lòng bảo vệ cho Việt Nam, một điều chừng như  vượt quá chính sách hiện hành vốn rất không rõ ràng của ông Trump. Hãy còn quá sớm để bình luận, đó là tất cả những gì tôi có thể nói về  quan hệ quân sự Mỹ Việt tính đến lúc này.

Theo nhận định của ông Rodger Baker, nhà phân tích chiến lược và địa chính trị của công ty tham vấn Stratfor, được ký giả Prathi Paul trích dẫn trong bài của ông liên quan đến việc tàu sân bay Hoa Kỳ sẽ đến Việt Nam năm tới, thì cuộc gặp gỡ và lời hứa hẹn của tổng thống Donald Trump với thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng Năm là sự kiện được hành pháp Trump tính toán kỹ lưỡng nhằm tạo một thế phòng vệ mới trước ý đồ quân sự hóa các bãi đá và các đảo trên biển Nam Trung Hoa.

Tôi cũng không thấy có dấu hiệu nào là Hoa Kỳ với hành pháp Trump sẽ hết lòng bảo vệ cho Việt Nam, một điều chừng như vượt quá chính sách hiện hành vốn rất không rõ ràng của ông Trump.
– Rodger Baker

Việt Nam chiếm một vị trí quan trọng trong vùng Đông Nam Á, ông Rodger Baker nhận định, đã có nhiều tàu tuần tra cỡ nhỏ đã được Mỹ chuyển giao cho lực lượng tuần duyên Việt Nam mấy tuần qua, những cuộc giao lưu trao đổi giữa hải quân 2 nước đã và đang diễn ra, trong lúc quyết định bán vũ khí cho Việt Nam đã được Hoa Kỳ  dỡ bỏ một phần từ năm ngoái.

Tuy nhiên vẫn lời ông Baker thì sau chuyến viếng thăm của thủ tướng Việt Nam đến Nhà Trắng hồi tháng Năm thì quan hệ ngoại giao Việt Nam Trung Quốc càng ngày càng xấu đi.

Theo giới quan sát, trong bối cảnh Việt Nam trở nên thân thiện hơn với Hoa Kỳ về mặt quân sự thì Biển Đông sẽ trở thành tâm điểm biểu dương lực lượng của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia về quan hệ quốc tế đang làm việc tại Singapore:

Tôi cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ muốn Việt Nam can dự nhiều hơn, muốn Việt Nam trở thành đối tác để xử lý vấn đề Biển Đông, ứng phó với tham vọng hàng hải của Trung Quốc ở Hoa Đông và Biển Đông.

Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp kết luận là dù tàu chiến hay hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ có ghé Việt Nam hay không thì Trung Quốc cũng sẽ không ngưng hành động bành trướng thế lực trên biển. Ông nói tác động bên ngoài không làm Bắc Kinh nao núng, họ chỉ nhượng bộ  khi gặp khó khăn trong nước hoặc khi nào đã hoàn tất kế hoạch quân sự hóa của mình.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here