Bạch Hoàn
Công an tỉnh Đồng Nai vẫn quyết không khởi tố vụ sản xuất phân bón giả tại Công ty CP Sản xuất Thương mại Thuận Phong. Nghĩ thật kỹ, chỉ có những người không có lương tâm mới bảo kê, tiếp tay cho việc sản xuất và kinh doanh phân bón giả, làm khó người nông dân.
Ông Châu Hoài Phương – Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh sóc Trăng và một thuộc cấp của ông Phương vừa bị cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng bắt tạm giam vì có hành vi giải cứu cho một doanh nghiệp sản xuất phân bón kém chất lượng trên địa bàn tỉnh này.
Cùng một sự việc, tức sản xuất phân bón kém chất lượng, nhưng tại Sóc Trăng, người làm sai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trong khi đó, tại Đồng Nai, doanh nghiệp sản xuất phân bón giả, kém chất lượng lại được bảo vệ. Đó là vụ việc tại Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Thuận Phong.
“Sản xuất phân bón giả phải coi là tội ác với nông dân. Ấy vậy mà vụ việc sản xuất phân bón giả của Công ty Thuận Phong đã được 6 bộ ngành khẳng định nhưng sau nhiều năm vẫn chưa bị xử lý. Một vụ việc mà hai đồng chí Phó Thủ tướng thường trực của hai nhiệm kỳ Chính phủ phải có nhiều văn bản chỉ đạo, chủ trì nhiều cuộc họp chỉ đạo, rồi các Bộ có lien quan đều khẳng định Công ty Thuận Phong sản xuất phân bón giả nhưng rốt cuộc đến nay vẫn không bị khởi tố.
Cơ quan chức năng đang kiểm tra số lượng phân bón giả trong kho của Thuận Phong.
Chỉ có những người không có lương tâm mới bảo kê, tiếp tay cho việc sản xuất và kinh doanh phân bón giả, làm khổ những nông dân đáng thương và cũng rất đáng kính”.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Sỹ Cương vừa tiếp tục làm nóng nghị trường và dư luận xã hội khi nhắc nhớ về vụ việc sản xuất phân bón giả ở Công ty Cổ phần sản xuất thương mại Thuận Phong (Đồng Nai), như là một minh chứng cho thực trạng sản xuất phân bón giả tràn lan.
Hơn hai năm đã trôi qua kể từ ngày Công ty Thuận Phong bị bắt quả tang sản xuất phân bón giả, sáu bộ ngành, trong đó có cả Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ… kết luận và kiến nghị khởi tố vụ án hình sự. Đã ba lần các đại biểu Quốc hội phải lên tiếng gay gắt trong ba kỳ họp Quốc hội đề nghị xử lý nghiêm minh, nhưng vụ việc vẫn cứ chìm vào im lặng.
Thậm chí, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi còn là Phó Thủ tướng thường trực, kiêm trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia về chống buôn lậu và gian lận thương mại đã khẳng định, đây là vụ việc bức xúc, dư luận rất quan tâm, phải có kết quả rõ ràng. Nó liên quan trực tiếp đến sản xuất, đời sống, sức khoẻ con người, thậm chí làm mất uy tín quốc gia. “Không ai được phép bao che” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng chỉ đạo rất rõ ràng, dứt khoát.
Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình mới đây cũng đã chỉ đạo, 6 bộ ngành đã kết luận là phân bón giả, viện kiểm sát phải huỷ quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với hành vi của Công ty Thuận Phong.
Thế nhưng, trước đó, công an tỉnh Đồng Nai vẫn quyết định không khởi tố vụ án hình sự và doanh nghiệp được phạt hành chính.
Khi nói về quyết định của Công an tỉnh Đồng Nai, một luật sư cho rằng, doanh nghiệp sản xuất phân bón giả thu lợi không biết bao nhiêu tiền, nhưng lại được xử phạt hành chính vài trăm triệu đồng thì thực là coi thường pháp luật, không những không răn đe mà còn tạo tiền đề xấu cho các hành vi sai phạm trong lĩnh vực phân bón sau này. Vụ việc Thuận Phong sẽ là một án lệ, từ đây các doanh nghiệp sản xuất phân bón còn sợ gì mà không làm phân giả, phân kém chất lượng. Bởi, làm hàng giả thu lời hàng chục, hàng trăm tỉ đồng nhưng chỉ bị phạt hành chính như phủi bụi.
Tuy nhiên, câu chuyện phân bón Thuận Phong vẫn chưa chấm dứt. Căn cứ trên công văn đề nghị của Hội Nông dân Việt Nam và đơn mời luật sư của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, đồng thời đã có một quá trình theo dõi sát sao vụ việc này, bà Nguyễn Thị Bích Liên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Ánh Dương Việt, thuộc Đoàn luật sư TP. Hà Nội, vừa có đơn kiến nghị khởi tố vụ án hình sự đối với hành vi sản xuất phân bón giả của Công ty Thuận Phong, gửi tới hàng loạt cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước, gồm: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc…
Cận cảnh sản phẩm dán mác Made in USA của Công ty Thuận Phong
Luật sư Nguyễn Thị Bích Liên khẳng định trong đơn, tài liệu thu thập được cho thấy đã có đủ dấu hiệu khởi tố vụ án hình sự đối với Khiếu Mạnh Tường – Tổng giám đốc Công ty Thuận Phong vì đã có dấu hiệu phạm tội quy định tại các điều 156, 158 Bộ Luật hình sự.
Không hiểu vì lý do gì cơ quan điều tra tỉnh Đồng Nai lại bỏ lọt vấn đề này để dẫn đến quyết định không khởi tố vụ án hình sự và chỉ xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sản xuất phân bón giả của Công ty Thuận Phong.
Sai phạm tiếp theo đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ ra rõ ràng, đó là Công ty Thuận Phong nhập khẩu phân bón rễ nhưng lại giả công dụng thành phân bón lá. Trên hồ sơ nhập khẩu tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên tờ khai nhập khẩu ở cơ quan hải quan, phân bón Vitol của Công ty Thuận Phong vốn là phân bón rễ. Nhưng khi dán nhãn tiếng Việt để bán cho nông dân, Công ty Thuận Phong đã hô biến thành phân bón lá, lừa gạt nông dân một cách trắng trợn, chỉ bằng một dòng chữ “Sử dụng như phân bón lá”.
“Giờ đi đến địa phương nào, bất cứ một đợt tiếp xúc cử tri nào cũng nghe người dân kêu ca, phẫn nộ khi nói về nạn phân bón giả. Thiệt hại cho nông nghiệp, nông dân là không kể siết, ước tính lên đến gần 60.000 tỉ đồng mỗi năm. Sau nhiều lần chất vấn từ nhiệm kỳ trước, công cuộc phòng chống nạn phân bón giả trên thực tế chưa mang lại kết quả. Thị trường này vẫn tồn tại đến 7.000 loại phân bón. Nông dân thì như rơi vào ma trận, mua phải phân bón giả, thiệt hại chỉ biết kêu trời”. Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội của Quốc hội vài ngày trước, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đã nhấn mạnh về ma trận thị trường phân bón trong bài phát biểu của mình.
Kiểm tra của các lực lượng quản lý thị trường và các ngành chức năng khác có liên quan trong một số năm gần đây cho thấy, có từ 40-60% mẫu phân bón đang lưu hành trên thị trường là phân bón giả, kém chất lượng. Trong khi đó, phân bón chiếm tới 40% chi phí trong sản xuất nông nghiệp. Vì thế, mua phải phân bón giả, thiệt hại với người nông dân là vô cùng lớn. Đó là chưa kể đất đai sẽ dần dần bị bạc màu, cằn cỗi, làm giảm năng suất cây trồng.
Người nông dân chỉ biết kêu trời. Nhưng trời ở quá xa và tiếng kêu chưa bao giờ thấu. Thực tế là các doanh nghiệp sản xuất phân bón giả vẫn cứ hoành hành. Niềm tin của người dân ngày càng bị bào mòn, đặc biệt khi những doanh nghiệp sản xuất phân bón giả, kém chất lượng một cách trắng trợn lại vẫn được cơ quan chức năng ở địa phương bảo vệ rằng “chưa có dấu hiệu hình sự” như trường hợp ở Công ty Thuận Phong.
Có lẽ, bây giờ đã đến lúc Chính phủ phải đứng ra chỉ đạo trực tiếp để giải quyết vụ việc này, lập lại trật tự thị trường phân bón, lấy lại sự tôn nghiêm của pháp luật, đặc biệt là giữ được lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Có như thế, khi người dân bị thiệt hại có thể kêu lên các cơ quan chức năng, có thể đòi hỏi Chính phủ phải vào cuộc, mà không còn phải kêu trời.
Ngày 24.4.2015, Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia, 389 tỉnh Đồng Nai và cả cơ quan thanh tra của Bộ Quốc phòng (do Công ty Thuận Phong thuê đất quốc phòng) đã bắt quả tang Công ty Thuận Phong đang sang chiết, sản xuất phân bón giả nguồn gốc, xuất xứ Mỹ, tức nhãn hàng ghi “made in USA” nhưng thực chất ra đời tại Đồng Nai, với số lượng lớn. Ông Khiếu Mạnh Tường – Tổng giám đốc Công ty Thuận Phong đã ký văn bản thừa nhận toàn bộ tem nhãn mác ghi phân bón sản xuất tại Mỹ thực chất đều sản xuất tại Việt Nam.
Kết quả giám định chất lượng 29 loại phân bón thì có đến 19 loại không đạt chất lượng như công bố. Trong đó có loại thành phần chất chính chỉ đạt vi lượng kẽm, thành phần chất chính là kẽm công bố trên bao bì là 15.000 ppm, nhưng kết quả kiểm nghiệm chỉ có vỏn vẹn 1.310 ppm. Tức là, thực tế thành phần kẽm – chất chính trong sản phẩm phân bón vi lượng kẽm chỉ đạt có 8,7%. Trong khi đó, theo quy định tại Nghị định 85/NĐ-CP, hàng giả là hàng hoá có hàm lượng chất chính chỉ đạt dưới 70% so với quy chuẩn, hoặc so với công bố trên bao bì. Sản phẩm của Công ty Thuận Phong không chỉ có chất chính dưới 70% công bố trên bao bì mà còn dưới 10%! |