VĂN HÓA TÍN NGƯỠNG

    0
    162
       
    THẢO DÂN

    Mình có một cậu bạn chơi lâu năm. Vợ trước của cậu ấy cũng là bạn mình. Cô có vẻ ngoài xinh xắn, nữ tính, gu ăn mặc, thẩm mĩ rất tinh tế. Lần nào đi đâu cạnh cô ấy mình cũng liên hệ tới hình ảnh con vịt thô mộc cạnh con thiên nga lộng lẫy. Đúng là như vậy chứ không thể nói khác. Rất nhiều thứ mình học được từ cô. Trí tuệ cô thông minh sắc sảo, lại thêm đức đảm đang. Năm 1997 cô xây một cái biệt thự, giờ thấy cũng bình thường chứ hồi đó là hoành tráng lắm, hết 300 triệu, mà khi khánh thành, dư đúng một lạng chè. Ưng nhất là cách cô nuôi dạy con, con bé vừa giỏi vừa ngoan lại tự lập. Tính nết cô nàng cương nghị, hơi bướng mà anh chồng lại cực kỳ nam tính, trai mồng một gái hôm rằm, dù hai người tách riêng đầy ưu điểm nhưng lại không hòa hợp được, nên sau đó ra tòa. Giá hồi đó mỗi người nhu đi một chút chắc đã không lỡ dở. Gia đình bạn bè hết lời khuyên can, cậu ta không nghe. Cô vợ thì yêu chồng, mà cũng không giữ được. Anh chàng tuyên bố, nếu không cho bỏ vợ, sẽ lao đầu vào ô tô tự tử ngay lập tức. Cả họ đều tiếc cô vợ nhưng biết làm thế nào khi con cháu mình đã quyết thế. Chẳng may nó chết thật thì ân hận cả đời.

    Không hiểu sao, từ đó, anh chàng thù đàn bà có học và thông minh, còn nói ra miệng rằng, Nếu có cưới vợ lần nữa, sẽ chọn người ngược lại. Không lâu sau, anh chàng cưới một cô vợ khác hẳn thật. Từ quê ra phố bán bánh cuốn học thức hạn chế, bộc tuệch bộc toạc ruột để ngoài da, đi đâu chưa thấy người đã thấy tiếng, ăn mặc thì quê mùa, đi cạnh chồng đúng như ô sin đi theo ông chủ. Được cái tốt tính kéo lại. Khổ nỗi cả họ vẫn yêu quý cô vợ cũ, nên toàn gọi tên nhầm. Cô này chắc cũng tự ái, nên cất công tìm hiểu, cứ cô vợ cũ có cái gì thì cô ta làm ngược lại. Cô kia ăn nói nhẹ nhõm thì cô oang oang như tiếng cồng, cô kia mặc màu dịu dàng thanh cao thì cô toàn chơi màu rực. Cô kia không bao giờ nhuộm tóc, nhuộm móng tay thì cô này tóc khi tím khi đỏ, móng tay móng chân toàn màu nổi. Cô không hiểu được rằng, chính con người mình mới là thứ phục trang đẹp nhất.
    Chỉ có điều cô không học được, là cô không biết nuôi dạy con. Con lên 6,7 tuổi vẫn ăn cơm giã nát, ngậm lúng búng mãi. Từ dạo làm chủ quán cà phê thì cô càng ăn diện, theo thẩm mĩ của cô. Chả ai góp ý được. Rồi cô bố trí, bày biện nhà cửa cũng theo cách cô cảm nhận cái đẹp. Cứ cái gì to nhất, đắt và màu sắc rực nhất là cô khiêng về. Chả cần nói cậu bạn chán nản thế nào. Có lần, khi gặp lại vợ cũ để bàn chuyện con chung đi du học, chàng ta thốt ra một câu: Ước gì em là mẹ của bọn trẻ nhà anh.
    Cái giống đàn ông lạ thế đấy. Có thì không biết trân trọng. Tới khi thành của người ta rồi mới tiếc.

    Nhìn cô vợ hai của anh bạn, mình cứ liên tưởng tới xã hội Việt bây giờ. Phú quý sinh lễ nghĩa nhưng không có cái gốc văn hóa, nói gì, làm gì cũng chỉ như xả ẩn ức hơn thua, ăn mặn trả thù những ngày đói muối. Cả xã hội hối hả gấp gáp hối lộ tâm linh bù cho cái thời chùa chiền miếu mạo bị đập phá tan tành, thánh thần cũng bị chẻ ra làm củi, lư hương, đồ thờ bị xuống ném góc ao, y như cậu bạn mình, có thứ quý giá trong tay thì không biết quý trọng. Giờ thì đâu cũng chùa chiền sặc sỡ, đâu cũng cúng bái khói hương. Khấn vái từ con chó đá của ông thợ vụng mới tạc vài năm đến cái cây trăm tuổi của ông lãnh đạo nào đó mới trồng năm ngoái… Mê muội tới mức ngồi vạ vật như ăn xin ngoài đường để cầu tài cầu lộc. Nó cho thấy sự khủng hoảng Đức Tin nên người ta phải bám víu vào niềm tin lầm lạc. Thật ra, văn hóa xã hội cũng như văn hóa con người. Không phải cứ đeo vào đủ thứ lễ nghi mà thành ra được lễ giáo. Nó phải được bồi đắp mỗi ngày. Mỗi đời. Trao truyền và gìn giữ. Ngấm dần. Từ từ. Thứ lễ nghi ăn xổi ở thì của một xã hội bần cố nông văn hóa thì có đắp hàng ngàn mỹ từ óng ánh cũng chỉ là xã hội trưởng giả học làm sang, không bao giờ thành phẩm hạnh quý tộc.

    Người ta báng bổ, hủy diệt thánh thần để mình thành thứ tín ngưỡng độc tôn. Tới khi được là tín ngưỡng độc tôn rồi thì người ta lại đem thánh thần ra làm bình phong che giấu dã tâm cai trị. Ngẫm ra, không gì tinh khôn bằng con người. Cũng không gì ngây dại như con người. Đức Tin dẫn người ta tới ánh sáng lương tri. Cuồng tín làm người ta sợ hãi, tuân phục. Có lẽ đó chính là quỹ đạo mà một nhóm người cố tình hướng người dân tới để quên đi thực tại, để duy trì độc tôn cai trị tới khi nào có thể.

    Advertisement
       

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here