RFA
Buổi họp báo trực tuyến được điều hành bởi bà Loretta Hieber Girardet, Chánh Văn phòng Khu vực châu Á-Thái Bình Dương (UNDRR) tại Bangkok, Thái Lan. Bà này cho biết, chuỗi hội thảo của UNDRR đã được bắt đầu 7 tuần trước và nhấn mạnh tính quan trọng của nhân quyền và tác động của Covid-19:
“Nhân quyền là một chủ đề quan trọng được nhắc đến trong suốt các buổi hội thảo này. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, chúng tôi biết rằng nhân quyền là một vấn đề quan trọng trong mọi thảm họa và đại dịch Covid-19 cũng không ngoại lệ. Tác động sâu rộng của cuộc khủng hoảng Covid-19 đã làm trầm trọng thêm các vấn đề nhân quyền ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.”
Buổi hội thảo trực tuyến này xoay quanh 4 vấn đề quan trọng về nhân quyền vốn đã được quốc tế quan tâm từ rất lâu trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và đã được đưa lên hàng đầu trong các cuộc tham vấn trong mùa dịch Covid-19. Bà Loretta liệt kê 4 vấn đề gồm các biện pháp khẩn cấp và tác động đại dịch đến quyền tự do ngôn luận; thách thức trước sự phân biệt chủng tộc gia tăng; nhân quyền cho người di cư; những người bị tước đoạt quyền tự do.
Bà Loretta cho rằng nhiều quốc gia đã lợi dụng đại dịch này để hạn chế quyền của người dân và tống giam những người lên tiếng nói:
“Một số quốc gia có thể đang sử dụng đại dịch như một cái cớ để nhắm vào các nhà phê bình và để hạn chế các quyền dân sự và chính trị, bao gồm cả quyền tự do ngôn luận.”
Ông Ricky Gunawan, một luật sư về nhân quyền từ Indonesia và là cựu Giám đốc Viện Trợ giúp Pháp lý Cộng đồng (LBHM), nhận định rằng đại dịch Covid-19 đã phơi bày sự mất bình đẳng trong hệ thống pháp lý hình sự. Ông Ricky cho rằng cơ cấu nhà tù của các quốc gia trong khu vực cần được xem xét và cải cách lại, vì ngoài việc tước quyền tự do công dân, các trại giam hiện là điểm nóng cho sự lây nhiễm của coronavirus:
“Trong bối cảnh ‘bình thường mới’, chúng ta nên tập trung vào cải cách hệ thống nhà tù. Coronavirus đã cho chúng ta một bài học để giảm bớt tình trạng quá đông tù nhân và thúc đẩy các biện pháp thay thế cho việc tống giam. Làm thế nào chúng ta có thể áp dụng giãn cách trong các trại giam quá đông? Các tội nhẹ và không bạo lực không nên bị bỏ tù. Ngoài ra, vào những thời điểm như hiện nay, chính phủ nên trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện đối với tù nhân cao tuổi, phụ nữ mang thai và các tù nhân chính trị.”
Theo ông Ricky Gunawan, các chính quyền cần tăng cường hệ thống y tế gồm nâng cao điều kiện vệ sinh trong nhà tù, vì hiện nay có nhiều báo cáo về tình trạng không đủ nước sạch trong các trại giam, gây ra nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao cho các tù nhân và quản tù.
Về vấn đề mạng xã hội, bà Loretta Girardet cho rằng đây là phương tiện rất phổ biến để truyền tải thông tin trong mùa đại dịch và có hai mặt—vừa là công cụ lan truyền thông tin thất thiệt và cũng để đính chính, truyền tải những thông tin chính thống, hữu dụng.
Trước vấn đề này, bà Ambika Satkunanathan, một nghiên cứu sinh của tổ chức có tên Open Society và là cựu Ủy viên Ủy ban Nhân quyền Sri Lanka cho rằng rất khó để có thể ra quy định hợp lý đối với mạng truyền thông xã hội, vì có nhiều quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương có nhiều phản ứng và ra quy định kiểm soát thái quá đối với mạng truyền thông xã hội. Dù vậy, bà Ambika cho rằng mạng xã hội vẫn là công cụ phổ biến cho các mặt tích cực của xã hội:
“Sử dụng công cụ truyền thông xã hội vẫn là vấn đề đáng quan tâm, nhưng nó cũng có thể là một nguyên nhân tốt. Chúng tôi đã thấy nhiều tiếng nói chính trị được vang lên, thúc đẩy nhanh chóng các cuộc vận động; nó làm tăng khả năng hiển thị đại chúng và giúp mọi người tạo kết nối với nhau. Đó là những mặt tích cực.”
Tuy nhiên, bà Ambika cho rằng các nhà mạng truyền thông xã hội hiện nay đã có xu hướng liên kết với các chính quyền và điều đó sẽ không giúp ích trong tình hình đại dịch Covid-19 vẫn đang xảy ra. Bà kêu gọi các công ty, tập đoàn mạng xã hội nên xem xét các trách nhiệm của mình trong việc quản lý thông tin do người dùng đăng tải. Ngoài ra, họ cần lắng nghe các khuyến nghị của Liên Hiệp Quốc về các vấn đề dân sự và nhân quyền.
Bà Mami Mizutori, Trưởng Văn phòng LHQ về Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai, nhận định để giảm thiểu rủi ro và nâng cao quyền con người trong mùa đại dịch không chỉ là trách nhiệm của chính quyền mà còn của các công dân và các tổ chức nhân quyền quốc tế. Bà cho rằng cần có nhiều phản ánh lớn hơn trong truyền thông, xã hội dân sự, LHQ và cả các tập đoàn, công ty tư nhân dành cho vấn đề nhân quyền. Ngoài ra, chính phủ các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương cần xem xét thế nào để trở thành một chính phủ tốt, nhân đạo và lấy người dân làm trung tâm cho các chính sách đề ra.
Bà Pia Oberoi, Cố vấn Cấp cao về Di cư và Nhân quyền thuộc Văn phòng Khu vực Đông Nam Á của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) nhấn mạnh các hoạt động công tác nhằm ngăn chặn và giảm thiểu rủi ro thiên tai, đại dịch của Liên Hiệp Quốc cũng là một trong những biện pháp để bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Liên Hiệp Quốc đang làm việc cùng các quốc gia trong khu vực với các khuyến nghị cho chính sách quốc gia trong mùa đại dịch:
“Chính sách phải đảm bảo rằng các biện pháp khắc phục thảm họa được bao gồm, lấy người dân làm trung tâm và phù hợp với khuôn khổ của chúng tôi với việc thúc đẩy và bảo vệ mọi quyền con người. Một chủ đề chính trong khuôn khổ chính sách là trách nhiệm. Nó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảm thiểu rủi ro thiên tai được tích hợp vào chính sách công, để các quyền cơ bản của con người được bảo vệ khi công việc quản lý rủi ro vẫn còn tiếp diễn.”
Ngoài ra, bà Pia Oberoi nhận định rằng các tổ chức hoạt động nhân quyền cần xem những người có nguy cơ đều có quyền bình đẳng và không phải là những người được hưởng lợi từ các hành động nhân đạo. Bà cho rằng các quốc gia cần lên kế hoạch phục hồi tốt hơn sau khi đại dịch đi qua với một cuộc sống ‘bình thường mới’ bình đẳng hơn.