TUYÊN BỐ PHẢN ĐỐI CỦA HỘI CỰU TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM VỀ VIỆC CHỦ TỊCH NƯỚC TƯỚC QUỐC TỊCH CÔNG DÂN PHẠM MINH HOÀNG

0
769
Lê Công Định

Sự việc

Vào ngày 17-5-2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã ký Quyết định số 832/QĐ-CTN về việc tước quốc tịch Việt Nam của công dân Phạm Minh Hoàng căn cứ Luật Quốc tịch số 24/2008/QH12 do Quốc hội thông qua ngày 13-11-2008.

Vào ngày 15-6-2017, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tuyên bố: “Phạm Minh Hoàng đã vi phạm pháp luật và xâm phạm an ninh quốc gia. Việc tước quốc tịch được thực hiện theo đúng pháp luật của Việt Nam. Các cơ quan chức năng của Việt Nam đã thông báo tới cá nhân ông Hoàng và Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam.”

Tuy Chủ tịch nước Trần Đại Quang không nêu cụ thể lý do và căn cứ tước quốc tịch trong Quyết định số 832/QĐ-CTN, nhưng theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cơ sở pháp lý mà Nhà nước Việt Nam viện dẫn để tước quốc tịch công dân Phạm Minh Hoàng là hành vi “vi phạm pháp luật và xâm phạm an ninh quốc gia”.

Các quy định pháp luật hiện hành về quốc tịch và tước quốc tịch

Hiến pháp Việt Nam 2013 quy định tại Khoản 1 của Điều 17 như sau: “Công dân nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam.” Tương tự, Luật Quốc tịch quy định tại Khoản 1 của Điều 5 như sau: “Người có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam.”

Một nguyên tắc quốc tịch quan trọng được Điều 4 của Luật Quốc tịch xác định như sau: “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.”

Luật Quốc tịch cũng quy định tại Khoản 1 của Điều 2 như sau: “Ở nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, mỗi cá nhân đều có quyền có quốc tịch. Công dân Việt Nam không bị tước quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp quy định tại Điều 31 của Luật này.”

Theo Điều 31 của Luật Quốc tịch về căn cứ tước quốc tịch Việt Nam, người có quốc tịch Việt Nam chỉ có thể bị tước quốc tịch nếu thuộc một trong hai nhóm đối tượng sau đây:

“1. Công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thể bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có hành vi gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc đến uy tín của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Người đã nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại Điều 19 của Luật này dù cư trú ở trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam cũng có thể bị tước quốc tịch Việt Nam, nếu có hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.”

Nhận định

Công dân Phạm Minh Hoàng luôn giữ quốc tịch Việt Nam, và tuy từng có thời gian sinh sống và làm việc lâu dài ở Pháp, nhưng từ 10 năm nay ông đã hồi hương theo luật định và được nhà nước Việt Nam cấp giấy Chứng minh Nhân dân dành cho người cư trú tại Việt Nam và cho nhập hộ khẩu thường trú tại nhà riêng ở quận 10, TPHCM. Công dân Phạm Minh Hoàng đã không cần và cũng chưa từng xin nhập tịch Việt Nam theo Điều 19 của Luật Quốc tịch.

Do đó, xét về căn cứ tước quốc tịch theo Điều 31 của Luật Quốc tịch, công dân Phạm Minh Hoàng không thể bị tước quốc tịch, bất kể “có hành vi gây phương hại nghiêm trọng đến nền độc lập dân tộc, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc đến uy tín của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” hay không.

Nếu ông Phạm Minh Hoàng “vi phạm pháp luật và xâm phạm an ninh quốc gia”, theo cách diễn giải và gán ghép của cơ quan an ninh, thì hành vi của ông đã hoặc phải bị xử lý theo luật hình sự hiện hành, chứ không thể bằng biện pháp tước quốc tịch một cách ngang nhiên, võ đoán và phớt lờ quy định tại Điều 31 của Luật Quốc tịch.

Cần lưu ý rằng, bất kể công dân Việt Nam có bao nhiêu quốc tịch nước ngoài, Nhà nước Việt Nam chỉ công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch duy nhất là quốc tịch Việt Nam. Chính vì nguyên tắc này nên Nhà nước Việt Nam không có quyền gán cho công dân Việt Nam đang thường trú tại Việt Nam hành vi “vi phạm pháp luật và xâm phạm an ninh quốc gia” để rồi đương nhiên tước quốc tịch và trục xuất họ sang nước khác.

Tuyên bố

VÌ NHỮNG LẼ NÊU TRÊN, CHÚNG TÔI, CÁC HỘI VIÊN CỦA HỘI CỰU TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM, ĐỒNG LÒNG TUYÊN BỐ NHƯ SAU:

Thứ nhất, quốc tịch là một vấn đề hệ trọng vì nó thể hiện mối quan hệ pháp lý giữa nhà nước và công dân; vi phạm các nguyên tắc pháp lý cơ bản về quốc tịch và xâm phạm quyền công dân hợp pháp của người mang quốc tịch Việt Nam là điều không thể chấp nhận đối với một thể chế tự xưng là “nhà nước pháp quyền” dù chỉ trên danh nghĩa.

Thứ hai, theo Hiến pháp Việt Nam 2013, Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại, nên xét về phương diện chính trị lẫn pháp lý Chủ tịch nước không được phép và không thể ban hành một quyết định hiển nhiên trái pháp luật như Quyết định số 832/QĐ-CTN ngày 17-5-2017 về việc tước quốc tịch của công dân Phạm Minh Hoàng.

Thứ ba, theo Điều 16 của Hiến pháp Việt Nam 2013, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, nên việc tước quốc tịch Việt Nam và trục xuất công dân Phạm Minh Hoàng khỏi Việt Nam bất chấp quy định của luật hiện hành sẽ tạo thành một tiền lệ pháp lý nguy hiểm về sự áp dụng luật pháp tùy tiện và thiếu thượng tôn pháp luật riêng trong trường hợp những cá nhân nào mà nhà cầm quyền không ưa thích.

Thứ tư, yêu cầu công bố cho công luận hoặc cho người có liên quan trực tiếp là công dân Phạm Minh Hoàng toàn bộ hồ sơ được lập hợp lệ và minh bạch theo quy trình pháp lý về việc tước quốc tịch căn cứ quy định tại Chương 2, Mục 4 của Nghị định 78/2009/NĐ-CP ngày 22-9-2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch.

Thứ năm, đề nghị Chủ tịch nước thu hồi ngay Quyết định số 832/QĐ-CTN ngày 17-5-2017 và công khai xin lỗi công dân Phạm Minh Hoàng, đồng thời cam kết không tái phạm đối với những trường hợp tương tự khác.

Lập tại Việt Nam, ngày 19 tháng 6 năm 2017

Đại diện Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm

Hai Đồng Chủ tịch: BS Nguyễn Đan Quế và LM Phan Văn Lợi

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here