Suốt cả năm 1998 tôi chỉ ở nhà bán nước phụ mẹ, đến năm sau năm 1999 thì mẹ thằng Bê đến thuê tôi về trông nó. Tháng lương đầu tiên tôi nhận được, tôi mua hai chai rượu và hai cây thuốc lá vào trại thăm ông Hỷ và ông Hùng.
Nhà thằng Bê mở hiệu sách Hoa Niên ở 56 Bà Triệu, tôi nói với hai ông thầy cũ giờ tôi làm nhân viên trông kho cho một hiệu sách lớn. Cả hai ông đều mừng cho tôi có công việc tốt.
Ông Hỷ kể sau khi tôi về, ông cũng ép anh Hội phải tự xin ông Hưng đi đội khác. Ông bảo.
– Mày biết cái đội này, toàn người ông này ông kia gửi, thằng Hội nó cứ muốn ép như các đội khác, quay tiền người ta, sao mà để thế được.
Tôi nhìn đội tù nói.
– Toàn người mới thầy nhỉ ?
Ông Hỷ.
-Bây giờ toàn án ngắn thôi, làm gì có án dài nữa, chỉ về đội mấy tháng là chúng nó về.
Ông lại nhắc chuyện tôi là người tù duy nhất mà ông chưa biết mặt gia đình. Tôi cười nói.
– Thế thì em nhớ ơn thầy, mới quay lại thăm thầy mà.
Tôi qua nhà chị Thơm, người dân bán hàng, trả cho chị 180 nghìn tiền nợ cũ.
Mấy năm sau nữa ông Hỷ về hưu, đến năm 2005 bỗng nhiên ông gọi điện cho tôi.
– Mày ở đâu đấy ?
Tôi nói đang ở nhà, ông bảo tao nửa tiếng nữa đến.
Nửa tiếng sau, ông đỗ cái xe máy trước cửa nhà tôi. Lúc đó nhà tôi là công ty Bùi Gia chuyên sản xuất, gia công biển quảng cáo, tôi làm giám đốc. Xưởng sản xuất của tôi ngoài bãi An Dương, nhà tôi chỉ làm văn phòng giao dịch.
Tôi kéo ông sang quán cà phê cạnh nhà. Ông vào việc luôn.
– Tao có đánh bạc, thua mẹ hết tiền, con gái sắp cưới nữa, mày có tiền cho tao vay 6 triệu.
Tôi giật mình khi nghe đến số tiền, không phải giật mình vì ông hỏi vay, mà vì con số 6 triệu. Sao nó không là 5 hay 10 mà lại là con số 6.
Ông thấy tôi chẳng nói gì, mặt ngẩn ra. Ông có vẻ buồn, chắc nghĩ tôi đang tìm cách từ chối. Nhưng ông không biết là tôi đang nghĩ về con số ấy. Tôi nhẩm lại nếu năm đó người ta làm trách nhiệm phải cốp bao tiền, mỗi tháng phải nộp bao tiền. Ông còn cắt tiền gặp gia đình cho tôi nữa, tính ra đúng vừa 6 triệu. Đây là ông túng thật, đến đòi nợ chứ vay gì.
Tính xong tôi bật cười, ông Hỷ ngạc nhiên, ông chẳng hiểu tôi cười cái gì.
Tôi bảo ông ngồi đây, tôi sang nhà lấy tiền.
Tôi đưa cho ông đúng 6 triệu nói.
– Em cả thầy vay mượn gì, em biếu thầy. Nhưng mà cái số tiền này làm em ban nãy phì cười, vì nó tính ra đúng bằng số tiền mà lẽ ra những năm thầy giúp em, phải bằng từng đấy. Sao mà thầy nghĩ được có ngày hôm nay nhỉ ?
Ông Hỷ cười ha hả.
– Đm chúng mày chỉ tù thời gian, tao trông tù như thế thành tù cả đời, tao lại không biết tính con người sao !
Tôi gật đầu khâm phục, ông nói.
-Nhưng mà tao cũng thua tha thật, chứ không chẳng đến mày đột ngột thế này. Thôi tao về đưa tiền cho bà ấy lo việc, không bà ấy nói chả ra gì.
Ông ấy đi rồi, tôi ngồi nghĩ thấy vui. 8 năm đã qua từ khi tôi ra tù, 8 năm ấy có bao nhiêu lớp tù nhân nữa về đội 19 ?
Phải hàng trăm người.
Ông không phải đến đòi nợ, nếu tù nghĩ mưa lúc nào mát mặt lúc ấy, thì quản giáo cũng nghĩ vặt được lúc nào hay lúc ấy, chẳng ai nghĩ chuyện nâng đỡ đến nhiều năm sau đến đòi cả.
Tôi nhớ lại, nhiều lần ông gặp tôi lúc tôi là tù ở đội ông, ông lúng túng không uy quyền như đối với tù khác, quãng thời gian ấy dù làm nhân dân hay đội trưởng tôi thường né tránh gặp ông và ông cũng vậy, chỉ bất đắc dĩ lắm nói về chuyện công việc như mua giống, thuốc sâu, phân bón mới trao đổi với nhau.
Ông không muốn nói chuyện với tôi trên cương vị quản giáo, người nắm quyền sinh sát số phận của tôi, một người tù do ông quản lý.
Trước khi tôi đi sang Đức, đến thăm vợ chồng ông, nói chuyện mình đi sang Đức vì được có học bổng do chính phủ Đức cấp.
Từ khi chào ông khi hết án về, đến khi chào ông để đi sang Đức là 15 năm.
Ông pha trà, bình thản nghe tin ấy như hôm tôi hết án chào ông về.
Nếu có ngày tôi về lại Việt Nam, tôi sẽ đưa mẹ tôi đến thăm ông. Đến giờ tôi vẫn khắc khoải câu ông nói.
– Tao chưa biết mặt gia đình mày.
Tôi sẽ ghé qua chợ mua cân cá rô đồng và mớ rau cải xanh, một nắm bánh đa sợi và nhờ bếp nhà ông, nấu món mà cả ba chúng tôi đều thích.
———————–
Canh cải xanh nấu cá rô ron.
Sau vụ gặt tháng 10, các con mương cũng không còn đầy nước, phải đến mùa cấy tháng giêng thủy lợi mới bơm nước trở lại.
Trên cánh đồng chỉ trơ lại những gốc rạ, tranh thủ lúc đất mềm người ta cày đổ ải cho đất nghỉ. Có chỗ lười cày, đất vài bữa sau khô nứt toác thành những hình lục giác bát giác.
Nước càng ngày càng cạn đi trong cái mương cụt dẫn nước từ mương cái vào để tưới rau. Cái mương cụt một bên là rặng chuối, một bên là kè đá.
Đây là mùa nhàn nhất trong năm của bọn tù đội rau. Công việc hiện tại chỉ tập trung trồng rau vụ động là bắp cải, su hào. Cái kè đá là nơi bọn tù nhàn tản ngồi tụ tập, tán phét trong lúc nghỉ giải lao tưới rau. Cách cái kè đá vài mét là một khoảng đất, thế nào ông quản giáo đưa một nắm hạt cải xanh để gieo. Nửa tháng sau rau đã lên xanh mơn mởn.
Một buổi ngồi nghỉ, thằng Lợi nhìn đám rau nói.
– Đéo hiểu ông Quản trồng rau cải này làm gì nhỉ, có một dúm thì làm cái đéo gì?
Thắng Bọ nói.
– Trồng cho nhà ông ấy ăn.
Thằng Lợi ở đây được 6 năm, nó rành rọt nói.
– Đéo biết câm mẹ mày mồm, nhà ông ấy không ăn rau ở đây bao giờ cả. Khéo chúng mày thù tẩm thuốc vào chết cả nhà ông ấy thì sao.
Thắng Bọ thắc mắc.
– Hay trồng nhập cho bếp trại?
Thằng Lợi lại chửi.
– Đm bố đã bảo mày ngu lại hay nói, cả vạt cải này cân lên được bao nhiêu mà nhập trại.
Thắng Bọ tần ngần.
– Ừ nhỉ, đéo hiểu trồng thế làm gì?
Thằng Lợi thì thầm.
– Đm, ông ấy trồng bẫy bọn tù đấy. Thằng nào vặt ăn, ông ấy phạt cho nhà mang tiền lên mà nộp. Động vào rau của đội thì mất mấy lít (mấy trăm nghìn) đấy con ạ.
Thắng Bọ ớ người.
– Thế không thằng nào bị bẫy, thì để cải chết già à?
Lợi đại bàng vừa bước đi vừa nói.
– Chết già thì chết, động vào là đi đấy.
Hơn tháng sau cải xanh lên bằng gang tay, nhìn bắt mắt. Nước trong cái mương cụt lại vơi đi một nửa. Bọn tù ngồi nghỉ trên kè đá, bỗng có thằng nói.
– Cái mương này nhiều cá đen lắm, thế nào cũng có bọn trê và chuối. Hay tát mẹ mương bắt đi.
Hắn bảo.
– Đang giờ làm đi tát mương, bắt cá. Chúng mày lại thích giẫy chết.
Cả hội thở dài, lại ngồi chép miệng tiếc rẻ, trong đầu chúng chắc thằng nào cũng nghĩ đến những con cái chuối, trê nướng thơm phức.
Hắn đi lên phòng quản giáo, thấy ông đang ngồi xem ti vi, hắn bảo.
– Thầy ơi, cái mương kia đầy rong rêu. Tranh thủ mùa này cạn mình nạo mương nhé, cũng đang nhàn.
Ông quản giáo giơ tay vẫy lia lịa.
– Ừ, ừ, mày cho chúng nó làm đi.
Hắn đi xuống, ban lệnh tát mương của quản giáo. Chọn ra bốn thằng ở vùng quê thành thạo, bọn chúng lấy thân chuối đổ làm thân đập, đắp bùn cho kín đập và thay nhau tát một hồi thì cạn cái mương. Lấy liềm và cuốc khua hết rong, cỏ, rêu lên. Thế là tha hồ mò cá, đúng là nhiều cá, nhưng toàn cá trê và chuối chỉ bằng hai ngón tay.
Được lưng xô cá trê, quả. Hắn thắc mắc.
– Sao đéo thấy cá rô bọn mày nhỉ?
Ông Ánh bảo.
– Cá rô nó chui vào ngách đá hay chui xuống bùn, cứ mò dưới bùn là thấy. Bọn này nó nhịn thở lâu, không như bọn chuối, trê một lúc là nhoi lên bùn thở đâu.
Ông Ánh làm nghề nuôi cá, lập tức cả hội nhảy xuống bùn mò. Hắn cũng thò tay vào khe đá kè để mò mẫm. Trong khe có cá rô thật, bọn cá rô khôn đến mức không những chui vào khe đá cạn nước. Chúng còn gương vây ngược chống vào hai bên kẽ đá cho khỏi rơi và nằm im như thế. Hắn cầm cái que nhỏ ngoáy ngược lên trong khe đá, cá rô cứ rơi lộp bộp. Những đứa khác cũng làm theo, chốc lại có tiếng reo mừng à, ồ.
Được một rổ cá rô ron, con nào con đấy béo múp, vàng ươm. Những cái vây sắc và cứng của chúng đánh vào tay bọn tù, đứa nào cũng rớm máu. Bọn tù nướng cá ăn, cá trê và chuối còn có thịt, ít xương, Bọn cá rô nướng toàn xương với vảy cứng. Phương châm hết nạc thì vạc đến xương, bọn tù nước cá trê và chuối trước. Đến lúc phải lao động thì rổ cá rô gần như còn nguyên.
Bọn tù đứng dậy, đứa cầm cuốc, đứa xách đôi thùng tưới nói.
– Làm gì bọn rô này, rán giòn lên chấm nước mắm hạt tiêu thì tuyệt.
Thằng khác bảo.
– Về nhà mày nhé, đm tù lại còn đòi sang. Điều kiện thế! Rán hết chỗ này thì mất lít mỡ.
Hắn bảo.
– Toàn thằng đéo biết tính, cá rô này nấu với rau cải xanh đây này là ngon nhất.
Mấy thằng nói.
– Đm ông tinh tướng, giỏi mà vặt rau xem, trói treo chết mẹ mày luôn.
Hắn bê rổ cá rô lên phòng quản giáo, ông quản giáo hỏi.
– Cái gì đấy?
Hắn đáp.
– Dạ, bọn em vừa bắt được khi nạo mương. Thầy mang về cho cô và em ăn, cá béo lắm.
Ông quản giáo cười.
– Đm ăn đéo gì cá rô, toàn xương.
Hắn nói.
– Bọn cá rô này, nấu với canh rau cải, chan vào bánh đa sợi thì tuyệt. Nó là món đặc sản ở Hà Nội đấy thầy ạ. Giờ chỉ có quý tộc mới ăn sáng món đó thôi, còn đắt hơn phở. Mà ít hàng bán lắm vì cá rô đâu sẵn, toàn rô phi hay cá khác người ta độn vào.
Ông quản giáo mắng.
– Mày nói thế đéo nào, canh cải xanh nấu sườn là ngọt nhất. Thế Hà Nội lại là đặc sản à?
Hắn đáp.
– Vâng, cá này luộc qua, gỡ thịt ra phi với hành , còn xương cá và đầu cá giã nát cho vào nước đun sôi một lúc. Lọc lấy nước để bỏ xương. Cải xanh tươi mới hái, rửa sạch cho vào nước cá đang sôi đã nêm gia vị trước. Chan nước canh lên bát bánh đa trắng đã trần chín, rồi rắc thịt cá phi hành lên trên cùng. Hà Nội chỉ có quan to mới ăn được kiểu thế, toàn trong nhà hàng lớn, khách quen. Bên ngoài làm gì có quán nào có bán đâu.
Quản giáo rối rít thúc.
– Ơ ơ, mình có cải xanh, có cải xanh. Mày hái một nắm để tí tao mang về, mày ghi lại cho tao cách làm để tao bảo bà ấy làm. Nghe cũng hấp dẫn đấy, thế toàn dân nhà giàu ở Hà Nội ăn à?
Hắn gật đầu.
– Vâng, toàn quan to cả nhà giàu ăn. Nhưng không chắc được bằng thầy, vì cá tươi luôn, rau tươi luôn. Quán trên kia có khi cá rô phi cả cải héo nó cho vào.
Quản giáo.
-Đúng. Chúng nó có tiền, chắc đéo gì bằng mình. Mình ở đây của tươi sống rành rành.
Hắn bảo.
– Em xuống hái rau cho thầy, sẽ đánh vảy, mổ cá luôn.
Hắn xuống chỗ bờ mương quát.
– Lợi, hái rau cải rửa sạch chia làm hai mớ. Một mớ cho bốn người ăn, một mớ đủ cho anh em mình.
Thằng Lợi chửi.
– đm con chó, …