
Thời gian tôi vào Hoả Lò là cuối tháng 10 năm 1994, người ta quen gọi như thế. Thực ra Hoả Lò cũ đã được chuyển hết phạm nhân sang Trại Tạm Giam Số 1 CAHN ở Từ Liêm. Vì mới nên người ta quen tên cũ, gọi là Hoả Lò mới.
Tốp tù từ chúng tôi từ quận lên được dẫn qua hai cổng sắt, vào đến một căn phòng có một người công an râu quai nón đã cạo, mấy tên tù xì xào.
– Ông Tính Xồm đấy.
Cán bộ Tính Xồm ở phòng hồ sơ tiếp nhận phạm nhân đưa đến, ông đọc qua hồ sơ rồi sẽ phân loại vào những buồng nào. Tù nào nhiều tiền án, tiền sự thì vào khu nhiều tiền án, tiền sự. Tù nào lần đầu vào khu lần đầu, tù nào tội kinh tế vào khu kinh tế, khu người nước ngoài, khu cán bộ, khu tử hình hay chung thân.
Ngày ấy buôn bán thuốc phiện được trại xếp vào tội kinh tế, vì số phạm nhân án kinh tế lúc đó đa phần là buôn lậu, số lượng không nhiều, buồng ít người nên một số người phạm tội buôn bán ma tuý lần đầu được nhốt chung.
Tôi được phân mẩu giấy có ghi số 3790 Q. Mỗi người vào trại giam sẽ được phân loại số như thế, các con chữ là mã năm, con số là thứ tự. Tức năm 1994 những người mới vào sẽ lấy chữ Q và số theo thứ tự. Tôi là người thứ 3790 nhập trại giam trong năm 1994.

Chúng tôi ngồi đợi ở khoảng trống hành lang từ phòng hồ sơ đến khu giam, khoảng trống này có rào sắt và có mái tôn che. Lúc sau những người quản giáo trong khu giam ra đọc số, đến số ai thì xếp hàng đứng trước mặt quản giáo. Tôi có một mình một hàng, ông quản giáo dẫn tôi vào buồng giam.
Phòng giam ở Hoả Lò mới rất thoáng, chỉ toàn song sắt chứ không làm cửa bít bùng. Có hai lớp song sắt, giữa hai lớp song sắt là khoảng trống để tù nhân đến giờ ăn ra đó, quản giáo đứng ngoài nhìn thấy hết bên trong làm gì. Đằng sau lại có hai cửa sổ song sắt cao, cho nên về độ thoáng rất tốt. Phòng cũng rộng và sạch, cuối phòng là vệ sinh và bể nước tắm nước lúc nào cũng đầy ắp.
Phòng tôi vào chỉ có 14 người. Những tù đi trước bảo ở Hoả Lò cũ phòng như này phải nhốt hơn trăm người. Tôi còn nghe kể phòng tù được phân loại như trưởng buồng, bộ đội, ưu tiên 1 và ưu tiên 2, cuối cùng là tầng lớp nhân dân.
Tầng lớp nhân dân luôn bị hành hạ, đánh đập, bóc lột. Quà cáp gia đình gửi vào bị bọn bộ đội lột sạch, hàng ngày chúng tra tấn để buộc nhân dân phải viết thư về nhà xin tiền, nếu có tiền tuỳ theo mức độ chúng đưa lên ưu tiên 1 hay ưu tiên 2.
Nhưng cái phòng giam tôi vào thì mới, chưa hình thành hệ thống cai trị. Còn các khu khác đã đâu vào đó rồi.
Mấy người cũ hỏi tôi tù tội gì, nhà ở đâu, rồi họ bảo.
-Ở đây không có trưởng buồng, tất cả đều mới, của ai người ấy ăn. Nhìn nhau giữ gìn vệ sinh, trật tự cho thầy ( quản giáo ) đỡ nói thôi.
Ở trong buồng có 2 thằng tù tội đua xe, chúng đều là con nhà giàu, bị bắt nhiều lần ở quận tội đua xe, gia đình lo lót được. Nhiều lần quá cũng không thể thoát, lần này chúng bị lệnh tạm giam chờ xử. Hai thằng chỉ 18, 19 tuổi. Nhà chúng gửi đồ nhiều, nên chúng có thế lực nhất. Chúng cho đồ ăn những người khác đổi lại họ phục vụ chúng như đun nước, dọn cơm, rửa bát, giặt quần áo. Khoản thuốc lào, thuốc lá thì chúng phát miễn phí cho cả buồng.
Tù mới nhập trại, gia đình phải làm sổ tiếp tế, xin chứng nhận công an phường , thủ tục mất một đến hai tuần. Những ngày đầu tôi chỉ ăn cơm với ít bột canh của thằng bên cạnh chia sẻ.
Cuộc sống lần đầu ở trong Hoả Lò mới khác ngược những gì ghê rợn mà những tù đi trước kể. Thằng chia sẻ gia vị bột canh cho tôi ấy, nó chẳng có thân thế gì, nó ở quê lang thang lên Hà Nội. Nó rất hiền, kể chuyện đi lên Hà Nội xin việc ở quán phở, quán cơm nhưng không ai nhận. Tiền không có, đói quá thấy cái xe đạp của người ta hở ra, nhẩy lên đạp bị phát hiện người ta đuổi. Nó đói mấy ngày nên đạp một đoạn không còn sức nữa, người ta bắt đánh một trận rồi đưa vào công an.
Nếu trong công an nó khai tên tuổi, quê quán để người ta xách minh, họ thấy nó phạm tội lần đầu, ở quê nghèo có khi họ cũng tha luôn. Nhưng nó sợ ở quê mang tiếng gia đình, nó bảo bị bỏ rơi từ bé, không biết nhà ở đâu, bố mẹ là ai. Công an đành cho nó lên trại giam thành phố cho nó đi tù để tạm thời nó có chỗ ăn ở. Cái này cũng không trách công an được, vì không xác minh lý lịch nó rõ ràng thế nào, biết đâu nó từng phạm tội gì ở đâu nữa. Cái gói gia vị bột canh mà nó dè sẻn quý như vàng ấy là do người bên cạnh nó đã ra tù, cho lại nó.
Đêm đến, nó thủ thỉ tâm sự, nó đã bị chuyển mấy nơi giam, ở buồng này nó thấy hạnh phúc nhất.
Tôi cũng thấy buồng giam này thật yên bình, thầm cảm ơn ông Tính Xồm đã công minh phân loại.
Nhưng tôi không biết rằng, chỉ ngay phòng bên cạnh thôi, cuộc sống của những tù nhân bên đó như địa ngục, đúng như người ta từng kể về cuộc sống ở Hoả Lò cũ.
Chẳng qua cái buồng tôi ở là buồng như dạng vị cảnh, những thằng bị giam ở đó chỉ vài bữa là được về, được chuyển đi nơi khác. Tôi là dạng quận gửi chờ trích xuất, tức chỉ dăm hôm tôi lại phải về quận để ra toà. Ông Bình quản giáo quận biết tôi sẽ xử ở quận, nên ông ghi chú tôi là dạng quận gửi chờ trích xuất, ông Tính Xồm theo đó mà phân tôi vào cái buồng ngắn hạn chờ đi.
Vì là buồng chờ đi, nên quản giáo không phân trưởng buồng, vì được vài ngày lại phân thằng khác mất công.
Thằng bên cạnh có đêm nó còn làm thơ, rồi nó hỏi tôi có biết Đặng Thai Mai không, ông ấy là nhà phê bình thơ rất hay. Nó kể đoạn thơ nào đó, rồi ông Mai kia bình ra sao. Ánh mắt nó mơ màng khi kể.
Tôi nghĩ mắt nó thế là vì nó đói, cơm trại ăn với bột canh, làm gì có chất. Nó đói và thiếu chất hai tháng rồi, mắt lờ đờ cũng phải.
Buồng tôi có một thằng mới vào, đó là thằng tù chuyên nghiệp đúng nghĩa, nó xăm trổ khắp người. Nó cũng dạng trích xuất về tỉnh. Vào buồng im lặng một hôm quan sát, đến hôm sau nó lân la với hai thằng đua xe, tính thiết lập chế độ cai trị trong buồng, chúng tuyên bố sẽ giữ gìn trật tự trong buồng.
Được một hôm thì một trong hai thằng đua xe được thả về, thằng còn lại buồn thất vọng, lại có người ra người vào liên tục. Thằng xăm trổ kia cũng bó tay buông luôn mộng làm đại ca trong cái buồng như trạm xe buýt này.
Đêm đến thằng xăm trổ nó hát những bài về nhà tù.
Trăng mờ soi, trăng mờ trăng soi ngục tối.
Đường đời con đi lạc lối
Nên người ta bắt vô đây.
Nhiều nước mắt, xót xa mẹ nhớ con.
Tình yêu thương đong đầy hai khoé mắt
Trại xa xôi, trại cao đèo hút gió.
Bóng con xa mờ, con lạy mẹ con đi.
Mãi đến phải 20 năm sau, tôi mới biết bài nó hát chế từ bài Anh Ở Đây của các các nhạc sĩ Thục Vũ- Đức Nghiêm về lính VNCH đi cải tạo ở Suối Máu, Sơn La.
Bài nguyên bản ở link đây.
Tôi nghe nó hát, nước mắt chảy ròng. Lần đầu tiên từ khi bị bắt, đã hơn một tháng, tôi khóc vì thương mẹ. Tôi chưa làm gì được cho mẹ tôi. Hình dung viễn cảnh mẹ tôi mang đồ tiếp tế, đi xe khách đến một tỉnh xa nào, rồi lếch thếch xác đồ leo đường đất đến thăm tôi.
Thằng tù chuyên nghiệp kia, hát xong nó ngồi ôm mặt khóc.
Nếu buồng giam này là buồng giam nghiệt ngã như các buồng khác, nó sẽ chẳng khóc. Nhưng ở cái buồng chờ xe buýt này, gồng mình nên làm đại ca chẳng có tác dụng gì. Nó khóc vì biết lần đi này sẽ dài hơn lần trước. Hình như quê nó ở đâu đó trên mạn Thái Nguyên, Cao Bằng gì. Nó gây án trộm cắp ở quê, trốn xuống Hà Nội lại gây án tiếp. Nó chờ ngày trích xuất về quê xử, rồi lại về Hà Nội xử. Án chồng án. Nó cũng mới chỉ 22, 23 tuổi. Bố nó án chung thân lúc nó 12 tuổi, mẹ nó bỏ đi biệt xứ. Từ lúc 12 tuổi nó quanh quẩn bến xe móc túi , làm chân sai vặt cho các đàn anh sống qua ngày. Bị bắt đi trường giáo dưỡng, rồi về lại ăn cắp, lại đi tù. Tính cả đi trường giáo dưỡng, nó có thâm niên đến 10 năm tù.
Ba ngày sau, cái thằng đua xe còn lại được về nốt. Thằng tù chuyên nghiệp kế thừa được ít đồ ăn còn lại. Nó ăn hết rồi lân la đi xin người khác. Mình nó không thể tạo lên uy quyền để người ta tự cống nạp. Người mới vào thì chẳng có gì, người cũ có quà thì họ cũng thuộc loại hiểu tình thế bên trong, nó chỉ còn cách làm tư vấn hướng dẫn cuộc sống trong tù cho người ta để được chia sẻ ít quà từ họ.
Tôi thầm khinh nó vì miếng ăn mà quỵ luỵ, đói thì chịu, thèm thì chịu. Sao phải vì miếng ăn mà kiếm chuyện làm quà như thế.
Ý nghĩ của kẻ tù đầu ngây thơ.
Tôi không biết cuộc sống của những người tù không gia đình, tôi không hiểu đói ăn, thiếu chất sẽ dẫn đến bệnh tật phát triển, cơ thể mất sức đề kháng. Những kẻ tù nhiều lần họ kinh nghiệm, lúc nào kiếm được chất chác gì bồi bổ cơ thể thì tận dụng, vì chẳng biết những ngày sau sẽ ra sao, cơ thể có chất nạp vào lúc nào hay lúc đó.
Tuần đầu tôi ăn cơm với gia vị bột canh của thằng bắn chim sẻ ( tiếng lóng nhẩy xe đạp). Lúc nó đi, tôi ăn cơm với muối trắng trại phát.
Đến ngày thứ 15 trong Hoả Lò mới, tức tròn một tháng tôi bị bắt, thìa cơm rắc chút muối bỗng trở nên ngọt lừ, đậm đà. Mỗi thìa cơm với hai hay ba hạt muối nhai tan trong miệng, tôi thấy chất bổ từ chúng từ dạ dày chuyển hoá thành chất lan đi trong cơ thể mình. Mỗi một tuần trại cho bữa ăn thêm miếng thịt mỡ bằng bao diêm. Tôi nhấm nháp miếng mỡ kho ấy chậm chạp với sự sung sướng.
Ở tuổi đôi mươi, đói và thiếu chất. Giấc ngủ đến rất lạ kỳ, khi đói quá ngủ thiếp đi, cảm thấy như thiếu máu, thiếu dưỡng khí, thiếu sinh lực, cơ thể bồng bềnh như trôi trên mây.
Tôi có thể chịu đựng bị đánh đập vì chúng đông hơn tôi, sau này có cơ hội báo thù rửa nhục. Nhưng xin ăn sẽ là nỗi nhục khó bao giờ rửa được. Tôi luôn thầm ước người bên cạnh sẽ tự chia sẻ cho tôi ít muối vừng, môt miếng thịt bằng hai đốt ngón tay hoặc vài hai con tôm rang trong phần quà nhà họ gửi. Tôi sẽ nhớ họ suốt cuộc đời này. Như đã nhớ đến thằng bắn chim sẻ vô gia cư cho tôi ít gia vị bột canh.
Nhưng họ quay lưng lại khi chúng tôi ngồi ăn cạnh nhau.