Tuổi Hai Mươi-phần 24.

0
50
Trai giam số 1
   

Thanh Hiếu

Sáng ngày 10 tháng 10 năm 1997, các đội trong trại đã đi làm, trời đã vào thu mát mẻ và dễ chịu.

Tiếng mở khoá lách cách, trực trại và ban giáo đục đi vào, tôi đã chuẩn bị quần áo chỉnh tề. Ông ban giáo dục nói.

– Chúc mừng anh hôm nay được làm người tự do.

Tôi đi theo ông qua cổng gác đầu tiên nơi có vũ trang canh gác ở dưới và trực trại ở phòng trên. Tôi đứng chờ ở cổng để ông giáo dục lên phòng trực trại ký giấy tờ, rồi ông vào phòng vũ trang ký giấy tờ một lần nữa. Những người vũ trang xem xét tên tuổi, án phạt rồi gật đầu để tôi qua.

Ông dẫn tôi ra cổng gác vũ trang, nhưng không đến phòng hồ sơ nhận quyết định đã chấp hành xong án phạt tù, ông đưa tôi đến phòng của phó ban giám thị Bình.

Tôi biết chuyện sẽ thế, nên không ngạc nhiên gì khi thấy ông Bình ngồi chờ với ấm trà mới pha và bao thuốc 555 đặt trên bàn.

– Chúc mừng anh 

Ông Bình đứng dậy giơ tay, tôi bắt tay ông.

Ông chỉ ghế bảo tôi ngồi. Không có giấy bút gì trước mặt ông cả. Ông rót nước cho tôi, cười thân thiện.

– Hôm nay là ngày anh trở về xã hội, trước tiên chúng tôi có lời chúc mừng anh, sau nữa có lời tâm sự với nhau, dù sao anh cũng ở đây lâu rồi, cũng có nhiều gắn bó với chúng tôi.

Tôi ngồi nghe ông nhắc lại nhiều chuyện trong trại, những chuyện tôi đã viết trong tập giấy đưa ông Hùng Mõm. Quá trình cải tạo của tôi và cả chuyện tôi bị kỷ luật có phần oan uổng. Ông bảo đúng là có những cái không đúng trong việc kỷ luật tôi, nhưng mong tôi vì những gì trước đó mà bỏ qua, đừng vướng bận trong lòng….

Rồi ông hỏi tôi ông tâm tình thế, tôi nghĩ sao.

Tôi trả lời, việc này tôi đã hứa với ông Hỷ rồi, tôi về sẽ không đơn từ hay khiếu nại, báo cáo đến chỗ nào cả hết. Đó là lời hứa với người thầy của mình, tôi có chết cũng giữ lời. Thứ hai về tâm tư tôi cũng khẳng định thời gian tôi ở trại cải tạo được đối xử cũng tốt, không vì một chút cuối cùng trắc trở mà giở mặt làm hại đến trại, chẳng qua tôi viết ra để các ban hiểu, tôi không phải là người cam chịu bất công. 

Tâm tình thêm lúc nữa, ông Bình đứng dậy đưa tôi đến phòng hồ sơ gặp bà phụ trách.

Tôi cầm giấy chấp hành xong án phạt tù, ký nhận 6 nghìn đồng tiền tàu xe về nhà.

Ra đến cổng chính, tôi trình tờ giấy với bà đăng ký thăm gặp người nhà, gặp ban giám thị. Bà đọc án tù của tôi buông câu như khen.

– Án dài thế mà ở đây lâu nhỉ ?

Tôi chào bà rồi đi qua cái cổng cuối cùng của trại giam với tờ giấy trên tay. Trước đây tôi từng đi qua những cái cổng đó mà chẳng có ai dẫn giải, ký nhận gì.

Tuấn Con đàn em của tôi chờ sẵn, tôi không nghĩ nó còn nhớ ngày về của tôi.

Tôi không muốn nhận đàn em khi mình làm trách nhiệm, trật tự. Tôi sợ khi có chuyện gì, cái lối sống xã hội đen trong tù với quy tắc – làm em ăn thèm vác nặng, đụng chuyện phải vì anh mình trước- Cái quy tắc ấy đã khiến bao nhiêu đàn em phải thêm án, bị kỷ luật để được tù công nhận là biết sống, là hết mình vì anh em, là biết sinh tử vì đàn anh.

Bởi cái quy tắc đưa nhau vào chỗ chết ấy mà tôi cũng không làm đàn em của ai cả, lỡ có chuyện mình đứng nhìn thì không thể, mà xông vào chỉ vì cái danh hão ấy chẳng đáng để thêm án tù. Tôi sống một mình dù bao đời trách nhiệm đều ít nhiều có quan hệ dây dưa. Khi làm trách nhiệm, tôi cũng không muốn nhận ai làm đàn em, thành nhóm.

Khi Tuấn Con về đội tầm nửa tháng, chẳng hiểu mẹ nó gặp tôi và xin tôi cho nó ở cùng để bảo ban nó. Tôi từ chối, bà nằn nì nói nó bé người, non dạ. Mong tôi nhận nó. Bà nói bà là giáo viên, bà đã tìm hiểu về tôi và mong tôi coi nó như em. Nếu phải chi phí gì bà cũng chịu.

Lúc đó có thằng Cường đang ở với tôi, cậu nó với anh trai tôi chơi rất thân với nhau, cho nên tôi phải để nó ở cùng. Tôi dạy bảo, uốn nắn thằng Cường, không được cờ bạc, rượụ chè, chích choác hay tinh tướng gây sự thể hiện…và dặn nó nhớ kỹ nếu tôi có va chạm với ai, tuyệt đối không được phép xông vào.

Tôi nhận lời dạy dỗ thằng Tuấn và từ chối nhận tiền của bà.

Thằng Tuấn lại có thằng bạn cùng vụ trấn lột, tôi có 3 thằng đàn em tuổi hai mươi. Tôi hiểu sự liều lĩnh và hung hăng của chúng, kìm cặp dạy bảo chúng rất vất vả, chúng bị tiễm nhiễm là giang hồ là phải nghĩa khí nọ kia, như kiểu chớm câu nói không vừa ý là có thể sẵn sàng xiên nhau để giữ số má. Sống pháỉ có chất, phải vì anh em…loại bỏ hết trong đầu chúng những thứ đó không phải ngày một ngày hai.

Chúng hết án về trước tôi, chúng không bị kỷ luật, không bị chuyển đội, được giảm án. Quãng thời gian chúng sống với tôi rất yên bình, công việc phù hợp với từng đứa, ứng xử chan hoà với các tù khác trong đội. 

Vừa ngồi lên xe của thằng Tuấn thì nhà tôi đến, tôi bảo nhà tôi về trước, thằng Tuấn Con chở tôi đi ra đội chào ông quản giáo rồi về sau.

Tôi ra đến đội, thằng Thắng Thanh Hoá đang làm quyền đội trưởng, nó bảo tôi.

– Hôm nay mày ra, bọn kia phải tạm chuyển đi đội khác mấy hôm, ông Hỷ sợ mày ra tìm chúng nó phang.

Tôi đến phòng ông Hỷ, chào ông. Ông nói.

– Tao biết chuyện mày kỷ luật, cũng tại mày nóng quá, nhịn lúc ấy rồi hôm sau báo tao xử chúng nó cho, mày lại đi đánh nó.

Tôi bảo thôi chuyện đó là chuyện vặt, em chào thầy và cảm ơn thầy đã chiếu cố thời gian em ở với thầy.

Ông Hỷ bảo.

– Đấy, bao năm mày ở với tao, tao có biết mặt nhà mày đâu, tao cũng chưa cầm đồng quà nào nhà mày.

Tôi nói tôi rất ghi cái ơn đó của ông.

Ông nói.

– Tao biết mày sẽ nhớ.

Tôi chào ông và ra nhà dân, những nhà dân mà tôi mua thức ăn của họ. Chị Thơm nhắc tôi còn nợ 180 nghìn.

Tôi hứa sẽ quay lại trả. Thường thì tù ở đội về đa số còn nợ tiền, rất nhiều người không trả, nên nhà dân bán đồ ăn cũng coi như đó là khuyến mại. Trường hợp mà ở lâu, mua nhiều thì họ vui vẻ không ấm ức gì, chỉ có ai mới vào mấy tháng mua đồ của họ, rồi nợ đống tiền, hết án ra cổng lên xe về thẳng họ mới bực bội.

Tuấn Con chở tôi về nhà, mẹ tôi ngồi trước cửa , mấy bà hàng xóm chào hỏi tôi, mẹ tôi khen

– Đẹp trai như đi Tây về.

Tôi vào nhà, mẹ tôi đi theo, tôi thốt.

– Ôi sao nhà mình chật thế.

Mẹ tôi cười giễu.

– Nhà vẫn từng đó mét, mất đi đâu mà anh bảo chật.

Tôi chợt nhận ra, mình ở bao năm với ruộng đồng mênh mông, lúc sắp về ở thời gian một mình trong buồng biệt giam rộng thênh thang, nên mới cảm giác nhà mình chật quá.

Sáng sau mẹ tôi bảo tôi bảo xem ôm đưa tôi sang anh trai tôi tên Hải chơi.

Xe ôm đưa tôi đến một hàng Karaoke, tôi tưởng vào đó chờ ai, trong quán có 4 em gái trẻ son phấn, mặc váy ngắn đang ngồi, họ chào anh Trung xe ôm. Anh Trung là hàng xóm nhà tôi, anh chỉ tôi giới thiệu.

– Hiếu, em anh Hải.

Mấy em gái ồ lên, họ vội lấy nước đon đả mời tôi.

Tôi ngồi một lúc thì anh Hải tôi về, anh vào quán không nhìn thấy tôi, anh chửi thề.

-Đm cái lão Ba, rủ đi ăn thịt cầy hết một triệu mà đéo ra gì.

Anh quay lại nhìn thấy tôi thốt.

– À mày về rồi đấy à ?

Tôi gật đầu, anh Hải tôi nói.

– Ở đây chơi một hai hôm.

Rồi anh quay đi lo việc khác. Tôi ngồi lát nghe bà chị dâu mới hỏi chuyện, giọng chị rất khéo như giọng chăm sóc khách hàng. 

Tôi bảo anh Trung xe ôm đưa tôi về nhà mẹ.

Bao năm qua tôi sống trong tù, thiếu thốn. Tôi không biết anh Hải tôi khá giả như thế. Nhà tôi 6 anh em, tôi là thứ 5. Chỉ có chị cả tôi và anh Hưng là lo cho tôi, hai người ấy làm ăn được thì tôi được nhờ, lúc họ thất bát tôi ở trong tù chịu theo.

Tôi về đến nhà, mẹ tôi đã lom khom dọn quán nước chè ra bán. Mẹ móc túi lấy mấy tờ tiền 1, 2 nghìn ra đếm trả tiền xe ôm cho anh Trung.

Mẹ tôi nói.

– Mẹ mua mớ rau cải và miếng thịt ba chỉ ấy, con luộc thịt lấy nước nấu canh, còn thịt luộc xong rán qua lại lần nữa.

Lúc hai mẹ con ăn cơm, mẹ tôi nhìn tôi trìu mến.

Có hai người trong gia đình tôi, dù tôi có bị xuống đáy cùng đến đâu, vẫn nghĩ rằng đó chỉ là chốc lát, vẫn có leo lét một niềm tin tôi sẽ làm được điều gì đó ra hồn trong cuộc đời tôi.

Đó là anh Hưng và mẹ tôi.

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here