Tuổi Hai Mươi- Phần 1.

0
73
Người buôn gió

Bùi Thanh Hiếu

Lời dẫn- Tuổi Hai Mươi phần 1.

………………….

Nhím lười nhai, ăn mà phải nhai nhiều là Nhím khó chịu. Nhím chỉ thích ăn phở của bố nấu, ăn hàng kiểu gì được vài thìa là bỏ, kêu không ngon bằng phở bố nấu.

Thỉnh thoảng đổi món, bố phải nấu mấy tiếng một nồi gồm thịt dẻ sườn, tôm nõn khô, cà rốt, khoai tây, ngô. Nấu đến khi tất cả nhừ nhuyễn ra, lọc lấy nước, rồi cho gạo vào nấu tiếp thành cháo.

Khi bắc cháo ra, thái xúc xích nhỏ và pho mát vào. Phải có tí đồ Tây thế mới dễ lừa Nhím ăn.

Một món Nhím chỉ ăn cùng lắm hai lần, lại phải đổi món khác. Món nào nấu cũng kỳ công.

Nhưng nhìn Nhím ăn thun thút, miệng kêu.

– Ngon, bố nấu ngon.

Lúc ấy thật vui, bõ công mấy tiếng làm cho Nhím ăn.

Hồi Tí Hớn bằng tuổi Nhím bây giờ, còn ở Việt Nam. Tí Hớn thích món đầu cá nấu canh chua, cánh gà rán. Tí Hớn sẽ gặm vài cái cánh gà, sau đó ăn cơm chan canh cá, ăn cũng thun thút.

Cả Nhím và Tí Hớn lúc đi ngủ, đều nghe bố kể chuyện cổ tích. Chúng giống nhau là chuyện không phải cầm sách đọc, mà chuyện phải từ miệng bố kể ra. Những câu chuyện mà toàn bố sáng tác, nhất định không nghe chuyện giống sách. Nếu kể theo sách, dù không cầm đọc, một lúc là chúng phản đối.

Câu chuyện kể cho Nhím.

Có một người bố đi làm, bị trúng độc của bọn ác, đứa con gái thương bố lắm, nó ôm bố khóc. Một bà tiên đến cạnh nó bảo.

– Cháu hãy đi lên ngọn núi kia, trên đó có một ông tiên có thuốc, giữa đường sẽ có một con rắn to chặn đường, cháu phải trả lời ba câu hỏi nó mới cho đi. Hãy nhớ lúc có thuốc rồi phải về thật nhanh, nếu không kịp bố cháu sẽ chết.

Thế là đứa bé đi, nó gặp một con rắn to chắn đường. Con rắn hỏi.

– Đứa bé kia đi đâu, tại sao lại đi chơi một mình ?

( đến đây thì bố dừng lại nhìn Nhím )

Nhím trả lời.

– Bố em bị trúng độc bọn ác, bà tiên bảo trên núi có ông tiên có thuốc cho bố em, em đi xin về cho bố em.

Con rắn bảo.

– Đứa bé ngoan, nhưng phải trả lời ba câu hỏi mới được qua, câu hỏi thứ nhất. Đứa bé yêu ai nhất trên đời.

Nhím nhanh nhẩu trả lời.

– Yêu bố, yêu mẹ và cả anh Tí Hớn nữa.

Con rắn bảo.

– Được, còn câu thứ hai, trên đời này ai là người yêu đứa bé nhất ?

Nhím quát.

– Bố là người yêu đứa bé nhất.

Con rắn bảo.

– Chính xác, câu hỏi thứ ba, Việt Nam là nước nào ?

Nhím trả lời.

– Việt Nam là nơi có mẹ của bố, có bà Thoa, là nơi bố mẹ và anh Tí Hớn ở đó rồi mới sang Đức.

Con rắn bảo, đứa bé ngoan, trả lời đúng hết. Hãy nhanh đi gặp ông tiên xin thuốc mang về cho bố. Thế là đứa bé đi nhanh đến gặp ông tiên, ông tiên cho đứa bé thuốc và nói phải đi nhanh mang về cho bố. Đứa bé mang thuốc về, đi qua một khu sân chơi, có một bạn đang đi xe đạp, bạn ấy hỏi đứa bé.

– Bạn ơi, bạn có biết đi xe đạp không, bé như bạn chắc không biết đạp xe đâu, đi xe đạp khó lắm.

Nhím trả lời.

– Biết, đi xe đạp dễ lắm.

Bạn kia bảo.

– Thế bạn hãy đi thử tôi xem, bạn đi có giỏi không.

Nhím nói được, rồi Nhím làm bộ đang đạp xe, Nhím nói với bố.

– Bố cho con đạp xe ở kho rồi, con đạp nhanh bố nhỉ ?

Bố gật đầu, rồi kể tiếp.

Đứa bé đạp xe rất giỏi, bạn kia thấy thế ngạc nhiên, bảo đứa bé.

– Bạn đi xe đạp giỏi quá, thế bạn có đi được một vòng quan khu sân này không ?

Nhím bảo.

– Quá dễ , còn đi quanh kho 3 lần được.

Nhím làm bộ đạp xe tiếp, bố làm bộ hộc lên vì độc ngấm, Nhím hoảng hốt nói.

– Bố ơi ! thuốc đây.

Bố kể tiếp.

– Người bố đã trúng độc chết, vì bà tiên, con rắn, ông tiên đều dặn đứa bé phải nhanh mang thuốc về, nhưng vì nó bị bạn rủ chơi đạp xe, nó quên mất và mang thuốc về không kịp. Người ta đã mang bố đứa bé đi chôn.

Nhím lặng người, nước mắt chảy lã chã, Nhím van xin.

– Bố ơi, bố kể lại đi. Con không chơi đâu. Bố ơi bố kể lại đi.

Bố kể lại từ đầu, đến đoạn đi về, bạn đi xe đạp hỏi. Nhím trả lời.

– Tôi không biết đi xe đạp, tôi phải mang thuốc về cho bố tôi.

Đứa bé mang thuốc về đến nhà , kể đến đây Nhím nâng bố dậy làm động tác đổ thuốc vào miệng bố nói.

– Bố ơi bố uống đi, con mang thuốc về cho bố đây.

Bố vờ uống và khoẻ lại, Nhím cười, mắt còn long lanh nước mắt.

………………………….

Có nhiều người hơi buồn vì họ vào Facebook tôi hy vọng đọc những bài bình luận về chính trị, chờ quan điểm tôi về vấn đề nóng nào đó đang diễn ra. Họ mặc định rằng Facebook của tôi là nói về cái chung , nói chuyện riêng tư mất giá trị.

Nhiều năm qua, tôi đưa hình ảnh chăm con, nấu ăn, đưa con đi chơi. Tôi chọn lọc đưa sao chỉ những câu chuyện hình ảnh bình dân, giản dị về cuộc sống bình thường hàng ngày, không có gì đặc biệt về chăm sóc con cái song song những bài viết về chính trị.

Thực ra tôi muốn đưa thông điệp, rằng trong cuộc đời này, giây phút chăm sóc con cái mình là giây phút  quý giá,  vài tiếng đồng hồ nấu cho con ăn đối với tôi ngang bằng vài tiếng bỏ ra viết những gì to tát,  bằng vài tiếng bỏ ra săn hàng , giao dịch buôn bán.

Chỉ khi nào bạn không thể hàng ngày chăm sóc con mình, lúc ấy bạn sẽ hiểu những sự việc bình thường hàng ngày trong gia đình, những lúc chăm con, đưa đón con là điều mà bạn thấy quý giá nhất.

Trên đây là phần dẫn cho tập Tuổi Hai Mươi tôi đã viết ở trang khác, nay lần lượt đưa lại trang này.

Năm ấy tôi hoàn thành nghĩa vụ quân sự về nhà, tôi ở với bố tôi căn nhà bên sông Hồng, ở bãi Phúc Tân. Đó là một căn nhà cấp 4, mái ngói đỏ, kiểu nhà phổ biến ở các vùng quê. Có một khoảng vườn đằng trước, một vạt sân và một khoảnh vườn đằng sau, một chái bếp vách nứa, mái rạ. Có cái chum đựng nước mưa. Tuy rằng nó chỉ cách nhà Phất Lộc tầm 800 mét, nhưng cảnh vật y như quê.

Tôi xin đi làm được ở một chỗ làm ép cao su, người ta gọi văn hoa là lưu hoá. Công việc là ép má phanh, ép lốp, dây cua roa và cả dép cao su.

Ông chủ cơ sở nghiện thuốc phiện, chỉ có hai người thợ làm là tôi và anh Thảo, ông chủ chỉ về lấy hàng mang đi đổ hay mang vật liệu về, dặn chúng tôi làm gì rồi ông đi. Nói là ông chủ nhưng chỉ hơn tôi vài tuổi. Có lúc về thì ông chủ mắt lim dim, mơ màng ngồi một chỗ.

Thuốc phiện ngày ấy rẻ, 3 bi thuốc phiện bằng một bao thuốc lá. Nhưng ông chủ lại thêm món xóc đĩa, chẳng mấy chốc hết vốn và phá sản.

Xóc đĩa và thuốc phiện là hai thú chơi phổi biến của lứa thanh niên vào những năm 85 đến 95.

Bố tôi bảo tôi về quê Đình Bảng học nghề thịt lợn , học thêm cả nghề mộc bên làng Đồng Kỵ. Câu chuyện này tôi đã viết nên chỉ kể sơ qua.

Lúc tôi ở quê thì bố tôi mất. Tôi về lại căn nhà ở ven sông, ở một mình.

Năm ấy tôi sắp tròn 21 tuổi.

Tôi tìm gặp anh Thảo, người làm cao su trước kia với mình để xem có việc gì làm, anh dẫn tôi đến bàn đèn của anh Tiến Lợn chỗ bãi Long Biên gặp mấy anh em làm bến bãi. Dạo đó dân giang hồ thường làm bến bãi. Bất cứ ở đâu cũng thành bến, thi tiền bốc vác bảo kê. Mấy anh em kia tên Huy, Chính M làm ở phố Lãn Ông. Hàng ngày các xe xích lô chở thuốc đến hay đi đều thu tiền theo bao. 

Các anh nói ở chỗ các anh thừa người, không nhận thêm được.

Anh Tiến Lợn than dạo này hàng mua khó ( hàng tức thuốc p.hiện). Tôi chợt nhớ ở đơn vị mình có thằng Khoa người Nghệ An, lúc nào nó cũng có tiền tiêu pha thuộc loại khá giả nhất đơn vị, Khoa nói với tôi nhà nó buôn thuốc phi.ện, tôi nhớ có lần nó về phép rủ thằng Tiến ở Hàng Thiếc về cùng. Tôi nói anh Tiến Lợn có thể có nguồn mua.

Tôi đến nhà thằng Tiến, hỏi địa chỉ nhà thằng Khoa, nó vẽ đường cho tôi.

Tôi về nhà hỏi mẹ bố có để lại ít tiền nào để tôi làm vốn không. Mẹ tôi lắc đầu bảo không. Thôi con đến vay dì xem sao.

Dì tôi cho tôi mượn 2 chỉ vàng. Tôi bán đi được hơn 1 triệu. Nhảy xe vào Nghệ An, tìm đến nhà thằng Khoa.

Khoa gặp tôi nó mừng, thết đãi người bạn cùng quân ngũ cũng đâu ra đó, khi tôi ngỏ chuyện muốn mua hàng. Nó bảo nhà nó giờ đã chuyển sang buôn gỗ, nhưng nó cũng giới thiệu cho tôi nhà người quen. Tôi mua được 8 lạng thuốc phiện giá 1 triệu, dắt vào người rồi nhảy xe về Hà Nội.

Tiến Lợn xem hàng rất kỹ, sau này tôi mới biết anh ta chẳng kinh nghiệm mẹ gì trong việc mua hàng sống, anh ta chỉ hút xong mới biết hàng tốt hay không, lúc đó anh ta ra vẻ xem để dìm hàng tôi. Xem xong anh ta trút luôn 8 lạng của tôi vào nồi và nấu. Chẳng nói gì đến chuyện trả tiền.

Một ngày anh nấu xong, hút thử hai chục điếu, nói hàng này cũng thường.

Khách đến hút, anh ta đổ những viên thuốc phiện nhỏ ra đánh cho họ hút. Khách khen hàng đợt này được. Anh ta cũng chẳng nói đến chuyện trả tôi tiền, buộc lòng tôi phải ở nhà anh ta chờ tiền. Khoảng một tuần anh ta trả tôi 1, 5 triệu.

Hoá ra Tiến Lợn chẳng có tiền vốn gì cả, khách người ta mua thuốc phiện đóng túi nylon ở Đào Duy Từ đến chỗ anh ta hút, trả công tiền chỗ bằng bằng tỷ lệ 3 và 7. Họ hút 7 điếu cho anh ấy 3. Nhờ có 8 lạng thuốc phiện của tôi mà anh ta có số vốn nhanh chóng trong vòng nửa tháng.

Tiến Lợn là thương binh chống Mỹ, anh ta ỷ thế thương binh bị bệnh tật, hút thuốc phiện giảm đau. Công an cũng chẳng làm gì gay gắt, họ biết nhưng chỉ nhắc nhở và chẳng làm khó gì anh ta mấy.

Mỗi tháng anh ta lấy 1 lần, 1 lần chỉ 1 cân, tôi được lãi 500 nghìn. Tôi thấy cần làm gì thêm, nên nấu thuốc phiện và cắt thành từng viên nhỏ, đóng túi nylon loại 20,30,50 giao cho ông Cường Qùe bán ở gốc cây bàng ngã ba Lương Ngọc Quyến, Đào Duy Từ.

Cái gốc cây bàng ấy nổi tiếng đến nỗi nó thành một địa danh của dân nghiện, cứ nói đến Gốc Cây Bàng là lẽ ra phải viết hoa, quanh gốc cây bàng ấy là nhà tiêm chích, nhà bàn đèn, nhà bán mang về như một trung tâm phục vụ con nghiện ở đất Hà Nội. Dân nghiện gọi đó làm Tam Giác Vàng vào đầu những năm 90.

Dân nghiện bàn đèn có nhiều loại, nhưng họ thường khá giả hơn dân hút. Trong đám dân nghiện hút có những người làm cán bộ, là chủ cơ sở sản xuất, là chủ cửa hàng, có cả nhà văn hay nhà báo hoặc những tay giang hồ anh chị có số má như Đội Tường, Phúc Phật, Cương Lùn..và có cả công tử con một như thằng Hiệp bên Ba Lan bây giờ, thằng Hiệp mà năm 2016 cầm của tôi số đồng hồ trị giá 50 nghìn euro đưa cho ông Thích Minh Hiền trụ trì ở chùa Hương, giờ vẫn chưa đòi được ông ấy tiền. 

Tôi không phải người buôn lớn, tôi làm đủ sống và dư dật chút, có nhiều thời gian. Tôi mua sách đọc, tôi ham đọc sách từ nhỏ, bẵng đi vài năm đi quân đội không đọc. Lúc đó có thời gian, tôi đọc rất nhiều, sách mua về phải đóng mấy giá đựng. Trong căn nhà cấp 4 ở ven sông ấy, chẳng có gì giá trị, tôi nấu ăn bằng bếp dầu, có mấy cái nồi nhôm đen đúa và mấy cái bát và một cái xe đạp Pơ Giô nam màu đen bố tôi để lại treo ở trong bếp, vì chẳng còn mấy ai đi xe đạp nữa.

Có lẽ cái xe đạp ấy là của bố tôi để lại cho tôi, có người trả tôi 90 nghìn, tức bằng khoảng 1 phần 5 chỉ vàng. Nhưng tôi không bán, tôi treo nó để nhớ bố tôi.

Một ngày tôi về không thấy cái xe, chắc trộm đã trèo tường vào lấy nó đi, tôi cũng không tiếc lắm về giá trị, chỉ áy náy là xe của bố đi mà mất. Sau này khi làm giám đốc công ty quảng cáo, có tiền tôi cũng cố lùng mua cái xe như thế không được. Mãi đến năm 2021 thấy ở Pháp có người bán cái xe như thế, tôi đã sang tận nơi mua và gửi về cho anh chị tôi, nói hãy giữ cái xe đó với căn nhà mà bố tôi đã di chúc cho tôi.

Ở bàn đèn người ta hay xích mích, khách nhiều khi giận chủ lò chuyển sang lò khác hút. Tiến Lợn lúc không có vị gì thì ngon ngọt, lúc có điều kiện lại giọng kênh kiệu khinh người. Mấy anh em làm bến Lãn Ông giận bỏ đi, họ gặp tôi bảo hay là mày mở mẹ bàn đèn ở nhà đi, nhà mày rộng, không có ai. Cho anh em có chỗ tụ tập.

Tôi nghe có lý, vì cũng rảnh, thế là tôi sắm bàn đèn.

Ở tuổi 21, tôi trở thành một huyền thoại.

Có điều đó là huyền thoại trong làng bàn đèn thuốc phiện. Tôi là người duy nhất mở bàn đèn mà không bao giờ hút một điếu thuốc phiện nào, không có ai bằng tuổi tôi có thể nhìn bằng mắt thường hàng sống mà đánh giá được chất lượng của thuốc phiện khi thành điều hút. Có vô vàn loại hàng từ các vùng như Hoà Bình, Sơn La, Lai Châu, Nghệ An, Thượng Lào, Hạ Lào…chúng được gói trong giấy bản, trong túi nylon. Các chủ bàn đèn thường khêu một tí, nấu qua, hút thử đợi một hai tiếng thuốc ngấm mới đánh giá được. Tôi chỉ cần cầm cái que vạch vài nhát và nhìn là đánh giá được. Có tay buôn mang đến 5 kg hỏi tôi mua, tôi nói chỉ mua được 2 kg. Anh ta loay hoay tìm cách chia, tôi bảo đưa cả bọc đây, tôi nâng nâng ướm thử rồi câm kéo cắt một nhát dứt khoát đưa lại cho anh ta. Anh ta cân một chỗ 2 kg, ngạc nhiên anh ta cần chỗ còn lại đúng 3 kg. Anh ta nhìn tôi ngỡ ngàng hỏi.

– Mày là người hay là ma.

Ai cũng nghĩ tôi nghiện, từ lúc đó đến giờ đã 30 năm, nhiều người vẫn nghĩ tôi nghiện.

Nhưng 30 năm qua ấy, chưa có ai nói rằng họ nhìn thấy tôi dùng thuốc phiện bao giờ cả, dù là bất cứ loại ma t.uý gì cũng thế, chẳng ai nhìn thấy tôi dùng.

Mở bàn đèn là một sai lầm, nếu như buôn thì không phải giao tiếp với các người nghiện, chỉ giao dịch với chủ lò hay người bán như ông Cường Què. Mở bàn đèn hàng ngày phải giao tiếp, phục vụ những người nghiện. Khi họ thiếu thuốc, lúc họ phê thuốc hay lúc họ không có tiền, có tiền và đủ thứ chuyện khác nữa như chuyện vợ, bố mẹ họ đến tìm.

Và những đêm đông cô độc, trong căn nhà ven sông, gió bấc rào rạt thổi trên mái nhà, một mình bên ngọn đèn dầu lạc ma mị, liêu trai. Nằm đọc sách dưới ánh sáng của ngọn lửa từ bóng đèn hút thuốc phiệ.n hắt ra. Cho đến giờ tôi vẫn không hiểu tại sao tôi không thử làm vài điếu.

Cho đến giờ đã hơn 30 năm qua, ở tuổi đã quá ngũ tuần. Tôi nhận ra được lúc đó mình tránh được cám dỗ bởi có một thứ ngăn cản.

Nghe có vẻ giáo điều và vớ vẩn.

Đó là những cuốn sách mà tôi đã đọc, thứ mà đã ngăn cản tôi không sa vaò những gì tệ nạn và bị nô lệ bởi tệ nạn. Khi tôi đọc chuyện ma thời xưa, có những chàng thư sinh ban đêm chong đèn đọc sách. Những hồn ma không thể hại họ.

Thuốc ph.iện có tên gọi khác là ma tu.ý tức con ma làm hại người ta say mất tri giác.

Có lẽ vì đọc quá nhiều sách, chúng tạo trong con người tôi một tính cách, một bức tường phòng ngự để ngăn những điều tệ hại xâm nhập vào.

Nếu bạn đọc đến đây, cho tôi là hoang tưởng. Nhưng bạn đặt câu hỏi, vậy thứ gì ngăn tôi không trở thành kẻ nghiện ngập ? Trong hoàn cảnh như thế, xuất thân như thế, điều gì ngăn cản tôi không bị tệ nạn cám dỗ?

Thôi, tôi trở lại với tuổi hai mươi của mình, tôi viết để cho mình nhớ lại những thời khắc xa xưa. Tôi sẽ cố gắng mỗi ngày dành thời gian viết một đoạn, tôi sẽ dừng lại ở tuổi 27.

——————

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here