Từ vụ TS Đinh Công Hướng: Khi nhân tài ở dưới ách nhân tai

0
60
Tiến sĩ Đinh Công Hướng. (Hình: Đại Học Quy Nhơn via VnExpress)

Trân Văn

Thế thì tại sao một người có thực tài như ông Hướng lại rơi vào tình huống trớ trêu như vậy?

Phần 1

Tranh cãi liên quan đến việc bán nghiên cứu cho các đại học vẫn chưa kết thúc (1). Vụ tranh cãi này bắt đầu hồi hạ tuần tháng trước trên mạng xã hội và nay đã trở thành đề tài của không ít cơ quan truyền thông thuộc hệ thống truyền thông chính thức.

Cuối tháng trước, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Đinh Công Hướng làm việc tại Đại học (ĐH) Quy Nhơn bị tố cáo “vi phạm liên chính khoa học” vì bán các bài nghiên cứu cho hai đại học, một mang tên Tôn Đức Thắng, một mang tên Thủ Dầu Một.

Cả hai đại học vừa kể đã trả tiền cho ông Hướng để có thể xuất hiện trên các bài nghiên cứu của ông Hướng như nơi ông đang làm việc trước khi bài được gửi đến một số tạp chí khoa học quốc tế, nhằm nâng cao tên tuổi, uy tín của trường.

Sau tố cáo vừa kể, ông Hướng đã xin rút khỏi xin rút tên khỏi Hội đồng chuyên ngành về Toán của NAFOSTED (Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia) vì việc hợp tác với ĐH Tôn Đức Thắng và ĐH Thủ Dầu Một “đã làm ảnh hưởng đến hội đồng(2).

Xin được miễn, không bàn đến những khía cạnh mà nhiều người sử dụng mạng xã hội cũng như các cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam đã và đang thảo luận rôm rả: Ông Hướng đúng hay sai? Cần cảm thông hay phải phê phán, thậm chí phải sớm đặt định những biện pháp nhằm bảo vệ “liêm chính trong nghiên cứu, trong hoạt động khoa học công nghệ, góp phần tạo dựng môi trường nghiên cứu chuẩn mực, hội nhập quốc tế”,… vì có một khía cạnh khác, dường như quan trọng hơn nhưng chưa được đề cập.

***

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên tờ Dân Trí về bị tố cáo “vi phạm liên chính khoa học”, ông Đinh Công Hướng cho biết, ngay sau khi biết tin, ông đã lập tức gửi đơn, xin rút khỏi Hội đồng chuyên ngành về Toán của NAFOSTED vì: NAFOSTED chọn thành viên các hội đồng từ giới thiệu của cộng đồng các nhà khoa học trong nước và hình như cả các nhà khoa học nước ngoài. Có thể có nhiều ứng viên giỏi hơn mình, có nhiều khía cạnh khác tốt hơn mình nhưng đồng nghiệp đã cân nhắc, tin tưởng, giới thiệu tôi. Khi họ phát hiện điều chưa tốt về tôi thì họ phản ánh. Không nói đến mức độ đúng sai trong sự việc như thế nào nhưng tôi thấy mình cần chủ động xin rút. Bởi mục tiêu cuối cùng là làm sao đểhội đồng quy tụ được những người phù hợp nhất, được tin tưởng nhất. Ông Hướng kể thêm, trong đơn, ông xác nhận, ông đã nhìn ra khuyết điểm của ông, ngoài việc xin rút khỏi Hội đồng chuyên ngành về Toán của NAFOSTED, ông đã gửi lời xin lỗi vì đã làm ảnh hưởng đến hội đồng.

Cứ như lời ông Hướng – nay đã chuyển về ĐH Công nghiệp TP.HCM – thì sự việc xảy ra trong thời gian làm việc tại ĐH Quy Nhơn, trong thời gian đó, ông có ký hợp đồng hợp tác nghiên cứu khoa học với ĐH Tôn Đức Thắng và ĐH Thủ Dầu Một vì ĐH Quy Nhơn chỉ yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu khoa học ở trường, không cấm ký hợp đồng nghiên cứu khoa học với trường khác trong khi ông viết nhiều nên… thừa rất nhiều giờ nghiên cứu khoa học theo quy định của ĐH Quy Nhơn.

Ông khẳng định ông không sử dụng cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm của ĐH Quy Nhơn, không dùng cơ sở của nơi này làm nghiên cứu cho nơi khác mà chỉ sử dụng laptop và chất xám của ông. Việc ký hợp đồng hợp tác nghiên cứu khoa học với ĐH Tôn Đức Thắng và ĐH Thủ Dầu Một diễn ra trong bối cảnh phải mất rất nhiều thời gian, công sức để hoàn tất một bài nghiên cứu. Ngoài cảm giác hạnh phúc, sung sướng ông còn mong muốn có thêm thu nhập: Tôi là người miền núi, đời cha mẹ rất khổ, đời mình cũng lớn lên từ củ khoai, củ sắn. Tôi mong muốn đời con mình sẽ tốt hơn bằng năng lực, chất xám của mình. Tôi dùng chất xám của mình để kiếm thêm thu nhập, tạo dựng cuộc sống…. Ông Hướng thú thật, ông không biết phải nói thế nào về chuyện đã xảy ra nhưng bản thân ông rất áy náy. Ông mong sự việc trôi qua để có thể tập trung cho công việc hiện tại. Hiện tại ông vẫn giảng dạy nhưng không thể nghiên cứu gì thêm vì làm khoa học tâm phải thật tĩnh mới làm được!

Ông Hướng đã thôi không ký “hợp đồng hợp tác nghiên cứu khoa học với các đại học bên ngoài trường ông đang làm việc vì ĐH Công nghiệp TPHCM không cho phép, quy định và chế tài đối với chuyện này rất rõ ràng, nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Tuy nhiên, tại nơi làm việc mới, những nghiên cứu vượt mức đã qui định có thể được quy đổi ra giờ giảng, được trả tiền phụ trội, được khen thưởng, ghi nhận nên điều đó giúp ông yên tâm làm việc (3).

***

Không thể phủ nhận việc ông Hướng là một người có thực tài. Dựa trên thống kê của MathSciNet (cơ sở dữ liệu thư mục trực tuyến ngành toán của Hiệp hội Toán học Hoa Kỳ), các cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam ghi nhận: Đinh Công Hướng có tất cả 42 tác phẩm nghiên cứu khoa học. 13/42 tác phẩm nghiên cứu này ghi nhận ĐH Tôn Đức Thắng là nơi tác giả Đinh Công Hướng làm việc và 4/42 tác phẩm nghiên cứu ghi nhận ĐH Thủ Dầu Một là nơi tác giả Đinh Công Hướng làm việc.

Thế thì tại sao một người có thực tài như ông Hướng lại rơi vào tình huống trớ trêu như vậy? Ở Cộng hòa XHCN Việt Nam – nơi mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền không ngừng chiêu mộ nhân tài – có không ít người như ông Hướng!

(Còn tiếp)

Chú thích

(1) https://thanhnien.vn/ban-bai-bao-khoa-hoc-co-thuc-la-chi-ban-chat-xam-cua-minh-185231112233110079.htm

(2) https://nafosted.gov.vn/thong-tin-bao-chi-ve-viec-pgs-ts-dinh-cong-huong-xin-rut-khoi-hdkh-nganh-toan-hoc-cua-quy-phat-trien-khoa-hoc-va-cong-nghe-quoc-gia/

(3) https://dantri.com.vn/giao-duc/pho-giao-su-bi-to-ban-nhieu-bai-nghien-cuu-toi-lam-vay-de-kiem-tien-20231103155011206.htm

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here