TỰ TÔN DÂN TỘC

0
117

Huỳnh Thị Tố Nga

25 tháng 7 lúc 21:56

Ý thức và hành vi nói lên một con người, mở rộng ra là tạo nên một xã hội, một quốc gia. 

Ý thức, sự nhận thức và đạo đức là điều quan trọng nhất để xây dựng một cá nhân hay một quốc gia. Thời gian ngắn hay dài không quan trọng, quan trọng là sự thay đổi của nhận thức. Một cá nhân nếu có thể chuyển đổi sự nhận thức thì có thể trong một ngày, họ có sự quyết định thay đổi cả cuộc đời họ. 

Sự nhận thức của dân tộc Việt Nam đang ở mức độ nào? Trình độ nào?

Cần phải nói rõ, sự nhận thức phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đối với một thực thể, nó phụ thuộc vào hoàn cảnh giáo dục gia đình, sự giáo dục trong môi trường xã hội mà họ đang sống, của môi trường xung quanh xa hơn mà họ có thể tiếp cận, các kiến thức mà quốc gia họ đề ra đường lối giáo dục công dân…

Mỗi cá nhân đều phải học từ gia đình, từ trường học và từ các kiến thức họ tự tích hợp. Một xã hội phải là tập hợp của tất cả các cá nhân như vậy, rồi mở rộng ra là tập hợp cho một quốc gia, cho nhân loại. Tuy nhiên, vì trên thế giới có nhiều quốc gia, mỗi quốc gia có sự khác biệt nhau về ngôn ngữ, văn hoá, lịch sử, cho nên dễ dàng hơn ta nên xét đến sự nhận thức của một tập hợp những cá nhân trong một quốc gia, vì giữa những cá thể này sẽ có các đặc điểm tương đồng mà người viết vừa nêu trên. 

Nói vậy để chúng ta thấy rằng tầm quan trọng của giáo dục sẽ quyết định các yếu tố này. Giáo dục là cái gốc của quốc gia. Lại nói, nền giáo dục quan trọng nhất phụ thuộc vào đường lối chính sách của thể chế lãnh đạo, từ tầm vĩ mô là sự nhận thức của một quốc gia nó chi phối cho đến vi mô là mỗi cá thể trong quốc gia đó, nó có thể hình thành nên sự nhận thức đúng đắn hay sai lầm của một nền giáo dục căn bản.

Vì thế, mỗi quốc gia phải có một thước đo chuẩn mực cho nền giáo dục của mình, một chuẩn mực đặc trưng cho nền văn hóa, lịch sử của bản quốc nhưng phải phù hợp với trình độ văn hóa, kiến thức và văn minh của nhân loại. 

Làm được điều đó không phải dễ dàng, nhưng cũng không phải khó khăn. Không dễ dàng bởi vì một quốc gia muốn có nền giáo dục tốt quan trọng nhất phải có một thể chế lãnh đạo tốt, văn minh, dân chủ. Một thể chế lãnh đạo có thể làm mọi cách giáo dục sự nhận thức cho cá nhân, kích thích cho họ mọi sự sáng tạo, tự do khai phóng tinh thần để đạt được trạng thái thăng hoa trong sự nhận thức, từ đó họ có thể học hỏi, tạo ra được những sản phẩm trí tuệ và sản phẩm vật chất tối ưu nhất, là phương pháp duy nhất để phát triển xã hội.

Bên cạnh đó, nền kinh tế quốc gia đó phải phát triển, có kinh tế mới có nguồn tài lực để phát triển nhân lực, có nhân lực giỏi mới có thể kiến tạo quốc gia, nó như một vòng lẩn quẩn, nếu không thực hiện được những điều này thì chính là sự khó khăn mà chúng ta cần phải giải quyết. 

Vậy nên, hãy nhìn lại Việt Nam, chúng ta hiện đang có gì? Tất cả những điều kiện cần thiết để phát triển Việt Nam hiện đang rơi vào bế tắc, chỉ vì một lý do duy nhất: xã nghĩa VN hiện nay là một đảng lãnh đạo độc tôn, độc tài toàn trị.

Chỉ với lý do này mà mọi sự phát triển bị bóp nghẹt toàn diện, từ kinh tế cho đến giáo dục. Bài viết này đề cao tầm quan trọng sự nhận thức của con người, chỉ khi nào sự nhận thức đạt ở mức đúng đắn và thăng hoa nó mới kích thích sự sáng tạo và phát triển tiềm năng ở mỗi cá nhân, từ đó tạo nên nguồn nhân lực dồi dào để kiến tạo quốc gia. Thế nhưng dưới sự cai trị của xã nghĩa, mọi ý thức tự do bị bóp nghẹt, dưới sự lãnh đạo độc tài, nhồi sọ những điều giả dối, gian manh, tôn sùng lãnh đạo, và nhồi nhét những kiến thức u tối trái ngược hẳn với văn minh thế giới, sau gần 50 năm “giáo dục” đã làm cho công dân dưới chế độ xã nghĩa thui chột sự nhận thức, thui chột mọi sáng tạo và trở nên ù lì, thờ ơ và vô cảm với sự tự do, dân chủ và văn minh. 

Hãy nhìn đa số người dân Việt Nam hiện nay, họ bị “sức ì chính trị”, bởi vì ở Việt Nam, xã nghĩa đã nhồi nhét cho họ sự sợ hãi về chính trị, những hoạt động liên quan đến chính trị đều bị đàn áp, viết báo, viết blog, clips livestream hay liveshow về tình hình chính trị xã hội mang tính bất đồng chính kiến với xã nghĩa đều bị quy là phản động và bị đàn áp. Vậy nên không lạ lùng gì khi công dân Việt Nam bị “ám ảnh” hai từ CHÍNH TRỊ. Họ không dám nghe, không dám đọc về nó, nhưng họ không hiểu, dù họ không muốn nghe, không muốn đọc, không muốn tham gia hay không muốn quan tâm đến thì chính trị nó vẫn chi phối từng ngày đến đời sống của họ. 

Thuế tăng, tham nhũng, vật giá leo thang, đồng tiền Việt Nam bị rớt giá, nợ công tăng vùn vụt, biển đảo bị tàu cộng xâm chiếm, sự di dân của tàu cộng vào các tỉnh biên giới phía Bắc, ô nhiễm môi trường từ các tập đoàn kinh tế của tàu cộng đang hoạt động ở Việt Nam,…Bao nhiêu sự kiện không liệt kê hết, tất cả những điều này là CHÍNH TRỊ, và nó liên quan đến quyền lợi của mỗi công dân Việt Nam, không chừa một ai. 

Sự nhồi sọ của xã nghĩa thật đáng sợ, đáng sợ ở chỗ đa số người dân Việt Nam họ không biết họ đang bị nhồi sọ, họ vẫn tung hô, ủng hộ sự đàn áp của xã nghĩa đối với những người bị quy là “phản động”, một số khác thì hiểu vấn đề nhưng sợ hãi và im lặng, một số thì thờ ơ vô cảm vì cho rằng những việc đó không liên quan đến họ. Vì vậy, với một hệ thống giáo dục “nát bét” từ trứng nước, xã nghĩa đã đưa Việt Nam vào con đường tăm tối, công dân Việt Nam trở nên u tối, đáng sợ nhất là sự nhận thức trở nên vô cảm, họ vô cảm đối với đồng bào mình, những người đang đấu tranh vì nền dân chủ, văn minh cho quốc gia. 

Với một đường lối giáo dục phản khoa học, chẳng những không kích thích được khả năng sáng tạo mà còn đào tạo nên những con robot được lập trình sẵn mớ kiến thức sai lệch, giống như cách họ đang dạy Tiếng Việt hiện giờ, họ muốn phá nát tinh hoa của Tiếng Việt, phá nát nền văn hóa, lịch sử Việt Nam và nghiêm trọng hơn là nhồi nhét cho những mầm non cách tiếp thu kiến thức thụ động như một con vẹt. Xã nghĩa đã thành công rực rỡ với đường lối giáo dục ngu dân, nếu không thật sự cố tình làm vậy thì không có quốc gia nào đào tạo công dân mình một cách u tối đến thế. 

Việt Nam hiện tại, lòng tự ái và tự tôn dân tộc đã mất gần như hoàn toàn. 

Công dân Việt Nam không còn biết tự ái khi chấp nhận cuộc sống “cá chậu chim lồng”, chấp nhận sự nghèo nàn về kinh tế, nghèo hèn về dân trí, chấp nhận sống trong một đất nước môi trường ô nhiễm, ăn uống thực phẩm bẩn gây hại đến sức khỏe và nòi giống, chấp nhận giao cả chính mình và các thế hệ tương lai của bản thân cho một tập đoàn cầm quyền độc tài và làm nghèo đất nước. Chấp nhận một cuộc sống thực dụng hời hợt, thích những trò giải trí nông cạn hơn là thích một cuộc sống văn minh. 

Lãnh đạo thì mất sạch lòng tự tôn dân tộc. Họ cúi luồn, ôm chân tàu cộng để được tàu cộng che chở cho chế độ. Họ không còn thấy xấu hổ khi công dân của họ phải đi đến các nước tư bản làm thuê, gái Việt đi làm mãi dâm khắp thế giới, văn hoá thấp kém, đi đến đâu trên thế giới thì ăn cắp vặt đến đó, làm cho người dân trên thế giới khinh khi. Lãnh đạo thì mặt dày, ăn cắp của công để bản thân hoặc cho gia đình chạy sang nước ngoài ăn sung mặc sướng, mặc cho dân tình đói khổ. Họ cũng không cần biết tự tôn dân tộc là gì khi điều hành đất nước bất tài đưa Việt Nam đi đến sự nghèo hèn theo thời gian, không thể phát triển còn thụt lùi quá xa so với các quốc gia trên thế giới. Vì làm gì họ có khái niệm dân tộc, họ chỉ biết quyền lực và quyền lợi bản thân mà thôi. 

Bây giờ công dân Việt Nam không còn trông chờ điều gì khác ngoài sự thức tỉnh, xây dựng nền đạo đức chuẩn mực nhân bản và thay đổi sự nhận thức ở mỗi công dân. Sống trong một quốc gia, chúng ta phải có lòng tự ái và tự tôn dân tộc, phải vực dậy nguyên khí quốc gia, xây dựng lại đất nước để có thể sánh vai với các quốc gia trên thế giới. Phải làm sao khi nhắc đến Việt Nam chúng ta có thể tự hào chúng ta đang sống trong một quốc gia văn minh, tiến bộ, dân trí cao, giàu lòng tự tôn dân tộc, phát dương dân tộc tính của con dân Bách Việt, chứ không phải mắc cỡ khi cầm hộ chiếu ra nước ngoài như bây giờ. 

Những điều này chắc chắn là xã nghĩa không làm được, vậy thì người dân chúng ta phải làm thôi. 

Có những sự nhận thức chỉ trong một ngày cũng có khả năng thay đổi cả cuộc đời của bạn! 

Bài đăng này tác giả đã viết cách đây hơn 5 năm, nay bổ sung thêm vài chi tiết cho phù hợp tình hình thực tế, tựu chung bài viết vẫn còn giữ nguyên giá trị nên post lại cho các bạn cùng chia sẻ. 

Huỳnh Thị Tố Nga 

April 25, 2023

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here