Tự hào gì ngày truyền thống luật sư?

0
154
LS Phan Trung Hoài tranh tụng tại toà.

LS Đặng Đình Mạnh

10-10-2017

Nói đến ngày 10 tháng 10, tôi vẫn nhớ ngày song thập dễ nhớ này là ngày quốc khánh của Đài Loan, quốc gia đã xâm chiếm đảo Ba Bình, đảo lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa của chúng ta mà đến nay vẫn chưa thu hồi được! Ngoài ra, thì tôi chẳng rõ nó là ngày gì cho đến khi một vài đồng nghiệp luật sư nhắc nhớ khi gởi lời chúc cho nhau! “Ngày truyền thống luật sư Việt Nam 10/10”.

Tìm hiểu thì: “Ngạc nhiên chưa?”, ngày truyền thống luật sư này được ông thủ tướng (từng được gọi là đồng chí X) ký quyết định công nhận từ năm 2013, đồng thời, lý do chọn ngày 10/10 là để kỷ niệm dịp ông Hồ Chí Minh ban hành Sắc Lệnh số 46 ngày 10/10/1945 có nội dung quy định duy trì các tổ chức luật sư đã được thành lập trước đó dưới thời chính quyền thuộc Pháp (xem tham khảo Sắc Lệnh 46 dưới).

Ngày truyền thống luật sư đã được đồng chí X ký quyết định công nhận từ năm 2013. Ảnh: internet

Điều khôi hài là mỗi khi nhắc đến Sắc Lệnh 46 này, thì hầu như các bài viết đều cho rằng đấy là văn bản khai sinh ra nghề nghiệp luật sư Việt Nam!? Bất chấp các tài liệu vẫn đang tồn tại tại các thư viện như những chứng cứ sống động về một sự thật khác với sự bịa đặt, dối trá để tranh công …

Thật vậy, từ năm 1876, sau khi chiếm trọn xong lục tỉnh miền Đông Nam kỳ, thì nghề luật sư đã được toàn quyền Pháp khi ấy cho thành lập theo Nghị Định ngày 26/11/1876 quy định về việc luật sư biện hộ tại tòa án.

Đến ngày 30/01/1911, thì toàn quyền Pháp lại ban hành Sắc Lệnh quy định mở rộng tổ chức luật sư cho cả người Việt tham gia.

Ngày 25/05/1930, toàn quyền Pháp ký Sắc Lệnh tổ chức Luật sư đoàn ở Hà Nội, Sài Gòn và Đà Nẵng, quy định mở rộng thêm cho các luật sư không chỉ biện hộ cho thân chủ có quốc tịch Pháp mà cho cả thân chủ không phải là quốc tịch Pháp; không chỉ biện hộ ở tòa án Pháp mà cả toà Nam án. Theo đó, thì người Việt Nam đầu tiên làm luật sư là ông Phan Văn Trường, tốt nghiệp trường Đại học Luật ở Pháp và làm luật sư ngay tại Paris.

Năm 1945, trong Sắc Lệnh 46 của ông Hồ Chí Minh, thì các đoàn luật sư được thành lập theo Sắc Lệnh ngày 25/05/1930 vừa nhắc trên đây của toàn quyền Pháp sẽ tiếp tục duy trì hoạt động …

Cho thấy, Sắc Lệnh 46 ngày 10/10/1945 chỉ là văn bản đầu tiên đề cặp đến nghề nghiệp luật sư sau khi nước nhà độc lập, chứ hoàn toàn không phải là văn bản khai sinh nghề nghiệp luật sư vốn đã xuất hiện ở Việt Nam từ 70 năm trước đó.

Thế nên, việc chọn ngày 10/10 làm ngày truyền thống luật sư Việt Nam không mang ý nghĩa đặc biệt như mọi người cứ lầm tưởng từ năm 2013 cho đến nay.

Chưa kể, qua trải nghiệm thực tế nghề nghiệp suốt 20 năm qua, tôi chưa thấy nghề nghiệp luật sư đáng tự hào như lẽ ra vốn có để có một một ngày truyền thống, ngoài nguyên nhân khách quan còn có cả nguyên nhân chủ quan của chính các luật sư. Thế nên, tôi thấy đặt ngày truyền thống nghề nghiệp luật sư trong giai đoạn hiện nay là vô nghĩa, bởi lẽ đơn giản là chúng ta chưa đủ xứng đáng để tự hào!

Nếu ai đó cho rằng giới luật sư Việt Nam thật sự đáng tự hào khi chứng minh bằng các tên tuổi: LS Trịnh Đình Thảo, LS Nguyễn Mạnh Tường, LS Thái Văn Lung, LS Phan Anh, LS Nguyễn Hữu Thọ, LS Trần Ngọc Liễng … Thì xin thưa, đấy không phải là những người hành nghề luật sư thuần túy, họ đều là những luật sư lưu danh sử sách bằng sự dấn thân của họ vì lý tưởng, chính sự dấn thân của họ làm nên điều tự hào. Và bao nhiêu người trong giới luật sư hiện nay đã dấn thân để làm nên điều tự hào như họ? Những Lê Công Định, Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Lê Quốc Quân … cũng chưa đủ trọn bàn tay. Điều đó là khác biệt!

Đừng ăn mày theo những tượng đài lịch sử, mà hãy hỏi chính chúng ta, những luật sư ngày nay, ai trong chúng ta tự hào khi:

Tự hào gì khi mà thân chủ bị truy tố những tội danh về an ninh quốc gia thì luật sư chỉ biết bàng quan tọa thiền?

Tự hào gì khi mà sau lời bào chữa công phu, hùng hồn của luật sư thì tòa án nghị án 5 phút để tuyên bản án dài 50 phút?

Tự hào gì khi mà các cơ quan truy tố có thể truy bức thân chủ mình để buộc tội trong suốt 24/7 thì luật sư lại chỉ có quyền làm việc với thân chủ mình không quá 60 phút để gỡ tội?

Tự hào gì khi mà luật sư bị thẩm phán cắt lời khi thực hiện thiên chức bào chữa?

Tự hào gì khi mà công lý không được tòa án tuyên từ kết quả lời bào chữa của luật sư mà từ “quan hệ”?

Tự hào gì khi mà những người nguyên là viên chức tư pháp bị kỷ luật ra khỏi ngành thì vào đoàn luật sư?

Tự hào gì khi mà côn đồ có tổ chức hành hung luật sư đến tóe máu thì sau đó được giải quyết bằng đơn bãi nại?

Tự hào gì khi mà nguyên tắc bảo mật thông tin khách hàng của luật sư bị tung hê thành điều luật 19.3 buộc luật sư phải tố giác thân chủ?

Tự hào gì khi mà luật sư yếu ớt trước cái nhìn của xã hội, không bảo vệ được nguyên tắc hành nghề của chính mình thì bảo vệ được gì cho thân chủ?

Tự hào gì về quyết định công nhận ngày truyền thống nghề nghiệp được ký từ một kẻ đã phá tan hoang đất nước?

Tự hào gì về quyết định công nhận ngày truyền thống dựa trên một văn bản chỉ có ý nghĩa duy trì các tổ chức nghề nghiệp luật sư vốn đã có từ thời thuộc Pháp?

Tôi vẫn tin rằng vẫn nên có một ngày truyền thống luật sư Việt Nam, nhưng không phải với “thành tích” của đội ngũ luật sư hiện có, không phải vào lúc này, và càng không phải không phải từ văn bản công nhận của chính quyền … Chỉ khi mà chúng ta không còn phải chất vấn nhau bằng loạt các câu hỏi trên.

Một ngày nào đó …

Viết cho ngày 10/10

Manh Dang

_____________

Trang 1
Trang 2

SẮC LỆNH CỦA CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ LÂM THỜI SỐ 46 NGÀY 10 THÁNG 10 NĂM 1945

CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ LÂM THỜI VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ

Chiểu theo lời đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp;

Sau khi Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã hỏi ý kiến của ông Chánh nhất, ông Chưởng lý Toà Thượng thẩm và các luật sư Hà Nội;

Sau khi Hội đồng Chính phủ đã thoả luận ngày mồng 4 tháng 10 dương lịch năm 1945;

RA SẮC LỆNH:

Điều thứ 1: Các tổ chức các đoàn thể luật sư trong nước Việt Nam dân chủ cộng hoà vẫn tạm giữ như cũ.

Sắc lệnh ngày 25 tháng 5 năm 1930 quy định sự tổ chức ấy vẫn tạm thi hành với các điều sửa đổi sau này.

Điều thứ 2: Các luật sư có quyền bào chữa ở trước tất cả cá toà án hàng tỉnh trở lên và trước các toà án quân sự.

Điều thứ 3: Điều thứ 5 sắc lệnh ngày 25 tháng 5 năm 1930 này bãi bỏ và thay bằng điều sau đây:

“Muốn được liệt danh vào bảng luật sư tại Toà Thượng thẩm Hà Nội hay Sài Gòn phải có đủ những điều kiện sau này:

1- Có quốc tịch Việt Nam, bất luận nam nữ;

2- Có bằng cử nhân luật;

3- Đã làm luật sự tập sự trong ba năm (kể từ ngày tuyên thệ) ở một Văn phòng luật sư thực thụ trong nước Việt Nam.

Những người đã làm luật sự tập sự ở Pháp có thể xin tính thời hạn tập sự ở Pháp nhưng chỉ được trừ nhiều nhất là 12 tháng.

4- Có hạnh kiểm tốt;

5- Được bằng chứng rằng đã hết hạn tập sự và đủ tư cách làm luật sự thực thụ.

Bằng chứng ấy sẽ do Hội đồng kỷ luật luật sư cấp cho sau khi đã xét tài năng và đức hạnh của vị luật sư tập sự ấy.

Nếu xét ra rằng luật sự tập sự chưa đủ tư cách, Hội đồng kỷ luật sau khi hỏi vị luật sự tập sự có thể gia hạn tập sự thêm một năm. Hội đồng kỷ luật chỉ có quyền gia hạn thêm tập sự ấy hai lần là cùng (mỗi lần một năm).

Hết hạn hai năm ấy, Hội đồng kỷ luật phải cấp bằng chứng hay từ chối hẳn.

Nếu từ chối thì bản quyết nghị của Hội đồng phải nói rõ nguyên cớ.

Hội đồng phải gửi bản sao bản quyết nghị của mình cho ông Chưởng lý Toà Thượng thẩm và cho vị luật sư tập sự.

Trong hạn một tháng kể từ ngày nhận được bản sao ấy, ông Chưởng lý và vị luật sư tập sự có quyền kháng cáo lên Toà Thượng thẩm theo Điều thứ 13 Sắc lệnh ngày 25 tháng 5 năm 1930 sửa đổi do Sắc lệnh ngày 24 tháng 7 năm 1931”

Điều thứ 4: Đoàn thể luật sự thuộc Toà Thượng thẩm Sài Gòn hay Toà Thượng thẩm Hà Nội sẽ bầu một Hội đồng Luật sư nếu trong thuộc hạt có mười Văn phòng trở lên.

Nếu không đủ số mười Văn phòng thì các luật sư thực thụ sẽ họp lại thành “Ban luật sư thực thụ” để tạm giữ nhiệm vụ của một Hội đồng luật sư. Ban ấy sẽ tự bầu lấy Chủ tịch và tổ chức lấy công việc.

Điều thứ 5: Những luật sư đã tập sự được mười tám tháng thì Hội đồng luật sư có thể cho phép tạm quản lý một Văn phòng.

Điều thứ 6: Những điều lệ nào trái với sắc lệnh này đều bãi bỏ.

Điều thứ 7: Bộ trưởng Bộ Tư pháp chiểu sắc lệnh thi hành.

Hồ Chí Minh

(Đã ký)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here