RFA
Nhóm Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải, AMTI, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược & Quốc tế, tại thủ đô Washington DC, Hoa Kỳ vào ngày 9 tháng 8 vừa qua cho biết Trung Quốc tiếp tục hoạt động cải tạo tại quần đảo Hoàng Sa.
Theo AMTI thì cụ thể hoạt động cải tạo do Trung Quốc tiến hành được tiếp tục tiến hành ở hai Đảo Cây và Đảo Bắc thuộc cụm An Vĩnh, quần đảo Hoàng Sa.
Vào tháng 8 năm 2015, chỉ hai tháng sau khi ngoại trưởng Vương Nghị lên tiếng tuyên bố hoạt động cải tạo của Trung Quốc tại Biển Đông chấm dứt, AMTI ghi nhận có một mỏm đất nhỏ được bồi lắp lên ở cực tây Đảo Cây.
Kể từ đó Trung Quốc cho nạo vét một cảng mới và bồi lắp thêm chừng 10 héc ta đất tại Đảo Cây. Bên cạnh đó, ngoài những cơ sở mà AMTI thông báo vào tháng 2, thì gần đây Trung Quốc vừa hoàn tất một bãi đáp trực thăng và cho lắp đặt những cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo dưới dạng những turbine gió và hai mạng pin mặt trời.
Trung Quốc bắt đầu tiến hành hoạt động cải tạo để nối Đảo Bắc với Đảo Trung, chỉ cách nhau chừng 850 thước, vào năm 2016. Tuy nhiên, cầu đất bồi lắp lên bị bão Sarika đánh trôi vào tháng 10 năm 2016. Kể từ đó, Trung Quốc tiến hành cải tạo thêm tại cực nam Đảo Bắc và xây bờ kè chống sói lở quanh khu 2 hec ta đất mới được bồi.
Trên Đảo Bắc, một số công trình mới được xây dựng, trong đó dường như là một tòa nhà hành chính lớn trên khu đất mới được phát quang. Còn tại bờ kè giữ đất bồi có một khoảng trống mở ra hướng cầu đất bị bão cuốn trội. Dấu hiệu này cho thấy có thể Trung Quốc không từ bỏ kế hoạch nối hai Đảo Bắc và Đảo Trung với nhau.
Theo AMTI, hoạt động bồi lắp và xây dựng của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa ít được chú ý so với tại quần đảo Trường Sa. Đối với Việt Nam thì hoạt động xây dựng tại Hoàng Sa của Trung Quốc cũng gây bất ổn như ở Trường Sa.
Chuỗi quần đảo Hoàng Sa có vai trò quan yếu đối với Trung Quốc trong mục tiêu thiết lập khả năng kiểm soát và mở rộng sức mạnh khắp Biển Đông. Vì mục tiêu đó Bắc Kinh cho tiến hành những nâng cấp đáng kể các cơ sở hạ tầng quân sự tại Hoàng Sa.
Trung Quốc chiếm 20 đảo tiền tiêu tại Hoàng Sa. Trong số này có 3 nơi đã có cảng bảo vệ đủ chỗ đậu cho nhiều tàu hải quân và tàu dân sự. Bốn nơi khác có cảng nhỏ hơn và một cảng dạng này đang được xây dựng tại Đảo Duy Mộng. Năm trong số những đảo tiền tiêu của Trung Quốc tại Hoàng Sa đã có sân đỗ trực thăng; trong đó Đảo Quang Hòa có căn cứ trực thăng hoàn chỉnh.
Đảo Phú Lâm lớn nhất quần đảo Hoàng Sa đã có đường băng máy bay, các nhà chứa máy bay và bệ phóng tên lửa đất đối không HQ-9. Đây là căn cứ quân sự chính của Trung Quốc tại Hoàng Sa và cũng là thủ phủ hành chính quản lý cả ba nơi mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông: Quần đảo Hoàng Sa, Quần đảo Trường Sa và Bãi Macclesfield.