“TRUNG QUỐC SẼ TẬN DỤNG TỐI ĐA TÌNH HÌNH Ở CHÂU ÂU “

0
18
Zenglein cho biết, xu hướng chủ nghĩa dân tộc mà Trump đang thể hiện trong chính sách kinh tế của Mỹ đã tồn tại ở Trung Quốc trong nhiều thập kỷ.
nt-v, 26.03.2025
Châu Âu phải định hướng lại hoạt động thương mại của mình trước việc một tổng thống Hoa Kỳ chửi họ là “loài ăn bám”. Tuy nhiên, trưởng ban kinh tế tại viện nghiên cứu Merics, ông Max J. Zenglein cho biết, hợp tác sâu đậm hơn với Bắc Kinh chỉ có thể khả thi trong những trường hợp cá biệt. Ông cảnh báo không nên nhượng bộ Trung Quốc quá nhiều.
*
nt-v: Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump không chỉ áp thuế nhập khẩu nhôm thép và đe dọa sẽ áp dụng thêm các hạn chế nhập khẩu – ông còn gọi người châu Âu là “loài ăn bám”. Liệu Hoa Kỳ có trở thành đối tác thương mại không đáng tin cậy đến mức châu Âu phải tách khỏi họ không?
Max J. Zenglein:: Mối quan hệ với Hoa Kỳ ngày càng trở nên phức tạp và chúng ta phải chuẩn bị ứng phó. Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta cần phải thay đổi suy nghĩ và quá trình toàn cầu hóa của những thập kỷ qua đang phải đối mặt với một sự thay đổi lớn.
Tuy nhiên, tiếng ồn ào hiện nay từ Washington sẽ không thể phá vỡ mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với châu Âu chỉ sau một đêm. Những rạn nứt xuyên Đại Tây Dương đang đặt ra những thách thức to lớn cho châu Âu, nhưng sẽ không có sự tách rời hoàn toàn giữa châu Âu và Hoa Kỳ – cũng giống như không có sự tách rời hoàn toàn giữa châu Âu và Trung Quốc.
*
nt-v: Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen từng ủng hộ việc tách rời kinh tế khỏi Trung Quốc dưới khẩu hiệu “Giảm rủi ro”. Tuy nhiên, vừa qua tại Davos bà đã nói về việc EU và Trung Quốc cần mở rộng quan hệ thương mại. Đây có phải là lời đe dọa đối với ông Trump không?
Max J. Zenglein: Tôi không coi đây là một cử chỉ đe dọa. Đây chỉ đơn giản là những thực tế mà người ta phải thích nghi. Mối quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ và Trung Quốc cực kỳ quan trọng đối với châu Âu. Bất chấp việc giảm thiểu rủi ro, vẫn có đủ các lĩnh vực không quan trọng mà EU có thể và nên tiếp tục quan hệ với Trung Quốc – ví dụ như trong lĩnh vực năng lượng tái tạo hoặc hàng tiêu dùng. Điều tương tự cũng áp dụng cho mối quan hệ với Hoa Kỳ. Nhưng có một thực tế mới: Yếu tố toàn cầu và sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế đang ngày càng bị chính trị hóa. Châu Âu sẽ phải có lập trường và tăng cường khả năng cạnh tranh của mình – cũng để trở nên kiên cường hơn trong một môi trường phức tạp hơn.
*
nt-v: Cao ủy Thương mại EU Maros Sefcovic sẽ tới Bắc Kinh vào thứ năm để gặp Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào. Liệu Trung Quốc có đưa ra lời đề nghị cụ thể cho châu Âu không?
Max J. Zenglein: Tôi không mong đợi bất kỳ lời đề nghị cụ thể nào, nhưng Trung Quốc sẽ cố gắng định vị mình là một đối tác ổn định và đáng tin cậy.
Sau cuộc họp, nhiều khả năng sẽ lại có những lời dối trá mà chúng ta đã nghe trong nhiều năm qua: Rằng là Trung Quốc muốn thúc đẩy thương mại mở, sẽ mở rộng thị trường hơn nữa và phấn đấu vì một sân chơi bình đẳng. Bên cạnh đó, họ cũng sẽ chỉ trích chủ nghĩa bảo hộ của châu Âu, bao gồm cả việc EU áp thuế đối với ô tô điện Trung Quốc.
Trung Quốc cho rằng châu Âu đang bị suy yếu vì Trump và những diễn biến trong quan hệ thương mại với Hoa Kỳ. Do đó, không có lý do gì để Bắc Kinh đưa ra những lời đề nghị cụ thể cho châu Âu. Cũng khó có thể tin rằng Trung Quốc có thể đóng vai trò là người bảo lãnh cho thương mại tự do.
*
nt-v: Các công ty châu Âu phàn nàn rằng lợi nhuận trên thị trường Trung Quốc đang giảm sút – do sức tiêu thụ yếu, áp lực cạnh tranh cao và chi phí lớn. Có phải là, ngay cả trong bối cảnh này, Trung Quốc cũng khó có thể lấp đầy được khoảng trống mà Hoa Kỳ để lại?
Max J. Zenglein: Đúng vậy. Trước đây Hoa Kỳ là một thị trường cực kỳ cởi mở, nhưng dưới thời ông Trump, thị trường này ngày càng trở nên cô lập và hành động theo chủ nghĩa dân tộc. Nhưng ở Trung Quốc, tình trạng này đã kéo dài từ lâu. Sẽ không có sự cởi mở nào ở Trung Quốc trong tương lai như đã từng có ở Hoa Kỳ. Đây chính là tình thế khó khăn mà châu Âu đang gặp phải.
Tuy nhiên trong tình hình này, hy vọng rằng Trung Quốc sẽ là phao cứu sinh cho nền kinh tế là cách tiếp cận sai lầm. Khi đó, người ta sẽ phải bỏ qua chính sách kinh tế mang tính dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ. Do đó, ngay cả trong những lĩnh vực thoạt nhìn có vẻ không quan trọng, cũng cần phải xem xét kỹ lưỡng, ở đây Trung Quốc đang có tham vọng chính sách công nghiệp nào.
*
nt-v: Ngoài ra còn có những lo ngại về an ninh ở châu Âu vì Trung Quốc đang ủng hộ cuộc chiến xâm lược của Nga ở Ukraine. Việc chuyển giao kiến ​​thức công nghệ giữa EU và Trung Quốc có nguy hiểm không, vì nó có thể được sử dụng cho mục đích quân sự?
Max J. Zenglein: Cần phải thận trọng. Việc chuyển giao kiến ​​thức một mặt liên quan đến các ứng dụng quân sự, mặt khác cũng liên quan đến việc thúc đẩy tham vọng chính sách công nghiệp của Trung Quốc. Do đó, việc chuyển giao kiến ​​thức một cách ngờ nghệch có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro. Mặc dù lo ngại, sẽ sai lầm nếu không hợp tác với Trung Quốc trong những lĩnh vực không quan trọng. Nó cũng nhằm đảm bảo rằng việc trao đổi kiến ​​thức không phải là con đường một chiều. Trung Quốc đi trước châu Âu ở một số lĩnh vực nên châu Âu vẫn có thể hưởng lợi từ kiến ​​thức kỹ thuật của Trung Quốc. Do đó, điều quan trọng là phải thúc đẩy chuyển giao kiến ​​thức tới châu Âu một cách thông minh. Vì vậy, vấn đề không phải là loại trừ sự hợp tác mà là sắp xếp nó một cách chiến lược và cẩn thận hơn.
*
nt-v: Ông Trump đã áp dụng mức thuế 10 phần trăm đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, có thể dẫn đến việc Bắc Kinh đổ vào EU nhiều hàng hóa giá rẻ hơn trước. Vậy thì một lúc nào đó EU có thể áp thuế đối với Trung Quốc không?
Max J. Zenglein: Tùy thuộc vào từng lĩnh vực. Nếu làn sóng hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc làm giảm lợi nhuận của các công ty châu Âu và gây áp lực lên toàn bộ các lĩnh vực của nền kinh tế, châu Âu có thể áp dụng mức thuế tương tự như Hoa Kỳ. Nhưng đây không chỉ là vấn đề của Hoa Kỳ hay Châu Âu. Trong những năm gần đây, một số quốc gia ở các nước đang phát triển cũng đã áp dụng thuế quan đối với dòng hàng hóa Trung Quốc tràn vào. Cũng cần phải đối thoại với các nước này để sau đó có thể đàm phán với Trung Quốc.
Nhưng phải thừa nhận rằng nói thì dễ hơn làm và đòi hỏi rất nhiều kỹ năng ngoại giao.
*
nt-v: Ông đã nói rằng người Trung Quốc coi châu Âu yếu đi vì chính sách thương mại của ông Trump. Vậy thì người châu Âu không phải là đối tác đàm phán trên cơ sở bình đẳng với Bắc Kinh, phải không?
Max J. Zenglein: Chắc chắn là không. Trung Quốc đang cố gắng lợi dụng tình hình, làm ra vẻ bề ngoài tích cực trong mối quan hệ với châu Âu. Chúng ta cũng đã thấy điều này vào hôm cuối tuần tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc ở Bắc Kinh, nơi có sự tham dự của nhiều công ty châu Âu. Các công ty châu Âu ở đó đã thể hiện quá lộ liễu là họ tìm thấy cơ hội ở Trung Quốc và tỏ ra lạc quan. Nó không làm cho tôi cảm thấy là, Trung Quốc sẽ có ấn tượng phải đối phó với một châu Âu hùng mạnh.
Trung Quốc đang đánh bài và họ sẽ tận dụng tối đa tình thế của châu Âu ngay khi có cơ hội.
*
nt-v: Các doanh nhân châu Âu tham dự sự kiện này thực sự có vẻ muốn tiếp cận thân thiện với Bắc Kinh. Ở sự kiện này không được chỉ trích hay sao?
Max J. Zenglein: Không ai đến Diễn đàn Phát triển Trung Quốc để chỉ trích. Thay vào đó, các công ty cố gắng tạo một vị thế tích cực trước Trung Quốc. Bởi vì vậy mà Trung Quốc mời họ. Người châu Âu cũng cần biết rõ điều này: Các công ty Nhật Bản hoặc Hàn Quốc hầu như không có mặt tại sự kiện này. Diễn đàn không mở rộng với đối thủ chính trị. Điều đó cho thấy các nước này có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc đối phó với Trung Quốc, trong khi người châu Âu biến mình thành mục tiêu của Trung Quốc.
*
nt-v: Liệu châu Âu có nên hợp tác chặt chẽ hơn với những quốc gia có kinh nghiệm trong việc giải quyết vấn đề với Trung Quốc không?
Max J. Zenglein: Tôi tin chắc điều đó. Có rất nhiều điều cần học hỏi, đặc biệt ở Nhật Bản và cả Hàn Quốc. Những quốc gia này có nhiều điểm tương đồng với những thách thức mà châu Âu đang phải đối mặt, dù đó là tầm quan trọng về kinh tế của Trung Quốc hay vai trò của Hoa Kỳ trong cấu trúc an ninh của châu Âu. Khi nói đến an ninh kinh tế và cách đối phó với Trung Quốc, những quốc gia này ở một đẳng cấp khác so với các quốc gia châu Âu. Châu Âu có thể học một phần nào ở họ. Bất kỳ hình thức hợp tác nào với các quốc gia này đều có giá trị, cũng như để cân bằng những diễn biến tiêu cực với Hoa Kỳ.
Lea Verstl trò chuyện với Max Zenglein
*

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here