Trung Quốc lạc quan về Bộ Quy tắc ứng xử nhưng làm Việt Nam tức giận bằng các cuộc tập trận

    0
    41
    Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tham gia một cuộc họp báo bên lề phiên họp thứ 5 của Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc hôm 7/3/2022

    Hôm thứ hai, một nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc cho biết nước này “hoàn toàn tin tưởng vào triển vọng hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử” ở Biển Đông (COC) trong khi Trung Quốc đang tiến hành các cuộc tập trận tại chính khu vực biển này. Theo một nhà phân tích của Việt Nam, việc Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận có thể làm phức tạp các cuộc đàm phán COC.

    Ủy viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã không đưa ra khung thời gian cho việc hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử (COC) vốn đã được Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đàm phán trong nhiều năm. Bộ quy tắc này được soạn thảo nhằm giảm nguy cơ xung đột ở Biển Đông, nơi các tuyên bố chủ quyền rộng khắp của Trung Quốc chồng chéo với tuyên bố chủ quyền của một số quốc gia ASEAN.

    Phát biểu trong cuộc họp báo  bên lề phiên họp thứ 5 của Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Toàn quốc, ông Nghị nói rằng “thúc đẩy tham vấn COC phục vụ lợi ích chung” của Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á.

    Ông Nghị nói rằng: “Khi tham vấn bước vào giai đoạn quan trọng”, cả Trung Quốc và các nước khác trong khu vực cần phải “kiên quyết ngăn chặn các nhiễu loạn”.

    “Một số quốc gia bên ngoài khu vực không vui khi thấy Bộ Quy tắc ứng xử hoàn thành vì nó sẽ không cho họ cơ hội can thiệp vào Biển Đông để đạt được những lợi ích ích kỷ” – ông Nghị nói thông qua một thông dịch viên.

    Ngoại trưởng Trung Quốc tiếp tục cáo buộc Washington “bá chủ” và cho rằng mục tiêu thực sự trong Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ là thiết lập một phiên bản khác của NATO.

    “Châu Á-Thái Bình Dương là một vùng đất nhiều triển vọng cho sự hợp tác và phát triển, không phải là bàn cờ cho các cạnh tranh địa chính trị” – ông Nghị nói.

    Theo ông, chính sách và nỗ lực của Mỹ trong việc tăng cường quan hệ quân sự với Nhật Bản, Australia và Ấn Độ trong cái gọi là Bộ Tứ (Đối thoại An ninh Bộ tứ – Quad) là một “thảm họa làm gián đoạn hòa bình và ổn định khu vực”.

    Các nhà lãnh đạo của bốn quốc gia thành viên Quad đã tổ chức một cuộc họp nhanh vào thứ năm tuần trước để thảo luận về cuộc chiến Nga-Ukraine và tác động có thể xảy ra của nó đối với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

    Charles Eden, chủ tọa Australia đồng thời là cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (Mỹ) cho biết cuộc họp Quad “nhấn mạnh không chỉ những quan ngại của những nước này về những gì đang xảy ra ở Ukraine mà còn cả quyết tâm không để những vi phạm trắng trợn về toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chủ quyền diễn ra ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.”

    Ông Eden cho biết đã có một số “khác biệt” trong cách tiếp cận của bốn quốc gia về vấn đề của Nga trong đó Ấn Độ bỏ phiếu trắng, không lên án cuộc chiến của Mát-xcơ-va ở Ukraine.

    Nhưng “cuộc họp Quad nhấn mạnh sự tiếp tục đồng thuận của các nước thành viên về tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” – ông Eden nhận định và cho rằng nó cũng cho thấy “ý định phản ứng mạnh mẽ hơn của những nước này trước thái độ hiếu chiến gia tăng của Trung Quốc.”

    Chinese military exercises near Gulf of Tonkin 030722.jpg
    Khu vực Trung Quốc tập trận quân sự tại vùng Vịnh Bắc Bộ ngoài khơi Việt Nam hôm 7/3/2022. Ảnh: RFA

    Tập trận quân sự

    Trong khi ông Nghị giãi bày với các nhà báo ở Bắc Kinh thì Trung Quốc đang tiến hành một cuộc tập trận quân sự kéo dài 12 ngày ở vịnh Bắc Bộ, chỉ cách cố đô Huế của Việt Nam 110 km (60 hải lý).

    Vào cuối ngày thứ Sáu tuần trước, Cục An toàn Hàng hải Hải Nam của Trung Quốc đã ra cảnh báo hàng hải, cấm tàu bè đi vào một khu vực chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Các cuộc tập trận quân sự kéo dài từ ngày 4 đến ngày 15 tháng 3.

    Chính phủ Việt Nam đã lên tiếng phản đối, yêu cầu Trung Quốc “tôn trọng khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, chấm dứt và không lặp lại bất kỳ hành động nào làm phức tạp tình hình”.

    Các nhà phân tích cho rằng những hành động đơn phương như vậy của Trung Quốc sẽ làm cho cuộc đàm phán COC trở nên khó khăn hơn.

     “Cuộc tập trận quân sự kéo dài này sẽ thực sự cản trở quá trình đàm phán COC” – ông Hoàng Việt, một học giả nổi tiếng về vấn đề Biển Đông của Việt Nam nhận định.

    “Bằng cách này, Trung Quốc dường như cũng gửi tín hiệu cảnh báo không chỉ đến Việt Nam mà cả các nước ASEAN khác trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Đặc biệt của Mỹ và ASEAN vào cuối tháng này”- ông nói.

    Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ chủ trì cuộc gặp cấp cao với các nhà lãnh đạo ASEAN tại Washington vào ngày 28-29/3. Mỹ coi ASEAN là khu vực rất quan trọng giúp nước này đối phó với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc.

    Trung Quốc tuyên bố quyền lịch sử đối với gần 90% diện tích Biển Đông – một khu vực được phân định đại khái bằng cái gọi là “đường chín đoạn” mà nước này vẽ ra.  Các quốc gia có tuyên bố chủ quyền khác đã phản đối những tuyên bố của Trung Quốc và tòa án trọng tài quốc tế vào năm 2016 đã phán quyết rằng những tuyên bố chủ quyền đó không có cơ sở pháp lý.

    Các nhà ngoại giao của Trung Quốc được cho là đang nỗ lực tăng tốc đàm phán với ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử. Nhưng có những trở ngại lớn trong quá trình đàm phán, chẳng hạn như vấn đề đường chín đoạn và việc loại bỏ quyền và lợi ích của các bên không phải Trung Quốc và ASEAN trong khi các quyền và lợi ích này phù hợp với quy định của Công ước Liên Hợp Quốc 1982 về Luật Biển.

    Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam là các thành viên ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Các thành viên khác của khối này là Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Singapore và Thái Lan. Mặc dù Indonesia không coi mình là một bên tranh chấp ở Biển Đông nhưng tuyên bố quyền lịch sử của Bắc Kinh có chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.

    Trung Quốc và ASEAN đã đồng ý về Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) vào năm 2003, nhưng các cuộc đàm phán COC lại diễn ra rất chậm chạp, ngay cả sau khi bản dự thảo thỏa thuận đã được công bố vào năm 2018.

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here