TRUNG QUỐC KHẨN CẤP MỞ CỬA KHO DỰ TRỮ THỊT HEO

0
66
Phó Thủ tướng Hu, đặc trách giải quyết vấn nạn thịt heo

Người Đà Lạt Xưa

Nhà cầm quyền cộng sản Bắc Kinh đã ra lệnh mở kho “dự trữ thịt heo” để tung ra thị trường hàng ngàn tấn thịt khẩn cấp của Trung Quốc, nhằm giải quyết sự thiếu hụt trầm trọng trong nước bởi vì sự bùng phát của dịch sốt heo châu Phi kéo dài hơn một năm qua. Giá thịt heo tại 16 tỉnh đã gia tăng 92% so với 12 tháng trước đây và không có dấu hiệu dừng lại.

Ổn định kỹ nghệ chăn nuôi heo trong bối cảnh giá thịt tăng nhanh giữa cuộc chiến thương mại kéo dài 14 tháng với Hoa Kỳ và ba tháng bất ổn chính trị ở Hồng Kông là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc. Đây là một dấu hiệu cho thấy giai đoạn khẩn cấp khi Phó Thủ tướng Hu Chunhua (胡春华) được chỉ định để giải quyết vấn đề, đã quyết định mở kho “dự trữ thịt heo”, tung ra thị trường để trấn an người dân tại Hoa Lục.

Các bạn thường nghe nói đến “dự trữ ngoại hối” (foreign currency reserves) là quỹ ngoại tệ được các quốc gia cất giữ trong ngân hàng trung ương và các cơ sở tài chánh. Tuy nhiên, có lẽ rất ít người biết đến chính sách “dự trữ thịt heo” (national pork reserves) chỉ có duy nhất ở Trung Quốc đại lục.

Quỹ “dự trữ ngoại hối” được thành lập để dự trữ ngoại tệ, phần lớn đô Mỹ và một phần nhỏ là đồng Euro, có thể được sử dụng để đáp ứng cân bằng nhu cầu tài chính, thanh toán các tài khoản mua bán quốc tế, hoặc gây ảnh hưởng đến tỷ giá hối đoái trên thị trường trao đổi tiền tệ và các mục đích liên quan khác. Một quốc gia, với quỹ dự trữ ngoại hối lớn lao, sẽ có khả năng mạnh hơn để chống lại các cuộc tấn công có tích cách đầu cơ vào đồng tiền quốc gia của họ. Điển hình là Nga đã phải tiêu tốn hơn 80 tỷ Mỹ kim dự trữ để can thiệp vào thị trường ngoại hối, hỗ trợ đồng rúp (Russian ruble) vào năm 2014 khi Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế sau khi Nga xâm lăng lãnh thổ của Ukraine.

Trong khi đó, các kho “dự trữ thịt heo” của Trung Quốc được xây dựng trên cơ bản duy trì an ninh lương thực (food security), đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt heo trong nước nếu họ bị rơi vào tình trạng sụp đổ sản xuất trong kỹ nghệ chăn nuôi.

Thịt heo có thể được coi như là trung tâm của văn hóa Trung Quốc. Chữ “nhà” (家) được viết bởi tập hợp của “con heo” nằm dưới “mái nhà”. Trong hai thập niên vừa qua, khi nền kinh tế của Trung Quốc nhảy vọt, thịt heo đã trở thành biểu tượng của sự giàu có trong buổi tiệc giữa các doanh nhân, trong gia đình và bạn bè. Theo hãng tin tài chính Caixin trụ sở tại Bắc Kinh, mỗi người ở Trung Quốc tiêu thụ khoảng 55 ký thịt heo mỗi năm.

Các kho “dự trữ thịt heo” đã được xây dựng trước đây bởi vì tập đoàn lãnh đạo Bắc Kinh rất lo ngại sự khan hiếm thịt heo có thể đưa đến lạm phát và khủng hoảng kinh tế trong nước. Đảng không muốn khủng hoảng kinh tế sẽ đưa đến khủng hoảng chính trị. Hiện nay, Bắc Kinh cần phải giải quyết gấp rút vấn đề khan hiếm trước hai ngày lễ lớn Trung thu và Quốc khánh, thời điểm mà mọi gia đình đều mong đợi được tụ tập và ăn thịt heo. Nhà nước không muốn người dân mất đi cái cảm giác về sự “giàu có” của họ.

Tại thành phố Quảng Châu đông dân, nhà nước đã tuyên bố mở kho 1.600 tấn dự trữ thịt heo đông lạnh (frozen-pork reserves) khẩn cấp, được phân phối trong tháng này với giá 10% thấp hơn so với giá thị trường cho các siêu thị, nhà hàng và khâu bán thức ăn tại các trường học. Tại thành phố Ôn Châu, thuộc tỉnh Chiết Giang, giá thịt heo đã tăng 46% trong sáu tháng qua, dự trữ thịt heo đông lạnh của thành phố chỉ có được 400 tấn.

Báo đảng lên tiếng cho rằng họ đã đi thăm các kho đông lạnh của nhà nước trong những ngày gần đây, đảm bảo với công chúng, con số dự trữ 50 gram thịt heo mỗi đầu người sẽ có thể kéo dài bốn ngày, ngay cả khi không có nguồn cung mới nào đến. Vì vậy, báo đảng cho rằng: bữa ăn Tết Trung thu của nhân dân sẽ được an toàn.

Vấn đề trầm trọng hiện nay đã khởi đầu từ dịch sốt heo châu Phi, African Swine Fever (ASF), phát hiện đầu tiên tại Hoa lục vào ngày 3 tháng 8 năm 2018 với báo cáo 47 con heo bị chết trong tổng số 383 con được nuôi trong một trại nhỏ tại tỉnh Liêu Ninh, nằm về hướng Đông Bắc Trung Quốc tiếp giáp biên giới Bắc Triều Tiên. Trong vòng 5 tháng, dịch sốt ASF đã lan tràn toàn lãnh thổ Hoa Lục, khiến cho Bắc Kinh phải thu mua và chôn sống hàng triệu con heo bệnh tại Trung Quốc.

Tháng 4 vừa qua, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ ước tính sản lượng heo sản xuất bởi Trung Quốc sẽ giảm trong năm nay đến 134 triệu con – tương đương với toàn bộ sản lượng heo sản xuất hàng năm của Mỹ – và sự sụt giảm tồi tệ nhất kể từ khi thống kê bắt đầu đếm số lượng heo Trung Quốc vào giữa thập niên 1970.

Vấn đề của Trung Quốc là họ có 1,4 tỷ miệng ăn cần đến phân nửa tổng số lượng thịt heo trên toàn thế giới, mà 95% số lượng tiêu thụ bởi Trung Quốc đến từ kỹ nghệ chăn nuôi trong nước. Các kho “dự trữ thịt heo” của Trung Quốc chỉ đáp ứng được giai đoạn khẩn cấp, không thể kéo dài. Trong tình trạng chiến tranh thương mại hiện nay, Trung Quốc sẽ phải tìm kiếm nguồn cung cấp mới từ các nhà chăn nuôi Hoa Kỳ và thuế nhập khẩu trả đũa của Bắc Kinh sẽ làm tăng giá thịt heo ở thị trường Hoa Lục.

Ký giả Orange Wang của tờ báo South China Morning Post (SCMP), vào ngày 8 tháng 9, có tường thuật một câu chuyện tại chợ Xinfadi, khu chợ bán thịt lớn nhất ở Bắc Kinh. Một khách hàng ở độ tuổi 60 hét lên trước đám đông: “Các đồng chí, giá thịt lợn thực sự làm tôi sợ! Một vài ngày trước, khi tôi đến đây, giá xương sườn là 16 nhân dân tệ cho nửa ký lô. Hôm nay nó có giá 25 nhân dân tệ.”

Tuần trước, một video về một nhóm người mua sắm đã đánh nhau giành giựt một miếng thịt tươi trong ngày khai trương cửa hàng đầu tiên của Costco ở Thượng Hải đã lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc. Thêm vào đó, một video khác, quay cảnh một người đàn ông ăn cắp thịt heo nhét vào túi quần cũng được lan rộng sau khi báo SCMP đưa lên mạng.

Phó Thủ tướng Hu, đặc trách giải quyết vấn nạn thịt heo, đã phát biểu trong một hội nghị quốc gia vào ngày 30 tháng 8 rằng “đó không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là mệnh lệnh chính trị để đảm bảo cung cấp đủ thịt heo, một loại thịt chính trên mỗi bàn ăn tối của Trung Quốc.”

Ông Hu nhấn mạnh thêm: “Nếu mọi người không thể tiếp cận hoặc có thể mua thịt heo, khi Trung Quốc trở thành một xã hội khá giả, nó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến những thành tựu của một xã hội khá giả và làm tổn thương hình ảnh của đảng và nhà nước.”

Ai có ngờ… cái chuyện ăn thịt heo của người Trung Quốc trở thành một vấn đề khẩn cấp đến như vậy.

Fb Người Đà Lạt Xưa
September 10, 2019
.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here