RFI
Chủ đề Bắc Triều Tiên vẫn chưa hạ nhiệt trên các báo Pháp. Le Monde quan tâm đến mối quan hệ của đảng Cộng Sản Trung Quốc và đảng Cộng Sản Bắc Triều Tiên. Trong bài viết « Giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng, một mối quan hệ mang tính ngờ vực », đăng trên chuyên mục địa chính trị, thông tín viên báo Le Monde tại Tokyo Philippe Pons, chuyên gia về Bắc Triều Tiên, nhận định theo thời gian, những mối oán giận và thù ghét giữa hai đảng ngày càng tích tụ.
Hai quốc gia có đường biên giới chung dài 1400km và gắn bó với nhau bằng nền văn hóa và lịch sử. Trong suốt nhiều thế kỷ, Triều Tiên phải cống nộp cho đất nước láng giềng rộng lớn và Triều Tiên cũng học theo hình mẫu văn hóa và chính trị của Trung Quốc. Sau này, Bắc Triều Tiên và Trung Quốc còn có thêm một sợi dây ràng buộc là đảng Cộng Sản.
Nhưng từ cuộc chiến chống Nhật hồi những năm 1930, những nỗi thất vọng, thù oán giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng ngày càng nhiều. Và Bắc Kinh hiểu rằng Bắc Triều Tiên đang nuôi dưỡng mối thù hằn nhắm vào Trung Quốc, cũng như chính sách cực đoan của nước này, vì chính Trung Quốc cũng đã như vậy trong rất nhiều thập kỷ.
Tình bạn bề ngoài
Khi đội « chí nguyện quân » Trung Quốc can thiệp quân sự vào Triều Tiên hồi tháng 10/1950 nhằm đẩy lui đội quân Hoa Kỳ, sau khi Mỹ đẩy lui quân của Kim Nhật Thành tới tận sông Áp Lục, Mao Trạch Đông tuyên bố Trung Quốc và Bắc Triều Tiên gắn bó, đoàn kết như « răng với môi ». Nhưng theo chuyên gia Philippe Pons, điều mà hai bên ca tụng là « tình bạn không thể phai nhạt » đã không phản ánh đúng thực tế.
Theo chủ trương « một đất nước, một đảng », các đảng viên Bắc Triều Tiên ở Mãn Châu giải gia nhập đảng Cộng Sản Trung Quốc. Vào những năm 1930, Bắc Kinh thanh trừng 500 người Triều Tiên bị nghi là làm tay sai cho Nhật Bản. Các vụ thanh trừng này đã khiến lãnh đạo Kim Nhật Thành, người đã từng thoát chết trong gang tấc, luôn bị ám ảnh là phải độc lập.
Nhưng việc Trung Quốc can thiệp cứu Bắc Triều Tiên khỏi « bàn thua trông thấy »vào năm 1950 lại khiến Kim Nhật Thành thêm oán giận, vì tướng Bành Đức Hoài, tư lệnh chí nguyện quân Trung Quốc đã « ngó lơ » Kim Nhật Thành. Hình ảnh ông Kim cũng không xuất hiện ở tượng đài « Kháng chiến chống Mỹ xâm lược và trợ giúp Triều Tiên » tại thành phố Đan Đông. Với lãnh đạo Kim Nhật Thành, đó là một sự sỉ nhục.
Rồi đến năm 1956, vẫn tướng Bành Đức Hoài, khi đó là bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc, cùng với phó thủ tướng Liên Xô Anastase Mikoyan, sang Bắc Triều Tiên, cho dù không được mời, để yêu cầu Bình Nhưỡng phục chức cho các đảng viên Bắc Triều Tiên thân Trung Quốc và Liên Xô đã bị chế độ Bắc Triều Tiên thanh trừng. Kim Nhật Thành đành nghe theo, nhưng một vài tháng sau, chiến dịch thanh trừng lại tiếp diễn. Chính sự can thiệp của Liên Xô và Trung Quốc vào công việc nội của đảng Cộng Sản Bắc Triều Tiên đã khiến Kim Nhật Thành giữ khoảng cách với hai nước láng giềng lớn.
Rồi tới Cách Mạng Văn Hóa Trung Quốc, các vụ tấn công của Hồng Vệ Binh nhắm cả vào Kim Nhật Thành và các vụ sát hại người thiểu số Triều Tiên ở khu vực biên giới hai nước đã khiến giới lãnh đạo Bắc Triều Tiên bất bình, đẩy lòng hận thù của họ dâng cao. Sau đó, Bắc Kinh và Bình Nhưỡng cố duy trì một « tình hữu nghị bề ngoài ». Đối với nhà sử học người Trầm Chi Hoa, tác giả nhiều cuốn sách về chiến tranh Triều Tiên, Trung Quốc đã luôn coi Bắc Triều Tiên là một nước chư hầu và đối xử với « người bạn » Bình Nhưỡng với một thái độ ban ơn. Nhưng đồng thời, Mao Trạch Đông cũng dành cho Bắc Triều Tiên nhiều ưu đãi để tránh việc Bình Nhưỡng ngả sang Liên Xô.
Tuy nhiên, việc Bắc Kinh thừa nhận Hàn Quốc vào năm 1992 bị Bình Nhưỡng coi là một sự phản bội, đặt dấu chấm hết cho tầm quan trọng chính trị của mối quan hệ giữa hai nước, cho dù hai nước vẫn còn ràng buộc bởi hiệp ước hữu nghị, hỗ trợ song phương, ký năm 1961 và có hiệu lực đến năm 2021.
Thái độ bài Trung Quốc
Mặc dù Bắc Kinh đã trợ giúp Kim Jong Un lên nắm quyền và hợp tác kinh tế giữa hai nước được tăng cường, nhưng tình hữu nghị đôi bên không còn được nhắc tới trong các đối thoại song phương. Theo thông tín viên báo Le Monde, Bắc Triều Tiên không còn tin tưởng vào Trung Quốc. Âm mưu thông đồng với Trung Quốc của ông Jang Song Taek, chú của Kim Jong Un đồng thời là mưu sĩ của chế độ, là một trong những lý do khiến ông này bị Kim Jong Un ra lệnh hành quyết 2 năm sau đó. Và mới đây, chế độ Bình Nhưỡng, trong tờ báo chính thức Rodong Sinmun, đã chỉ trích Trung Quốc vì nước này hồi tháng 08/2017 đã ủng hộ các biện pháp trừng phạt mà Mỹ đề xuất.
Khi Nga phô diễn sức mạnh quân sự …
Báo kinh tế Les Echos quan tâm tới nước Nga và giới thiệu bài viết có tiêu đề « Khi Nga phô diễn sức mạnh quân sự » của nhà xã luận Dominique Moisi, cố vấn đặc biệt của tổ chức tư vấn Institut Montaigne, Paris. Ngày 14/09/2017, Nga sẽ bắt đầu triển khai cuộc cuộc tập trận lớn ở Belarus, mà theo các chuyên gia châu Âu, sẽ huy động tới 75.000-100.000 quân, con số lớn hơn rất nhiều so với số 12.700 quân mà Matxcơva thông báo. Năm 2008, sau đợt tập trận ở Kavkaz, Nga đã xâm lược Gruzia và vào năm 2014, Nga cũng sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina sau các đợt tập trận quy mô.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Dominique Moisi, châu Âu không nên quá lo sợ về một kịch bản tương tự, vì trong bối cảnh quốc tế nóng bỏng ở châu Á và Trung Đông, tổng thống Nga Putin chắc chắn sẽ không có hành động khiến thế giới thêm hỗn loạn. Thêm vào đó, tính cách khó dự đoán của tổng thống Mỹ Donald Trump cũng sẽ khiến ông Putin phải dè chừng.
Giới trẻ Nga và phong trào đối lập với tổng thống Putin
Vẫn liên quan tới nước Nga, trong chuyên mục thế giới, báo công giáo La Croix có bài viết về phong trào đấu tranh chống tổng thống Putin trong giới trẻ Nga : « Đối mặt với điện Kremlin, nhiều thanh niên gia nhập phe đối lập của Alexei Navalny ».
Thông tín viên Benjamin Quénelle cho biết, nhiều thanh niên trên khắp nước Nga tích cực tham gia phong trào phản đối Putin, họ tự hào đứng về phe đối lập với tổng thống. Đa phần họ sinh vào thời điểm trước năm 2000, năm đầu tiên Putin được bầu vào điện Kremlin. Từ đó tới nay, thế hệ này chỉ biết có tổng thống Putin. Đối với họ, nước Nga không có dân chủ. Và giới trẻ không muốn một hệ thống như vậy, họ muốn thay đổi, phá vỡ « hệ thống phi chính trị » của nước Nga. Họ quyết tâm trước mọi sức ép của chính quyền để ủng hộ lãnh đạo đối lập Alexei Navalny trong kỳ tranh cử tổng thống Nga vào tháng 03/2018.
Từ đầu năm nay, Navalny đã tổ chức hai cuộc tuần hành lớn tại 70 thành phố. Ông Alexei Navalny cũng mở văn phòng thường trực ở nhiều vùng trên khắp cả nước, bất chấp chính quyền tìm đủ cách gây khó dễ, thậm chí có cả văn phòng ở Vladivostock, thủ phủ vùng Viễn Đông của Nga. Thông tín viên báo la Croix đánh giá đó là điều chưa từng có ở phe đối lập. Nhờ có tiền quyền góp thu được trên internet, Alexei Navalny có nguồn tài chính để trả tiền thuê văn phòng và trả lương cho các điều phối viên.
Hồng Kông : bãi rác thải công nghiệp mới của thế giới
Trong lĩnh vực môi trường, báo Libération nói về Hồng Kông, một bãi rác thải công nghiệp mới của thế giới. Các lò tái chế rác thải công nghiệp trái phép, gây ô nhiễm môi trường mọc lên ngày càng nhiều. Hồng Kông đang phải trả giá đắt cho sự hiện đại. Năm 2015, Hồng Kông là nơi thải ra nhiều rác thải điện tử, điện lạnh, nhất : 21,7kg/người. Không chỉ vậy, Hồng Kông còn là « trung tâm nhập khẩu rác thải điện lạnh, điện tử của cả thế giới ».
Theo số liệu của tổ chức phi chính phủ Basel Action Network, Mỹ, mỗi tháng, có tới 830 conteneur thiết bị điện tử, điện lạnh cũ, hỏng cập cảng Hồng Kông, chủ yếu được xuất trái phép từ Hoa Kỳ. Trước đây, Hồng Kông chỉ là nơi trung chuyển rác thải công nghiệp sang Trung Quốc. Nhưng từ khi Bắc Kinh chính thức cấm nhập các loại rác thải điện tử nguy hiểm, Hồng Kông trở thành « thiên đường mới cho các loại rác thải gây ô nhiễm môi trường ».
Pháp : Tại sao hành khách phải chờ đợi quá lâu ở sân bay ?
Trong lĩnh vực xã hội tại nước Pháp, báo kinh tế Les Echos cho biết, trong những tháng hè 2017, nhiều chuyến bay khởi hành muộn, hành khách phải chờ đợi quá lâu tại các sân bay, thậm chí thời gian chờ đợi lên tới 2 giờ. Hành khách đôi khi được đề nghị đến sân bay làm thủ tục 4 tiếng trước giờ bay.
Trước tình trạng đó, chính phủ Pháp đã quyết định hành động để tránh mọi chuyện tái diễn. Ngày 27/07, thủ tướng Edouard Phillipe đã quyết định tăng cường 100 cảnh sát cho các sân bay tại Paris. Biện pháp mang tính khẩn cấp trên đã cho phép hành khách giảm 40-50% thời gian chờ đợi kiểm tra an ninh. Ngoài ra, để đạt được mục tiêu thời gian chờ hải quan kiểm tra tối đa là 30 phút cho du khách châu Âu và 45 phút cho du khách từ các nơi khác, từ mùa xuân 2018, hai sân bay Roissy và Orly sẽ có các cửa kiểm soát với phần mềm nhận diện khuôn mặt.