Trừng phạt mới của Liên Hiệp Quốc đối với Bắc Triều Tiên lại vô hiệu ?

    0
    31
    Dân Hàn Quốc theo dõi thông tin về việc Bắc Triều Tiên thử nghiệm tên lửa đạn đạo ngày 14/05/2017. Ảnh chụp tại một ga tàu điện ở Seoul (Hàn Quốc).Kim Do-hoon/Yonhap via REUTERS
    RFI

    Ngay sau khi Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thông qua « gói » trừng phạt mới nhắm vào Bắc Triều Tiên ngày 05/08/2017, Hoa Kỳ đã nhiệt liệt hoan nghênh một quyết định trừng phạt mạnh chưa từng thấy, có thể cắt giảm 1/3 xuất khẩu Bắc Triều Tiên.

    Mục tiêu của biện pháp trừng phạt này là buộc Bình Nhưỡng chấm dứt thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa vốn đã đạt những bước tiến rất xa. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát được hãng tin Mỹ AP ngày 08/07 trích dẫn, không có gì cho thấy là sức ép kinh tế mới này sẽ thành công hơn những nỗ lực trước đây, và những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhất vẫn có thể không ngăn chặn được tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.

    Trước hết, quyết tâm của Bắc Triều Tiên rất lớn. Cho dù chế độ Bình Nhưỡng phải chịu khó khăn kinh tế như thế nào, chính quyền Kim Jong Un vẫn tỏ ra không mấy quan tâm đến việc thương lượng về kho vũ khí đang phát triển nhanh chóng của họ, được cho là bao gồm đến 20 quả bom hạt nhân và hỏa tiễn đạn đạo cần thiết để mang những quả bom đó. Đối nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong Un, lượng vũ khí đó cần thiết để chế độ Bình Nhưỡng sống còn, cho dù sẽ bị cô lập thêm về ngoại giao và làm cho cuộc sống người dân Bắc Triều Tiên thêm cùng cực.

    Trừng phạt có thể sẽ tiếp tục vô hiệu. Từ hàng thập niên qua, Bắc Triều Tiên đã rút kinh nghiệm về nỗ lực của Mỹ nhằm cô lập họ, và đã biết luồn lách qua khe hở trong các biện pháp hạn chế thương mại và tài chính áp đặt trên họ. Ngoài ra, Bình Nhưỡng còn có những đối tác như Bắc Kinh, thường tỏ ra miễn cưỡng khi phải trừng phạt đồng minh của mình.

    Scott Snyder, một chuyên gia về Bắc Triều Tiên ở trung tâm nghiên cứu Mỹ Council on Foreign Relations, cho là « trên giấy tờ thì Bắc Triều Tiên bị kềm chế rất chặt chẽ về kinh tế… Nhưng nước này đã có thể né tránh trừng phạt và theo tôi thì không rõ là lần này sẽ có khác biệt gì không ».

    Phát biểu tại Philippines hôm qua sau khi gặp các ngoại trưởng ASEAN, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho là cả Mỹ lẫn các đối tác đều không tin là Bắc Triều Tiên sẽ đi đến việc từ bỏ vũ khí hạt nhân. Nhưng ông cũng nhanh chóng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tất cả mọi người đều áp dụng các biện pháp trừng phạt mới mạnh mẽ hơn.

    Trừng phạt của Liên Hiệp Quốc nhằm cắt 1 tỷ trong 3 tỷ đô la xuất khẩu của chế độ Bình Nhưỡng, bằng cách cấm các nước nhập than, sắt, chì, và hải sản Bắc Triều Tiên, cũng như không cho nhận thêm lao động xuất khẩu Bắc Triều Tiên, vì những người này sẽ gởi tiền về nước, và qua đó giúp chính quyền Bình Nhưỡng. Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc bà Nikki Haley đã gọi đấy là « gói trừng phạt kinh tế lớn nhất ban hành đối với Bắc Triều Tiên ».

    Cho dù thế, trong kịch bản tốt nhất, trừng phạt sẽ tác hại đến kinh tế Bắc Triều Tiên và làm chế độ Bình Nhưỡng suy yếu. Thế nhưng câu hỏi vẫn là bước tiếp theo thì phải làm gì ? Bắc Triều Tiên có thể từ bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt, bỏ việc đe dọa Mỹ và các đồng minh, Nhật Bản và Hàn Quốc hay không ? Nếu không, thì Mỹ có biện pháp gì khác hay không ? Dẫu sao thì Donald Trump cũng chỉ là tổng thống gần đây nhất chọn trừng phạt, thay vì đối đầu quân sự với Bắc Triều Tiên và không đối thoại ngoại giao, chừng nào Bình Nhưỡng không nhượng bộ về hạt nhân.

    Đối với các nhà phân tích, thành công hay không phần lớn còn dựa vào quyết tâm Trung Quốc, đồng minh và đối tác thương mại chủ chốt của Bắc Triều Tiên. Trung Quốc phản đối vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên, và đã nói rõ một cách bất thường vào tuần này. Nhưng Bắc Kinh vẫn e ngại nguy cơ Bắc Triều Tiên sụp đổ, gây hỗn loạn ở vùng biên giới, hoặc kịch bản hai miền Triều Tiên thống nhất, tạo điều kiện cho lính Mỹ đến ngưỡng cửa của mình.

    Để thuyết phục Trung Quốc mạnh tay hơn, trong những cuộc tiếp xúc riêng, phía Mỹ đã nói với Bắc Kinh là vũ khí Bắc Triều Tiên sẽ gây bất ổn định trong vùng. Một quan chức Mỹ xin giấu tên, cho biết là phía Mỹ đã lập luận rằng một Bắc Triều Tiên bị thả lỏng có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mà Nhật Bản, Hàn Quốc, kể cả Việt Nam, có thể tự trang bị vũ khí hạt nhân.

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here