Ngày 30-4 sắp tới đánh dấu 100 ngày kể từ lễ nhậm chức của Trump, người đứng đầu nước Mỹ không thực hiện được lời hứa đưa hòa bình cho Ukraine nhanh nhất có thể chỉ cần đến 24 giờ, kể cả trước khi nhậm chức tổng thống Mỹ.
Tờ Sự Thật Komsomol cho biết “Ông Trump đang vội”, nhưng ông đang gặp nhiều trở ngại trong vai trò trung gian hòa giải.
Trump muốn nhanh nhưng Putin lại chậm. Mặc cho kỳ vọng, cuộc gặp dài bốn tiếng rưỡi giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và đặc phái viên của ông Trump, ông Steve Witkoff, vào ngày 11-4 tại St. Petersburg (Nga) đã không đem lại kết quả đột phá.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Caroline Leavitt lại chỉ đưa ra tuyên bố vu vơ như thường lệ: “Đây là một bước nữa trong các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn”. Về phía Nga, ông Kirill Dmitriev, người đứng đầu Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga, đánh giá ngắn gọn rằng các cuộc thương lượng là “hiệu quả”.
Theo Reuters, ông Witkoff đã đề xuất ông Trump công nhận chủ quyền của Nga đối với Cộng hòa Nhân dân Luhansk (LPR), Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR), Zaporizhia và Kherson, gọi đây là “con đường nhanh nhất dẫn đến lệnh ngừng bắn”.
Tuy nhiên, trước chuyến đi của ông Witkoff, ông Trump chưa đưa ra quyết định chính thức đối với các vùng lãnh thổ tranh chấp này. Không hiểu tại sao chính quyền Trump lại có ý muốn tự quyết định đến lãnh thổ của một đất nước có chủ quyền?
Nga đã yêu cầu Ukraine rút quân khỏi bốn khu vực nói trên và từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO. Đáp lại, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nói không thể nhượng bộ về lãnh thổ.
Các nguồn tin ngoại giao Nga phàn nàn rằng, dù ông Trump tỏ ra sốt ruột muốn đạt được lệnh ngừng bắn, phía Nga không thấy tiến triển cụ thể trong hành động của chính quyền Trump. Chính Trump có cái nhìn lệch lạc về cuộc chiến Nga – Ukraine, hoặc Trump đã bị Putin thao túng? Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine mà Trump vẫn không xác định được đâu là kẻ xâm lược thì sao mà đứng ra làm trung gian hòa giải.
Putin muốn Trump phải có những bước đi rõ ràng: Nới lỏng lệnh trừng phạt và tác động đến lập trường của Liên minh châu Âu. Trái lại, ngày 10-4 Trump đã ký sắc lệnh gia hạn thêm một năm gói trừng phạt đối với Nga vốn được đưa ra dưới thời ông Joe Biden. Trump không thể làm khác được lệnh trừng phạt mà chính quyền tiền nhiệm đã áp đặt lên Nga vì những mong muốn của Trump không được như ý, nên Trump không thể tự ý xóa lệnh trừng phạt Nga.
Đại sứ Nga tại London Andrei Kelin cho rằng Nga rất nghiêm túc về các cuộc đàm phán, nhưng “chúng tôi sẽ không quá vội vàng chỉ để thể hiện trước công chúng”. Tờ Sự Thật Komsomol bình luận: nước Nga không vội, bởi “cách thức kết thúc cuộc xung đột sẽ quyết định cán cân quyền lực trên thế giới trong thập kỷ tới.
Điều quan trọng đối với Nga là cuộc chiến phải kết thúc theo cách mà phần còn lại của Ukraine sẽ không bao giờ gây nguy hiểm cho người Nga nữa”.
Điều này chúng tỏ nước Nga của Putin ngày càng hung hăng khi nước Mỹ có chính quyền mới.
Trump không chỉ gặp khó khăn với Nga, chính sách của Trump với Nga và Ukraine còn gặp trục trặc ngay tại Washington do mâu thuẫn giữa các cố vấn và với Kiev. Mối quan hệ giữa Kiev và Washington đang “bên bờ vực sụp đổ”, theo Strana.News.
Nguyên nhân chính là thỏa thuận khai thác tài nguyên dưới lòng đất mà ông Zelensky không muốn ký theo hình thức do Mỹ đề xuất. Các cuộc đàm phán kỹ thuật chưa đưa tới kết quả cụ thể nào. Trump muốn “cướp” không tài nguyên của Ukraine, khi đề xuất khai thác tài nguyên của Ukraine để “gán nợ” mà chính quyền Biden đã viện trợ cho Ukraine.
Nhà khoa học chính trị Ukraine Oleg Tsarev chỉ ra rằng Kiev muốn các khoản viện trợ từ chính quyền Mỹ thời ông Biden được xem là viện trợ chứ không phải nợ; đưa ra điều khoản mới về việc mua vũ khí Mỹ bằng lợi nhuận từ Quỹ đầu tư với số tiền 50 tỉ USD trong 5 năm; và yêu cầu thuế từ hoạt động của quỹ được nộp ở Ukraine.
Những điều này không được nhóm của Trump chấp nhận.
Trong khi đó, tại Washington, đặc phái viên Steve Witkoff đã gây ra phản ứng trái chiều khi đề xuất công nhận chủ quyền của Nga đối với bốn khu vực đã sáp nhập.
Cựu Đại sứ Mỹ tại Nga Michael McFaul cho biết ông Witkoff đang tiến hành “các cuộc đàm phán cực kỳ tệ hại”. Ngược lại, nhà báo Laura Loomer, Ngoại trưởng Marco Rubio và người đứng đầu Ban Hiệu suất Chính phủ Mỹ (DOGE) Elon Musk lại ủng hộ ông Witkoff.
Tướng Keith Kellogg, người giám sát vấn đề Ukraine, đã phản đối đề xuất của ông Witkoff. Trong cuộc gặp với Trump, tướng Kellogg cho biết Ukraine sẵn sàng đồng ý một số điều kiện liên quan đến các vùng lãnh thổ nhưng sẽ không bao giờ nhượng toàn bộ chúng cho Nga.
Theo Reuters, bất đồng trong nội bộ chính quyền của ông Trump về các điều kiện mà Nga đưa ra để chấm dứt chiến tranh đang ngày càng gia tăng. Một số đồng minh đảng Cộng hòa tin rằng ông Witkoff “quá thân Nga”.
Trong khi đó, tướng Kellogg trước đó đã bị loại khỏi các cuộc đàm phán theo yêu cầu của Nga vì bị cho là “quá gần Ukraine”, theo kênh NBC News đưa tin vào tháng 3.
Sắp gần 100 ngày cầm quyền của Trump, tiến trình hòa bình Nga – Ukraine mà Trump hứa trong lúc tranh cử vẫn trong tình trạng bế tắc vì quan điểm của Trump về cuộc chiến Nga – Ukraine sai ngay từ đầu.
Moskva vẫn giữ thái độ thận trọng, không vội vàng nhưng kiên định với tham vọng lãnh thổ đang xâm lược của Ukraine, Kiev từ chối nhượng bộ về lãnh thổ. Trong khi đó, Washington nội bộ không thống nhất giữa các cố vấn mỗi người một phách, họ không vì mục đích chung mà với những ý định riêng của mình. .
Tình thế này khiến vai trò trung gian trong đàm phán hòa bình của ông Trump trở nên khó khăn hơn trong khi thời gian 100 ngày cầm quyền đến gần.
Nhưng Trump vẫn tin tưởng, “Tôi nghĩ đàm phán về xung đột Ukraine – Nga có thể đang diễn ra tốt đẹp và các bạn sẽ sớm biết được kết quả. Nhưng có những lúc bạn phải hành động thay vì nói suông. Chúng ta sẽ xem điều gì sẽ xảy ra, nhưng tôi nghĩ mọi chuyện đang diễn biến tốt”, Donald Trump ngày 12/4 nói với các phóng viên trên chuyên cơ Không lực Một.
Bình luận được ông Trump đưa ra một ngày sau khi ông tỏ ra thất vọng với Nga và thúc giục nước này “có bước tiến” trong hướng tới thỏa thuận.
“Nga phải hành động nhanh lên. Quá nhiều người đang chết, hàng nghìn người mỗi tuần, trong cuộc chiến khủng khiếp và vô nghĩa. Cuộc chiến đáng lẽ không nên và đã không xảy ra nếu tôi là Tổng thống”, ông Trump hôm 11/4 viết trên mạng xã hội Truth Social.
Trump kêu gọi quân xâm lược “Nga phải hành động nhanh lên” quả là một sự hài hước hiếm thấy.