Trump-Musk : « Chủ nghĩa đế quốc công nghệ » ?
Xã luận của Le Nouvel Obs kêu gọi « Đối mặt với Trump và Musk, chống lại “chủ nghĩa đế quốc công nghệ” » vào lúc quan hệ quốc tế bước vào một kỷ nguyên mới.Theo tuần báo, nếu vụ đồi Capitol là tấn công vào nền dân chủ Mỹ, thì lần này là chống lại các đồng minh thân cận, điều chưa từng thấy trong lịch sử đương đại Hoa Kỳ. Khi còn vài ngày nữa là nhậm chức, tổng thống tân cử tuyên bố muốn mua Groenland, xóa đi biên giới để biến Canada thành tiểu bang thứ 51, kiểm soát kênh đào Panama…Ngược với chủ trương cô lập trước đây với khẩu hiệu MAGA (« Make America Great Again »), Trump II dường như quay lại với ý định bành trướng hồi đầu thế kỷ 19, tức chủ nghĩa đế quốc.
Ông Trump vốn thất thường, nhưng điều đáng ngại là sự can thiệp của Elon Musk. Nhân vật quyền lực mới liên tục đả kích các nhà lãnh đạo Anh, Đức, tạo điều kiện cho cực hữu ở các nước này. Chiếc dù bảo vệ truyền thống nay bất chấp chủ quyền quốc gia, các hiệp ước NATO và hòa bình châu Âu ; khiến Emmanuel Macron phải gọi là « quốc tế phản động ». Thế giới sững sờ trước cặp khó tin Trump và Musk, liên minh giữa chủ trương bảo hộ của Cộng Hòa và các tỉ phú công nghệ muốn một toàn cầu hóa phi quy tắc.
Thung lũng Silicon nay đứng về phía Trump
Le Nouvel Obs điểm qua « Những gia tộc tài phiệt Trumpiste », đặc biệtlà những ông trùm công nghệ. Trước đây ông Trump gọi Mark Zuckerberg, ông chủ Meta là « kẻ thù thực sự của nhân dân » ; thì nay Mark cất kỹ các giá trị dân chủ trong túi, đứng về phía Trump. Không chỉ đến tận Mar-a-Lago, tặng 1 triệu đô cho quỹ tranh cử, mà còn bỏ chế độ kiểm duyệt. Hay Tim Cook (Apple), Jeff Bezos (Amazon), Sam Altman (OpenAI)…Donald Trump nói : « Trước đây tất cả chiến đấu chống lại tôi, nay tất cả đều muốn là bạn tôi ».
Một phần lớn Silicon Valley đã đánh đổi hình ảnh cấp tiến thành tư bản hung hăng, áp đặt công nghệ của mình cho toàn thế giới. Những người khổng lồ công nghệ muốn tránh mọi sự quản lý về trí thông minh nhân tạo, tham gia đường lối độc đoán của Trump. Các nhà nghiên cứu cho rằng « phong kiến công nghệ » nay biến thành « đế quốc công nghệ ». Chỉ cần nghĩ đến hậu quả tai hại của việc kết thúc kiểm duyệt các mạng xã hội của Meta mà Mark Zuckerberg quyết định để đầu quân về phía Trump, để đánh giá ảnh hưởng của những « ông chủ thế giới » tự tuyên bố.
Sự thay đổi đột ngột trong quan hệ quốc tế đặc biệt tác động đến châu Âu, vốn muốn đưa công nghệ vào quy củ và đối đầu với Putin qua việc hỗ trợ Ukraina. Dân túy đang lên, trong khi Pháp khủng hoảng chính trị, Anh bị cô lập bởi Brexit, Đức chờ đợi số phận trong cuộc bầu cử cuối tháng Hai. Liên Hiệp Châu Âu nhất thiết phải hành động như một định chế địa chính trị duy nhất, cùng viết ra tương lai. Châu Âu, chiếc nôi của dân chủ, chỉ còn có thể trông cậy vào chính mình.
Từ Groenland đến Panama, Mêhicô, các nhà lãnh đạo dưới cú sốc
The Economist nhắc lại ngày 07/01, ông Trump tuyên bố rằng kênh đào Panama hết sức quan trọng cho nước Mỹ nhưng lại đang do Trung Quốc khai thác. Hai ngày sau, dân biểu Cộng Hòa Dusty Johnson đưa ra dự luật cho phép mua lại con kênh từ chính phủ Panama, nêu ra « lợi ích và sự hiện diện của Trung Quốc », nhưng tổng thống José Raúl Mulino đáp trả « mỗi mét vuông của kênh đều thuộc về Panama và sẽ luôn như vậy ».
Chuyên gia Alonso Illueca, đại học Santa María La Antigua ở Panama giải thích : « Trung Quốc không kiểm soát kênh, nhưng lợi dụng tệ nạn tham nhũng để gia tăng ảnh hưởng ». Tháng 6/2017, chính phủ Panama chấm dứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để bắt tay với Bắc Kinh, đại sứ Hoa Kỳ tại Panama chỉ biết được trước một tiếng đồng hồ. Các chính khách Panama được đài thọ những chuyến tham quan Hoa lục, Tập Cận Bình thăm chính thức Panama năm 2019. Tuy nhiên tuần báo ghi nhận Panama đang giảm dần quan hệ với Trung Quốc.
Donald Trump cũng nói rằng việc kiểm soát Groenland là tuyệt đối cần thiết « vì lý do an ninh quốc gia », từ chối loại trừ việc sử dụng vũ lực. Quả thật Groenland là con đường ngắn nhất để hỏa tiễn nguyên tử Nga đạt đến duyên hải Hoa Kỳ nếu bay qua đảo này, và căn cứ Pituffik ở tây bắc có bố trí hệ thống cảnh báo sớm của Mỹ. Nhóm Groenland-Iceland-Anh đóng vai trò trung tâm trong chống tàu ngầm. Tom Dans, cựu thành viên Ủy ban nghiên cứu Bắc cực của Hoa Kỳ nhìn nhận đó là « cửa hậu của chúng tôi ». Thủ tướng Múte Egede của Groenland cho biết tuyên bố của ông Trump « gây sốc », nhưng cũng ký kết hợp tác quốc phòng và ủng hộ Mỹ đầu tư khai khoáng.
Còn láng giềng sát bên Mỹ là Mêhicô loan báo kế hoạch giảm bớt lệ thuộc vào Trung Quốc, tái khẳng định vai trò trung tâm của hiệp định thương mại USMCA giữa Hoa Kỳ, Mêhicô và Canada. Như vậy liệu đã đủ để ông Trump dịu giọng hơn ? Tổng thống Claudia Sheinbaum tiết lộ bà không được mời dự lễ nhậm chức của tổng thống đắc cử.
Khép lại kỷ nguyên Hoa Kỳ bảo vệ thế giới tự do
Le Point cũng cho rằng khi xây dựng một nước Mỹ đế quốc, cặp Trump-Musk đã tách rời khỏi thế giới. Con bạch tuộc « Donlon Trusk » – tờ báo ghép tên hai nhân vật – bắt tay vào việc thay đổi toàn cảnh ngay cả trước khi nhậm chức. Donald Trump khẳng định việc ông đắc cử không phải là sự phục thù mà là một cuộc cách mạng. Cú sốc được chờ đợi là cô lập, bảo hộ, dân túy, thế nhưng nước Mỹ của Trump và Musk lại mang vẻ đế quốc và tài phiệt, không chống lại các chế độ toàn trị mà tấn công vào đồng minh và Nhà nước pháp trị.
Cả hai khép lại kỷ nguyên Hoa Kỳ bảo vệ thế giới tự do, bắt đầu từ 1917 với Wilson và kết thúc vào 2024 với Biden. Nước Mỹ của Trump không chỉ chuẩn bị bỏ rơi Ukraina, thương lượng với Putin, mà còn phá vỡ trật tự quốc tế, mà châu Âu là nạn nhân đầu tiên trước cả Trung Quốc. Châu lục tỏ ra phục tùng « Trusk » trước khi mối đe dọa thành sự thực.
Đan Mạch, bối rối trước xu hướng độc lập của Groenland, đề nghị thương lượng. Hai thủ tướng Olaf Scholz et Keir Starmer, uy tín giảm sút và bị lệ thuộc vào Washington, không dám mạnh miệng. Bà Ursula von der Leyen không áp dụng các quy định về kỹ thuật số, đại diện ngoại giao Kaja Kallas chỉ nhắc lại « Hoa Kỳ vẫn là đồng minh lớn của chúng ta ». Nay chỉ còn châu Âu bảo vệ di sản tự do, nhưng trong một thế giới mà bạo lực đứng trên luật pháp, chỉ những ai có khả năng tự vệ mới có thể nói được mình là người tự do.
Donald Trump đảo lộn 80 năm chính sách đối ngoại Mỹ
Tương tự, The Economist nhận định « Donald Trump sẽ làm đảo lộn 80 năm chính sách đối ngoại của Mỹ ». Chưa chính thức là tổng thống, Trump đã góp phần vào thỏa thuận ngưng bắn ở Gaza. Phá vỡ mọi cấm kỵ, ông muốn kiểm soát Groenland. Nhiệm kỳ thứ nhì của Trump không chỉ náo loạn mà còn thay đổi tầm nhìn của nước Mỹ từ sau Đệ nhị Thế chiến.
Từ nhiều thập niên, các nhà lãnh đạo Mỹ luôn nhấn mạnh quyền lực Hoa Kỳ luôn đi kèm với trách nhiệm là người bảo vệ không thể thiếu vắng của một thế giới ổn định, hòa bình nhờ vào dân chủ, các biên giới đã được xác lập và những giá trị phổ quát. Ông Trump sẽ từ bỏ những giá trị này, chỉ tập trung cho quyền lực, tin rằng chỉ có sức mạnh mới làm nên hòa bình. Phương pháp của ông sẽ được trắc nghiệm trong ba cuộc chiến ở Trung Đông, Ukraina và chiến tranh lạnh với Trung Quốc.
Trung Đông là minh họa cho khả năng khó lường của ông. Israel và Hamas rốt cuộc phải chấp nhận thỏa thuận về Gaza vì Trump đã ấn định hạn chót và đe dọa « địa ngục » nếu thất bại. Ông sẽ tiếp tục gây sức ép để tiếp tục các giai đoạn sau. Từ thời Richard Nixon đến nay, chưa có tổng thống nào hành động dữ dằn như thế để đạt thắng lợi. Khác với những nhà kiến tạo hòa bình khác, Donald Trump không quan tâm đến lịch sử đầy xáo động của Trung Đông. Thỏa thuận Abraham trong nhiệm kỳ đầu là con đường dẫn đến thịnh vượng, và một giải Nobel hòa bình.
Đối với vấn đề Iran, hoặc ông gia tăng áp lực bằng trừng phạt và đe dọa vũ lực, hoặc bỏ qua. Với Ukraina, giải pháp đơn giản nhất là ngưng viện trợ, buộc Kiev phải nhượng bộ, nhất là nếu được Putin tâng bốc. Tuy nhiên bỏ rơi Ukraina khiến Trump sẽ bị so sánh với việc rút khỏi Afghanistan, Trung Quốc có động cơ để xâm chiếm Đài Loan. Ngược lại, ủng hộ Ukraina sẽ củng cố vị thế của Trump trước Putin.
Một khi việc dùng sức mạnh không đi kèm với các giá trị, kết quả sẽ là sự hỗn loạn trên toàn cầu. Nếu những nhân vật trung thành nhưng không có chuyên môn như Pete Hegseth và Tulsi Gabbard được chọn đứng đầu quốc phòng và tình báo thì càng loạn hơn. Ông Trump khó thể tách biệt lợi ích riêng với lợi ích đất nước, nhất là khi liên quan đến tiền bạc của ông và các đồng minh như lợi ích Elon Musk ở Hoa lục. Trong khi các giá trị phổ quát là sức mạnh mà những đối thủ toàn trị của ông không có được.
Ukraina giữa hoài nghi và hy vọng
Về phía Kiev, Le Figaro cuối tuần nhận định « Đang kiệt lực, Ukraina từ chối hạ vũ khí và muốn thuyết phục Trump giúp đỡ ». Người Ukraina hy vọng tổng thống tân cử sẽ hỗ trợ phương tiện để giành được một nền hòa bình công chính. Một bà mẹ đã mất người con trai duy nhất thuộc trung đoàn Azov đã dũng cảm hy sinh trong trận đánh bảo vệ Mariupol khẳng định nếu ngưng chiến đấu, chỉ vài năm sau Vladimir Putin lại xâm lăng tiếp và tình hình sẽ còn tệ hơn. Đàm phán dưới áp lực của Donald Trump là phản bội tất cả những tử sĩ đã ngã xuống.
Nhiều người Ukraina cũng có cùng tâm trạng hoài nghi này. Một nhà báo đã di tản khỏi Bakhmut phản đối việc đổi đất lấy hòa bình, vì đã từng nỗ lực cách đây 10 năm sau khi mất Crimée và một phần Donbass. « Thật là ngu ngốc khi tin rằng có thể thương thảo với một nhà độc tài muốn giết tất cả người Ukraina và xóa bỏ đất nước chúng tôi trên bản đồ ».
Tuy nhiên mọi người không loại trừ khả năng tổng thống 47 của Mỹ có thể giúp thúc đẩy ngưng bắn. Các cố vấn của ông Trump nay nói rằng cần phải mất sáu tháng hoặc hơn nữa thay vì 24 giờ để chấm dứt chiến tranh, khiến nhiều người coi là dấu hiệu tích cực. Nhà nghiên cứu Mykola Bielieskov nhận xét, điều này có nghĩa chính quyền Trump cố tìm kiếm hòa bình bền vững chứ không chỉ gây áp lực lên Ukraina. Việc bổ nhiệm tướng Keith Kellog làm đặc phái viên cho hồ sơ này là một chọn lựa tốt. Vị tướng này thực tế, từng thăm mặt trận Kharkiv, nắm được tương quan lực lượng. Vấn đề trọng lượng của ông trong chính quyền, và tồn tại được bao lâu.
Chính phủ Ukraina, gởi một phái đoàn đi dự lễ nhậm chức của Donald Trump vào thứ Hai, nung nấu hy vọng tổng thống Cộng Hòa muốn tránh bằng mọi giá một sự thất bại như vụ triệt thoái khỏi Afghanistan của chính quyền Biden. Với Nga và Ukraina, tầm quan trọng địa chính trị lớn hơn nhiều. Đây là cuộc chiến « ủy nhiệm » hiện đại đầu tiên của thế kỷ 21, giữa thế giới dân chủ và một thế giới nổi lên từ bộ tứ chuyên gây hỗn loạn (Nga, Trung Quốc, Iran, Bắc Triều Tiên). Nếu để cho phe độc tài chiến thắng, sẽ là một thất bại chiến lược to lớn của ông Trump. Vẫn chưa quá muộn để thay đổi chiều hướng cuộc chiến, nếu phương Tây có quyết tâm, theo Le Figaro.
Đòn hiểm từ Washington đánh vào đoàn tàu dầu ma của Nga
Cũng liên quan đến Nga, L’Express chú ý đến vấn đề dầu lửa. Hai chiếc tàu dầu Olia và Huihai Pacific sau khi chạy vòng vòng suốt hai ngày ở ngoài khơi duyên hải Trung Quốc, hôm 13/01 đành phải trở về nơi xuất phát là cảng Kormino ở Nga mà không giao dầu được. Đó là do biện pháp trừng phạt đầy ấn tượng được Nhà Trắng loan báo ba ngày trước đó, nhắm vào các nhà sản xuất dầu lửa lớn của Nga và trên 150 « tàu dầu ma » được Matxcơva sử dụng để xuất khẩu vàng đen. Chính quyền Mỹ khẳng định tất cả cá nhân và định chế tài chánh cố tình tạo điều kiện cho việc chuyển dầu của Nga đều có thể bị trừng phạt, nên các công ty Ấn Độ, Trung Quốc không muốn gánh lấy rủi ro.
Vì sao Washington quyết định ra tay lúc này ? Theo chuyên gia Marc-Antoine Eyl-Mazzega của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, vì đây là thời điểm lý tưởng. Thị trường dầu lửa đang dư thừa, nhu cầu thế giới tăng chậm hơn. Việc trừng phạt không gây ra cú sốc nhiên liệu quốc tế, nhưng tác động của nó là thảm họa cho nền kinh tế Nga. Matxcơva ngày càng khó tìm được khách hàng để bán được dầu. Những tàu dầu thông đồng sẽ phải suy nghĩ kỹ trước khi cho một tàu Nga mượn tên, và khi đó sẽ bắt Nga phải trả giá đắt hơn cho dịch vụ. Thu nhập từ dầu lửa của Kremlin có nguy cơ giảm hẳn, làm trầm trọng thêm tình hình kinh tế ngày càng đáng lo ngại.
Algérie ngày càng thù nghịch với Pháp
Bên cạnh các vấn đề về tổng thống Mỹ thứ 47, xung đột giữa Pháp và Algérie là chủ đề rất được các tuần báo quan tâm.Tuần san cánh hữu Le Point bực tức khi Pháp tỏ ra yếu kém, hầu như ai cũng muốn « dẫm chân lên ». Và thái độ khiêu khích của Algérie gần đây quả là giọt nước tràn ly. Quốc gia này được Paris viện trợ phát triển 842 triệu euro trong 5 năm dù có thu nhập từ dầu khí hàng năm lên đến 50 tỉ đô la, nhưng sau cuộc chiến độc lập 1962 vẫn xử sự như Pháp luôn là thực dân đô hộ. Pháp đã làm mọi cách để làm hài lòng Algérie, thậm chí nhắm mắt bỏ qua vụ ám sát con của một nhà đối lập ngay giữa thủ đô Paris năm 2004.
Tổng thống Emmanuel Macron từ khi nhậm chức đã cố gắng hàn gắn quan hệ nhưng chẳng nhận lại được gì. Chẳng còn giới hạn nào nữa với Alger, sau khi bắt giữ nhà văn Boualem Sansal đã nhập tịch Pháp, các KOL (người nổi tiếng trên mạng xã hội) Algérie đang sinh sống ở Pháp còn công khai kêu gọi giết người, hãm hiếp. Trên bình diện châu Âu, Trump đòi mua Groenland, Putin tấn công bằng chiến tranh đa diện. Tuần báo cho rằng tỏ ra yếu đuối sẽ càng khiến đối thủ « được đằng chân lân đằng đầu ». Tốt nhất là nên « tỉnh thức trước khi màn đêm trùm xuống ».