Hôm qua Báo Sạch đăng bài của một nhà báo Mỹ về những hỗn loạn đang diễn ra ở đất nước này. Để đa chiều, chúng tôi tiếp tục đang lại góc nhìn của một cây bút theo dõi các vấn đề quốc tế Duân Đặng.
——//—-
TRUMP HAY KHÔNG TRUMP?
Không khoác lác, tôi nghĩ tôi là một trong những người đầu tiên viết về Trump trên mạng xã hội tiếng Việt này.
Bài đầu tiên tôi viết về Trump trên Facebook là ngày 2.6.2015, đúng hai tuần trước khi ông thông báo ra tranh cử tổng thống.
Vừa tròn 5 năm, khi mà đại đa số mọi người vẫn nhớ về Trump bằng các từ khóa tỷ phú, bất động sản, truyền hình thực tế, hoa hậu…
Bài viết vẫn còn trên mạng này. Tất nhiên, cách đánh giá của tôi về Trump khi đó đến nay đã khác ít nhiều.
5 năm qua tôi chưa bao giờ nghĩ mình là người như cách thường bị gọi miệt thị là “phò Trump” hay “cuồng Trump”, dù có thể nhiều người nghĩ cách đó.
Tuy nhiên, cách truyền thông Mỹ sử dụng những mánh khóe để kích động, làm rùm beng câu chuyện nhiều khi chỉ đơn giản về Trump khiến tôi ngán ngẩm.
Cũng như nhiều người, tôi theo dõi gần như mọi hành động, lời nói của Trump. Thậm chí tôi còn bịa ra cái gọi là Trumpology trong vụ đoán Trump sẽ chọn Việt Nam để họp với Kim Jong-un, không biết ai còn nhớ, hehe?
Tôi vẫn luôn giữ cho mình vai trò quan sát, mặc dù tôi chủ yếu chỉ quan tâm đến những hành động đối ngoại và ảnh hưởng của chúng đến thế giới bên ngoài. Việc nước Mỹ là chuyện của người Mỹ.
Tuy nhiên, trong một cuộc tranh luận lê thê đã bị phân định hết sức rạch ròi: Trump hay không Trump, thì mọi lời nói, khen chê dù khách quan cũng sẽ khiến bạn bị “gắn mũ”.
Tôi có quen một bà chị chỉ mức sơ giao, vài lần trao đổi qua lại. Bà này nổi tiếng trên mạng và cũng không phải dạng vừa để ai dễ bề ăn hiếp.
Nhưng có lần bả nói với tôi, nhiều bạn bè thân thiết như tri kỷ của bả quay ra từ mặt nhau chỉ vì Trump.
Tình hình căng quá, đến mức cứ thấy đụng đến Trump, khen hay chửi gì không cần biết bả cũng không bao giờ dám bấm like. Tôi nghiệp bả!
5 năm qua, cuộc tranh luận về Trump chắc chắn đã làm sứt mẻ nhiều mối quan hệ.
Nhiều người trước đây lẽ ra chỉ nghe tên không thôi tôi đã thấy có cảm giác kính trọng, nhưng nhiều lúc phải lắc đầu ngao ngán trước sự cực đoan của họ.
Tôi không thích sự cực đoan, dù ở phía nào. Vì đối với tôi, sự cực đoan chỉ làm mờ mắt, khiến người ta không thể có được cái nhìn đúng, từ đó có thể dẫn đến những nhận định, phán xét sai lầm.
Là một người theo đuổi tự do cá nhân, tôi chưa bao giờ tự vạch ra một vòng tròn để khoanh vùng cho mình, hay cho người khác. Tại sao phải thế?
Những lập luận như yêu dân chủ thì không thể im lặng trước Trump, hay muốn chống Trung Quốc thì phải ủng hộ Trump đều hết sức nực cười.
Tôi cũng chán ghét trước mọi sự tấn công cá nhân, dù nhân danh bất kỳ điều gì.
Tấn công cá nhân chỉ thể hiện anh thua sút trong lập luận, trong khi vấn đề anh nói có thể là đúng.
Từ lâu tôi đã không tham gia tranh cãi với ai về Trump. Vô bổ, mất thời gian.
Tuy nhiên, tôi luôn nói với khá nhiều người trong trao đổi riêng tư là đừng lúc nào cũng quy mọi thứ về Trump hay không Trump.
Cách quy mọi thứ về Trump sẽ khiến cuộc tranh luận đi lạc vấn đề.
Ví dụ cái chết của người đàn ông da màu làm chấn động nước Mỹ mới đây. Đó là một cái chết thương tâm.
Những cuộc biểu tình ôn hòa trên đường phố để làm thay đổi nhận thức, thức tỉnh người Mỹ nhìn nhận lại vấn đề trầm kha trong lòng đất nước là điều bình thường, đáng tôn trọng.
Đó là cách nước Mỹ, người Mỹ giải quyết những vấn đề của họ.
Tuy nhiên, cách nhiều người câu kéo, mô tả nó như là cuộc biểu tình chống Trump thì lại không bình thường.
Lẽ ra đó là một cơ hội để chữa lành những vết thương trong lòng nước Mỹ thì nó lại bị bẻ cua thành cuộc cạnh tranh đảng phái, cho mục tiêu bầu cử, và rốt lại thành Trump hay không Trump.
Những vấn đề của nước Mỹ sẽ được giải quyết nếu Trump thất cử? Thật hoang đường!
Những người té nước theo mưa, cướp phá, phóng hỏa, bạo lực đều phải bị trừng trị, trấn áp.
Không nhà nước nào khoanh tay trước những sự việc như thế. Tuy nhiên, nó bị đẩy lên thành xoay quanh chuyện triển khai quân đội.
À, triển khai quân đội là dùng súng bắn vào nhân dân, là tấn công vào nền dân chủ, là hồi kết cho nước Mỹ.
Ai ủng hộ triển khai quân đội đúng là đồ táng tận lương tâm, không hiểu thế nào là dân chủ.
Nếu triển khai quân đội là dấu chấm hết cho nước Mỹ thì lẽ ra nước Mỹ đã chết từ năm 1992, khi Bush cha viện đến Đạo luật chống nổi loạn và triển khai quân đội để chống cuộc bạo loạn năm đó rồi mới phải chứ?
Nếu triển khai quân đội là chuyện không thể chấp nhận thì Đạo luật chống nổi dậy phải bị bãi bỏ từ lâu mới phải chứ?
Câu hỏi nếu có trong chuyện này lẽ ra là nếu Trump triển khai quân đội thì điều đó có nằm trong quyền hạn được hiến pháp trao ban cho ông ta hay không? Ông ta có làm đúng luật không?
Nếu Trump vi hiến hay vi phạm pháp luật, ông ta sẽ bị lật đổ trong một nốt nhạc! Yên tâm đi!
Một nước Mỹ trải qua hàng trăm năm mà bị sụp đổ chỉ bởi một người thì đúng là đất nước ấy nên sụp đổ.
Và nữa, nếu triển khai quân đội hiệp trợ cảnh sát là tội ác, thì 58% cử tri Mỹ, kể cả những người theo Đảng Dân chủ, ủng hộ việc triển khai quân đội trong cuộc thăm dò cách đây 3 ngày đều là đồ phi nhân?
Tại sao những ý kiến, cho dù có là cực đoan ở một phương diện nào đi nữa, lại không xứng đáng được lắng nghe?
Từ lâu tôi chẳng mảy may động tâm trước những lời kêu gào, những tâm thư thống thiết như những thứ xuất hiện mấy ngày qua.
Tôi cũng chẳng buồn nói đến biến động trong lòng nước Mỹ này vì tôi ngán ngẩm nhìn thấy cách người ta lèo lái câu chuyện về Trump hay không Trump.
Tôi đã nhìn thấy điều đó trong cuộc điều tra về Nga can thiệp, trong vụ Ukraine, trong vụ đại dịch.
Chính vì chúng bị lợi dụng, bị lèo lái mục đích nên khi kết thúc mà không đạt được kết quả, chúng nhanh chóng trôi vào quên lãng như chưa bao giờ xuất hiện.
Chẳng ai buồn nói đến Nga, Ukraine hay thậm chí là đại dịch lúc này. Vì người ta đã có một trò chơi mới, nhưng quen thuộc: Trump hay không Trump!
Nếu đã là người tự do, sao lại cứ tự khoanh vùng chính mình và người khác?
DUAN DANG