Bài của học giả Alexander Görlach
Từ ngày Donald Trump lên nắm quyền nhiệm kỳ thứ hai, chính sách đối ngoại của Mỹ thay đổi đến ngạc nhiên. Trump muốn gì? Bài phân tích của tác giả dưới đây cung cấp cho chúng ta một số thông tin tham khảo.
VÀI NÉT VỀ TÁC GIẢ
Alexander Görlach giảng dạy lý thuyết và thực hành dân chủ tại Đại học New York. Trước đó, ông đã giữ nhiều chức vụ khác nhau tại Đại học Harvard và Hội đồng Đạo đức Carnegie trong các vấn đề quốc tế. Sau một thời gian làm giáo sư thỉnh giảng tại Đài Loan và Hồng Kông, ông tập trung nghiên cứu của mình vào sự trỗi dậy của Trung Quốc và những tác động của nó đối với các nền dân chủ Đông Á.
Từ năm 2009 đến năm 2015, Alexander Görlach là nhà xuất bản và tổng biên tập của tạp chí tranh luận The European, do ông sáng lập. Ông sống tại New York và Berlin.
NHIỀU NGƯỜI VẪN CHƯA HIỂU TRUMP THỰC SỰ MUỐN GÌ Ở PUTIN
Hoa Kỳ đang tạm thời ngừng hỗ trợ cho Ukraine. Sau vụ bê bối ở Nhà Trắng, câu hỏi đặt ra là tại sao Trump lại có vẻ đứng về phía Putin. Những người trong cuộc tin rằng, điều này có liên quan đến Trung Quốc.
Donald Trump đã phá vỡ tám thập kỷ chính sách đối ngoại và an ninh của Hoa Kỳ bằng cách đứng về phía Kremlin. Trump gọi Tổng thống Ukraine Zelensky là “kẻ độc tài”, mặc dù ông đã được bầu một cách dân chủ.
Đối với Vladimir Putin là người đang bị truy nã vì tội phạm chiến tranh, tổng thống Hoa Kỳ vẫn dùng những lời nịnh hót và cũng khiến Putin ngạc nhiên. Ông sử dụng luôn ngôn từ và kế hoạch của Nga, cho phép Nga thống trị Ukraine trong một thỏa thuận hòa bình mà Nga yêu cầu. Tại sao Trump lại làm như vậy?
TÌM CÁCH CHIA RẼ MỐI QUAN HỆ GIỮA PUTIN VÀ TẬP
Những người trong cuộc coi đây là một cuộc thử nghiệm lớn của chính quyền Trump nhằm chia rẽ mối quan hệ đối tác mới giữa Putin-Tập được các nhà độc tài Nga và Trung Quốc gìn giữ.
Hơn nữa, bằng cách ủng hộ Putin, Hoa Kỳ hy vọng rằng Maxcova cũng sẽ từ bỏ quan hệ đối tác chặt chẽ với Triều Tiên và Iran. Nếu không có ba quốc gia lưu manh này, nước Nga của Putin sẽ không thể tồn tại qua ba năm chiến tranh với Ukraine vừa qua.
Trung Quốc cung cấp cho Maxcova mọi thứ, bù lại những gì bị thế giới tự do trừng phạt. Những sản phẩm được gọi là “sử dụng kép” có thể được sử dụng cho cả mục đích quân sự và dân sự – ví dụ như xe tải. Bắc Kinh cũng mua khí đốt và dầu từ Nga. Triều Tiên đã gửi binh lính và vũ khí, Iran đã gửi hàng loạt máy bay không người lái cho Nga.
„TRUMP VÀ VANCE LÀM NHỤC ZELENSKY TRƯỚC CÔNG CHÚNG MỸ“
Để thành công với chiến lược của mình, Trump phải chủ động tách khỏi Ukraine và các đồng minh châu Âu của nước này. Tổng thống đã làm điều này bằng cuộc tấn công được lên kế hoạch và tính toán nhằm vào Volodymyr Zelensky tại Phòng Bầu dục trước sự chứng kiến của toàn thế giới.
Người châu Âu đã phản ứng nhanh chóng và cố gắng trình bày kế hoạch hòa bình của riêng họ với tổng thống Hoa Kỳ. Trump có thể cũng sẽ từ chối lời đề nghị này, cuối cùng hy vọng sẽ tiếp cận được các khoáng sản quý hiếm đang nằm trong khu vực của Ukraina do Nga chiếm đóng. Nếu ông thành công với chiến lược này, nó sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho Ukraine – và cả châu Âu.
“Trump và Vance đã nói Zelensky với công chúng Hoa Kỳ là kẻ vô ơn và không muốn thỏa hiệp – để mặc Ukraine và châu Âu tự xoay xở mà không gây tổn hại chính trị trong nước”, chuyên gia Hoa Kỳ Josef Braml cho biết.
“Khi Hoa Kỳ chuẩn bị đối mặt với một đối thủ lớn hơn và có năng lực hơn, cụ thể là Trung Quốc ở châu Á. Và như thế họ sẽ dành ít nguồn lực hơn để bảo vệ châu Âu trước sự xâm lược có thể xảy ra của Nga. Chính quyền Trump đang cố gắng liên minh với Nga bằng cách hy sinh an ninh của Ukraine và châu Âu để tách Maxcova khỏi Trung Quốc”.
MAXCOVA ĐÃ HIỂU MỤC ĐÍCH CỦA TRUMP
Nhưng liệu Donald Trump có thành công với động thái này không? Khó có thể thành công. Tất nhiên, Maxcova đã nhận thấy mục đích của Trump từ lâu. Putin hiểu rằng Trump là một hiện tượng ngoại lệ ở Nhà Trắng.
Nếu Hoa Kỳ vẫn tổ chức bầu cử tự do và công bằng (viễn cảnh vẫn còn tồn tại vào thời điểm hiện tại), Điện Kremlin không thể tin vào một chính quyền mới tiếp tục đường lối thân Nga của Trump.
Tập Cận Bình và Putin cũng chia sẻ mong muốn phá hủy liên minh các giá trị và sức mạnh quân sự của phương Tây. Nga đã làm việc này ít nhất là từ năm 2016, khi Điện Kremlin thao túng chiến dịch bầu cử của Hoa Kỳ.
Putin hiểu rằng Trump sẽ phá hủy NATO và phương Tây từ bên trong. Putin đã có một cuộc trò chuyện FaceTime dài với Tập để báo với các đồng minh khác của Nga rằng, mọi thứ giữa Tập và Putin vẫn ổn.
CHÂU ÂU PHẢI DỰA VÀO CHÍNH SỨC MÌNH
Thay vào đó, tổng thống Nga cũng có thể tìm cách lôi kéo Trump vào quỹ đạo của Tập. Trump đã rất ấn tượng với chủ tịch Trung Quốc sau khi ông này chiêu đãi ông một bữa tối trong một hội trường dát vàng, hoàn toàn theo sở thích của ông, trong chuyến thăm cấp nhà nước năm 2017.
Việc không ai trong chính quyền Trump hiểu được điều này đã khiến những người có tư tưởng dân chủ phải sợ hãi. Châu Âu phải tự nhìn lại mình và củng cố, tăng cường khả năng phòng thủ và chuẩn bị đối phó. Bởi vì lục địa này không còn có thể hy vọng vào nước Mỹ của Trump nữa.
Nguyễn Thế Tuyền chuyển ngữ