Trump cử Wilbur Ross đến Việt Nam để ‘cân bằng và đối ứng’?

    0
    63
    Bộ Trưởng Thương mại Wilbur Ross và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội, ngày 08/11/2019. Photo Chinhphu

    VOA 14/11/2019

    Phạm Chí Dũng

    Bộ Trưởng Thương mại Wilbur Ross và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội, ngày 08/11/2019. Photo Chinhphu

    Dù trong chuyến làm việc của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross tại Việt Nam vào tháng 11 năm 2019, phía Mỹ đã ký với Việt Nam 5 hợp đồng thương mại được cho là có giá trị hàng tỷ đô la, nhưng mục đích thực chất của chuyến công du này vẫn còn là một ẩn số.

    Sau khi đợt làm việc trên kết thúc, vài tin tức hành lang cho biết Wilbur Ross không chỉ quan tâm đến những hợp đồng thương mại ký với Việt Nam, mà trong những cuộc gặp giới quan chức Việt Nam còn nhắc lại nguyên tắc ‘cân bằng và đối ứng’ và mục tiêu ‘san bằng cán cân thương mại’ của Tổng thống Trump.

    Tin tức trên là logic với sự kiện dự án nhà máy điện khí hóa lỏng LNG và hàng loạt phát ngôn của Trump đòi san bằng cán cân thương mại với Việt Nam, đặc biệt là ‘kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất’ – được phát ra trong vòng gần nửa năm trở lại đây.

    Hàm ý nào từ dự án nhà máy điện khí hóa lỏng LNG?

    Động thái thương mại song phương Việt – Mỹ gần nhất và nổi bật nhất trước chuyến đi Việt Nam của Bộ trưởng Thương mại Mỹ là một hiện tượng bất bình thường: một dự án khí điện khí hóa lỏng (LNG) tại tỉnh Bình Thuận, với hàng tỷ USD nhiên liệu nhập khẩu từ Mỹ, đang được chính phủ của Thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo sát sao như một phần trong nỗ lực mua sản phẩm của Mỹ.

    Chủ trương trên đã được hiện thực hóa vào đầu tháng 10 năm 2019, khi một đoàn làm việc của Bộ Công thương Việt Nam lặng lẽ đến Washington, để sau đó công bố rằng Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã trao đổi Biên bản ghi nhớ Hợp tác (MOU) về đối tác hợp tác năng lượng toàn diện. Cùng lúc, Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh thông báo là chính phủ Việt Nam vừa cấp phép cho Tập đoàn AES của Mỹ đầu tư 5 tỷ đôla vào dự án nhà máy điện khí hóa lỏng LNG đầu tiên tại Việt Nam.

    Vì sao Việt Nam ‘nhiệt tình’ cho Mỹ đầu tư 5 tỷ đôla vào nhà máy điện khí hóa lỏng như thế?

    Cử chỉ trên được xem là nhằm làm ‘hài hòa cán cân thương mại’ với Mỹ.

    Bởi khi chính thức đi vào vận hành, dự án nhà máy điện khí hóa lỏng LNG sẽ tạo ra nhu cầu nhập khẩu khí hóa lỏng từ Hoa Kỳ lên tới gần 2 tỷ đôla/năm.

    Nói cách khác, phía Việt Nam sẽ phải tự trút hầu bao ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa của Mỹ.

    ‘Cân bằng và đối ứng’

    ‘Cân bằng và đối ứng’ là nguyên tắc của Donald Trump nêu ra quyết liệt ngay khi ông ta mới bước chân vào Nhà Trắng vào những tháng đầu năm 2017. Vào thời điểm đó, Việt Nam đã bị Trump thẳng tay xếp vào danh sách ‘16 quốc gia gây hại’ đối với nền kinh tế Mỹ.

    Ngay trong năm 2017, giới chóp bu Việt Nam có lẽ đã bị bất ngờ khi xảy đến hàng loạt “điềm xấu” dành cho hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ: Bộ Thương mại Mỹ nâng tỷ lệ thuế đánh vào hai mặt hàng thép và tôm Việt Nam lần lượt là 53% và hơn 25%.

    Chưa hết. Đến tháng 6 năm 2019, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump còn nổi đóa và tặng cho Việt Nam một biệt danh mới: Việt Nam là “kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất”!

    Biệt danh trên hiện ra trong lúc cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đang cao điểm. Không cần nghi ngờ về khả năng Trump rất có thể đặc Việt Nam vào tầm ngắm để trở thành ‘đối tác’ thứ hai, sau Trung Quốc, bị Mỹ đánh đòn thương mại.

    Khác hẳn với thời ‘êm ấm’ với Tổng thống Obama mà đã chẳng phải nhận đòn trừng phạt kinh tế nào, giờ đây Việt Nam và cả nền chính trị độc tài của nó đang phải đối mặt với nguy cơ bị Trump biến thành ‘kẻ thù thương mại’, và do đó phải gánh chịu những hậu quả khó lường về bức tường thuế quan, kiểm định hàng hóa cùng những biện pháp khác mà Trump phát nổ trong thời gian tới.

    Không chỉ dừng ở ‘kẻ lạm dụng thương mại tồi tệ nhất’, Trump còn đe dọa sẽ đưa Việt Nam vào danh sách ‘các quốc gia thao túng tiền tệ’.

    Một trong ba tiêu chí mà Mỹ sử dụng để đánh giá việc thao túng tiền tệ của một quốc gia là thặng dư thương mại hàng hóa song phương với Mỹ ít nhất là 20 tỷ đô la.

    Chỉ tính riêng trong 3 năm gần đây, Việt Nam đã tạo được một lượng xuất siêu kỷ lục – lên đến hàng trăm tỷ USD – vào thị trường Mỹ.

    Vào năm 2017, Việt Nam xuất sang Mỹ lượng hàng hóa tổng giá trị 41,6 tỷ USD nhưng chỉ nhập khẩu có 9,2 tỷ USD, nâng mức thặng dư thương mại lên con số 32,4 tỷ USD với Mỹ.

    Đến năm 2018, Việt Nam đã đạt giá trị xuất siêu ở mức kỷ lục tới 35 tỷ USD.

    Chỉ trong 7 tháng đầu năm 2019, thặng dư thương mại Việt – Mỹ đã lên con số 30 tỷ USD, cao hơn 39% so với trong cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu của Cục điều tra dân số Mỹ, nâng mức dự kiến xuất siêu đến 38 – 40 tỷ USD vào thị trường Mỹ trong năm 2019.

    Sự chênh lệch quá lớn trên càng củng cố một cách chắc chắn vị trí thứ 5 của Việt Nam trong số 16 quốc gia bị Donald Trump liệt vào danh sách ‘gây hại’ cho nền kinh tế Mỹ.

    Việt Nam phải cắt giảm bao nhiêu tỷ đô la xuất siêu vào Mỹ?

    Còn nhớ trong cuộc gặp Donald Trump – Nguyễn Xuân Phúc tại Mỹ vào tháng Năm năm 2017, không những không đề cập gì đến “Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ”, Trump lại xoáy vào một vấn đề cực kỳ khó chịu và khó khăn đối với phía Việt Nam: trong phần phát biểu ngắn gọn tại cuộc gặp song phương tại Nhà Trắng, Tổng thống Hoa Kỳ đã nhấn mạnh vấn đề giao thương và thâm hụt thương mại ‘lớn’ với Việt Nam, mà ông hy vọng sẽ ‘sớm được cân bằng’. Ngay trước đó, Bộ trưởng thương mại Hoa Kỳ cũng không bỏ quên vấn đề này trong cuộc gặp với Thủ tướng Phúc.

    Đến tháng 5 năm 2018, ông Jeffrey Gerrish, Phó Đại diện Thương mại Mỹ đã tiến hành một chuyến công du đầy ẩn ý đến Hà Nội và gặp một quan chức cao cấp phụ trách kinh tế của Việt Nam là Ủy viên bộ chính trị kiêm Phó thủ tướng Vương Đình Huệ.

    Mặc dù báo đảng Việt Nam chỉ tường thuật sơ sài “ông Jeffrey Gerrish, Hoa Kỳ mong muốn đạt được các thoả thuận với Việt Nam liên quan tới các vướng mắc về nhập khẩu ô tô, thanh toán điện tử và quy định về đặt thiết bị quản lý dữ liệu người dùng Việt Nam tại Việt Nam trong dự thảo Luật An ninh mạng”, nhưng một số nhà quan sát kinh tế cho rằng nội dung chính mà Jeffrey Gerrish làm việc với Việt Nam sẽ là “san bằng thâm hụt thương mại” theo yêu cầu của Tổng thống Trump, nhằm buộc Việt Nam phải hạ mức thâm hụt thương mại xuống mức dưới 8 tỷ USD/năm.

    Nếu kịch bản trên hiện ra, Việt Nam sẽ phải tự cắt giảm mức thâm hụt thương mại trong thời gian tới, có thể bắt đầu ngay trong năm 2020 này và sẽ phải giảm mạnh trong những năm sau đó. Bi kịch xuất khẩu sẽ kéo theo bi kịch kinh tế và cũng là bi kịch ngân sách dành cho chế độ một đảng ở Việt Nam.

    Con số xuất siêu chỉ có 8 tỷ USD/năm theo kịch bản trên sẽ khiến giá trị xuất siêu của Việt Nam vào thị trường Mỹ sẽ hụt đến 75 – 80% so với những năm trước, làm cho cán cân nhập siêu của Việt Nam từ các thị trường khác, đặc biệt từ Trung Quốc, tăng mạnh.

    Rất có thể Trump đã cử Wilbur Ross đến Việt Nam không chỉ nhằm ‘phát triển quan hệ thương mại’ mà còn để ‘cân bằng và đối ứng’ – đòi hỏi mà đang khiến giới chóp bu Hà Nội hồi hộp và lo lắng hơn là một cảm giác hớn hở thường có khi nhìn thấy tiền viện trợ từ trên trời rơi xuống.

    Nguyễn Phú Trọng và những đồng đảng của ông ta sẽ làm thế nào để gỡ khó từ phương trình ‘công bằng và đối ứng’ của Trump?

    Nhưng phương trình trên lại chứa đựng quá nhiều ẩn số, mà bất kỳ ẩn số nào cũng rất dễ chạm vào nỗi đau không thể nói ra về tiềm lực kinh tế và ngoại thương của đảng CSVN, khi từ ‘HẾT TIỀN’ đang trở thành biển hiệu đặc trưng cho dòng chảy chủ nghĩa xã hội theo vết xe đổ của người anh em Venezuela.

    LEAVE A REPLY

    Please enter your comment!
    Please enter your name here