Tối lạnh xứ người, tuyết đầu mùa say gió ngả nghiêng ngoài khung cửa, nhận được thư Sa, một trong bốn người viết văn trẻ tôi thích đọc và đánh giá cao nhất hiện nay (ba bạn còn lại là Huỳnh Trọng Khang, Đinh Phương và Phan An). Nhớ nhà nhớ quê nhớ mẹ nhớ bạn. Nhớ ơi là nhớ. Mà đường về khó ơi là khó.
“Diệu. Một cái tên, một con người, là đàn bà, nổi danh vì viết văn và tai ương điều tiếng cũng vì viết văn, là Diệu, số phận vùi Diệu vào văn chương như một ân huệ hòng gửi cho đời tiếng hót của loài chim đã mất dấu tự ngàn thu, người đời đồn đoán về chất ma mị, quỷ chướng, người hiểu người không, bởi không hiểu nên cứ nói ngọt cho xứng với danh tiếng của Diệu, còn riêng tôi, Diệu viết rất đàn bà, rất thật, thật trong từng con chữ, thật như vùng đất hoang chỉ mở ra mỗi lúc chị ưu phiền, gác đời tìm vào cõi mộng, tôi không gọi chị là nhà văn, bởi nếu nói về nhà văn thì phải bàn về tác phẩm rồi cứ loay hoay ở đó như một kẻ tôi mọi dưới cái bóng kẻ lạ, tôi gọi chị là Diệu, chỉ cái tên đó, một chữ Diệu ngạo nghễ và độc nhất như trái tim lành chị dành cho người, cho đời, cho những kẻ cô độc, tự hủy chính mình như tôi, người đang viết những dòng này trong đêm gió cắt lòng đất Bắc.
2017, tôi nhìn thấy cuốn Lam Vỹ của Diệu ở quầy sách Đinh Lễ, vừa ngạc nhiên, hốt mình về sự tái xuất đột ngột này, té ra cô nhà văn xinh tươi năm nào vẫn nặng lòng với văn chương chứ chẳng chịu bó chân trong tổ ấm như hàng triệu phụ nữ có tài, lấy chồng liền đọa thành một người khác. Ngỡ ngàng nữa là lúc tôi hay tin quý cô sẽ về Việt Nam sau nhiều năm xa cách, sách ra vài tháng thì có tọa đàm giới thiệu sách, tác giả ký trực tiếp cho người đọc. Tôi nhớ hôm hội thảo trời mưa, mưa phùn, hơi se lạnh như mưa xuân, Hà Nội trông buồn lúc mức mưa, phố xá sạch sẽ, bớt ngột ngạt khi mưa dứt, tôi thích mùi hương của mưa chứ không thích đi dưới trời mưa, tiếng mưa cọ trên mái bê tông nghe cứ như tiếng vuốt mèo cào cửa kính, bữa đó tôi đến như không, im lìm một chỗ như mọi cuộc tọa đàm mình từng tham dự, đến và đi một mình, không quen ai và không cần thiết phải bắt chuyện với ai, hễ gặp người quen là tôi lẩn đi và buổi hội thảo này cũng vậy, tôi đến cốt để xem mặt Diệu cho biết, chợt, mới bước vào quán, tôi nhìn thấy mấy người quen mặt hồi sinh viên, chừng dăm ba người gì đó, kẻ nổi tiếng, kẻ giàu túi báo lá cải, sau cùng tôi chỉ lướt qua cô nhà văn một phút từ sau cửa kính rồi lầm lũi ra về, tôi khi đó là vậy, rất ngại gặp người quen, nhất là trong trường hợp tôi và họ quá nhiều mâu thuẫn, cả cách sống cách viết lẫn tư tưởng chính trị. Day dứt thì không nhưng tiếc nuối thì nhay lòng tôi, mãi đến chiều, tôi gửi phứa một tin vu vơ vào inbox cho Diệu rằng, mình đã đến, định xin chữ mà không dám.
“Chị đang ở gần Hàng Trống, em rảnh thì gặp, nhưng chỉ ngồi được một lúc, hay để hôm nao,” Diệu nhắn sau một phút và tôi nhận lời gặp, để xin chữ và tặng cuốn truyện của tôi vì có bạn của Diệu biên tập và viết tựa. Tôi ở Bà Triệu, Diệu trọ hàng Trống, té ra hai người rất gần nhau, tôi hay rẽ đi ăn quà ở gần Nhà Thờ lớn, mua báo ở mấy sạp gần chỗ Diệu, đường đi tôi thuộc làu, đỡ phải hỏi đường như hồi tôi gặp cô Thụy Khuê ở ngõ Hạ Hồi, dù biết địa chỉ nhưng vẫn phải hỏi đường xe ôm, đi vào ngõ vẫn lạc, suýt bị chó cắn. 15 phút sau, chúng tôi gặp nhau, Diệu là người chủ động chào và bắt chuyện với tôi, hình dung của tôi về chị là một phụ nữ trẻ trung, đôi mắt to đầy cảm xúc, nếu đi cùng một loại giày thì Diệu chỉ cao bằng tôi, chị mặc váy hoa đen còn tôi đóng nguyên bộ sơ mi, quần đen, giày đen, đến cái balô cũng ám xì như đưa đám, giọng nói của chị nhỏ nhẹ chứ không bốp chát, chanh chua như những người Thanh Hóa tôi từng gặp.
“Chị biết em từ hồi đọc trên hợp lưu.” Diệu bảo vậy, tôi định nói là mình cũng thế nhưng thấy dở hơi quá, định bảo chuyện đến tọa đàm sáng nay nhưng sợ bị Diệu hỏi, lòi mặt thằng bố láo thì càng vô duyên, thành ra tôi cứ ngồi im như khúc gỗ, rõ lạ, tôi cứ quen thói bố đời lúc đến chơi với Tạ Duy Anh, tôi toàn tùy tiện khóa trái cửa để dành riêng văn phòng cho hai bác cháu rồi đợi ông đun trà, mang kẹo bánh ra đàm đạo văn chương, lần nào tôi đến là y như rằng ông khốt mất toi buổi làm việc. Diệu hỏi về sách thì tôi giật nảy mình rồi lôi ra cuốn của chị để xin chữ ký làm kỷ niệm, tiện thể tôi tặng chị cuốn của tôi với lời phủ đầu rằng “Ông Tạ bạn chị làm cho mình, nên nể bạn mà nhận giùm cho vui.” Hai cuốn sách đưa chéo, một tiểu thuyết, một tập truyện ngắn, mỗi người một chữ ký. Diệu viết lên sách lời đề tặng trân quý, ngày tháng, tiết mùa Hà Nội, đầy đủ họ tên dưới chữ ký nhằng nhịt như lò xo. Sách đã trao và chữ ký tôi cũng đã nhận, chẳng còn lý do để mình ngồi đó, định về nhưng tôi lấn cấn không dám mở lời nên cứ ngồi đó, quan sát nét mặt để thăm dò suy nghĩ của Diệu vể mình, chợt tôi thấy thẹn và xấu hổ vì đã phiền chị phải bỏ công ngồi tiếp mình, thời gian tưởng đóng băng nhưng vẫn trôi cho đến lúc có người gọi cho Diệu, tôi thấy rõ cái máy Diệu dùng là loại nokia cổ lỗ, giống hệt cái máy của tôi, nghe lỏm vài ba câu qua điện thoại, tôi biết Diệu có hẹn phải đi, thế là mình có cớ để ra về. Hai người vẫy tay chào nhau, hai bóng áo đen, người đứng sẵn ở cổng khách sạn chờ xem kẻ rảo bước đi về nhà theo lối hồ gươm vàng hoe đèn đường”.
_Memories of Dieu_
Tru Sa.