Tran Khai Thanh Thuy
Bình thường ở ngoài xã hội, sau chương trình dự láo thời tiết là chuyên mục thể thao 24/7. Sở dĩ chúng tôi biết chắc chắc như vậy vì vài lần cai tù trực ca hôm đó mải chơi bài ăn tiền hay người nhận bàn giao ca đến muộn, chúng tôi vẫn được nghe lậu vài đoạn cho đến khi người trực ca nhớ ra tắt béng đi. Dù cánh anh em nài nỉ xin được nghe tiếp nhưng “Quy định là quy định. Mười lăm phút là mười lăm phút. Muốn nghe cho đã thì chờ về nhà mà nghe”.
Câu trả lời trăm lần như một làm cánh anh em cụt hứng.
– Lần này, nhân tiết mục “ dự láo thời tiết” của Họa Mi, Sĩ kết nối chuyên mục thể thao 24/7 mà cánh đàn ông ai cũng háo hức:
– Thưa các quý vị, Hôm nay là ngày 27-7 – 2007. Một ngày đặc biệt trên thế giới vì tất cả đều bắt đầu bằng con số bảy…Để vinh danh ngày đặc biệt này, lãnh đạo liên đoàn bóng đá Việt Nam đã đích thân bỏ ra hai mươi tỷ tiền thuế của người dân để mời bằng được đổi tuyển mạnh nhất thế giới đến Việt Nam thi đấu giao hữu…
Ở ngoài xã hội, giữa nam và nữ thường có những sở thích khác biệt. Bóng đá đa phần nhường sự yêu thích cho phái mạnh. Nhưng trong tù chẳng có gì để làm nên mọi lĩnh vực đều như nhau. Trong khi tay chân đã bị trói (Hết đứng lại ngồi, nằm theo quy định) chỉ còn đôi tai mở hết cỡ mỗi khi có tiếng nói hay, dở, thốt lên. Huống hồ là bình luận bóng đá, cho dù có là “bình loạn” đi chăng nữa, vẫn thú.
– Tất cả chú ý! Tiếng Sĩ vang lên:- Bây giờ là mười bốn giờ không không phút giờ Hà Nội. Tất cả hai đội đã tụ tập đông đủ trước khán đài. Trên tay mỗi cầu thủ của đội tuyển bạn là một bó huệ trắng muốt đã héo rũ vì nắng nóng .
–Bố tiên sư thằng khỉ! Chị Dung chửi đổng:-Loạn đến thế là cùng. Hoa huệ chỉ dùng trong đám giỗ, đám tang hoặc đám ma người chết, ai lại tặng cho cầu thủ đội bạn bao giờ? Lại còn héo rũ mới chết chứ ?
-Sì…Mi gạt đi: – Đã gọi là bình loạn mà cô, có phải bình luận đâu? Để yên nghe cho vui…
Sĩ được dịp bộc lộ tài năng bóng đá của mình:
– Các bạn thân mếu. Thời tiết đang ở giữa tháng bảy, nắng nảy trái trám, nắng rám trái bưởi và nắng cũng dần cho cầu thủ đội bạn…mệt nhoài vì cảnh nắng quần, đất hun. Đó là một yếu tố khách quan không thể bỏ qua để chúng ta dễ dàng chiến thắng trong trận này.
Không ai lên tiếng, tiếng Sĩ vẫn oang oang:
– Tất cả chú ý – Một phút mặc niệm bắt đầu !
– Ô trời! Chị Hạnh ôm bụng cười ngặt nghẽo , không thể không nêu lên nhận xét của mình: – Sao trong bóng đá lại có tiết mục kỳ cục này…mặc niệm ai? Không lẽ mặc niệm để tưởng nhớ tới các cầu thủ bị thương hoặc chết trên sân cỏ nước nhà à? Sĩ ơi là Sĩ !!!
Chợt nhớ ra, tôi nhắc, giọng hiểu biết vì đã từng là phóng viên báo đảng lâu năm, đặc biệt là ba năm liền làm ở báo Cựu chiến binh- chuyên phụ trách về vấn đề tìm mộ liệt sĩ mất tích:
– Hôm nay là hai bảy tháng bảy, ngày thương binh liệt sĩ, mà chị.
-Ờ nhỉ! Chị ngẩn ra, rồi ngán ngẩm thốt lên: – Khổ các bố cứ thích lồng chính chị, chính em vào. Đến bóng đá quốc tế cũng không tha nữa. Cậu Sĩ này hóa ra tinh tế, hiểu biết tập quán của đảng ta…
Nghe chị nói, tôi nửa mếu nửa cười, nhớ lại lời nhận định đầy chí lý, sắc sảo của người dân Hà Nội: “Ngày thương binh liệt sĩ, ngày bới xác mò xương, đếm khăn tang và đong máu chiến hào”. Rõ là “đất nước làm chiến tranh nhiều hơn máu của mình”*. Nên trong mọi cuộc thi đấu giao hữu, nước chủ nhà được quyền tưởng nhớ tới các anh hùng, liệt sĩ(!) đồng thời theo lệnh của các cấp lãnh đạo nhà nước: Mời họ về xem ..miễn phí. Hí hí!
Giữa không gian trại tù, từ đâu đó phía cuối dãy, một giọng nói uể oải cất lên:
“Xin đời một giấc ngủ ngon
Không lo chảy mỡ, không còn mồ hôi”
Giọng thơ bâng qươ vô tình khiến tất cả các cơ mặt của lũ tù chúng tôi vừa kịp giãn ra vì cười, bất ngờ co rúm lại. Đúng là thân phận chúng tôi hiện tại còn khổ hơn trâu bò, lợn gà, các loại gia súc gia cầm ngoài đời. Giữa nhà tù lớn, dù nắng nóng nhưng còn được di chuyển đến nơi có bóng mát cây xanh mà ngủ. Còn lũ mình trần, thân trụi chúng tôi( cả nam cũng như nữ) không quạt, không đồng hồ, không ti vi, không có không gian mà chỉ thừa thời gian…chết. Nóng như cái lò hấp thịt người khổng lồ, khiến mồ hôi túa ra, Thỉnh thoảng vài giọt nhễ nhại chảy xuống rơi vào hốc mắt chát đắng, cay xè.
Nói không ngoa, cả trại tù B14 lúc này là một chảo gang khổng lồ, còn mỗi chúng tôi là một miếng tóp đang sôi trong cái chảo cháy đùng đùng và sôi sùng sục ấy. Nóng đến mức cánh anh em cởi trần trùng trục, vận độc một cái quần sịp. Cánh chị em, ban ngày còn giữ kẽ, chứ ban đêm tự khoe mình trong bộ cánh Ê Va. Thôi thì đủ các lọai vú bánh bao, bánh dày, vú trái cau, trái dừa, vú mướp thõng thẹo hoặc teo tóp đen nhẻm như những túi đựng bùn phô ra trên thân thể héo mòn của họ. Lần đầu xấu hổ, tôi còn “nguyên đai nguyên kiện” đi ngủ. Cô bé cùng phòng – vốn là dân chạy chợ, đi qua lại Việt Nam – Trung Quốc như cơm bữa, dài giọng bảo: – Vẽ, mặc đẹp cho ma nó xem à?
Vài chục lần quạt phành phạch, mỏi rời cả cánh tay vẫn không ngủ được. Hễ chợp mắt, lơi tay quạt, mồ hôi lại túa ra, bết chặt lấy áo quần. Đặc biệt ở vùng lưng và bụng, cổ, bẹn…hết sức nhớp nháp, ngứa ngáy, khó chịu… Không sao mà giỗ giấc ngủ trở lại được, đành quạt phành phạch suốt đêm khiến người cùng bị giam phải nhắc: – Cô có thôi cho cháu ngủ không? Quạt nhẹ thôi! Nếu không thì cởi trần truồng như cháu đây này. Còn biết xấu hổ thì mặc quần si líp vào…
Đã đến nước này: “Xác thân như bãi cỏ nhàu”, đâu phải “lá ngọc cành vàng” nơi cung điện, bệ rồng mà giữ kẽ. Tôi cũng phải lộ đôi bầu vú héo của mình ra ngoài. Cả thân thể tiếp xúc với nền xi măng giá lạnh để thiếp đi trong mệt mỏi, bấn loạn…
