Home NHÂN QUYỀN TRONG CHẾT, CƯỜI… NGẶT NGHẼO (Chương 10 – phần 6)

TRONG CHẾT, CƯỜI… NGẶT NGHẼO (Chương 10 – phần 6)

0
TRONG CHẾT, CƯỜI… NGẶT NGHẼO (Chương 10 – phần 6)
Một gia đình đi thăm nuôi tù nhân tại trại giam
Tran Khai Thanh Thuy
Bể chứa nước và chỗ đi wc trong phòng giam nhà tù cộng sản.

– Đấy chỉ là bọn trưởng giả học làm… thơ cô ơi. Trí cao giọng đàm luận. Còn nhà thơ chân chính thì nghèo rớt mùng tơi, lấy đâu ra tiền để rải ngân?
Ngay sau đó những dòng chữ từ miệng Trí láu táu tuôn ra:
– Muốn cho trộm chẳng đến nhà
Đề vào trước cửa: Đây là nhà thơ
Hơ hơ hơ! “Sù cơ” cười:- Trộm bây giờ khôn lõi đời, trước khi ra tay phá két sắt của ai đó, chúng phải điều nghiên(*) trước chứ. Làm nghề gì có chân dung của nghề ấy. Chân dung của mấy ông nhà thơ lúc nào cũng lơ ngơ như thể chờ thơ về bắt… cóc, trộm nào thèm đến?
Đến lượt tôi ngao ngán thở dài:
– Nhà thơ chỉ giàu xác chữ thôi . Ngồi ở đâu , lúc đứng lên, dưới chân đầy xác chết của hàng ngàn con chữ.
– Ôi đọc thơ đi cô! Mi thúc: Cứ lý thuyết mãi; khó hiểu lắm, cháu chỉ thích cười thôi.
Chiều người đẹp trong tù, Trí nhớ lại và đọc:
Vợ là cửa cái,
Bạn gái là cửa sổ.

Càng nhiều cửa sổ càng sang,
Cửa cái anh vẫn đàng hoàng vào ra.

Vợ là cửa cái nhà ta,
Lại là cửa sổ thằng cha láng giềng.
– Hí Hí! Mi cười, thay đổi hẳn thái độ nôn nóng, cáu kỉnh vừa rồi, bình phẩm: – Thích nhất hai câu cuối vì nó giống thơ dân gian qúa: “Vợ là cơm nguội nhà ta. Lại là phở nóng của cha láng giềng”.
– Dân gian nào? Tôi lên cơn cuồng ngôn, như thể bị chạm nọc: Made in Bảo Sinh hẳn hoi.
Vài câu thơ vụt hiện trong óc, Trí cướp lời:
– Thế đố bà cô! Câu “Ra đường sợ nhất công nông. Về nhà sợ nhất vợ không mặc gì” của ai nào?
– Tất nhiên không phải thơ dân gian cũng chả phải của Bảo Sinh. Câu này ban đầu là “Ra đường sợ nhất công nông – Về nhà sợ nhất vợ không nói gì” được in từ cuối thập kỷ 90 trong bài phóng sự “Kinh hoàng những nẻo đường quê” nói về tai nạn giao thông do loại xe đầu ngang này gây ra cho những người dân quê hìên lành chân chất nhưng thiếu kinh nghiệm sản xuất. Vì nghèo nàn, thiếu phương tiện chuyên chở mà họ lấy “râu ông nọ cắm đùi bà kia” để chiềng làng chiềng chạ… thượng hạ đông tây, gây ra bao cái chết oan nghiệt cho người làng, đồng thời trở thành nỗi ám ảnh của dân quê mỗi lần ra đường gặp loại xe thô sơ, tự chế này.
-Biết rồi! Khổ lắm. Nói mãi. Trí dài giọng trêu tôi theo kiểu Cố Hồng trong tác phẩm “Số đỏ” nổi tiếng của nhà văn Vũ Trọng Phụng:
– Bài này được giải thưởng của ủy ban An toàn giao thông chứ gì? Không biết cha nào mạo muội sửa cụm từ “không nói gì” thành “không mặc gì” để gán cho Cụ Sinh?
Tất nhiên tôi biểu lộ sự đồng tình trong cách nhìn của Trí, chỉ thay động từ “nói” thành “mặc” mà tính gây cười cho bài thơ tăng hẳn lên, cũng là nhằm chế giễu những anh chồng âm nam, mệnh thủy, mềm oặt, yếu ớt, chẳng làm được trò trống gì khi vợ đã trong tư thế sẵn sàng “mời cụ xơi” như thế.
– Hí hí! Chị Dung nhắc lại câu tủ của nhiều người dân Việt Nam trong truyện cổ tấm cám:
“Vợ ơi vợ rụng vào buồng.
Chồng để chồng ngửi, chứ chồng không xơi”
Từ phòng bên, vang lên những tiếng thùm thụp của hai cô cháu nhà Họa Mi kèm tràng cười tung tỏa tán thưởng.
Chờ cho tiếng cười lắng lại, tôi tiếp:- Bình thường người sâu sắc, dí dỏm như Bảo Sinh chắc cũng hay được…vu oan lắm. Ví dụ câu: “Cuối cùng tất cả chúng ta. Đều lên nóc tủ ngắm gà khỏa thân” là câu kết trong bài thơ “Chuyện đời” của Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc: “Vui đi kẻo nữa chết già, Ngồi trên nóc tủ ngắm gà chổng mông ” Bảo Sinh chỉ đổi mấy chữ mà ai cũng ngộ nhận đó là thơ tự trào của “cụ”.
– Kha kha! “Sù Cơ” nhận xét: – Hóa ra văn học dân gian thời… hiện đại cũng thể hiện sự lạc quan vượt lên những cảnh ngộ đầy bất hạnh nhỉ? Rõ ràng họ nhìn cái chết qua lăng kính của văn hóa khỏa thân đấy chứ?
-À! Đó là vài câu thơ vui của những “chiếc gậy Trường Sơn” năm xưa, đặc biệt là Thanh Hóa, Thái Bình, Hà Tây – Nơi được coi là …kho cung cấp người trong chiến tranh: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Tôi đáp
-Cô Thủy làm báo Cựu Chiến Binh – đi khắp các tỉnh đội để viết bài về những anh “bộ đội cụ Hồ” một thời nên lắm kinh nghiệm có khác. Mi nhận xét
-Thật đấy! Trong khi nhiều anh theo lệnh cụ hồ, đi bộ vào Nam để đội của ra Bắc thì những anh này đội cả núi bệnh trên người do hậu quả của sốt rét, ngã nước hoặc chất độc da cam gây ra…
– Nhưng không phải ai cũng có nhãn quan hài hước để nhìn ra cái sự trần trụi của những con gà cúng. Nhất là những người đang mang trọng bệnh, cận kề cái chết như vây. Sù Cơ bất ngờ lên cơn cuồng hứng…Ngược lại phải có cái nhìn lạc quan, minh triết, một tâm thế giải thiêng của thời hiện đại, hậu sinh mới có thể nhìn vật thờ thanh cao kia thành một sinh vật sống, để người bệnh, người ốm tiếp tục sống vui vẻ an nhàn trong cuộc đời ô trọc, trần thế!
Tất nhiên, đó là triết lý phồn thực của người Việt Nam, thể hiện sức mạnh vô biên, xuyên qua mọi cách biệt âm dương để kết nối sự sống và cái chết, con người và con vật, kẻ cùng đinh không manh khố rách và bậc quyền quý quần áo đầy kho… Lại đến lượt Trí lên cơn ngẫu hứng:- Vì thế theo tôi, định nghĩa “Con người là động vật biết mặc quần áo” nên đổi thành: “Con người là động vật biết tìm ra những lý do, lý thuyết cho sự trần truồng”..
Còn vài câu nữa rất chi là phồn thực độc đáo nhớ: Tôi tiếp:
“Vợ tôi nửa tỉnh nửa mơ
– Hôm qua nó bảo dí thơ vào L…”
“Vợ tôi nửa dại nửa khôn –
Hôm nay nó bảo dí L… vào thơ” .
– A! Câu này trong bài “Trò chuyện với hoa Thủy tiên” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cũng được gắn mác Bảo Sinh. – Trí bảo – Ông ấy chẳng nói có mà cũng chẳng nói không, chỉ nhăn răng cười, lộ cái răng sứt, mắt nhắm tít lại như hai sợi chỉ, đầu gật gật, hệt Đỗ Mục đời Đường khi say rượu, say thơ vậy.
-Thì văn học dân gian là vậy mà-Sù Cơ đàm luận: Người “bị mất thơ” cũng vui, mà người “được gán thơ” cũng vui. Cả làng cả tổng cùng vui, chẳng chết con Nhăng thằng Nhố nào cả. Dính vào chính trị, chính em ấy à? Chẳng phải đầu cũng phải tai, lớ ngớ ra khỏi hội nhà văn, vào tù bóc lịch như chơi.
Tiếng côn trùng nỉ non, rên rỉ, ước chừng cũng sắp đến giờ “giới nghiêm”. Trước khi… thả dài lưng đo nỗi chán chường, Trí đọc vài câu bâng qươ trêu Mi
Mình ngu nhiều kẻ ngu hơn
Cho nên được gọi là khôn hơn người
Mi xinh đâu bởi nụ cười
Mi xinh là bởi nhiều người xấu hơn…
Tiếng cười vừa kịp cất lên lập tức bị tiếng giày đinh và xích sắt của cảnh vệ và cai tù nuốt chửng. Đã đến giờ mắc màn đi ngủ theo quy định của trại. Cửa lồng bị khóa trái và chỉ được mở vào sáu giờ sáng hôm sau khi tổ chia nước đến từng phòng theo lệnh cán bộ.
Tôi nhắm mắt và nhờ thuốc mà chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay**.
Hết chương 6.
TKTT
————————-
*. Điều tra, nghiên cứu
**Mọi sự ủng hộ mua sách hay đóng góp ý kiến xin liên lạc qua Email: Honvongphu25@gmai;com, hoặc số telephone của tác giả: 916-248-3414.
😂 Giá 20 USD một tập ( I hoặc 2)