Home NHÂN QUYỀN TRONG CHẾT CƯỜI NGẶT NGHẼO Chương 10 – Phần 5 – Trích.

TRONG CHẾT CƯỜI NGẶT NGHẼO Chương 10 – Phần 5 – Trích.

0
TRONG CHẾT CƯỜI NGẶT NGHẼO Chương 10 – Phần 5 – Trích.
Tran Khai Thanh Thuy
 

Trong tiếng cười như mếu của phạm mới, tôi tranh thủ lấp liếm bằng hai câu thơ của Bảo Sinh:
Ai cũng có thể làm thơ
Ai cũng có thể …sù cơ của mình
-Thấy chưa? Trí cười đắc thắng, đổi đề tài, bẻm mép: – Biết tài chọc cù của bà ấy chưa?
Chị Hạnh tủm tỉm vì “ở chùa gọi bụt bằng anh, ở cùng mấy tháng đã rành…âm mưu”. Thừa hiểu cái nghĩa nói lái của câu thơ tôi vừa đọc: Sù cơ có nghĩa là …sờ c… (!)
Bên kia bức tường dày nham nhở, người đàn ông vẫn chối bai bải:
-Tên mình là Văn Cơ chứ có phải Sù Cơ đâu? Với lại mình là dân cò con, kinh tế, đâu có biết làm thơ? Dù là thơ bút tre, dễ dãi theo kiểu văn hóa đại chúng đi chăng nữa.
Không thèm tranh luận với người bạn lớn tuổi đạo mạo, vừa kịp về hưu, giúp vợ đứng ra kinh doanh cửa hàng đồ gỗ, trang trí nội thất. Chỉ vì thiếu hiểu biết mà phải vào lao, tôi tếu táo đọc tiếp:
Ai cũng làm được nhà thơ
Ai cũng thích tự chìm sơ vài lần.
– Hí hí! hà hà!..Bây giờ thì nói toạc móng heo rồi nhớ, ông “Sù Cơ” có chạy đằng trời .
Như hiểu ra vấn đề, ông ta ớ ra rồi lắc đầu quầy quậy:
– Chịu các anh các chị thật. Từ căn cơ mà thành sù cơ, chìm sơ thì…đúng là ở tù mới thấy.
Trở lại với dòng thơ dân gian, Trí bảo:
– Cái ông Bảo Sinh này nổi tiếng lắm đấy, bà cô biết không?
– Ôi! Thế là cả thế giới quen biết nhau à? Tôi đáp bằng chất giọng tưng tửng của mình:- Trước khi biết đứa con tinh thần của ông ta, mình đã biết đứa con vật chất có thật của ông ta là Nguyễn Bảo Chân, người được Diêm Vương “đánh dấu”, rất có duyên và cũng có tài làm thơ.
– Sao lại Diêm vương đánh dấu? Trí hỏi, vì cùng độ tuổi “sêm sêm” như Chân và cùng trong làng báo Hà Nội nên chắc chắn là biết nhau.
– Ối giời! Tôi cười: – Nhà báo mải đánh đấm, chấm mút qúa, nên quên hết cả tích xưa chuyện cũ rồi . Tất cả những ai dù trai hay gái mà có má núm đồng tiền , đều là do Diêm Vương đánh dấu đấy.
– Thật hả cô? Mi láu táu chen ngang:
– Thì thật …như đời vậy! Tôi đáp: – Chả là bất kể ai khi về với đất mẹ… Diêm Vương, đều phải ăn cháo lú cho quên hết mọi tội lỗi trên đời đi, cũng là để xóa sạch mọi ký ức đã có trong đầu, quên mình là ai để vô tư đầu thai sang kiếp khác. Nhưng trong hàng triệu triệu chúng sinh lặng lẽ tuân theo quy định cũng có vài nghìn người phản đối, vì không hiểu lý do sâu sa của vấn đề. Người bảo:- Tôi vừa qua tuổi thiếu niên, tâm hồn còn lành lặn như trang giấy trắng, như hồ nước trong, đã lầm lỗi bao giờ đâu mà bây giờ phải ăn cháo lú?.Người thắc mắc:- Tôi từ nhỏ đã xuất gia, toàn làm điều thiện, không có tội sao lại phải ăn cháo đặc, cháo lú…hoặc lý sự:- Tôi cũng thế, cả đời tu thân, phúc đức đầy mình, sao phải ăn cháo lú, vừa đặc vừa quánh lại sền sệt bứ cổ như vậy, nuốt sao nổi ?
Suy nghĩ mãi, cuối cùng Diêm Vương quyết định:
– “Thôi được! Âm dương đối nghịch. Dưới này tự do dân chủ, ta tôn trọng quyết định của các ngươi, nhưng phải đánh dấu trên mặt để phân biệt với những người đã ăn cháo lú khác”
Vì thế, khi đầu thai trở lại, chỗ bị đánh dấu chính là cái núm tròn như hình đồng xu trên mặt mỗi người, còn gọị là “má núm đồng tiền”
– Ôi hay qúa, Mi reo lên. Cháu ước gì cũng được đánh dấu như thế để giết hết bọn đàn ông háu gái đi.
– Ơ hay! Đàn ông thì liên quan gì đến đây, chỉ được cái nói bậy, Chị Dung cùng phòng trách:
– Còn không à, Mi gân cổ cãi – Danh ngôn thế giới bảo: – Đôi khi chỉ vì yêu một má núm đồng tiền của một cô gái mà chàng trai phải cưới cả một con vợ..
Lờ mờ trong cảm nhận tất cả đều cười :
– Thì ra là thế! Mong được Diêm Vương đánh dấu để trở nên xinh đẹp, bắt bọn đàn ông phải chôn chặt cuộc đời họ vào trong má núm của mình.
Quay trở lại chủ đề của nhà thơ hài Nguyễn Bảo sinh, Trí kể:
– Ông này sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, nổi tiếng ngỗ nghịch, vì thế, không ít lần bị đòn roi, thậm chí cha ông ta là cụ Nguyễn Hữu Mão đã có lần tức giận bảo thẳng:
-Lớn lên chỉ có chó nó mới nuôi được mày!
Một lời là một vận vào như không(2). Từ những năm một chín…đã qua, lúc còn chưa vợ, ông đã mê chó hơn mê gái, tự mày mò tìm hiểu rồi lập ra cả một trang trại nuôi gà chọi, chó cảnh các loại… Đến bây giờ, trong điều kiện “tấc đất tấc vàng”, một mét vuông có giá nửa tỷ đồng, ông vẫn không từ bỏ thói đam mê của mình. Không những nuôi đủ các loại chó cảnh trên thế giới( từ con nhỏ bằng bắp chuối đến con lớn như con bê), ông còn xây cả khách sạn năm tầng, hàng trăm phòng cho chó ở. Gồm cả cầu thang máy, điều hòa nhiệt độ, phòng ốc gọn gàng sạch sẽ, quý phái như chung cư nuôi người tại văn phòng chính phủ vậy.
– Ôi thế thì em biết rồi, Sĩ nhanh nhảu kể: – Một lần bà chị họ rủ em đến khách sạn chó ở Hà Nội, em cứ tưởng bà ấy đùa, hóa ra là thật. Chỉ gửi nhõn một con chó bé teo như cái chổi phất trần mà bà ấy phải trả ba trăm ngàn đồng. Kinh không?
– Nhưng làm thơ dân gian với nuôi chó cảnh hiện đại thì có liên quan gì đến nhau nhỉ? Nhất là hai ngành nghề ấy chẳng ăn nhập gì tới chất người Hà Nội thanh lịch từ xưa đến nay cả. Chị Hạnh thẫn thờ thắc mắc.
Thay vì giải thích, Trí nhanh nhảu đọc chân dung tự họa của nhà thơ này.
Làm thơ, nuôi chó, chọi gà
Ba trò chơi ấy làm ta bơ phờ
Suốt ngày nửa tỉnh, nửa mơ
Trông ai cũng thấy nửa thơ nửa gà!
– Ô hay nhỉ, đọc tiếp đi anh, Mi giục:
Trí chuyền “bóng” sang chân tôi, định nhờ tôi sút tung lưới đội bạn, nhưng tôi nguây nguẩy lắc:
– Ông ấy có tới ba nghìn bài thơ lớn nhỏ, nhớ sao xuể? Có thích đọc thơ tình của con gái ông ấy “Vết chân trần trên cát”…thì mình đọc cho.
Lập tức Trí qươ tay gạt phắt:
– Quên “thuốc ngủ liều cao” của bà đi, đành rằng “con hơn cha là nhà có phúc”, nhưng chất lạ và độc đáo của ông ấy thì không lẫn với bất cứ nhà thơ hiện đại nào, kể cả chính con ruột mình.
Vốn ngoan cố, tôi cãi:
– Sẽ lạ và độc đáo hơn nữa nếu ông ta thay đổi câu kết:
Suốt ngày nửa tỉnh, nửa mơ
Trông ai cũng thấy nửa cô, nửa chàng.
– Cũng phải! Trí công nhận. Câu kết của ông ấy thật thà qúa, làm giảm phần nào chất tưng tửng thánh thiện mà minh triết, ẩn trong những con chữ ngô nghê bình dị của ông ấy đi.
– Còn là sức truyền cảm đặc biệt và đúc kết tinh túy của đời sống nữa chứ. Ví dụ: “Ghế thì ít, đít thì nhiều .Cho nên đấu đá là điều tất nhiên”. Nếu không phải hiện thực xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì làm sao có câu thơ để đời như thế?
Như tiếng chim gọi đàn, Trí say sưa bình luận:
– Thơ ông ấy là hiện tượng folkclore mà hiện đại, mang tính khái quát hóa cao. Cụ thể:
-Đi đái thì đứng giữa đường
Hôn nhau lại đứng sau tường để che.
– He he he he! Chị Dung cười:- Đúng câu tủ của người nước ngoài nói về Việt Nam mình: -“Đái bậy công khai, còn hôn nhau thì vụng trộm”
– Còn gì nữa không? Mi láu táu:
– Nhiều lắm! Tôi đáp:- Trong khi làng báo Việt Nam mất cả tấn giấy và tạ mực để tranh luận về chất lượng của các bài thơ được giải, thì ông ấy chỉ điểm huyệt bằng hai câu:
-Muốn đuổi khách ra khỏi nhà
Đọc thơ được giải , họ ra tức thì.
– Hí hí, chị Hạnh ngoạc miệng cười, chứng tỏ ông này biết tỏng cái tổ con chuồn chuồn rồi. Ban tổ chức yêu cầu tác giả phải…rải ngân thì mới được rải thưởng. Nghĩa là chất lượng thơ họ không thèm quan tâm, chỉ quan tâm đến chất lượng phong bao, phong bì. Cho nên mấy ông nhà thơ này muốn mất miếng để được tiếng đấy mà …

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, văn bản