Triển vọng hão huyền của các cuộc tấn công thọc sâu vào Nga của Ukraine

0
39

Nguồn: Stephen Biddle, “The False Promise of Ukraine’s Deep Strikes Into Russia”, Foreign Affairs, 28/08/2024

Biên dịch: Viên Đăng Huy | Hiệu đính: Nguyễn Thế Phương

Kể từ khi Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022, Mỹ đã cung cấp cho Kyiv một lượng lớn viện trợ quân sự. Nhưng những gói viện trợ đó từ lâu đã phải chịu những hạn chế. Một số hạn chế liên quan đến loại thiết bị được cung cấp, chẳng hạn như giới hạn về việc chuyển giao tên lửa tầm xa hoặc máy bay. Những hạn chế khác giới hạn cách thức vũ khí của Mỹ có thể được sử dụng. Washington đã thiết kế những điều kiện này để hạn chế khả năng tấn công các mục tiêu xa phía sau tiền tuyến của Ukraine, vì sợ rằng các cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga sẽ làm leo thang tình hình một cách không cần thiết.

Lập trường đó gây ra nhiều tranh cãi. Cả các quan chức Ukraine và các nhà phê bình nước ngoài đều cho rằng chính quyền Biden đã phóng đại nguy cơ leo thang của Nga, từ chối một cách vô lý các khả năng quân sự quan trọng của Kyiv. Trước khi đưa ra đánh giá, điều quan trọng là phải xem xét các cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga có giá trị quân sự như thế nào đối với Ukraine—tình hình chiến tranh sẽ thay đổi như thế nào, nếu có, nếu Mỹ dỡ bỏ các hạn chế và Ukraine có được các khả năng cần thiết. Chỉ sau đó mới có thể đánh giá xem lợi ích quân sự có xứng đáng với việc gia tăng nguy cơ leo thang hay không.

Từ góc độ quân sự thuần túy, các hạn chế không bao giờ có ích. Việc cung cấp cho Ukraine phương tiện chiến đấu và cho phép nước này tiến hành các cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ do Nga kiểm soát chắc chắn sẽ cải thiện sức mạnh chiến đấu của Ukraine. Nhưng sự khác biệt khó có thể mang tính quyết định. Để đạt được hiệu quả lật ngược tình thế, Ukraine sẽ cần kết hợp các cuộc tấn công này với các cuộc tấn công trên bộ được phối hợp chặt chẽ với quy mô mà lực lượng của họ cho đến nay vẫn chưa thể làm chủ. Nếu không làm vậy, những lợi ích mà Ukraine có thể đạt được từ khả năng tấn công thọc sâu có lẽ sẽ không đủ để xoay chuyển tình thế.

Định hình chiến trường?

Cuộc xung đột ở Ukraine đã trở thành một cuộc chiến tiêu hao trong suốt hơn một năm nay. Cả hai bên đều đã áp dụng loại phòng thủ theo chiều sâu, được chuẩn bị kỹ lưỡng mà trong lịch sử đã chứng minh là rất khó để xuyên thủng. Vẫn có khả năng giành được đất đai, đặc biệt là đối với quân đội Nga có số lượng vượt trội, nhưng tiến độ sẽ chậm và tốn kém cả về sinh mạng và vật chất. Ukraine sẽ cần nhiều hơn những cải tiến khiêm tốn về năng lực để có thể vượt qua hệ thống phòng thủ của Nga và biến cuộc chiến hiện tại thành một cuộc chiến cơ động, trong đó có thể chiếm được lãnh thổ nhanh chóng, với chi phí chấp nhận được và trên quy mô lớn.

Những bước tiến gần đây của Ukraine ở khu vực Kursk của Nga cho thấy những khó khăn trong việc xoay chuyển cục diện chiến tranh. Ukraine đã tấn công vào một phần phòng tuyến của Nga được chuẩn bị kém một cách bất thường, điều này đã cho phép các lực lượng Ukraine chiếm lấy đất nhanh chóng. Nhưng khi lực lượng dự bị của Nga đến, bước tiến của Ukraine đã chậm lại và dường như Ukraine sẽ không tạo ra bất kỳ bước đột phá lớn nào. Việc chiếm được một phần lãnh thổ Nga, dù là khiêm tốn, có thể củng cố vị thế đàm phán của Ukraine, giảm bớt áp lực của Nga lên hệ thống phòng thủ của Ukraine ở Donbas, hoặc làm suy yếu Tổng thống Nga Vladimir Putin về mặt chính trị, nhưng không chắc sẽ thay đổi cục diện quân sự một cách đáng kể.

Về nguyên tắc, có một số cách để khả năng tấn công thọc sâu của Ukraine có thể thay đổi cục diện chiến tranh. Kyiv sẽ có khả năng tấn công các mục tiêu hậu cần và chỉ huy ở xa, các căn cứ không quân hoặc hải quân của Nga, các khu vực tập trung lực lượng mặt đất, các nhà máy sản xuất vũ khí hoặc cơ sở hạ tầng hỗ trợ, ngành năng lượng dân sự, hoặc các trung tâm kiểm soát chính trị của Nga, chẳng hạn như Điện Kremlin. Tấn công hoặc đe dọa tấn công vào các mục tiêu trên sẽ làm giảm hiệu quả các cuộc tấn công của Nga, làm suy yếu khả năng phòng thủ của họ, khiến các hành động quân sự kém bền vững hơn về lâu dài và làm tăng chi phí chiến tranh cho Putin và giới lãnh đạo Nga.

Tuy nhiên, có lý do để nghi ngờ về mức độ tác động của bất kỳ các biện pháp kể trên. Trước hết, các hệ thống tấn công thọc sâu rất tốn kém. Drone giá rẻ không thể bay hàng trăm dặm để đến các mục tiêu xa. Thay vào đó, khả năng này đòi hỏi các hệ thống vũ khí lớn hơn, tinh vi hơn và tốn kém hơn. Viện trợ của Mỹ cho Ukraine bị hạn chế bởi các giới hạn chi tiêu nghiêm ngặt, khiến cho việc cung cấp các loại khí tài như vậy dường như là điều không thể trừ khi cắt giảm các loại khí tài khác. Ví dụ, một hạm đội chỉ gồm 36 máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ sẽ tiêu tốn 3 tỷ USD trong số 60 tỷ USD được phân bổ cho Ukraine trong dự luật viện trợ gần đây nhất.

Nếu các hệ thống đắt tiền đem lại kết quả không tương xứng, thì chi phí bỏ ra để có được chúng có thể là xứng đáng. Nhưng để tấn công các mục tiêu ở xa cần có hệ thống dẫn đường chính xác — một công nghệ dễ bị tổn thương trước các biện pháp đối phó. Trong cuộc chiến này, bất cứ khi nào một bên triển khai khả năng mới, bên còn lại đều nhanh chóng phản ứng bằng cách triển khai các biện pháp đối phó kỹ thuật và thích ứng tác chiến. Mặc dù các vũ khí chính xác đắt tiền như tên lửa HIMARS hoặc đạn pháo dẫn đường Excalibur có hiệu quả cao khi quân đội Ukraine bắt đầu sử dụng chúng lần đầu tiên, nhưng chúng đã mất đi phần lớn hiệu quả chỉ trong vài tuần khi lực lượng Nga thích ứng.

Các cuộc tấn công thọc sâu sẽ có một khoảng thời gian ngắn tương tự để tạo ra sự khác biệt thực sự. Ukraine sẽ cần triển khai các khả năng mới của mình trên quy mô lớn và đồng thời, tích hợp chúng với khả năng cơ động trên bộ để đột phá phòng tuyến của Nga. Theo học thuyết quân sự của Mỹ, các cuộc tấn công thọc sâu sẽ “định hình chiến trường” bằng cách tạm thời cắt đứt sự hỗ trợ cho các mặt trận quan trọng của đối phương, tạo cơ hội tấn công các mặt trận đó bằng lực lượng mặt đất và không quân tập trung trước khi đối phương có thể phục hồi và phản ứng.

Thực hiện tất cả những điều này không hề dễ dàng. Trong cuộc tấn công mùa hè năm 2023, quân đội Ukraine đã không thể hiện khả năng phối hợp lực lượng ở quy mô cần thiết cho một bước đột phá mang tính quyết định. Vũ khí với tầm xa hơn sẽ khiến việc phối hợp này trở nên phức tạp hơn. Vào năm 2023, các nhà lãnh đạo Ukraine lập luận rằng việc đồng bộ hóa quy mô lớn là không thể trong khi chiến đấu với kẻ thù có drone và pháo binh hiện đại; nhiều sĩ quan Mỹ cho rằng vấn đề là do quá trình huấn luyện của Ukraine vẫn chưa đủ. Dù bằng cách nào, có rất ít lý do để kỳ vọng rằng một sự tích hợp linh hoạt, quy mô lớn giữa các cuộc tấn công thọc sâu và chiến đấu cự ly gần sẽ khả thi hơn đối với Ukraine ở thời điểm hiện tại so với phiên bản đơn giản hơn của chiến dịch này một năm trước. Tuy nhiên, nếu không có một chiến dịch như vậy, một số lượng nhỏ các hệ thống tấn công sâu đắt tiền sẽ tiêu tốn một phần lớn ngân sách viện trợ của Mỹ để đổi lấy sự gia tăng không đáng kể khả năng gây thương vong của Ukraine trong cuộc chiến.

Ném bom chiến lược?

Đồng bộ hóa lực lượng mặt đất không phải là cách duy nhất để các cuộc tấn công thọc sâu có thể định hình lại cuộc chiến. Thay vì nhắm trực tiếp vào các lực lượng quân sự của Nga, Ukraine có thể sử dụng các khả năng này để tấn công vào các ngành công nghiệp hỗ trợ chiến tranh của Nga, chẳng hạn như sản xuất xe tăng và đạn dược; các nhà máy lọc dầu, nhà máy điện và các bộ phận khác của cơ sở hạ tầng năng lượng của Nga; hoặc các trung tâm kiểm soát chính trị. Mục tiêu sẽ là làm suy yếu khả năng duy trì nỗ lực chiến tranh của Nga hoặc làm tiêu hao ý chí duy trì chiến tranh.

Tuy nhiên, lịch sử đã cho thấy việc nhắm vào các mục tiêu như vậy không mấy khả quan. Lực lượng Đồng minh đã phát động các chiến dịch ném bom hàng loạt để phá hủy các thành phố và khu công nghiệp của Đức và Nhật Bản trong Thế chiến II. Lực lượng Mỹ đã nhiều lần tấn công các thành phố và cơ sở hạ tầng của Bắc Triều Tiên trong Chiến tranh Triều Tiên và các thành phố và cơ sở hạ tầng của Bắc Việt Nam trong Chiến tranh Việt Nam. Các cuộc tấn công không bao giờ làm lung lay quyết tâm của quốc gia mục tiêu. Các vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki có thể đã mang tính quyết định trong việc thúc đẩy Nhật Bản đầu hàng vào năm 1945, nhưng ngày nay không ai đề xuất một cuộc tấn công hạt nhân vào các thành phố của Nga.

Các chiến dịch ném bom chính xác gần đây hơn và quy mô nhỏ hơn cũng không đạt được kết quả nào tốt hơn. Mỹ và các đồng minh đã tiến hành các hoạt động như vậy ở Iraq vào năm 1991 và 2003, Serbia năm 1999, Afghanistan năm 2001 và Libya năm 2011. Iran và Iraq đã ném bom các thành phố của nhau trong Chiến tranh Iran-Iraq từ năm 1980 đến 1988. Nga đã thực hiện một chiến dịch ném bom chiến lược chống lại các thành phố và cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine kể từ mùa đông năm 2022–23. Trong tất cả các trường hợp này, kết quả không mấy khả quan. Các cuộc tấn công của Nga vào hệ thống năng lượng của Ukraine, nếu có, lại làm ý chí chiến đấu của Ukraine thêm vững chắc. Ở Afghanistan, Iraq và Libya, các cuộc ném bom chiến lược cũng không mang lại kết quả; phải cần tới sự kết hợp đồng bộ giữa không quân và lực lượng trên bộ để đảm bảo các mục tiêu chiến tranh của phương Tây. Mối đe dọa tấn công các thành phố Iran bằng vũ khí hóa học của Iraq đã góp phần thúc đẩy Iran chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn do Liên Hợp Quốc làm trung gian vào năm 1988, nhưng chiến tranh hóa học chống lại Nga không phải là một lựa chọn khả thi hiện nay. Trong trường hợp của Serbia vào năm 1999, kết quả nhận lại được cũng không rõ ràng. Nhà lãnh đạo Serbia Slobodan Milosevic đã chấp nhận hầu hết các yêu cầu của NATO sau một chiến dịch ném bom kéo dài hàng tháng của NATO, nhưng rất khó để tách rời ảnh hưởng của vụ nén bom khỏi ảnh hưởng của nhiều năm trừng phạt, vốn đã gây thiệt hại nặng nề hơn cho nền kinh tế Serbia so với vụ đánh bom. Do đó, lịch sử hàng thập kỷ không cung cấp nhiều cơ sở để tin rằng Ukraine có thể phá vỡ ý chí chiến đấu của Nga bằng một chiến dịch ném bom khiêm tốn.

Một số nhà phân tích cho rằng kết quả có lợi nhất của việc ném bom chiến lược là khả năng chuyển hướng nỗ lực quân sự của kẻ thù khỏi chiến tranh trên bộ sang phòng không, hoặc khả năng phá hủy năng lực sản xuất vũ khí của kẻ thù, từ đó làm suy yếu lực lượng kẻ thù trên chiến trường. Nhưng để làm được một trong hai điều đó trên quy mô đủ lớn là một nhiệm vụ khổng lồ. Trong Thế chiến II, các cường quốc Đồng minh đã sử dụng hơn 710.000 máy bay để thả hơn hai triệu tấn bom xuống Đức trong ba năm rưỡi—và sản lượng vũ khí của Đức vẫn tăng từ tháng 1 năm 1942 đến tháng 7 năm 1944. Chỉ trong những tháng cuối cùng của cuộc chiến, sau khi lực lượng không quân Đức phần lớn bị tiêu diệt, chiến dịch khổng lồ này mới làm tê liệt lực lượng mặt đất Đức. Ngay cả với lợi thế của công nghệ hiện đại, không có khả năng việc chuyển giao vũ khí phương Tây cho Ukraine hiện nay có thể cho phép họ thực hiện một chiến dịch có quy mô tương tự như vậy. Ngay cả khi Ukraine bằng cách nào đó có thể thực hiện một chiến dịch quy mô lớn như thế, Nga vẫn có thể tiếp cận vũ khí và trang thiết bị nước ngoài – nhờ các quốc gia như Triều Tiên và Trung Quốc – mà các cuộc tấn công của Ukraine không thể chạm tới.

Đánh giá rủi ro

Tất nhiên, việc thực hiện các cuộc tấn công sâu rộng hơn sẽ giúp ích cho Ukraine. Làm hư hại các nhà máy hoặc cơ sở hạ tầng bên trong nước Nga có thể giúp nâng cao tinh thần của người Ukraine, giống như những tác động mà cuộc đột kích ném bom nhỏ của Mỹ vào Tokyo năm 1942 đã tạo ra đối với tinh thần của người Mỹ trong CTTG II. Nhưng bây giờ, cũng như khi đó, khả năng này sẽ không làm thay đổi tình hình quân sự trên thực địa.

Với quan điểm như trên, các đối tác của Kyiv nên đặt ra câu hỏi liệu những lợi ích quân sự khiêm tốn có xứng đáng với nguy cơ leo thang hay không. Câu trả lời sẽ xoay quanh việc đánh giá khả năng mở rộng xung đột và khả năng chấp nhận rủi ro của các chính phủ và công chúng phương Tây. Điều sau cùng là một đánh giá mang tính giá trị; phân tích quân sự đơn thuần không thể quyết định nên vạch ra giới hạn ở đâu. Những gì nó có thể làm là dự báo hậu quả chiến trường của các quyết định chính sách. Nếu phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với khả năng tấn công thọc sâu của Ukraine, hậu quả khó có thể bao gồm sự thay đổi mang tính quyết định đối với tiến trình của cuộc chiến.

STEPHEN BIDDLE là Giáo sư về Quan hệ Công và Quốc tế tại Đại học Columbia và là thành viên cấp cao phụ trách về Chính sách Quốc phòng tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here