Tiên sư cha cái lưỡi không xương! (Kỳ 3)

0
27
   

Dương Tự Lập

3-9-2024

Xàm sư Bảo nói, Bác Hồ sống chỉ có 79 mùa xuân thôi mà dùng tới 180 bút danh, bí danh thì ấy là nhân văn và huyền thoại lắm, các đồng chí nhớ cho điều đó. Trong đấy mang nhiều tên phụ nữ đẹp như T. Lan, Thanh Lan, Tuyết Lan, Thu Giang, Việt Hồng, Mộng Liên, Hồng Liên, Diễm Hương (không thấy có Út Huệ) … Ấy là vì Bác dành tình cảm đặc biệt, quan tâm yêu thương phụ nữ lắm, dù Bác không vợ, không con, không gia đình riêng?

Cả đời nghiên cứu về Bác Hồ mà không nghe xàm sư Bảo nêu bút danh Trần Dân Tiên của Bác khi Bác dùng để viết cuốn sách: “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch“, cùng bút hiệu T. Lan với cuốn: “Vừa đi đường vừa kể chuyện“. Hai quyển này ca ngợi Bác Hồ, như vậy nghĩa là Bác tự viết sách khen Bác.

Bút danh C.B cũng “Của Bác”, đăng trên báo Nhân Dân bài: “Địa chủ ác ghê” bịa đặt, vu khống bà mẹ địa chủ yêu nước Nguyễn Thị Năm (Cát Hanh Long) trong vụ Cải cách Ruộng đất, trước ngày đem ra pháp trường bắn bà năm 1953; cùng hàng chục ngàn cái chết oan ức, hàng trăm ngàn người bị bắt giam tức tưởi.

Ảnh chụp bài báo “Địa chủ ác ghê” của tác giả C.B., tức ông Hồ, đăng trên báo Nhân Dân, trước khi ra lệnh bắn bà Nguyễn Thị Năm.

Chao ôi! Gây ra bao nhiêu cái chết oan khiên, khiến hàng chục ngàn gia đình tan nát, nhưng không thấy Bác Hồ, người đứng đầu nhà nước lúc đó từ chức, chỉ còn lại hình ảnh Bác lấy khăn trắng chấm vào khóe mắt như diễn viên gạo cội mà thôi. Rồi Bác đẩy cho Tổng Bí thư Trường Chinh từ chức, cùng Hồ Viết Thắng ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương Đảng năm 1956.

Ảnh: Ông Hồ lau nước mắt tại kỳ họp Quốc hội khóa I, tháng 12-1956. Nguồn: Wiki

Vụ án Xét lại Chống Đảng năm 1967, bắt giam không xét xử nhiều nhân vật quan trọng của Đảng Lao động Việt Nam và nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vụ Phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm 1958 tống giam oan sai nhiều văn nghệ sĩ. Vụ tàn sát đẫm máu thường dân thành nội Huế – Mậu Thân 1968… Đáng nói, Huế lúc đó thuộc Việt Nam Cộng hòa, có chủ quyền độc lập riêng. Trên cương vị cao nhất, là Chủ tịch nước lúc bấy giờ, nhưng ông Hồ không hề chịu trách nhiệm trước những việc tày trời như vậy xảy ra. Xàm sư Bảo đều né hết những chuyện như thế này để khua môi, múa mép tép nhẩy ba la bá láp chuyện nhố nhăng linh tinh khác.

Mười năm cuối đời bác Hồ đã phát 6000 (sáu nghìn) huy hiệu mang hình Bác Hồ cho các cá nhân đã làm việc tốt. Chỗ này mới là điều đáng nói chứ không phải khen, thưa xàm sư Bảo. Chúng ta phải biết ông Hồ rất sành tiếng Hán, chữ Hán. Chẳng thế, quyển thơ “Nhật ký trong tù”, tức “Ngục trung nhật ký”, thay vì viết tiếng mẹ đẻ, ông Hồ đã viết toàn chữ Hán, trọn vẹn 135 bài thơ. Vậy lẽ nào ông Hồ không biết nghĩa chữ (Huy) là sáng, đẹp, là ánh sáng, ánh sáng mặt trời. Cho đúc Huy hiệu mang hình của mình, có nghĩa là ông Hồ đã tự cao, tự đại, tự cho mình là ánh sáng, gương sáng. Như vậy ông Hồ thiếu khiêm tốn rồi.

Ảnh chụp trang bìa tập thơ “Ngục Trung Nhật Ký” bằng chữ Hán. Nguồn: Wiki

Năm 1967, tướng Nguyễn Chí Thanh đột tử, chết ở tuổi 53. Ông Hồ truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh hạng Nhất. Ghê chưa! Ngáo sư Bảo có nghĩ uyên thâm như ông Hồ chắc lúc tặng Huy, Huân chương cho người khác, tự ông ta biết mình ở hạng người nào rồi chứ?

Xàm sư Bảo kể: Có một vị tướng đến gặp, khoe với Bác, chúng ta có một trận đánh đẹp. Bác bảo kể cho Bác nghe. Vị tướng say sưa kể, chúng ta giết được bao nhiêu là giặc, bắt được bao nhiêu là tù binh, thu được bao nhiêu là vũ khí… Bác nghe hết, nghe hết, nghe hết rồi Bác bảo, “này chú, đổ máu nhiều như thế mà chú gọi là đánh đẹp sao, bất đắc dĩ chỉ gọi là đánh giỏi thôi, đã đổ máu thì không bao giờ được gọi là đánh đẹp”. Vì trong Kinh thánh có nói đã là máu thì máu nào cũng đỏ, đã là nước mắt thì nước mắt nào cũng mặn. Đấy, Bác Hồ của chúng ta sâu sắc, tinh tế biết bao nhiêu vì Bác chúng ta là một nhà giáo, một nhà báo, một nhà ngôn ngữ học còn là một nhà thơ…

Chưa biết ông Hồ sâu sắc, tinh tế đến thế nào, chứ mà nhìn cái lưỡi không xương của xàm sư Bảo leo lẻo, lắt léo, như rắn độc còn tinh vi, tinh tế gấp vạn lần ông Hồ. Ở đây, ta không nghe xàm-ngáo sư Hoàng Chí Bảo nhắc lại câu nói sắt máu của lãnh tụ Hồ: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng kiên quyết giành cho được độc lập”.

Ông Hồ gốc người Việt Nam thứ thiệt, nhưng tôi dám cá cược rằng, xàm sư Hoàng Chí Bảo, kẻ bỏ cả một đời rất đỗi phí hoài chuyên nghiên cứu về Bác Hồ của ông, nếu chỉ cho tôi được một hình ảnh nào đó lãnh tụ Hồ Chủ tịch mang trang phục dân tộc áo dài khăn đóng. Mất gì tôi cũng cá, cả các học trò xuất sắc của ông Hồ cũng vậy luôn.

Người ta bảo mang trang phục truyền thống là góp phần nhận diện bản sắc, là cốt cách, linh hồn của từng dân tộc, là nét đặc trưng riêng để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Nhất là ở thời ông Hồ sống. Đối lập với ông Hồ thời đó có Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm, là người luôn tự hào mang trên mình bộ áo dài, khăn đóng truyền thống dân tộc. Kể cả khi tiếp các nguyên thủ quốc gia, hay khi đi thăm nước người xứ lạ.

Ảnh: Tổng thống Ngô Đình Diệm mặc quốc phục tại sân bây bay Canberra, trong chuyến thăm nước Úc năm 1957. Nguồn: National Archives of Australia
Tổng thống Ngô Đình Diệm trong trang phục dân tộc tiếp vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej, năm 1959. Nguồn: Corbis

Trong tất cả các câu chuyện về ông Hồ, duy chỉ có điều này chúng ta cần nhìn nhận một cách công tâm, rằng ông quyết định sáng suốt khi tôn trọng sự thật về nguồn gốc gia tộc của mình. Cuối đời, ông đã vứt bỏ hết những cái tên Nguyễn Sinh Cung, Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Tất Thành… quyết lấy lại họ Hồ như ta thấy trên Lăng mộ của ông đề: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, không tủi danh dòng họ Hồ Sĩ Tạo có gốc gác từ Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Mảnh đất địa linh nhân kiệt ấy đã mấy lần cha ông Hồ, tức cụ Nguyễn Sinh Sắc ghé thăm và chị gái ông Hồ là bà Nguyễn Thị Thanh cũng mấy lần tới thắp hương nơi đấy.

Có lẽ vì lý do đó cho nên Lãnh tụ Hồ rất có thiện cảm với những người Quỳnh Đôi như Hồ Tùng Mậu, Hồ Viết Thắng, Hoàng Văn Hoan. Chính ông hai lần về thăm quê hương năm 1957 – 1961 đều ghé đất Quỳnh Đôi. Cũng chính ông Hồ đưa Hoàng Văn Hoan, người đầu tiên sang Trung Quốc – một quốc gia tối quan trọng đối với Việt Nam ở mọi thời đại – thiết lập quan hệ Ngoại giao năm 1950. Một sai phạm cũng hết sức nghiêm trọng, chính Hoàng Văn Hoan, sau chiến tranh biên giới năm 1979, tị nạn lại Trung Quốc, đã cho họp báo quốc tế tại Bắc Kinh, ủng hộ Trung Quốc đánh Việt Nam, coi khinh đất mẹ.

Chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, của xàm sư Bảo, đã đưa Bảo lên đỉnh cao nhất của một đời người. Những tưởng lão Tuyên giáo học giả không học thật này khi đạt tới đỉnh “vinh quang” ấy, phải tự biết mình để dừng lại dưỡng già, ai dè Bảo lại đâm đầu vào ngâm cứu tiếp đề tài mới “Con đường tâm”, tâng bốc lên mây tay xàm tăng Thích Chân Quang, tức Vương Tấn Việt, cháu gọi ông Hồ Chủ tịch nước bằng bác ruột. (Theo video Vương Tấn Việt về thăm quê tôi, ghi lại).

 

Khi chuyện bằng cấp giả của Vương Tấn Việt tại Đại học Luật – Hà Nội xảy ra, mới lộ hết bản chất giáo giở đê tiện bỉ ổi của Hoàng Chí Bảo. Bảo chối phắt, quay ngoắt 180 độ, rằng Bảo không hề có mối quan hệ quen biết gì với Thích Chân Quang, chẳng qua được mời đến Đại học Luật – Hà Nội và thấy mặt Quang phúc hậu nên Bảo nổi máu nghề nghiệp ca tụng mà thôi.

Ảnh: Thích Chân Quang trong ngày nhận bằng “Tiến sĩ” Luật. Nhân vật mặc quân phục bên phải là Nguyễn Tất Trung, con trai ông Hồ với bà Nông Thị Xuân. Nguồn Ảnh: PGVN

Sau đó, Quang nóng mắt tung ra tiếp video, cho biết trước đó Bảo đã bay vào ngợi ca Quang hết lời ngay trong hang Thiền Tôn Phật Quang cũng mang tên của hắn ở Bà Rịa – Vũng Tàu trước mấy chục ngàn con nhang đệ tử. Chọn địa danh này làm bản doanh, xàm sư Quang rất quỷ quyệt, muốn mượn tiếng bà Út Huệ (Lê Thị Huệ), tình nhân của ông Nguyễn Tất Thành (Hồ Chủ tịch), bác của Quang, khi xưa cũng từng tu ở nơi đây.

 

Khi Bảo nói và giơ cao cuốn sách “Con đường tâm” của Thích Chân Quang, viết giống con đường tâm của Bác Hồ thì mọi người tin, tin sái cổ, vì bác cháu không giống cái này cũng giống cái kia. Buổi nói chuyện vừa dứt, Quang đã lên ấn vào mặt Bảo khung ảnh sang trọng, được mưu mô in ấn, đóng sẵn từ trước với hàng chữ “Vinh danh người kể chuyện phi thường Giáo sư – Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo”. Khen Bảo nhưng kẻ được lợi nhuận ở đây nhiều hơn tất cả chính là Quang.

Ảnh: Hoàng Chí Bảo (phải) cùng với Thích Chân Quang tại Thiền Tôn Phật Quang. Nguồn: Ảnh chụp màn hình

Tôi thành thực khuyên xàm sư Bảo nên quay lại xin lỗi xàm tăng Quang ngay để giữ mạng sống, cũng như uy tín cho Bảo. Nếu Bảo loạng quạng, Quang đập tiếp, Bảo chết tươi chưa kịp khiếp luôn. Bảo không lường trước được tay xàm tăng mưu sâu kế bẩn khả ố này sẽ còn có thể tung cả ghi âm lẫn ghi hình khi nó dúi vào tay Bảo mấy trăm triệu tiền lót tay mà Bảo đã ăn ngay của hắn.

Bảo cố chống chế biện minh Thích Chân Quang chỉ mới mắc lỗi nhỏ mới đây thôi, càng chứng tỏ Bảo là tay Tuyên giáo giỏi nói láo chứ không có con mắt tình báo.

Mười năm trước, năm 2014, khi cả nước xuống đường phản đối Trung Cộng trong vụ đặt giàn khoan Hải Dương – 981 ở khu vực Biển Đông, gần quần đảo Hoàng Sa, thì Thích Chân Quang đã tung clip “Biển Đông dậy sóng” phỉ báng người anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt đánh tan quân Tống, rằng Lý Thường Kiệt hỗn hào với nước đàn anh Trung Quốc. Trên thế giới các quốc gia lớn nhỏ đều bình đẳng như nhau, không ai xưng là anh, cũng chẳng ai nhận là em, khái niệm ấy chỉ có mấy ông Cộng sản với nhau, như Việt Nam – Trung Quốc.

 

Tôi thách ai dám chửi Lý Thường Kiệt, tôi đố ai dám ngang nhiên đưa bầu đoàn thê tử về quê tôi thắp hương nơi Từ đường họ Hồ mạo nhận mình là con cháu họ hàng với Hồ Chí Minh như xàm tăng Thích Chân Quang đã làm như vậy. Mật vụ nổi chìm, nhất là thời “Quân khu Hưng Yên” trỗi dậy, Công an trị của soái ca Tô Lâm đông như lâm tặc lại chẳng lao tới, xích cổ tức thì, nhưng riêng Vương Tấn Việt vẫn cười khì khì vênh váo làm điều đó mà vô can. Đến khi Bảo so sánh Thích Chân Quang như Triết gia Karl Marx của Đức quốc, thì tôi bó thực sự, mọp ngay đầu gối chịu ông… chào thua xàm sư thật.

Chỉ còn vương lại trong tôi lời vàng ý ngọc, lời oanh tiếng yến của Xàm sư, Tiến sĩ Tuyên giáo Hoàng Chí Bảo, gửi tới Đại đức, Tiến sĩ bằng giả ĐH Luật – Hà Nội Thích Chân Quang:

Vương Tấn Việt là cái tên rất đẹp các bạn ạ. Tấn Việt cơ mà, chúng ta đang khát vọng phát triển đất nước. Cái tên của thầy, có thể nói như là một cái biểu tượng tinh thần, trước hết cho chính bản thân thầy và cái niềm truyền cảm hứng cho chúng ta. Hãy góp phần vào sự phát triển đó bằng những công việc bình dị và sâu sắc của chúng ta.

Còn tên pháp danh của thầy đó là thượng tọa Thích Chân Quang. Chân Quang tức là chân lý rạng sáng, tôi hiểu như vậy và điều ấy có thể tìm thấy trong chiều sâu của triết lý nhà Phật cũng như là triết lý ở ngoài đời. Chúng tôi có một cảm giác rằng, dường như không còn khoảng cách nữa giữa đạo và đời, giữa người tu hành với người trong trần thế này. Vì chúng ta gặp nhau ở một đồng cảm sâu sắc là chỉ muốn đem lại những điều tốt đẹp, có ích cho cuộc sống và điều ấy cũng chính là điều chúng ta mong đợi từ rất lâu và mãi mãi sau này.

Tôi có một cảm nhận như thế này, không biết các bạn có chia sẻ không. Thầy Thích Chân Quang của chúng ta, tiến sĩ Vương Tấn Việt của chúng ta mang những nét hình ảnh rất là đẹp của Bác Hồ”.

Ông Ngáo sư Hoàng Chí Bảo dứt khoát đã ăn ngập tiền của xàm tăng  Thích Chân Quang, thì ông nên dùng từ cho chính xác. Thầy Thích Chân Quang của ông và Tiến sĩ Vương Tấn Việt của ông, sao lại quàng vào “của chúng ta, chúng tôi” ở đây. Ông dùng từ lệch chuẩn rồi.

Kết luận cuối cùng, Vương Tấn Việt giống nét đẹp của Bác Hồ cực kỳ chính xác!

Cảm ơn xàm sư Bảo khơi lại lòng tôi rưng rưng nhớ người bạn Nguyễn Hoàng Long. Long “bác” đang học năm thứ nhất khoa văn Đại học Bách khoa Hà Nội phải bỏ chuyện học qua một bên, cầm súng lên biên giới đánh giặc Trung Quốc năm 1979. Long không bị chết trận mà bị chết vì cái lưỡi không xương như Bảo mới đau.

Chẳng là sau đánh Tàu năm 1980, hắn chửi nhau với thằng Quang “y” cùng đại đội tôi. Cả nhà Quang “y” bố mẹ đều là bác sĩ ngành y. Long biết nên mới đố Quang, Bác Hồ dạy: “Lương y như từ mẫu” là sao hả Quang? Thầy thuốc như mẹ hiền, có gì phải đố. Long cười toét lắc đầu giải thích:

– “Lương y” là thầy thuốc thì đúng rồi; “từ” là bỏ; “mẫu” là mẹ, có nghĩa: Gặp phải lương y là bỏ mẹ.

Vố đau đấy, Quang “y” gài bụng để có ngày chơi lại Long “bác” nhân sinh nhật Bác Hồ vĩ đại:

– “Bác Hồ vĩ đại là sao hả Long”?

Vẫn thói quen, “bác” học Long giải thích:

– “Bác” là rộng là lớn; “hồ” là con cáo con chồn; “vĩ” là đuôi; “đại” là to. Không lẽ con cáo lớn đuôi to? – Long cười khoái trá.

Chính trị viên Hoằng đứng ngoài lán từ hồi nào, bước vào gọi Long lên nhà đại đội, lúc sau Long xuống, mặt tái mét, gấp chăn màn khăn gói nhét ba lô chào đồng đội bất ngờ cùng tay văn thư dẫn Long lên gặp Tiểu đoàn trưởng. Từ đó Long “bác” không trở về với chúng tôi nữa, loáng thoáng nghe đâu hắn bị tống tù.

Tôi cũng đã được đọc những trang bản thảo sắc sảo lúc chưa in thành sách “Búp sen xanh” với tranh minh họa của bác Văn Cao trong đó. Được nghe chú Sơn Tùng nói: “Chuyện Bác Hồ dẫu có trăm năm cũng chưa rõ hết ngọn nguồn“. Đơn phương tự mình bỏ cả đời nghiên cứu về Bác Hồ, nên hôm nay tôi đến đây có mang theo mình một chữ Tâm. Con đường Bác hồ cũng là con đường tâm. Nhưng cái Tâm của tôi không giống cái tâm của ai đó cóp nhặt mượn lời người khác răn dạy thiếu nhi rồi chạy sang Paris, Pháp quốc làm kẻ lừa đảo.

Tôi có một cảm nhận như thế này, không biết các bạn có cùng chia sẻ không. Giáo sư Bảo mến yêu của chúng ta có giọng nói, cách nói, dáng điệu nói uyển chuyển, thiết tha và khả năng truyền cảm diệu kỳ, nghĩa là có tính thuyết phục, thu phục rồi chinh phục lòng người tuyệt vời. Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo khả kính của chúng ta lại có đức độ, phong độ với thái độ thể hiện khuôn mặt tử tế, nhân từ, phúc hậu sâu đậm chất nhân văn mang những nét hình ảnh rất là đẹp của Bác Hồ vĩ đại.

Nguổn : https://baotiengdan.com/2024/09/03/tien-su-cha-cai-luoi-khong-xuong-ky-3/

Advertisement
   

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here