(GDVN) – Khi người dân chưa hiểu rõ pháp luật thì phải hướng dẫn, giải thích, nếu ngoan cố chống đối thì mới dùng đến biện pháp hình sự.
07:32 22/04/16
Sáng 21/4/2016, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông báo: “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh và các cơ quan chức năng thành phố này dừng ngay vụ việc khởi tố hình sự chủ quán “Xin Chào” do lỗi “chậm đăng ký kinh doanh” 5 ngày.
Thủ tướng cũng yêu cầu “làm rõ trách nhiệm, đồng thời tiến hành kiểm điểm cá nhân, tập thể cơ quan chức năng liên quan trong vụ khởi tố vụ án hình sự quán phở. Nếu sai phạm lớn có thể tiến hành tạm đình chỉ công tác cán bộ”. [1]
Ngày 19/4/2016 Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đã chỉ đạo Giám đốc công an TP.Hồ Chí Minh, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố khẩn trương làm rõ vụ việc.
Bí thư Đinh La Thăng khẳng định: “Nếu sai phạm thì việc trước tiên là phải xử lý nghiêm, lấy lại niềm tin của nhân dân, đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh của thành phố cho tất cả người dân, doanh nghiệp”. [2]
Vấn đề tưởng chừng đã rõ, không có gì phải bàn luận bởi hai vị Ủy viên Bộ Chính trị đã vào cuộc, đặc biệt là ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Tiến hành kiểm điểm cá nhân, tập thể cơ quan chức năng liên quan trong vụ khởi tố vụ án hình sự quán phở”.
Có thể hiểu các “cá nhân, tập thể cơ quan chức năng liên quan” trực tiếp đến vụ việc là Công an và Viện Kiểm sát nhân dân huyện Bình Chánh.
Người dân và truyền thông dành nhiều quan tâm không chỉ vì cách giải quyết vụ án rất nhanh, gọn của ngành công an và Viện Kiểm sát nhân dân huyện Bình Chánh mà còn vì những câu hỏi được người có trách nhiệm phía Công an trả lời báo chí sáng 21/4/2016.
Thật ngạc nhiên khi nghe ý kiến của ông Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an thành phố: “Bây giờ buộc tội thì có người thông hoặc chưa thông, làm sao làm vừa lòng hết mọi người”?
Người dân không yêu cầu các vị “làm vừa lòng hết mọi người” mà chỉ cần các vị “làm vừa lòng pháp luật”.
Nếu không có chuyện “bới bèo ra bọ” hay “quét nhà ra rác” thì vì sao lại có chuyện bới “quán phở” ra “sử dụng nước không đạt quy chuẩn kỹ thuật để chế biến thực phẩm, sử dụng khu vực chế biến có côn trùng gây hại; thải nước thải chưa qua xử lý vào môi trường”?
Thật lòng, người viết lúc đầu cũng hơi ngờ ngợ bởi sau phát biểu của ông Phan Anh Minh về chống tham nhũng thì không lẽ ông chỉ nhận thấy “có bóng dáng Hải quan” mà không hề có “bóng dáng Công an”?
Người bình thường nhất cũng có thể trả lời câu hỏi: “Có bao nhiêu cửa hàng ăn uống trên lãnh thổ Việt Nam và bao nhiêu gia đình người Việt xử lý nước thải sinh hoạt trước khi đổ ra môi trường?”
Ở đây chưa nói đến các khu công nghiệp, các trang trại chăn nuôi, các khách sạn cao cấp, các khu văn phòng cho thuê…
Nếu Công an huyện Bình Chánh quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng như vậy thì hãy trả lời câu hỏi vì sao 5 năm trước, ngày 7/9/2011 truyền thông đã lên tiếng cảnh báo “Ô nhiễm tràn ngập Bình Chánh” [3] nhưng đến ngày 13/11/2015 Báo Công an thành phố lại phải lên tiếng “trại heo hàng nghìn con “khủng bố” người dân bằng mùi hôi nồng nặc”? [4]
Cũng theo bài báo đã dẫn, [3] ông Nguyễn Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết, kiểm tra 53 tuyến kênh chảy qua địa bàn huyện có 28 tuyến ô nhiễm nhẹ, 18 tuyến ô nhiễm trung bình và 7 tuyến ô nhiễm nặng do nước thải từ các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất và thượng nguồn (huyện Củ Chi) đổ về.
Phải chăng vì những nơi bị ô nhiễm này nằm cách xa trụ sở Công an huyện nên các vị không nhìn thấy, và cũng không bị “khủng bố bằng mùi hôi nồng nặc”, còn quán phở kia nằm đối diện ngay trước trụ sở nên Công an huyện “bị khủng bố bằng mùi phở”, hay vì sự án ngữ trước cổng khiến phạm vào “phong thủy” nên Công an cần phải “làm cho ra nhẽ”?
Trong buổi họp báo sáng 21/4/2016, ông Phan Anh Minh thừa nhận: “Ban đầu Viện Kiểm sát nhân dân Bình Chánh cũng có nghi ngờ nên không phê chuẩn quyết định khởi tố. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu hồ sơ thì đã bổ sung chứng cứ và Viện Kiểm sát nhân dân ra cáo trạng”. [2]
Thế là đã rõ, tuy có “tí chút” trục trặc ban đầu nhưng rồi hai bên cũng ngay lập tức tìm thấy tiếng nói chung, cùng nhau thống nhất khởi tố hình sự chủ quán phở “Xin Chào”.
Người Việt có câu “ông mất cân giò, bà thò chai rượu” để nói lên cách thức đối xử hai bên cùng có lợi, vì sao Viện Kiểm sát nhân dân chỉ “nghiên cứu hồ sơ” mà đã vội ra cáo trạng?
Một khi đã “nghi ngờ” thì phải tiến hành điều tra, tìm nhân chứng, vật chứng nơi thực địa chứ không phải tìm trong “hồ sơ”, về điều này chẳng lẽ cán bộ Viện Kiểm sát nhân dân huyện Bình Chánh … quên?
Người ta không thể không nhớ đến vụ án Nguyễn Thị Bạch Tuyết vừa được xét xử tại thành phố Hồ Chí Minh.
Ngay từ đầu truyền thông và các luật sư đã chỉ ra khá nhiều sai sót trong quá trình tố tụng song phải hơn hai năm sau (tháng 3/2016) Hội đồng xét xử mới ra quyết định khởi tố vụ án để làm rõ vai trò của đối tượng Yee Lip Chee (quốc tịch Malaysia trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty L&M Việt Nam).
Trong vụ án này sự phối hợp của Công an (điều tra) và Viện Kiểm sát nhân dân cũng rất “nhịp nhàng”, liệu đó có phải là “thói quen” khó sửa?
Vụ việc quán phở “Xin Chào” tưởng chừng “bé như cái móng tay” nhưng vì sao hai Ủy viên Bộ Chính trị phải vào cuộc? Phải chăng nó thể hiện những mảng sáng – tối lớn hơn “rất nhiều cái móng tay” của các cơ quan hành pháp nước nhà?
Giá như Công an và Viện Kiểm sát nhân dân huyện Bình Chánh “học tập kinh nghiệm” cấp thành phố trong vụ án Nguyễn Thị Bạch Tuyết, chịu khó “chần chừ” chỉ vài chục ngày nữa, khi Luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực thì vụ việc không đến nỗi “bé xé ra to” như thế này.
Kinh doanh là phải tuân thủ pháp luật, kinh doanh dịch vụ ăn uống phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, điều này hoàn toàn đúng, không có gì phải bàn luận.
Vấn đề là người dân chưa hiểu thì phải hướng dẫn, giải thích, nếu ngoan cố chống đối thì mới dùng đến biện pháp hình sự.
Người viết hy vọng ông Phó Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh không vì chuyện của Bình Chánh mà suy giảm nhiệt huyết.
Nếu thấy cấp dưới vẫn đúng thì đấu tranh đến cùng cho lẽ phải, nếu kiểm điểm thấy sai thì nhận lỗi, sửa sai, không vòng vo né tránh. Dũng cảm nhận khuyết điểm chỉ làm tăng uy tín của ngành Công an trước nhân dân, cũng là tăng uy tín của người cán bộ lãnh đạo.
Nghị quyết Đại hội Đảng 12 ghi rõ: “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng…”, vậy nên khuyến khích tư nhân kinh doanh đúng pháp luật nên được xem là ưu tiên, còn nếu “trên thảm, dưới đinh, ở giữa linh tinh vừa còng vừa … lệ” thì thật khó để kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển đất nước.
Tài liệu tham khảo:
[3]https://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/o-nhiem-tran-ngap-binh-chanh-20110907102442875.htm