Trọng Nghĩa / RFI
Hai tờ L’Obs và Courrier International thì nói về các khó khăn của lãnh vực văn hóa sau nhiều tuần lễ sinh hoạt bị ngưng trệ vì lệnh phong tỏa chống dịch Covid-19, trong lúc Le Point và L’Express đề cập đến các hệ quả của phong trào chống kỳ thị chủng tộc bùng lên tại Mỹ rồi lan rộng ra thế giới.
Câu hỏi đầu tiên mà độc giả có thể đặt ra là nguyên nhân vì sao mà tuần báo Anh The Economist rất có uy tín lại khai thác chủ đề trật tự thế giới vào lúc này? Đó là vì cách nay đúng 75 năm, ngày 26 tháng Sáu năm 1945, đại diện các nước trên thế giới đã ký kết bản Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, thành lập định chế có nhiệm vụ duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia.
UNhappy birthday – Một sinh nhật không vui cho LHQ
Có điều là, như The Economist nêu bật, Liên Hiệp Quốc đã phải cử hành sinh nhật thứ 75 trong một bầu không khí không vui chút nào. Bên dưới tựa chính ở bên trong, tuần báo Anh đã chơi chữ với một ghi chú ngắn UNhappy birthday, nghĩa là “Sinh nhật không vui” nhưng với chữ UN viết bằng chữ in hoa, tên tắt tiếng Anh United Nations ( Liên Hiệp Quốc ).
Tình trạng vô trật tự, hay nói đúng hơn là mất trật tự của thế giới hiện nay đã được The Economist nêu bật trong một hồ sơ gồm 7 bài viết.
Trong bài phân tích chính mang tựa đề “Quyền lãnh đạo toàn cầu bị mất tích trong lúc thi hành nhiệm vụ – Global leadership is missing in action”, The Economist đã điểm lại các mốc chính trong 75 năm tồn tại vừa qua của Liên Hiệp Quốc để cho rằng, nếu ban đầu các lãnh đạo thế giới đã biết kiến tạo hòa bình ngay khi còn lâm chiến, thì ngày nay, họ cần phải làm y như vậy.
Covid-19: Thêm một thách thức
Theo tuần báo Anh, đại dịch Covid-19 vừa bùng phát là một thử thách mới đối với trật tự được thiết lập cách nay 75 năm dưới quyền lãnh đạo của Mỹ. Thế nhưng, giờ đây, với tổng thống Donald Trump ở Nhà Trắng, vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ không còn thấy đâu, trong lúc hai thế lực còn lại Trung Quốc và Liên Hiệp Châu Âu vẫn chưa đủ sức đảm đương.
Đối mặt với dịch bệnh, ông Trump không chỉ gợi ý về những cách chữa bệnh kỳ quặc, mà còn quan tâm nhiều hơn đến việc đổ lỗi cho Trung Quốc về đại dịch, thay vì huy động sức lực của thế giới chống đại dịch, thể hiện qua việc đình chỉ tài trợ và đe dọa rời bỏ Tổ Chức Y Tế Thế Giới.
Còn Trung Quốc thì rõ ràng thiếu tư cách lãnh đạo. Phản ứng ban đầu của Bắc Kinh đối với virus corona là che giấu sự thật, rồi đến khi dùng biện pháp mạnh chặn được dịch bệnh thì lại khoe khoang thành tích trên khắp thế giới và ban ơn cho các nước.
Riêng châu Âu thì vội vàng đóng cửa biên giới, kể cả trong khu vực Schengen trên danh nghĩa không còn biên giới. Trong bối cảnh đó, một Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc bị chia rẽ đã hầu như bị tê liệt, trở thành kẻ bị “mất tích trong lúc thi hành nhiệm vụ”
Nga và Trung Quốc: Thành viên thường trực HDBA đi cướp đất!
Đối với The Economist, không phải chờ đến đại dịch Covid-19 thì trật tự thế giới mới chao đảo, mà từ hơn một thập niên trước đây, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-09 đã nuôi dưỡng hai xu hướng dân túy và nghi kỵ các định chế quốc tế.
Đối với tuần báo Anh, ngay cả các thành viên thường trực nắm quyền phủ quyết tại Hội Đồng Bảo An lẽ ra phải tôn trọng trật tự, cũng đã lơ là việc này. Hai ví dụ nổi cộm: Nga đã thản nhiên giành lấy Crimée, một lãnh thổ của Ukraina, trong lúc Trung Quốc thì chiếm cứ các vùng tranh chấp ở Biển Đông.
Sau khi phân tích thêm về các dấu hiệu hỗn loạn trong trật tự thế giới ngày nay, The Economist đã cố đưa ra một kết luận ít nhiều lạc quan:
“Liên Hiệp Quốc từng muốn tiến hành một cuộc tham khảo ý kiến rộng lớn về tương lai của chủ nghĩa đa phương nhân sinh nhật thứ 75. Dịch Covid-19 đã làm đảo lộn nghị trình toàn cầu, nhưng cũng tạo ra một cơ hội. Thay vì phá hủy hệ thống hiện hữu, biến động đang diễn ra có thể thôi thúc các nước tìm cách củng cố guồng máy. Điều đó có nghĩa là lên kế hoạch cho tương lai khi đang giải quyết khủng hoảng của hiện tại. Ngày nay, giới lãnh đạo thế giới cần phải học tập những gì mà đàn anh của họ đã đạt được một cách tuyệt vời vào năm 1945.”
Bên cạnh bài viết chính nêu trên hồ sơ đặc biệt của The Economist đã lần lượt đi sâu vào chi tiết của từng vấn đề.
Bài “Ai hiện đang điều hành thế giới” nêu bật thực trạng đang xẩy ra là “trong lúc nước Mỹ bắt đầu mệt mỏi, thì Trung Quốc tỏ ra nôn nóng”. Vấn đề là, trái với Mỹ, một siêu cường từng gánh vác công việc của cả hành tinh, Trung Quốc chỉ muốn lợi dụng tư thế lãnh đạo để muốn làm gì thì làm.
Hai bài viết khác nêu bật các khó khăn mà định chế trên nguyên tắc có nhiệm vụ bảo vệ hòa bình trên thế giới đang gặp phải. Bài “Liên Hiệp Quốc có quá nhiều việc để làm” nêu bật các “nhiệm vụ bất khả” mà định chế phải thực hiện nhằm duy trì hòa bình tại những vùng có chiến sự, ở Châu Phi hay ở Trung Cận Đông. Bài thứ hai mang tựa đề “Quả bom hẹn giờ của việc kiểm soát vũ khí hạt nhân” tự hỏi là phải chăng hiệp ước Start Mới giữa Nga và Mỹ sắp đến ngày tàn, nhưng cho rằng thảm họa hạt nhân hoàn toàn có thể tránh được.
Bài thứ tư trong hồ sơ của The Economist nhận định một cách bi quan: “Các cơ chế của Liên Hiệp Quốc thiết lập từ năm 1945 không còn thích ứng với năm 2020, đừng nói chi là sau đó”.
Hai bài cuối nêu lên khả năng cải thiện tình hình: “Liên Hiệp Quốc đang huy động lực lượng cho một phần tư thế kỷ tới đây” và “Ba kịch bản tương lai cho Liên Hiệp Quốc”.
Le Point: Nước Mỹ dẫn chúng ta đi về đâu?
Tạp chí Le Point trên trang bìa nêu câu hỏi: “Nước Mỹ dẫn chúng ta đi đến đâu”, với ghi chú bên trên dòng tựa: “Những gì ám ảnh người Mỹ sẽ đổ bộ vào Pháp”.
Le Point đăng bài nhận định của ông Gérard Araud, đại sứ Pháp tại Mỹ từ năm 2014 đến 2019, nêu bật tình hình nước Mỹ hiện nay
Với nào là Covid-19, biểu tình bạo động chủng tộc, nào là kinh tế suy thoái, cuộc vận động tranh cử tổng thống đã vượt quá tưởng tượng của những nhà soạn kịch bản tài ba nhất của Hollywood và có vẻ thuận lời cho ứng viên Joe Biden. Nhưng phải cảnh giác, vì Donald Trump luôn cho thấy là ông rất mạnh trong nghịch cảnh.
Theo Le Point, Covid-19 và suy thoái kinh tế đã chia lại ván bài tranh cử, những với các cuộc biểu tình bạo động mang tính chủng tộc tiếp theo cái chết của George Floyd. Cả Trump lẫn Biden đều biết là họ đi vào vùng đất xa lạ.
Giờ đây, họ là những ứng viên không có chiến dịch tranh cử theo đúng nghĩa, trong một đất nước chao đảo, đi từ khủng hoảng lớn này đến khủng hoảng lớn khác, và mỗi khủng hoảng lại đối lập hai thành phần dân chúng, không nói chuyện với nhau và cũng không hiểu nhau.
Covid-19 và biểu tình chống kỳ thị phân đôi nước Mỹ
Dịch Covid-19 đã đoàn kết được người Mỹ, cho dù đất nước gặp thử thách. Bên Dân Chủ cố thuyết phục cho việc phong tỏa, trong lúc phía Cộng Hòa thì giảm nhẹ mức nguy hại của dịch bệnh, cho rằng biện pháp phong tỏa cản trở quyền tự do, đe dọa kinh tế và họ đã nhanh chóng dỡ bỏ phong tỏa tại các bang mà họ kiểm soát. Hai hình ảnh trái ngược: New York vẫn ngưng hoạt động trong lúc mà người ta tự do ra bãi biển ở Florida.
Cũng như vậy, trong trường hợp cái chết của George Floyd, thay vì tỏ sự cảm thông với cộng đồng da đen và kêu gọi đoàn kết thì ông Trump lại đổ thêm dầu vào lửa, thóa mạ các thị trưởng và thống đốc đảng Dân Chủ đang phải đương đầu trước hỗn loạn, và kêu gọi đàn áp. Nhiều nhân vật đảng Dân Chủ đã quỳ một đầu gối xuống đất để tỏ sự đoàn kết với người biểu tình, trong lúc đài Fox News (thân Donald Trump) và tổng thống thì xem người biểu tình chỉ là những kẻ cướp bóc tả khuynh và vô chính phủ…
Tác giả bài viết kết luận: “Những người Châu Âu chúng ta giờ đây, một lần nữa trở nên những khán giả bất lực của một cuộc đấu tranh mà kết quả sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến số phận của chúng ta. Đối với chúng ta, đây có lẽ là cuộc bầu cử Mỹ quan trọng nhất từ thời Franklin Delano Roosevelt vào năm 1932”.
L’Express: Bài da trắng, một dạng kỳ thị chủng tộc mới
Trong dòng thời sự, phong trào chống kỳ thị chủng tộc bùng lên tại Mỹ rồi lan rộng ra thế giới tiếp tục thu hút sự chú ý và đã được L’Express nêu bật trên trang bìa.
Tựa đề “Sự ra đời của một nạn kỳ thị mới”, đã trích dẫn câu nói của nữ triết gia Pháp Élisabeth Badinter, kèm theo ghi nhận về một số biểu hiện lệch lạc: “đặc quyền da trắng”, “chủng tộc hóa”, “hạ bệ tượng đài”.
Trong 3 trang, nhà triết học phân tích tình hình, trở lại những sự kiện bên Mỹ như cái chết của George Floyd hay bên Pháp như vụ Adama Traoré, và đề cập đến hiện tượng kỳ thị bài da trắng mà bà không tán đồng chút nào:
“Khi người Pháp gốc Ả Rập hay da đen bảo vệ tính phổ quát của nền Cộng Hòa, thì họ bị thóa mạ là hèn hạ, nịnh bợ, nhưng tôi đồng tình với họ, tôi thấy họ rất can đảm. Rất khó mà đứng lên chống lại cộng đồng của mình để bảo vệ tính phổ quát. Tôi rất ngưỡng mộ những người có dũng khí này chỉ vì họ cho là cần thiết về mặt chính trị cũng như đạo đức”.
Nữ triết gia kết luận: “Tôi nghĩ đây là sự ra đời của một hình thức kỳ thị chủng tộc mới, mà “người da trắng” là biến tướng cuối cùng, có thể dẫn đến một sự phân cách xã hội thực thụ. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy người ta giờ đây nói đến “người da trắng” chứ không còn là “người phương Tây”, và đó là biểu hiện của ý muốn nêu trở lại vấn đề kỳ thị chủng tộc, tức là loại trừ nhau”.
L’Obs: Sân khấu lâm nguy do Covid-19
Phát hành vào thời điểm thế giới lục tục tái lập các sinh hoạt bình thường sau hàng tháng trời đóng cửa gài then vì dịch Covid-19, tuần báo Pháp L’Obs đã đặc biệt chú ý đến các khó khăn mà ngành sân khấu điện ảnh Pháp đang gặp phải.
Ngay trên trang bìa, L’Obs đưa ra lời cầu cứu: “SOS Spectacle”, với từ spectacle chỉ chung mọi hoạt động biểu diễn từ ca múa nhạc đến kịch nghệ, sân khấu.Tạp chí đã lên tiếng kêu cứu cho giới hoạt động văn hóa văn nghệ, vì các diễn viên kịch, đạo diễn, ca sĩ, nhạc sĩ… là những nạn nhân lớn của cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra.
Trong một hồ sơ dài 14 trang, tạp chí dành diễn đàn cho một số “nạn nhân” thuộc giới văn nghệ sĩ, để họ vừa nói lên nỗi bực tức, vừa thể hiện một chút hy vọng.
Theo L’Obs, các sinh hoạt văn hóa đang dần dần được khôi phục, các hiệu sách, rạp chiếu bóng và sắp tới là các viện bảo tàng sẽ mở cửa trở lại, thế nhưng không phải mọi thứ đều tốt đẹp: “Các nghệ sĩ đang thoi thóp”, và việc hủy bỏ các liên hoan văn nghệ lớn cho thấy là “nghệ thuật biểu diễn là nạn nhân số 1 của Covid-19, không ai biết là khi dịch bệnh dứt hẳn, tình trạng ngành này sẽ như thế nào”.
Theo ước tính của tạp chí Pháp, sẽ có đến ít nhất 22.000 người hoạt động trong lãnh vực văn hóa văn nghệ theo quy chế công nhật, và 4.200 người có quy chế thường trực sẽ phải thôi việc hoặc đổi nghề.
Courrier International: Văn hóa thời hậu Covid-19
Tạp chí Courrier international cũng dành trang bìa cho lãnh vực văn nghệ với hàng tít lớn “Cơn khát văn hóa”.
Theo ghi nhận của Courrier International, trong mọi lãnh vực, từ biểu diễn ca nhạc, điện ảnh, cho đến triển lãm…, tất cả đều đã thay đổi với đại dịch và đâu là những thách thức phải giải quyết?”
Courrier International muốn cho thấy “sự hồi sinh và những chuyển biến” của lãnh vực văn hóa văn nghệ, vốn bị tác hại rất nghiêm trọng sau hàng tháng trời phong tỏa, không chỉ đối với giới chuyên nghiệp trong ngành mà cả đối với khán giả, người hâm mộ nghệ thuật.
Một trong những thay đổi quan trọng mà tờ báo ghi nhận là vai trò các công cụ kỹ thuật số, đã đem đến một cách mới để “phổ biến và tiêu thụ” nghệ thuật, mà hệ quả tốt xấu cần phải xem lại.
Một mùa hè thiếu vắng các liên hoan
Theo thông lệ, Courrier International trích dẫn báo chí nước ngoài để xem xét tình hình đó đây. Tạp chí trích nhật báo Đức Süddeutsche Zeitung, cho biết tình hình ở Áo. Từ giữa tháng 3, các nhà hát, viện bảo tàng, rạp chiếu bóng đều đóng cửa, thế nhưng sau 3 tháng bị buộc phải “ngủ yên”, các nơi này vẫn phải kiên nhẫn.
Các viện bảo tàng đang mở cửa dần dần, nhưng mùa hè 2020 này sẽ là một mùa hè ngoại lệ, không liên hoan văn nghệ hay hòa nhạc. Nếu liên hoan nhạc cổ điển Salzbourg, mừng sinh nhật 100 tuổi, là một ngoại lệ được duy trì với những biện pháp an toàn khắt khe, thì như tờ báo mỉa mai, đó chẳng qua là vì vấn đề du lịch nghệ thuật đã “chi phối quyết định”.
Ngoài Áo, Courrier International liệt kê các liên hoan ở Pháp như Eurockéennes ở Belfort, liên hoan sân khấu Avignon, hay ca nhạc Rock en Seine, hoặc ở Anh như liên hoan Glastonbury hay lễ hội Notting Hill Carnival ở Anh, liên hoan nhạc jazz Montreux ở Thụy Sĩ, liên hoan nhạc rock Primavera Sound ở Tây Ban Nha…, vốn thu hút hàng ngàn người hâm mộ, sẽ không diễn ra.
Mô hình “sản xuất” và “tiêu thụ văn hóa” sẽ thay đổi
Đằng sau việc hủy bỏ hàng loạt này là cả một lãnh vực kinh tế – liên quan đến nào là nghệ sĩ, kỹ thuật viên, nào là các hiệp hội, định chế – sẽ bị suy sụp.
Cho nên theo tạp chí, đối với các tác nhân văn hóa, cả một mô hình cần phải xem xét lại, về mặt cung ứng cũng như tài chính. Đối với khán giả thì cũng phải thay đổi thói quen.
Courrier International nhìn thấy một nét tích cực là chuyện này đã khởi đầu ngay lúc còn phong tỏa. Các nghệ sĩ đã không ngồi yên chờ đợi, mà đã có nhiều sáng kiến để tiếp cận với công chúng.
Ở mọi nơi, từ Seoul, Matxcơva, cho đến New York, Bắc Kinh, các nghệ sĩ, các viện bảo tàng, các định chế đều đưa ra những sáng kiến để thích nghi, đổi mới…