Trao đổi với Việt Long: Bàn về đối thoại

0
125
www.allwallpapersfree.org

Nguyễn Đình Cống

13-6-2017

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ngày 12 tháng 6 trang Bùi Văn Bồng đăng bài của Việt Long, đầu đề: Cần làm rõ nhiều vấn đề trong những cuộc đối thoại tương lai. Qua bài viết, thấy tác giả muốn hướng dẫn dư luận về đối thoại. Đọc xong bài, thấy không thể đồng ý vài điểm, tôi xin nêu để tác giả và bạn đọc tham khảo.

Tác giả cho rằng: “mong muốn (đối thoại) đó đã không thành hiện thực bởi nhiều lý do, trong đó quan trọng nhất là do sự chống đối quyết liệt của những thế lực phản động đã ngăn cản nhiều người có quan điểm khác biệt nhưng có lòng yêu nước, muốn tận hiến cho sự phát triển đất nước tham gia đối thoại”. Việt Long viết như thế nhưng liệu có tin vào điều ấy không, có nêu được dẫn chứng nào không? Theo những nguồn thông tin khác đáng tin cậy thì việc không tổ chức được đối thoại chính là từ các cơ quan của Đảng. Chẳng có thế lực phản động nào ngăn cản đối thoại theo các đề nghị của Nguyễn Trung, Chu Hảo và nhiều người khác.

Tác giả lại viết: “Trước hết những người đối lập cần làm ngay một việc để quần chúng có thể tin cậy, dù là tối thiểu vào họ: Đó là nói thật, nói đúng, đừng nói dối, đừng trá ngụy, lừa mỵ”. Những người đối lập ở đây chắc là những người bất đồng chính kiến ở trong hoặc ngoài một số tổ chức dân sự. Câu trích dẫn vừa rồi ám chỉ những người bất đồng đó chưa nói thật. Phải chăng đây là lời vu vạ thiếu căn cứ. Ngược lại thì nhiều người đã thấy rõ sự dối trá là biện pháp trong tuyên truyền của các tổ chức Đảng.

Tác giả cho rằng: “Điều kiện cần quan trọng nhất cho tất cả mọi người tham gia không chỉ cuộc đối thoại này mà mọi cuộc đối thoại là những người tham gia phải cùng chung mục đích”.

Đây là ý cần bàn. Đối thoại có nhiều loại. Có đối thoại sự vụ, nhằm giải quyết những bất đồng trong một việc cụ thể nào đó, ví dụ cuộc đối thoại ở Đồng Tâm vừa rồi. Lại có những cuộc đối thoại về quan điểm giữa các bên khi họ có ý kiến khác nhau, có chủ trương khác nhau trên cùng một vấn đề. Lúc này đối thoại nhằm giải thích quan điểm của mình, nghe và phản bác quan điểm của đối phương. Quan trọng hơn là đối thoại được công khai để cho mọi người chứng kiến, tự mình hiểu và đánh giá ý kiến của mỗi bên để có sự lựa chọn cần thiết. Ví dụ, đối thoại loại này là giữa các ứng viên tổng thống. Trong đối thoại giữa 2 ứng viên thì mục đích của mỗi người là giành phần thắng về mình và đánh bại người kia. Liệu như vậy họ có chung một mục đích hay không. Trong trường hợp như vậy, có mục đích chung của cuộc đối thoại và mục đích riêng của từng bên.

Về mục đích, Việt Long viết: “Vậy mục đích của các cuộc đối thoại là gì? Là làm sao để Đất nước chúng ta phát triển cả về kinh tế, cả về xã hội, làm sao để con người Việt Nam phát triển cả về kiến thức, cả về kỹ năng, để giá trị người Việt tương bằng với mọi dân tộc văn minh trên thế giới. Hãy đối thoại để có những phương cách đạt được điều đó”.

Quá hay, quá đúng. Nhưng đó là mục đích xa, là điều trừu tượng mà ta cần hướng tới chứ chưa phải là mục đích cụ thể của từng cuộc đối thoại. Trong từng cuộc đối thoại phải nhắm đến mục tiêu cụ thể hơn, thí dụ những cam kết của 2 bên trong sự việc Đồng Tâm, vấn đề nên hay không nên duy trì chế độ công hữu ruộng đất, nên hay không nên có cái đuôi trong kinh tế thị trường, nên hay không nên có đảng đối lập, nên hay không nên kiên trì Chủ nghĩa Mác Lê (CNML) v.v… Việt Long không viết ra nhưng qua bài viết có thể đoán là: Muốn đối thoại gì thì cũng phải giữ nguyên sự độc quyền lãnh đạo của Đảng, giữ nguyên thể chế, kiên trì CNML. Nếu thế thì trước mắt có thể sửa đổi một vài chính sách nào đó, xoa dịu một vài căng thẳng đâu đó, chứ làm sao đạt được mục đích xa như mong muốn.

Trong lúc Đảng kiên trì CNML và hầu hết những người bất đồng chính kiến, những nhà hoạt đông dân chủ đều cho rằng cần từ bỏ nó, thì tác giả viết: “Không ai điên bàn về chuyện đúng sai của chủ nghĩa cộng sản, hay Mác đúng hay sai, chuyện ấy các nhà triết học thế giới đã làm, còn làm.” Vâng, người ta đã làm, còn làm, nhưng Đảng vẫn kiên trì vì cho nó là đúng. Người ta làm, thế tại sao ta làm thì lại là điên. Ta khẳng định rồi à? Ta không đủ trình độ để đối thoại à?

Vạch ra một vài điều như thế để chứng tỏ đó không phải chỉ là những hạt sạn mà là những chất độc hại được cố tình giấu kín trong bài viết. Nếu không cảnh giác, cứ tin vào thiện chí và trình độ của tác giả thì có khi bị ngộ độc mà không biết.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here